(VietNamNet) - Điện Biên thường được nhắc đến với chiến công ''chấn động địa cầu'' của dân tộc. Tuy nhiên, vùng đất này còn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế chưa được khai thác.
Nhằm đánh thức những tiềm năng kinh tế lớn của Điện Biên, Bộ Thương mại vừa phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức Hội thảo: ''Phát triển Thương mại Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc Việt Nam''.
|
Điện Biên từ trên cao nhìn xuống. Ảnh tư liệu |
Tiềm năng còn đang ngủ
Điện Biên có vị trí chiến lược quan trọng trong việc phát triển kinh tế cũng như an ninh, quốc phòng khu vực vùng Tây Bắc. Nơi đây là đầu mối giao thông thuận lợi để mở rộng giao lưu Kinh tế - Văn hóa - Du lịch với 6 tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; Đặc biệt là khi cảng hàng không Điện Biên Phủ mở đường bay tới các nước trong khu vực; Các cặp cửa khẩu Tây Trang, Huổi puốc với Lào, A pa chải với Trung Quốc sẽ được nâng cấp lên cửa khẩu quốc gia, quốc tế, cũng như khi hệ thống giao thông biên giới và con đường xuyên Á được đầu tư.
Một vài số liệu kinh tế của Điện Biên năm 2001 - 2003: |
Nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,3%/năm, riêng năm 2003 đạt 9,3%. Cơ cấu GDP theo ngành năm 2003: nông - lâm nghiệp đạt 37,55%; công nghiệp - xây dựng đạt 25,8%; dịch vụ đạt 36,65%; Số dân được phủ sóng truyền hình 78%, truyền thanh 93%. Số xã có đường ôtô đến: 86/88. Số xã có điện lưới quốc gia: 58/88. Số xã có điện thoại: 59/88. Năm 2003, xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1 triệu USD. |
Tiềm năng lớn nhất của Điện Biên là du lịch. Qua nhiều thời kỳ lịch sử, Điện Biên còn lưu giữ những di tích có giá trị nhân văn như thành Tam Vạn, Thành Bản Phủ - Đền Hoàng Công Chất, và nổi bật là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Thiên nhiên đã ban tặng cho Điện Biên một hệ sinh thái liên hoàn gồm những hồ nước mênh mông, có nguồn nước khoáng với những rừng cây xanh thẳm, nhiều hang động kỳ ảo..., trong đó phải kể đến rừng nguyên sinh Mường Phăng, Mường Nhé, các hang động Pa Thơm (huyện Điện Biên), Thẩm Púa (huyện Tuần Giáo), các suối nước khoáng nóng Hua Pe, U Va. Hồ Pá Khoang rộng tới trên 600ha, hồ Huổi Phạ rộng trên 300ha... là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá cho phát triển du lịch, nhất là xây dựng các khu nghỉ dưỡng du lịch.
Điện Biên và các tỉnh miền núi Tây Bắc có tiềm năng lớn về đất rừng để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, đất đai ở Tây Bắc chủ yếu được trồng rừng, với mục đích che phủ là chính, chưa chú trọng đến việc trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như cây lấy gỗ, làm nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.
Theo PGS.TS Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước: ''Đất nông nghiệp ở Tây Bắc tuy không nhiều nhưng nếu biết thâm canh tăng năng suất, thay thế tập quán quảng canh của đồng bào dân tộc hiện nay, cũng có thể tạo nên những vùng nông sản tập trung phục vụ xuất khẩu. Ví dụ, nếu thay thế diện tích trồng ngô giống bằng ngô lai năng suất cao thì vùng Sơn La, Tuần Giáo có thể trở thành một vùng ngô xuất khẩu. Ngoài ra, các tỉnh Tây Bắc còn có thể phát triển trồng các loại cây đặc sản như cây thả cánh kiến, sa nhân..., vừa tạo ra nguồn hàng xuất khẩu, vừa giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo''.
|
Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh tư liệu |
Ngoài ra, Tây Bắc nằm ở vị trí ngã ba biên giới giữa Việt Nam với Lào và Trung Quốc, rất thuận tiện cho việc giao lưu kinh tế thương mại, du lịch. Các tỉnh Tây Bắc lại được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước nhằm khuyến khích xuất khẩu như chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu đối với hàng hoá có C/O Lào nhập khẩu vào Việt Nam và giảm 5% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có C/O Việt Nam nhập khẩu vào Lào...
Đánh thức Điện Biên
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Phó giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Điện Biên nhận định: ''Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới địa hình hiểm trở, chia cắt, cơ sở hạ tầng yếu kém, không đồng bộ về giao thông, điện nước, thông tin liên lạc, xa các trung tâm kinh tế lớn của khu vực và cả nước, kinh tế phát triển chậm so với các tỉnh, thành trong cả nước''.
|
Nhiều biệt thự Pháp tại Điện Biên Phủ được xây dựng lại. Ảnh tư liệu |
Hiện nay, Điện Biên đang xây dựng dự án quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế cửa khẩu Tây trang (giáp Lào) và đã có đề án trình Chính phủ xem xét quyết định cho phép nâng cấp cửa khẩu này thành cửa khẩu quốc tế, nhằm thu hút khách du lịch và hàng hóa xuất nhập khẩu từ nước thứ 3. Các cặp cửa khẩu biên giới khác như Huổi puốc - Nason với Lào, A pa chải với Trung Quốc cũng đang được xây dựng, sẽ là những đòn bẩy quan trọng giúp Điện Biên phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ.
Tuy nhiên, Theo PGS.TS Hoàng Thọ Xuân, ''Để đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, du lịch của tỉnh thì hệ thống giao thông cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng''. Cần khẩn trương cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông giữa tỉnh Vân Nam và các tỉnh Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Đặc biệt là tuyến đường 12 từ cửa khẩu Ma Lu Thàng đến thành phố Điện Biên và tuyến đường 4D từ Sapa (Lào Cai) đến Mường So huyện Phong Thổ. Ông cũng khuyến cáo Điện Biên ''nên sớm triển khai khu thương mại tự do tại cửa khẩu, mà trước hết là phải hoàn thiện hệ thống kho bãi, chợ, điện nước, thông tin liên lạc, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí''.
|