(VietNamNet) - Mới đây EU đã đưa ra lời cảnh báo yêu cầu Trung Quốc, phải bỏ việc hạn chế xuất khẩu than coke dùng cho luyện kim vì có thể gây ra tình trạng tranh chấp thương mại.
|
Khai thác than mỡ để luyện coke. |
Bắc Kinh đã vi phạm luật thương mại bằng việc hạn chế xuất khẩu than coke. Việc hạn chế này đã làm giảm nguồn cung trên thế giới và làm giá than coke gia tăng. Hiện nay nhu cầu than coke trên thế giới rất thiếu do nhu cầu tăng cao và công suất giảm. Do đó đã làm giá cả tăng từ 79USD năm 2001 lên 400USD/tấn vào thời điểm này.
Trung Quốc là nước xuất khẩu than coke lớn nhất thế giới. Năm 2003 Trung Quốc xuất khẩu là 15 triệu tấn than coke, chiếm khoảng 80% lượng thương mại thế giới. Vậy nhưng năm 2004 Trung Quốc đã tìm cách hạn chế xuất khẩu nhằm tránh khó khăn cho các công ty luyện thép trong nước bằng cách sử dụng quota. Quota cho xuất khẩu than coke của Trung Quốc năm 2004 còn chưa đến 10 triệu tấn.
Do tình trạng thiếu than coke trên thị trường thế giới, một số nước đã bắt đầu giảm nhập khẩu mặt hàng này. Nhật Bản là nước giảm nhiều nhất, khoảng 25% trong quí I vừa qua. Tập đoàn thép lớn của Nhật Bản là Nippon trước kia nhập khẩu 50% (500.000 tấn/năm) than coke từ Trung Quốc nay cũng đang tìm kiếm nguồn cung khác và đang áp dụng các biện pháp giảm tiêu thụ coke trong lò gang.
Tuy nhiên sự khan hiếm này được dự báo là sẽ không kéo dài, bởi hiện nay việc đầu tư vào sản xuất than coke ở Trung Quốc đang phát triển rất mạnh. Theo số liệu của Hiệp hội sản xuất than coke Trung Quốc, thì vào cuối tháng 2/2004 công suất sản xuất than coke của nước này là 178 triệu tấn, với 1900 lò của hơn 700 DN. Bên cạnh đó còn có 78 lò lớn và vừa với công suất 31,47 triệu tấn đang được xây dựng ; 55 lò với công suất 27,3 triệu tấn sẽ được triển khai trong giai đoạn 2004-2006.
Sơn Tây là tỉnh sản xuất than coke lớn nhất Trung Quốc, năm 2003 tỉnh này sản xuất 80 triệu tấn. Hiện có một số lò với công suất 50 triệu tấn đang được triển khai, rất nhiều dự án đang chờ phê duyệt và nhiều lò sẽ đi vào hoạt động trong 2 năm tới. Vào lúc đó, công suất sản xuất than coke của tỉnh này sẽ lên đến 130-150 triệu tấn/năm.
Theo các nhà phân tích như vậy sẽ mất cân bằng do đầu tư vào sản xuất than coke tràn lan. Tốc độ phát triển của than coke vượt quá tốc độ phát triển của luyện gang. Điều này sẽ làm cho giá than coke giảm mạnh, thậm chí nhiều nhà sản xuất buộc phải bán thấp hơn giá thành để giữ thị phần.
|