Giải ngân ODA chậm vì bị "ngâm" thủ tục
16:23' 18/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - 25,3 tỷ USD là con số mà nguồn vốn viện trợ chính thức (ODA) của các nhà tài trợ dành cho Việt Nam từ năm 1993 đến nay. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân của Việt Nam mới đạt 70-80% kế hoạch và thấp hơn hẳn khu vực. Nguyên nhân có nhiều nhưng chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng thừa nhận: ''yếu tố chủ quan là chính''.

Nhiều dự án có vốn ODA vẫn đang dậm chân tại chỗ.

Các dự án lớn đều chậm

Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho VN, nhưng tình hình giải ngân các khoản vay của Chính phủ Nhật trong các năm qua đều ở mức thấp: năm tài khóa 2001 là 9,8%, năm 2002 là 7,2% và năm 2003 dự kiến 10-12%. Đây là những con số thấp hơn hẳn tỷ lệ trung bình 15% của các nước tiếp nhận khác. Đặc biệt, các dự án thuộc UBND Hà Nội và TP.HCM có mức giải ngân hoặc bằng, hoặc thấp hơn 30% của kế hoạch giải ngân.

Một số nhà tài trợ ODA chủ yếu cho Việt Nam

Trong 10 năm qua, Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 3 nhà tài trợ chủ chốt của Việt Nam với mức ODA cam kết hàng năm chiếm khoảng 70% tổng ODA.

Trong năm 2003, Nhật Bản cam kết tài trợ 747 triệu USD, ADB cam kết 390 triệu USD. WB đã thông qua Chiến lược quốc gia, theo đó, mỗi năm sẽ cho Việt Nam vay theo 3 phương án 300 triệu USD, 600 triệu USD và 900 triệu USD. Số còn lại được các nước châu Âu, các tổ chức quốc tế cam kết viện trợ cho Việt Nam.

Trong 2 năm còn lại (2004-2005), nếu tình hình kinh tế toàn cầu được cải thiện thì việc vận động để giữ được mức cam kết như năm 2003 (2,8 tỷ USD) là có thể thực hiện được.
(Nguồn: Bộ Kế hoạch Đầu tư)

Do tốc độ giải ngân của một số dự án thấp hơn kế hoạch, tổng cộng đã có 26 hiệp định phải gia hạn giải ngân, riêng trong năm 2003, đã có 6 hiệp định vay vốn của JIBIC phải đề nghị gia hạn thời hạn rút vốn. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, trong năm 2004 này, dự kiến một số dự án vẫn sẽ khó khăn trong giải ngân ODA như: dự án phục hồi Thủy điện Đa Nhim, dự án Nhà máy Điện Ô Môn, dự án đường dây 500 KV Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm.

Đối với vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB), cho đến hết năm 2003, nhìn chung giải ngân cho tất cả các lĩnh vực sử dụng vốn vay ưu đãi của WB đều thấp hơn mức trung bình trong khu vực, nhất là các lĩnh vực y tế, giao thông và giáo dục. Tỷ lệ giải ngân năm 2003 đạt 14,3%, thấp hơn mức trung bình của khu vực là 18%. Đặc biệt, dự án năng lượng hệ thống và cổ phần hóa chậm 93% so với kế hoạch, dự án trung tâm truyền máu chậm 92%, dự án phát triển giáo viên tiểu học chậm 87%.

Cần đơn giản hóa thủ tục phê duyệt 

Một yếu tố khiến các dự án có vốn ODA chậm thực hiện là thủ tục của các nhà tài trợ còn rườm rà, việc phê duyệt phải qua nhiều bước, hồ sơ thường bị lưu giữ lâu tại văn phòng các nhà tài trợ do văn phòng đại diện tại Việt Nam có ít thẩm quyền, phải thường xuyên xin ý kiến cơ quan cấp trên ở nước ngoài.

Tuy nhiên, có vô số những ''yếu tố chủ quan'' làm chậm tiến độ các dự án, đặc biệt là vấn đề chậm giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhiều dự án. Hiện, dự án thi công hầm bộ hành lang Ngã tư Vọng Hà Nội đang gặp khó khăn do 124/147 hộ dân không nhận tiền đền bù và 23 hộ đang chờ đền bù. Dự án xây dựng trung tâm truyền máu (do WB tài trợ) cũng trong tình trạng chậm tương tự từ 1 năm nay do vẫn chưa được thành phố Hà Nội cấp đất. Trong khi đó, chính sách giải phóng mặt bằng của các nhà tài trợ ngày càng chặt chẽ. WB, JBIC đều yêu cầu phải hoàn tất giải phóng mặt bằng trước khi phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu hoặc nội dung hợp đồng, nhất là với các công trình giao thông vận tải.

Ngoài ra, thủ tục phê duyệt thiết kế chi tiết, tổng dự toán, nội dung đấu thầu của phía VN thường chậm trễ, không chính xác. Nhiều dự án do Bộ Xây dựng phê duyệt thiết kế chi tiết và tổng dự toán kéo dài nhiều năm, gây chậm trễ cho tiến độ triển khai thực hiện dự án. Trường hợp dự án xây dựng trục cáp quang biển Bắc - Nam do JBIC tài trợ, việc phê chuẩn luận chứng khả thi của Bộ Bưu chính Viễn thông cũng kéo dài trên 7 tháng.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, để nhanh chóng thúc đẩy tiến trình giải ngân ODA, thực tế hóa mục tiêu 10-11 tỷ USD vốn ODA trong kế hoạch 5 năm 2001-2005, ngoài việc nhanh chóng giải phóng mặt bằng dự án, các bộ, ngành phải đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt thiết kế chi tiết, tổng dự toán, hạn chế ''ngâm'' dự án như hiện nay.

  • Phương Thanh

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nghệ sĩ, nhà báo sẽ bị khấu trừ 10% khi nhận thu nhập (17/03/2004)
TP.HCM ký kết 4 chương trình hợp tác CNTT (16/03/2004)
11.500 tỷ nợ xây dựng cơ bản sẽ được xử lý như thế nào? (16/03/2004)
Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia cầm (15/03/2004)
DN khu chế xuất được ưu đãi thuế theo ''Chương trình thu hoạch sớm'' (15/03/2004)
Đà Nẵng: Sẽ rút 50% thủ tục thời gian cho nhà đầu tư khởi nghiệp (14/03/2004)
Hôm nay, khai mạc "Năm du lịch Điện Biên" (13/03/2004)
DN Nhà nước cũng sẽ bị giám sát (11/03/2004)
Nhiều công trình xây dựng có nguy cơ bị bỏ rơi do giá thép cao (11/03/2004)
Quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị (10/03/2004)
Hải quan sẽ bị giám sát bằng camera (10/03/2004)
Nghiêm cấm dùng thưởng cho DN có thành tích đóng thuế (09/03/2004)
DN Việt Nam hãy nhanh chân đối với thị trường láng giềng (08/03/2004)
Tuyến xe lửa nằm giữa tim xa lộ Hà Nội (06/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang