(VietNamNet) - Với vị trí cửa ngõ trong giao dịch giữa Việt Nam và các nước ASEAN khi hội nhập AFTA; với quỹ đất lớn, lại được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt của một Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) quốc tế, KKTCK Mộc Bài (Tây Ninh) đã thu hút được sự quan tâm của khá nhiều người tại chợ phiên địa ốc lần thứ nhất đang diễn ra ở TP.HCM.
|
Bản đồ vị trí KKTCK Mộc Bài (mũi tên trắng, phía trái). |
Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài có quy mô và diện tích lớn nhất Việt Nam (21.283ha). Trung tâm của KKTCK là đô thị Mặt Trời, có diện tích 220ha, với các phân khu chức năng: trung tâm thương mại và dịch vụ quốc tế, cụm công nghiệp, khu kho ngoại quan, khu dân cư và công viên ven hồ, được xây dựng theo nhiều giai đoạn.
Dự án được khởi công vào cuối năm 2001. Có 5 công ty tham gia đầu tư, trong đó, đóng vai trò chính là Công ty AMASCO (Bộ NN-PTNT). Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng kinh doanh địa ốc công ty cho biết, đến nay đã xây dựng được hơn 50% các hạng mục công trình của dự án; và hiện có khá nhiều DN, cá nhân ở các tỉnh, nhất là TP.HCM, đăng ký mua nhà và đầu tư tại đây.
Thuận lợi phát triển thương mại dịch vụ, du lịch và công nghiệp
Ông Trần Lưu Quang - phó Ban quản lý dự án KKTCK Mộc Bài, phân tích: Nơi đây có vị trí giao thông thuận lợi, sát cửa khẩu Mộc Bài, cạnh đường xuyên Á nối TP.HCM với Phnom Penh (Campuchia) và các nước ASEAN; cách TP.HCM 70km, Phnom Penh 169km, có đường 786 nối thị xã Tây Ninh với Long An và các tỉnh ĐBSCL, rất tiện lợi cho việc giao thương về sau.
Một ưu thế khác của KKTCK Mộc Bài là có quỹ đất lớn, trong đó đa phần là đất ruộng nên giá rẻ. Tuy nhiên, theo ông Quang, điểm hấp dẫn nhà đầu tư nhất là vị trí của khu kinh tế rất thuận lợi cho việc phát triển thương mại dịch vụ, du lịch và xây dựng nhà máy công nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Đây sẽ là cửa ngõ trong giao dịch giữa Việt Nam với các nước ASEAN khi hội nhập AFTA, là đầu mối quan trọng trong giao thương quốc tế.
Ngoài ra, Mộc Bài cũng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt của một KKTCK quốc tế. Cụ thể: giá thuê đất thô tại đây thấp hơn nhiều so với các địa phương khác, chỉ từ 775.000 -1.085.000đ/ha/năm. Trong 4 năm đầu, các nhà đầu tư được miễn 100% tiền thuê đất thô, 4 năm tiếp theo được giảm 50%. Để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Tây Ninh tạo mọi điều kiện ưu đãi ở mức cao nhất về tiền thuê đất, tiền thuế, vay vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh, áp dụng chi phí các dịch vụ ở mức thấp nhất, thủ tục đầu tư "một cửa, một dấu" nhanh chóng, dễ dàng... Chủ đầu tư nước ngoài khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được hưởng thuế suất mức thấp nhất trong khung thuế theo luật định (hiện tại là mức 5%). Tỉnh Tây Ninh cũng kiến nghị Chính phủ cho phép KKTCK Mộc Bài trở thành khu mậu dịch tự do phi thuế quan nhằm tạo điều kiện phát triển thương mại, thu hút dân cư và phát triển công nghiệp.
Sẽ có thành phố Mặt Trời vào năm 2006
Đến nay, KKTCK Mộc Bài đã thu hút trên 30 dự án với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, chủ yếu là của các DN TP.HCM, đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ thương mại quốc tế, tin học, bưu chính viễn thông, xăng dầu, xây dựng khu công nghiệp, khu dân cư và phát triển du lịch sinh thái. Công ty TNHH Phi Long là đơn vị đầu tiên đầu tư xây dựng "thành phố Mặt Trời", từ năm 2002. Thành phố Mặt Trời khi hoàn thành (vào khoảng năm 2006) có diện tích 220ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, sẽ thực sự trở thành một trong những thành phố đẹp, hiện đại của khu kinh tế cửa khẩu.
Ông Quang nói rằng, tuy gọi là khu kinh tế nhưng thực chất KKTCK Mộc Bài là một khu đô thị cửa khẩu tương đương khu đô thị cấp 4 được xây mới hoàn toàn, với dân số khoảng 160.000 người. Dự kiến, khu thương mại - đô thị và công nghiệp Mộc Bài sẽ được định hình vào năm 2010.
|
Trong tương lai, cửa khẩu Mộc Bài sẽ trở thành nơi giao thương sầm uất của khu vực? |
Trước mắt, đến hết năm 2005, khi hoàn thành giai đoạn 1, nơi đây sẽ trở thành một đô thị với dân cư khoảng 40.000 người và nhiều khu dịch vụ - thương mại, công nghiệp trên tổng diện tích 986ha. Khi đó, vị trí và bộ mặt của vùng biên giới sẽ hoàn toàn đổi khác. Và đến năm 2010 khi xây dựng hoàn chỉnh KKTCK Mộc Bài thì cả một vùng biên giới rộng lớn với tổng diện tích tự nhiên 21.283ha sẽ trở thành một khu kinh tế năng động, là trung tâm thương mại - giao dịch và công nghiệp lớn ở biên giới phía Tây Nam của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Tây Ninh và cả khu vực.
Bên cạnh thành phố Mặt Trời, trong KKTCK Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh cũng quy hoạch cụm công nghiệp Mặt Trời với diện tích 105ha. Được biết, định hướng của Tây Ninh trong thời gian tới là phát triển công nghiệp, vì sản lượng công nghiệp của tỉnh hiện rất thấp, chỉ chiếm 16% trong tỉ trọng GDP. Tỉnh cho rằng khi công nghiệp phát triển sẽ thúc đẩy đô thị, thương mại, du lịch và giải trí phát triển. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất hàng hóa để giải quyết lao động trong tỉnh và xuất khẩu hàng hóa qua thị trường Campuchia, như may mặc, giày da, lắp ráp điện tử, công nghiệp chế biến...
Tây Ninh dự kiến từ nay đến năm 2005 sẽ huy động khoảng 250 tỷ đồng từ nguồn thu của các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh kết hợp với nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng cơ sở, thu hút các nhà đầu tư tới sản xuất kinh doanh.
|