(VietNamNet) - Ông Lê Đức Niệm là người có nhiều tâm huyết và am hiểu ngành Bưu chính - Viễn thông VN. Ông vừa gửi cho VietNamNet bài viết với cách nhìn mới và rất tâm huyết của mình. Tôn trọng ý kiến của tác giả, VietNamNet chuyển tới bạn đọc toàn văn bài viết của ông và rất mong nhận được những ý kiến tranh luận của bạn đọc về vấn đề này.
|
Cạnh tranh BCVT ở nước ta bước đầu có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều bất cập. |
Trong 15 năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đã từng bước đi lên, đạt được tiến bộ to lớn. Từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu nhiều so với bưu chính - viễn thông thế giới và khu vực, thậm chí nghèo nàn và lạc hậu nhiều hơn so với các ngành kinh tế - kỹ thuật khác ở trong nước, bưu chính - viễn thông nước ta đã sớm hướng ra nước ngoài, thực hiện việc liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư, tranh thủ vốn và kỹ thuật cùng kinh nghiệm quản lý của các nước cho sự phát triển, mở rộng, đổi mới và hiện đại hóa mạng lưới và dịch vụ, nhanh chóng hội nhập vào mạng lưới và dịch vụ bưu chính - viễn thông quốc tế, từng bước nâng cao năng lực phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thông tin của toàn xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tích cực mở rộng quan hệ về mọi mặt với thế giới. Hiện nay, Bưu chính - Viễn thông đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Để nước ta nhanh chóng hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi Bưu chính - Viễn thông VN phải đi trước một bước, làm cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm và thúc đẩy cho kinh tế xã hội phát triển. Điều đó yêu cầu Bưu chính - Viễn thông phải nhanh chóng mở cửa thị trường, khuyến khích cạnh tranh, huy động mọi nguồn lực để phát triển.
Trước năm 1995, ở nước ta chỉ có Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) là doanh nghiệp nhà nước duy nhất thành lập theo nghị định 91 CP đóng vai trò chủ đạo trong kinh doanh dịch vụ BCVT – CNTT. Từ năm 1995, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã lần lượt cho phép nhiều doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần ra đời tham gia kinh doanh dịch vụ BCVT – CNTT như: Vietel, SPT, ETC, Netnam, Vishipel, FPT, OCI... Như vậy tất cả các thành phần kinh tế (nhà nước, tập thể và tư nhân) đều đã tham gia kinh doanh dịch vụ BCVT - CNTT. Đã có nhiều nhà kinh doanh thì cạnh tranh tất yếu phải diễn ra. Cạnh tranh là cần thiết để phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ, hạ giá thành và giá cước, làm lợi cho người tiêu dùng, nên cần khuyến khích phát triển và mở rộng cạnh tranh. Nhưng trong xã hội ta, trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh phải lành mạnh, phải công khai và bình đẳng; cạnh tranh là thúc đẩy cùng nhau tiến bộ chứ không phải cạnh tranh để chèn ép và tiêu diệt lẫn nhau. Hơn nữa, đi vào hội nhập kinh tế quốc tế, cần nâng cao sức cạnh tranh tổng thể của cả nước, của tất cả các doanh nghiệp, chứ không riêng của một doanh nghiệp nào. Đặc biệt là lĩnh vực BCVT – CNTT có đặc thù riêng, hoạt động theo mô hình hệ thống lớn, có mạng lưới liên kết, mở rộng phục vụ trong cả nước, cho tất cả mọi đối tượng trong xã hội và hội nhập vào mạng lưới quốc tế, trao đổi dịch vụ với bất cứ quốc gia và vùng lãnh thổ nào, cho nên giữa các mạng của các doanh nghiệp khác nhau phải được kết nối với nhau; áp dụng chung một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật; theo cùng một hệ thống thể lệ nghiệp vụ thống nhất, và ăn chia cước dịch vụ trao đổi giữa các mạng theo cùng một hệ thống các quy định đã thỏa thuận với nhau. Do đó giữa các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, đi đôi với cạnh tranh là phải hợp tác. Cạnh tranh đi đôi với hợp tác là cạnh tranh có điều kiện và hợp tác đi đôi với cạnh tranh phải là hợp tác trung thực, cạnh tranh và hợp tác trong phạm vi hợp tình hợp lý; có trọng tài sáng suốt và công bằng, được quản lý sâu sát, nhanh nhạy, chặt chẽ, nghiêm minh, có như thế mới thúc đẩy nhau cùng phát triển được.
