(VietNamNet) - Tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 0,5% so với kế hoạch đề ra, nên đặt gánh nặng vào 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng 8%.
|
Ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm có tăng trưởng 10,1%. |
Đây là nhận định của ông Lê Mạnh Hùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về tình hình phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm. Theo đó, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2004 tiếp tục phát triển và ổn định, các chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế và các lĩnh vực then chốt đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm vẫn chưa đạt được mức cần thiết để tạo tiền đề đạt kế hoạch tăng trưởng cả năm.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm nay có mức tăng trưởng thấp, chỉ đạt 2%, riêng ngành nông nghiệp chỉ đạt 1,6% - mức thấp nhất kể từ năm 2000 đến nay. Nguyên nhân chủ yếu là do rét đậm kéo dài và hạn hán ở các tỉnh phía Bắc đầu vụ đông xuân làm giảm diện tích gieo trồng lúa, và mưa lớn ở các tỉnh Nam Trung bộ đã ảnh hưởng chung đến ngành trồng trọt. Về chăn nuôi, do dịch cúm gia cầm lan rộng ở nhiều địa phương đã trực tiếp làm giảm đàn gia cầm và tác động không thuận đến toàn ngành.
Trong 7% tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,4%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 3,8%, khu vực dịch vụ đóng góp 2,8%. | Khu vực công nghiệp và xây dựng tuy đạt mức tăng trưởng 10% nhưng chỉ có ngành công nghiệp khai thác là tăng mạnh (15%), các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp điện, ga, nước đều chưa bằng mức tăng của 6 tháng đầu năm trước. Đặc biệt là có sự giảm sút trong tốc độ tăng trưởng xây dựng, chỉ đạt 7,3% so với mức 10,6% cùng kỳ năm ngoái.
Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,4% của 6 tháng đầu năm ngoái. Những ngành dịch vụ có mức tăng cao là thương nghiệp (8%); vận tải, bưu điện, du lịch (7,2%); tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (10,1%).
Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục cao hơn mức tăng trưởng chung và cao hơn khu vực dịch vụ, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, nên cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng (từ 40% lên 41,3%), giảm tỷ trọng dịch vụ (từ 38,3% xuống 37,6%) và nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (từ 21,7% xuống 21,1%).
Theo nhận xét của ông Lê Mạnh Hùng, để tăng tốc trong 6 tháng cuối năm, ''điều quan trọng là phải nhanh chóng phục hồi nông nghiệp, tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đầu tư tăng mạnh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và kiềm chế mức độ tăng giá tiêu dùng, giá một số nguyên liệu, vật tư quan trọng''.
|