Hội chứng tọa đàm
16:36' 24/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tọa đàm giữa DN và cơ quan quản lý từ tỉnh, thành đến cấp TW đang gần như trở thành một thứ ''mốt'' nhưng hiệu quả thì dường như không phải cuộc tọa đàm nào cũng mang lại.

Nhiều DN có tâm lý coi đi các buổi tọa đàm là nghĩa vụ.

Gặp gỡ, tọa đàm giữa DN và nhà quản lý là ''cây cầu'' giúp DN nói lên những khó khăn, khúc mắc, đề xuất của mình và cơ quan quản lý cũng có cơ hội để lắng nghe, tìm hiểu một cách trực tiếp nhất tiếng nói từ phía DN, từ đó có sự điều chỉnh hay giúp đỡ DN kịp thời. Tuy nhiên, những cuộc tọa đàm này chỉ thật sự có ý nghĩa khi những khúc mắc của DN thực sự được giải quyết trên thực tế chứ không phải là chuyện ''biết rồi, khổ lắm, nói mãi''.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, là cơ quan đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt (VCCI) có cơ chế gửi các kiến nghị của DN lên Chính phủ như thế nào?

- Đối với những vấn đề ''nóng'', cấp bách của DN, chúng tôi thường tập hợp ý kiến và gửi ngay đến các cơ quan chức năng và tạo điều kiện để DN trực tiếp đối thoại với các cơ quan này. Mặt khác, định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, chúng tôi đều có những tập hợp ý kiến, đề xuất của DN gửi lên Chính phủ.

- Ông nhận xét ra sao về chất lượng của những cuộc tọa đàm DN - nhà quản lý hiện nay khi nhiều DN phản ánh những kiến nghị của họ trong các cuộc tọa đàm đó không được trả lời thỏa đáng?

- Quả thật là hiện nay, đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ, trong những kiến nghị của DN, có nhiều kiến nghị của DN, cơ quan quản lý trả lời chậm trễ hoặc có những kiến nghị rơi vào ''im lặng vô cảm'' như lời Thủ tướng nói. Các cơ quan chính quyền đã tích cực hơn trong việc phản ứng với kiến nghị của DN nhưng vẫn còn tình trạng giải quyết chưa hết trách nhiệm và đặc biệt là chậm trễ trong việc trả lời cũng như giải quyết.

- Thưa ông, ông nghĩ sao khi trong một cuộc tọa đàm gần đây tại Hà Nội do VCCI tổ chức, nhiều DN cảm thấy rất bất bình khi những vấn đề DN hỏi rất thiết thực như thuế, hải quan... nhưng đến khi câu trả lời họ nhận được từ một nhà quản lý lại là ''cơ chế chính sách thế, các đồng chí thông cảm!''?

- Đúng là cải cách hành chính tại Việt Nam còn chậm, chưa theo kịp cải cách kinh tế. Chính phủ đang đặt trọng tâm vào cải cách hành chính, các cơ quan chức năng cũng đang dần cải tiến kênh thông tin với DN.

- Còn về việc lấy ý kiến đóng góp của DN, cơ quan quản lý đã thật sự đặt mình vào vị trí của họ khi yêu cầu họ đóng góp ý kiến cho các cuộc tọa đàm, hội nghị, các dự thảo?

- Theo tôi, các cơ quan quản lý phải nêu thật rõ ràng những vấn đề cần sự góp ý của DN, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và thể hiện thật đơn giản để các DN có thể hiểu và góp ý chính xác được. Đôi khi những văn bản pháp luật dầy vài xentimet gửi cho DN yêu cầu góp ý cũng là một thách đố với DN, nhất là đối với những DN vừa và nhỏ không có đội ngũ chuyên gia riêng. Như vậy là phản tác dụng, DN không cảm thấy đấy là việc vì lợi ích của họ mà chỉ cho rằng đấy là việc tốn thời gian.

Gần đây, trong những cuộc hội thảo,  VCCI thường đưa ra phương án trắc nghiệm để có thể lấy được ý kiến của tất cả các DN, tránh trường hợp chỉ những DN đứng lên phát biểu là có tiếng nói với cơ quan quản lý.