Nhưng tình hình cạnh tranh và hợp tác về bưu chính, viễn thông ở nước ta từ lúc khởi đầu cho đến nay, đi đôi với sự phát triển, tiến bộ đáng khích lệ, đã tồn tại nhiều vấn đề cần phải được xem xét giải quyết để thúc đẩy các bên và cả lĩnh vực đều phát triển, hạn chế những tác hại về nhiều mặt đối với đất nước đang cần tiến nhanh và tiến lên một cách vững chắc; phòng chống mọi nguy cơ trong tình hình chung vẫn còn phức tạp và đầy bất trắc.
Xét ở góc độ nhà kinh doanh kỳ cựu là VNPT, là một doanh nghiệp chủ đạo bưu chính viễn thông quốc gia, vốn thoát thai từ một cơ quan sự nghiệp thông tin của Đảng và Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, phục vụ là chính, kinh doanh là phụ, hoạt động theo kiểu bao cấp lấy thu bù chi, được nhà nước bù lỗ, hướng độc quyền một cách tự nhiên, trong một thời gian dài “một mình một chợ”, nên khi chuyển sang kinh doanh, có phần kém năng động, bảo thủ, dù muốn hay không vẫn rơi rớt tư tưởng và cách làm độc quyền, cửa quyền, bảo thủ, kém năng động, không tích cực đẩy mạnh kinh doanh, dù vô tình hay cố ý, vẫn ít nhiều không ủng hộ và cản trở cạnh tranh, không muốn chia sẻ thị phần cho các doanh nghiệp mới hình thành, không tích cực giải quyết yêu cầu kết nối của các mạng khác, gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Nếu luật lệ và Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông không đưa ra các quy định về pháp lý, không có sự can thiệp và điều hành của Chính phủ, không có sự đấu tranh của các doanh nghiệp mới, không có sức ép của người dùng và dư luận của các cơ quan truyền thông, thì VNPT sẽ thiếu tích cực đổi mới, không mở rộng hợp tác, chậm chạp trong việc phát triển, phấn đấu hạ giá thành và nâng cao chất lượng phục vụ, để phục vụ ngày càng tốt hơn và cũng sẽ chậm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp chủ đạo bưu chính, viễn thông quốc gia trên bước đường hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Nhưng nhìn ở góc độ các doanh nghiệp mới, thì ý thức kinh doanh và tư tưởng cạnh tranh khá rõ nét, đã “xông” vào các lĩnh vực dịch vụ có nhu cầu, ở các địa bàn kinh doanh có lãi, nhờ đó đã mở rộng phục vụ, phần nào đã góp phần thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng, hạ giá cước dịch vụ, có lợi trực tiếp cho người dùng, được số đông hoan nghênh và ủng hộ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mới vẫn còn nhiều yếu điểm. Yếu điểm lớn nhất là thiếu đầu tư, chậm xây dựng trang bị mạng lưới của mình, thiếu năng lực phục vụ và kinh doanh, chủ yếu vẫn phải dựa vào mạng lưới và cơ sở kỹ thuật vốn cũng chưa thực mạnh mẽ và dư dả gì của VNPT để kinh doanh ảo, chia xẻ thị phần, làm ra doanh thu và lợi nhuận, nên cũng phát triển chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu huy động nhiều nguồn lực cho phát triển từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau mà đảng và Nhà nước đã đề ra. Cạnh tranh như thế là cạnh tranh trong thế yếu, khó có thể đòi hỏi sự bình đẳng. Muốn khắc phục tình trạng đó, phải liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tích cực tìm nguồn vốn đầu tư để xây dựng trang bị, hiện đại hóa mạng lưới riêng của mình; để ứng dụng kỹ thuật mới, đa dạng hóa dịch vụ, phục vụ tiện lợi, có chất lượng cao, với giá thành hạ hơn. Có thể không cần phải lập nhiều doanh nghiệp mới, nhỏ lẻ, cạnh tranh manh mún, mà sáp nhập lại thành một vài doanh nghiệp lớn mạnh, để cạnh tranh có hiệu quả như ở các nước có mạng viễn thông phát triển. Như ở Malaixia, Chính phủ chỉ cho tồn tại có 3 nhà khai thác viễn thông, các doanh nghiệp nhỏ yếu phải sáp nhập vào các doanh nghiệp lớn. ở Hàn Quốc cũng vậy, từ 5 nhà khai thác dịch vụ thông tin di động, Chính phủ bắt sáp nhập lại chỉ còn có 3 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này. ở Trung Quốc chỉ có một doanh nghiệp bưu chính cho cả nước và về cơ bản cũng chỉ có 6 tập đoàn viễn thông lớn cạnh tranh với nhau. ở ta trong tình hình mới “bung ra”, chưa thể sắp xếp lại, thì đi đôi với cạnh tranh nên chủ động đặt vấn đề hợp tác chặt chẽ, các bên cùng có lợi với VNPT, vì không là hợp đạo lý khi cứ hô hào mở rộng và tăng cường cạnh tranh, chống độc quyền đối với VNPT, trong khi chưa có mạng riêng đủ mạnh, phải kinh doanh ảo bằng chính mạng lưới của VNPT. Trong tình hình đó cũng không thể nói được là kết nối giữa các mạng, mà là thuê mượn mạng lưới khác (kể cả quốc tế, đường dài và nội hạt) để kinh doanh. Kinh nghiệm như ở Mỹ, vào những năm 70, khi Luật Viễn thông năm 1934 chưa được sửa đổi, để chống độc quyền của AT & T, Chính phủ Mỹ đã buộc AT & T phải chia tách, tách phần nội hạt thành lập 7 công ty Bell con để kinh doanh, AT & T chỉ còn kinh doanh dịch vụ đường dài và quốc tế. Nhưng cũng đã nhanh chóng phát hiện ra như vậy là không phù hợp, nên Luật Viễn thông mới sửa đổi năm 1996 của Mỹ đã cho tất cả các doanh nghiệp đều có thể được kinh doanh cả dịch vụ nội hạt, đường dài và quốc tế. AT & T đã quay lại kinh doanh điện thoại nội hạt, muốn sử dụng mạng của 7 công ty Bell con từ nó tách ra để thực hiện nhưng không được 7 công ty chấp nhận, đành phải tìm phương sách khác, như mua lại các mạng truyền hình cáp để tiếp cận thuê bao. Ngược lại các công ty Bell con muốn kinh doanh dịch vụ thông tin đường dài và quốc tế cũng phải dựa vào các công ty dịch vụ mạng (cho thuê kênh và tổng đài) khác để thực hiện. Có thời gian chính sách ở nhiều nước có xu hướng tách dịch vụ mạng và dịch vụ mạng thông tin riêng, nhưng gần đây đã lại sáp nhập. Thậm chí các nhà chế tạo thiết bị cũng thiết lập mạng để kinh doanh dịch vụ thông tin. Chỉ có làm như thế mới phát huy cao độ thế mạnh tổng hợp, tăng sức cạnh tranh và kinh doanh có hiệu quả. Ngay ở Trung Quốc trong các năm gần đây đã tiến hành cải cách một cách triệt để bưu chính viễn thông, cũng đã không chia tách kinh doanh mạng với kinh doanh dịch vụ.
Trở lại vấn đề cạnh tranh, nhất thiết phải quản lý thị trường dịch vụ thông tin, đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh đi đôi với hợp tác, không cho phép cạnh tranh lung tung, để rơi vào tình trạng vô chính phủ, có hại hơn là có lợi khi đi vào hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, phải đương đầu với cạnh tranh quốc tế. Đi đôi với khuyến khích phát triển các doanh nghiệp mới, cũng phải bảo đảm cạnh tranh công khai và bình đẳng, không hạn chế doanh nghiệp này mà thả lỏng doanh nghiệp khác và cần có sự xem xét để đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp chỉ kinh doanh ở các địa bàn thuận lợi, chi phí thấp hiệu quả cao và các doanh nghiệp được giao trọng trách bảo đảm thông tin quốc gia, phục vụ công ích, phục vụ phổ cập, cả ở vùng sâu vùng xa, đầu tư lớn chi phí cao mà không thu cước hoặc thu cước thấp, bị lỗ nặng mà không được cấp bù, phải thực hiện bù chéo từ dịch vụ này sang dịch vụ khác, từ vùng này sang vùng khác… Cần sớm tách các dịch vụ này ra để hạch toán riêng và huy động quỹ phục vụ phổ cập để tài trợ, nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng và phát triển phục vụ thông tin cho toàn xã hội. Mặt khác, mục đích của tăng sức cạnh tranh khi đi vào hội nhập là phải đồng thời tăng sức cạnh tranh của tất cả các doanh nghiệp, chứ không phải là làm yếu sức cạnh tranh của doanh nghiệp này để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp khác, như có ý kiến đòi hỏi “xé lẻ VNPT thành nhiều doanh nghiệp khác nhau, để có sức cạnh tranh tương đồng, các doanh nghiệp khác mới cạnh tranh được (?)”. Và trên thực tế hiện nay ở nước ta mới có VNPT, với quy mô mạng lưới, sản lượng và doanh thu đến hàng tỷ USD Mỹ, là tương đối lớn mạnh, có sức thu hút đầu tư ở trong và ngoài nước, và có khả năng cạnh tranh nhất định với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông nướ |