(VietNamNet) - Lãnh đạo TP.HCM vui mừng với những số liệu tăng trưởng kinh tế của thành phố trong tháng 5 này, so với tháng trước đó cũng như so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là tăng trưởng về dịch vụ và công nghiệp trên địa bàn.
|
Chế biến - ngành tăng trưởng cao của TP.HCM. |
Chiều nay (18/5), các số liệu thống kê về tăng trưởng kinh tế của TP. đã được công bố trong cuộc họp giữa lãnh đạo chính quyền TP.HCM và các Sở.
Ông Dư Quang Nam, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, cho biết tổng mức bán lẻ trên địa bàn trong 5 tháng đầu năm phát triển đặc biệt cao. Nếu trừ yếu tố giá cả, mức tăng là gần 10%, trong khi con số đạt được cùng kỳ chỉ khoảng 1,7%. Ở các khu vực kinh tế, đặc biệt khu vực Nhà nước, vốn được xem là chậm chạp trong thương mại, mức tăng này lại đạt trên 38% .
Nguyên nhân tăng được phân tích là do trong những tháng đầu năm có nhiều lễ hội được tổ chức nên kích thích mua sắm từ công chúng. Cùng với tăng trưởng nội thương, hoạt động ngoại thương được ghi nhận khả quan không kém, khi tăng trưởng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm là 16,8% hay kim ngạch là 3,6 tỷ USD.
Dịch vụ làm thành phố yên tâm nhất là hoạt động du lịch, với hai mảng chính là lữ hành và nhà hàng - khách sạn. Du lịch lữ hành 3 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng 8,5% do ảnh hưởng của dịch cúm gà, đến tháng 4 đã đạt 20% và tháng 5 đạt 26%. Lượng khách quốc tế đến TP.HCM được thống kê trong 5 tháng là 650.000 lượt người, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 5, doanh thu của khối nhà hàng và khách sạn tăng 7%, trong khi quý I chỉ tăng 2,6%.
Ông Nam cũng cho biết, ngành công nghiệp TP.HCM trong tháng 5 tăng 14,5% (quý I chỉ tăng 11,3% và tháng 4 gần 14%). Đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, ngành chiếm tỷ trọng cao trong công nghiệp thành phố, nếu tính cả 5 tháng đạt tăng trưởng 9,7%, cao gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Trong 26 ngành công nghiệp, chỉ có vài ngành giảm mức tăng trưởng so với cùng kỳ là lắp ráp ôtô, khai thác nước sạch, khai khoáng...
Từ những tăng trưởng tương đối tốt của ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp, thành phố dự đoán trong quý II năm nay, tốc độ GDP của địa phương thấp nhất cũng sẽ đạt 9,2%, tương đương quý I. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP trong năm nay từ 11,5-12%, xuất khẩu tăng 13%, tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 42.000 tỷ đồng, tức tăng 15 %...
Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng, tốc độ tăng trưởng của thành phố tốt nhưng không bền vững. Trong một cuộc họp với chính quyền hồi tháng tư vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã cảnh báo điều này và kêu gọi chính quyền thành phố tìm biện pháp để tạo sự phát triển bền vững cho trung tâm kinh tế lớn nhất nước, đồng thời là "đầu tàu" phát triển của nền kinh tế quốc gia này.
|