(VietNamNet) - Nếu văn hóa là nền tảng tinh thần đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội, thì văn hóa kinh doanh chính là nền tảng tinh thần, là linh hồn cho hoạt động kinh doanh của một quốc gia.
|
DN luôn phải lấy chữ tín làm trọng. |
Văn hoá kinh doanh (VHKD) của mỗi dân tộc được hình thành ngay từ khi xuất hiện hoạt động kinh doanh trong đời sống xã hội của dân tộc đó, dù con người có ý thức được hay không. VHKD Việt Nam cũng được hình thành từ rất lâu đời và cùng phát triển theo đà phát triển của xã hội và kinh doanh.
Ngay từ hồi đầu thế kỷ XX, khi phân tích nguyên nhân không phát triển của thương mại nói riêng và của kinh tế Việt Nam nói chung, người thầy lỗi lạc trong giới doanh thương Việt Nam Lương Văn Can đã đưa ra 10 nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đứng hàng thứ ba là do người mình “không có tín thực”, tức là làm ăn không biết giữ chữ tín.
Nhận định của Lương Văn Can thời bấy giờ, không phải là không có cơ sở.
Tham luận của Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Ánh (trường Đại học Ngoại thương) tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần II nhận xét: Xuất thân từ nền kinh tế tiểu nông, lại thường xuyên phải đương đầu với những hoàn cảnh tự nhiên và xã hội nhiều bất trắc, con người Việt Nam thường có tầm nhìn thấp, ngắn hạn, hay thay đổi và muốn đi đường tắt, thay vì kiên nhẫn chờ đợi kết quả lâu dài.
Đến ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cũng đưa ra những nhận xét tương đồng với người xưa: bối cảnh và môi trường kinh tế Việt Nam thuộc loại “low trust society” (xã hội thiếu chữ tín).
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, khi các mối quan hệ được mở rộng, điểm yếu này càng có nguy cơ bộc lộ rõ ràng. Điều này thể hiện ở tầm vĩ mô là việc các chính sách của Chính phủ thường hay thay đổi, và khi thay đổi lại không cần tính đến quyền lợi của những người có liên quan. Đây là một khiếm khuyết quan trọng, làm môi trường kinh doanh Việt Nam kém tính hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Còn ở tầm vi mô, theo nhiều nhà kinh doanh nước ngoài, các nhà kinh doanh Việt Nam không coi trọng chữ tín, hay viện dẫn các lý do khách quan để khước từ việc thực hiện cam kết. Điều này thường gây nhiều phiền toái trong quan hệ với các đối tác nước ngoài. Nhưng nghiêm trọng hơn cả là nhiều người không coi đây là khiếm khuyết cần sửa chữa, mà lại coi đó là đường lối khôn ngoan của mình, và chê bai đối tác là thiếu thông cảm, không uyển chuyển.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng chừng nào các nhà quản lý và doanh nhân VN còn chưa nhận ra tầm quan trọng của chữ tín trong mọi mối quan hệ, thì chúng ta còn khó lấy được niềm tin của đối tác. Và điều này, về lâu dài, sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của VN trên thương trường thế giới.
Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, những hạn chế mang tính tiêu cực trong văn hóa kinh doanh như trên cần phải được chủ động loại bỏ, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế VN trong thế kỷ XXI.
|