- Nói đi cũng phải nói lại, nhiều nhà quản lý thường than rằng, có bấy nhiêu chuyện mà DN cứ cuộc tọa đàm nào cũng nhắc đi nhắc lại ''luẩn quẩn'' mãi. Trách nhiệm của DN trong việc này là như thế nào, thưa ông?

- Có nhiều DN rất tích cực tham gia vào việc góp ý những vấn đề luật pháp, những chính sách cải thiện môi trường kinh doanh chung nhưng cũng có một bộ phận DN thực sự chưa tích cực. VCCI hay các cơ quan gửi phiếu đi lấy ý kiến thì sự phản hồi của họ rất hạn chế, nhiều DN không trả lời. Có DN nghĩ rằng trả lời chưa chắc ''ông Nhà nước'' đã nghe, có DN coi đó là một cái gì đó rất chung, môi trường kinh doanh chung, chẳng liên quan đến mình, chưa thấy trách nhiệm trong việc tham gia góp ý. Thực tế, chỉ trừ đối với những DN thực sự mắc ở vấn đề nào liên quan đến DN của họ thì họ mới lên tiếng mạnh mẽ.

Việc ít quan tâm của các DN trong việc góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cũng là vấn đề chứ không chỉ là DN kiến nghị, các cơ quan nhà nước chậm tiếp thu. DN Việt Nam còn ít tham gia vào các cuộc điều tra, lấy ý kiến, các hội nghị, hội thảo trao đổi về môi trường kinh doanh. Cho nên, theo tôi, ý thức cộng đồng của DN cần phải nâng lên, ý thức trách nhiệm của họ trong việc tham gia xây dựng chính sách cho môi trường kinh doanh cũng cần phải được cải thiện. DN phải cải thiện tầm nhìn, đừng để ''nước đến chân mới nhảy'', kiến nghị gì thì các cơ quan chức năng cũng không thể đáp ứng lập tức cho họ.

- Ông có đề xuất gì trong thời gian tới để những kiến nghị của DN và phản hồi của cơ quan chức năng xích lại gần nhau hơn, cụ thể là về phía VCCI trong thời gian tới có những cải tiến nào?

- Theo tôi, để giải quyết tình trạng này cần bắt đầu từ cải tiến cách thức lấy ý kiến DN. Về phía VCCI chúng tôi đang thực hiện theo cách đưa trước tới DN những thông tin về tọa đàm, những vấn đề cần phải trao đổi hoặc đưa lên mạng để DN biết trước. Họ có nhiều kênh để đưa ý kiến qua văn thư trực tiếp hoặc chuẩn bị tài liệu phát biểu trực tiếp, gửi email góp ý... Tuy nhiên, một lời khuyên cho DN là đừng chỉ có kêu ca, kiến nghị mà hãy ''hiến kế'' cho các nhà quản lý để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất cho những khúc mắc.

- Xin cảm ơn ông.

  • Phương Thanh

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sẽ ban hành hướng dẫn bù chênh lệch giá thép (23/04/2004)
2 tỉnh về đích sớm, 5 tỉnh sắp hoàn thành chỉ tiêu (22/04/2004)
TP.HCM huy động trên 6,3 tỷ đồng trái phiếu (15/04/2004)
Lạm phát sẽ không tăng quá cao so với dự đoán (15/04/2004)
Nhập siêu quý I là 0,74 tỷ USD (12/04/2004)
328 DN, cá nhân Hà Nội được khen thưởng về thuế (11/04/2004)
Hà Nội sẽ thành lập 4 tổng công ty mới (08/04/2004)
Tăng cường hệ thống chợ đầu mối, siêu thị (07/04/2004)
Kiến nghị bỏ thuế nhập khẩu nhựa PVC (03/04/2004)
263 tỷ đồng xúc tiến thương mại trọng điểm 2004 (02/04/2004)
Phân bổ vốn đầu tư chậm và dàn trải (31/03/2004)
TP.HCM: Giá tiêu dùng tăng, GDP giảm so cùng kỳ (31/03/2004)
Nên để tư nhân xây dựng KCN, KCX (31/03/2004)
Cơ hội đầu tư tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (30/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang