(VietNamNet) - Mỗi bộ, ngành và địa phương đều có DN trực thuộc. Đã thành lệ, làm việc gì, vướng mắc gì, DN đều xin ý kiến cơ quan chủ quản. Điều này rồi sẽ không còn nữa.
|
Rất ít DNNN có trình độ công nghệ hiện đại ngang tầm quốc tế. |
Theo ông Ngô Văn Điểm, Phó Trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, các bộ quản lý ngành và UBND tỉnh là cơ quan chủ quản cấp trên của DN nhà nước. Cơ quan chủ quản này làm 2 chức năng: quản lý nhà nước với mọi loại hình các DN và đại diện chủ sở hữu với các DN nhà nước.
Hiện nay, ở mỗi bộ, ngành và địa phương đều có hàng trăm DN trực thuộc. Chẳng hạn Bộ Giao thông Vận tải có tới hơn 600 DN, Bộ Công nghiệp hơn 500 DN , Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hơn 400 DN... Các bộ, ngành và địa phương phải bỏ ra rất nhiều thời gian để làm những công việc như xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, xem xét phê duyệt, thúc đẩy các dự án đầu tư, huy động vốn, lên phương án để vực dậy các DN yếu kém, khoanh nợ, giãn nợ... DN mỗi khi làm việc gì, gặp vướng mắc gì... đã thành lệ đều phải xin ý kiến cơ quan chủ quản, vừa tạo thói quen ỷ lại, vừa tốn thời gian và không chủ động trong công việc.
Để giải quyết tình trạng này, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị TW 3 khoá 9 (cuối năm 2001) sẽ tách chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và địa phương ra khỏi hoạt động quản trị kinh doanh để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước. Các bộ ngành và địa phương sẽ không còn là chủ sở hữu về vốn và tài sản nhà nước tại các DN mà giao cho các Tổng công ty, công ty TNHH 1 thành viên và công ty đầu tư tài chính do Nhà nước thành lập để quản lý, đầu tư.
Hiện nay, nhiệm vụ này đang được tiến hành trong diện hẹp với một số DN thuộc bộ, ngành và địa phương. Trước hết là với các Tổng công ty 91. Đại diện chủ sở hữu vốn và tài sản nhà nước tại đây sẽ là Tổng công ty (cấp HĐQT). Ở đó, Tổng công ty được quyền điều chuyển bảo toàn và phát triển vốn của nhà nước, tự quyết định hoạt động đầu tư, huy động vốn... Bên cạnh đó, sẽ tiến tới đưa các DN nhà nước vào trực thuộc các Tổng công ty , hoặc chuyển sang công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho HĐQT hoặc Chủ tịch công ty.
Với các DN vẫn thuộc bộ, ngành và địa phương thì những cơ quan này vẫn là đại diện chủ sở hữu nhưng với những dự án đầu tư bằng nguồn vốn tự huy động, lợi nhuận không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, thì các DN được tự quyết định, việc xin ý kiến cấp trên chỉ là xem có phù hợp với qui hoạch đã được lập.
Trước đây dự án đầu tư từ nguồn vốn như vay ngân hàng đều phải thông qua cơ quan chủ quản phê duyệt, có ý kiến thì ngân hàng mới cho vay và một số quan chức các bộ cũng đã phải chịu trách nhiệm về vấn đề này khi DN sử dụng tiền vay sai mục đích hoặc đầu tư không có hiệu quả. Nếu để DN hoàn toàn chịu trách nhiệm trước quyết định của mình thì những chuyện như vậy đã không xảy ra.
Thực tế, theo ông Điểm, ở nhiều bộ, ngành và địa phương người đứng đầu thì muốn làm quyết liệt, làm ngay, nhưng cấp dưới lại chùng chình bởi đằng sau đó là những lợi ích riêng. Vì vậy công việc này trong thời gian tới sẽ được làm quyết liệt và mạnh mẽ để tăng cường sức mạnh cho DN nhà nước, chuẩn bị cho hội nhập.
Địa phương đầu tiên trong cả nước đã hoàn thành cải cách này là tỉnh Nam Định. Hiện nay các DN nhà nước thuộc tỉnh đã được cổ phần hoá, hoăc bán khoán cho thuê, giải thể... hết. Theo ông Ngô Văn Điểm, sau khi hoàn tất công việc này, lãnh đạo tỉnh Nam Định cho biết họ thấy rất thanh thản. Từ nay chuyện kinh doanh là của DN. Không còn phải suốt ngày đi lo khôi phục đẩy mạnh sản xuất ở DN yếu kém này, phê duyệt dự án đầu tư ở DN kia, không phải khoanh nợ, giãn nợ... nữa. Các sở chức năng giờ chỉ làm công việc xây dựng hoạch định chính sách. Lãnh đạo tỉnh thấy rảnh tay, có thời gian điều kiện tập trung lo những công việc khác như phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và đời sống cho dân ...
|