263 tỷ đồng xúc tiến thương mại trọng điểm 2004
15:08' 02/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - 143 chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia 2004 vừa được Thủ tướng phê duyệt với trên 263 tỷ đồng, trong đó riêng hỗ trợ của Nhà nước là gần 169 tỷ đồng.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Thoan, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Thương mại về chương trình này.

Dệt may là mặt hàng được xúc tiến thương mại ưu tiên vào các thị trường phi hạn ngạch. Ảnh: Nguyễn Vũ

- Xin ông cho biết những điểm cơ bản của Chương trình Xúc tiến Thương mại trọng điểm 2004, chương trình năm nay có gì mới hơn năm 2003?

- Các chương trình năm nay phần lớn tập trung và hỗ trợ DN xúc tiến thương mại một cách trực tiếp như hỗ trợ DN tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm, tham gia các đoàn khảo sát thị trường nước ngoài. Điểm mới của chương trình năm nay là nhiều DN, hiệp hội DN đã chú ý đề đạt các chương trình thông tin thương mại, thông tin thị trường. Đây là điểm Việt Nam còn hạn chế.

Các Đề án Xúc tiến Thương mại trọng điểm 2004 do các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức xúc tiến thương mại thuộc các bộ, ngành và các tổng công ty ngành hàng chủ trì. Bộ Thương mại đang gấp rút cùng với các đơn vị triển khai các chương trình này. Trên thực tế, trước khi được phê duyệt, các đơn vị đang chủ động thực hiện một phần.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Văn Đạo, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: ''Năm 2003, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc rút tiền xúc tiến thương mại vì thủ tục tài chính rất rườm rà. Có những chương trình làm xong mà vẫn chưa được ứng tiền, có những chương trình như Chương trình Xây dựng Cổng điện tử cho Dệt may đến 16/12/2003 mới được nhận tiền Bộ Tài chính chuyển, xong phải tổ chức đấu thầu, chấm thầu, xét thầu rồi triển khai. Có những chương trình vì vậy phải xin gia hạn, rất mất thời gian.

Chương trình tham gia Hội chợ Las Vegas của chúng tôi năm vừa qua tuy nằm trong Chương trình Xúc tiến Thương mại trọng điểm nhưng cũng không lấy được tiền của ngân sách cho Xúc tiến thương mại trọng điểm, phải chuyển sang lấy tiền thu phí hạn ngạch của DN cho xúc tiến thương mại.

Như năm nay, Hội chợ Hongkong diễn ra từ tuần trước, mặc dù nằm trong Chương trình Xúc tiến Thương mại trọng điểm Quốc gia 2004 nhưng chúng tôi phải ứng trước và vận động các DN đóng góp kinh phí tham gia''.

- Xin ông cho biết cụ thể những thị trường và mặt hàng trọng điểm của các chương trình xúc tiến thương mại năm nay?

- Xúc tiến thương mại năm nay vẫn tập trung vào những thị trường lớn, những thị trường có tiềm năng như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và các nước Đông Âu, Hàn Quốc. Ngoài ra là các thị trường châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Mỹ, Lào, Campuchia, Australia....

Về mặt hàng, xúc tiến thương mại tập trung vào những mặt hàng có khả năng tăng năng lực sản xuất, có khả năng cạnh tranh và cho giá trị gia tăng cao như: đồ gỗ, trang trí nội thất, đồ chơi trẻ em, đồ nhựa. Ngoài ra, vẫn duy trì và phát triển xúc tiến thương mại cho các mặt hàng: thủy sản (cá basa, cá tra, cá rô phi, các loại tôm nuôi), gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, rau quả, dệt may, hàng điện tử, tin học, sản phẩm cơ khí, điện, thịt lợn, thực phẩm chế biến, vật liệu, gốm sứ xây dựng. Riêng đối với mặt hàng dệt may, tập trung vào các thị trường phi hạn ngạch, các chủng loại không bị áp hạn ngạch, các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

Bộ sẽ ưu tiên thẩm định các chương trình xúc tiến thương mại theo trình tự: xuất khẩu các hàng hóa trọng điểm vào thị trường trọng điểm, tiếp đó là xuất khẩu các hàng hóa trọng điểm vào các thị trường khác và cuối cùng là xuất khẩu tất cả các hàng hóa vào các thị trường khác.

- Thưa ông, hiện tượng các DN lợi dụng các chương trình xúc tiến thương mại để đưa nhân viên đi nước ngoài giải quyết ''chế độ'', làm giảm hiệu quả của xúc tiến thương mại đã được cải thiện chưa và cải thiện như thế nào?

- Trước kia, hiện tượng này có nhiều nhưng hiện nay, tình hình đã tốt lên nhiều. Bản thân các DN phải tính đến bài toán hiệu quả khi xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Về phía Cục Xúc tiến Thương mại, chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra chặt chẽ nhân sự của các DN ra nước ngoài, thứ nhất là năng lực giao dịch, thứ hai là đi có đúng mục đích không.

- Nhiều hiệp hội, DN có đề án xúc tiến thương mại được phê duyệt năm 2003 than phiền rằng thủ tục tài chính để rút tiền xúc tiến thương mại quá rườm rà khiến nhiều chương trình của họ không thực hiện được. Cục Xúc tiến Thương mại năm 2004 có biện pháp gì để giảm bớt khó khăn cho DN?

- Đối với các cơ quan quản lý tài chính, việc chi tiền có những thủ tục bắt buộc, nhất là đối với ngân sách nhà nước thì không thể quản lý lỏng lẻo được. Để giúp DN, chúng tôi đang cùng cơ quan tài chính rà soát lại để giảm bớt những bước thủ tục không cần thiết.

Trên thực tế, quy chế để hỗ trợ cho DN và DN lấy được nguồn hỗ trợ là rất chặt, năm ngoái, chỉ trên 20 tỷ đồng tiền xúc tiến thương mại trọng điểm được thực hiện. Ngay từ khâu lập chương trình, DN phải tính toán thật kỹ. Ở cương vị là đơn vị giám sát, để đảm bảo tính  hiệu quả, Cục Xúc tiến Thương mại đã và sẽ gạt những chương trình không hiệu quả hoặc không khả thi. Thà là như thế còn hơn là lãng phí tiền xúc tiến thương mại. Vừa rồi chúng tôi đã có trao đổi với các hiệp hội nhằm nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các hiệp hội ngành nghề, nâng cao tính hiệu quả của các đề án xúc tiến thương mại. 

- Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo cần phải chấn chỉnh hoạt động dự báo thông tin thị trường. Ở cương vị đứng đầu đơn vị có vai trò tương đối lớn trong hoạt động này, ông nghĩ sao về điều này?

- Dự báo thông tin thị trường là thách thức lớn với những người làm xúc tiến thương mại VN. Để khắc phục tình hình thì không chỉ làm trong ngày một ngày hai. Chúng tôi cần một đội ngũ nhiều hơn nữa, năng lực cao hơn nữa. Nhiều nước như Thái Lan chẳng hạn, họ có những viện nghiên cứu tư nhân, các công ty tư vấn tư nhân để dự báo thị trường. Đội ngũ tư vấn của họ rất tốt. Riêng Cục Xúc tiến Thương mại Thái Lan có trên 1.800 nhân sự.

  • Phương Thanh

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phân bổ vốn đầu tư chậm và dàn trải (31/03/2004)
TP.HCM: Giá tiêu dùng tăng, GDP giảm so cùng kỳ (31/03/2004)
Nên để tư nhân xây dựng KCN, KCX (31/03/2004)
Cơ hội đầu tư tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (30/03/2004)
Cho phép đền bù chênh lệch trong các công trình nhà nước (29/03/2004)
Quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai thành trung tâm kinh tế (29/03/2004)
Cạnh tranh để phát triển - con đường duy nhất để phát triển BCVT ở nước ta (28/03/2004)
TP.HCM: Liên kết với các tỉnh di dời DN gây ô nhiễm (27/03/2004)
Đền bù thu hồi đất ''sát giá thị trường'' (27/03/2004)
Mặt bằng cho sản xuất: DN Nhà nước thừa, DN tư nhân thiếu (25/03/2004)
Tránh lạm dụng đất trang trại thành nhà vườn, biệt thự (25/03/2004)
Khó di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm (25/03/2004)
"Thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người có đất là hiệu quả nhất" (24/03/2004)
Học bổng Fulbright về luật, kinh tế và hoạch định chính sách (23/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang