(VietNamNet) - Dự kiến lộ trình này sẽ là làm một năm, duyệt một năm, do đòi hỏi bức xúc của xã hội về tính pháp lý của hoạt động thương mại điện tử.
Doanh nghiệp đòi hỏi...
Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển với một tốc độ chóng mặt. Theo tính toán của Cơ quan Thương mại và Phát triển LHQ (UNCTAD), giá trị giao dịch TMĐT đã tăng từ 278,18 tỷ USD năm 2000 lên 823,48 tỷ USD năm 2002, 1.408 tỷ USD năm 2003, và dự kiến sẽ đạt khoảng 2.367 tỷ USD năm 2004 và khoảng 12.800 tỷ USD năm 2005 trên thế giới.
|
Ông Nguyễn Thanh Hưng, vụ trưởng Vụ TMĐT, Bộ Thương mại: Quốc hội phải có quyết định sớm để hoạt động TMĐT sớm có chỗ dựa trong đời sống. (Ảnh: Hải Yến) |
Tại Việt Nam, theo điều tra sơ bộ của Bộ Thương mại, hiện có khoảng hơn 20 website bán hàng và cung ứng dịch vụ, hơn mười sàn giao dịch trực tuyến dành cho phương thức kinh doanh B2B (Business to Business). Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng website riêng, hoặc tham gia các hình thức ứng dụng TMĐT khác nhau, như ứng dụng trong hoạt động ngân hàng, tài chính (Hải quan điện tử, khai thuế điện tử).
Tốc độ đường truyền tăng, phí dịch vụ Internet và viễn thông giảm mạnh. Nhiều dịch vụ mới đã xuất hiện trên mạng, từ dịch vụ du lịch, đặt vé máy bay, đến dịch vụ giáo dục trực tuyến, dịch vụ tư vấn (pháp lý, đầu tư, tài chính, chứng khoán, bất động sản...). Thanh toán điện tử bắt đầu được nghiên cứu triển khai tại các Ngân hàng Công thương, Ngoại thương. Tuy nhiên, do chưa có luật hướng dẫn nên dù đã khai điện tử qua tất cả các khâu thì doanh nghiệp cũng không tránh khỏi bước cuối cùng là ''vác'' văn bản đến tận nơi để lấy chữ ký, con dấu. Việc khai Hải quan điện tử và khai Thuế điện tử đang giậm chân tại chỗ là một ví dụ tiêu biểu cho nỗi bức xúc này của cộng đồng doanh nghiệp.
Vấn đề ''nóng'' được giới chuyên gia và doanh nghịệp đặt ra trong hội thảo ''Các khía cạnh thương mại trong Luật Giao dịch điện tử'' sáng 16/8 là phải nhanh chóng có luật để sớm công nhận giao dịch điện tử có tính pháp lý như giao dịch truyền thống (bằng giấy), và bảo đảm tính an toàn cho giao dịch điện tử.
... Còn Luật? Vẫn phải chờ!
Luật Giao dịch điện tử đang được Quốc hội giao cho Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì, với nội dung bao trùm cả các hoạt động thương mại và phi thương mại. Dự thảo Luật này mới trong giai đoạn đầu xây dựng từ đầu năm 2004 và dự kiến có thể được ứng dụng vào cuối năm 2005. Trong khi đó, Pháp lệnh Thương mại điện tử do Quốc hội giao cho Bộ Thương mại chủ trì soạn thảo đã đi đến dự thảo lần 6 và được đánh giá là khá hoàn tất.
Tuy nhiên, sự phát triển của TMĐT ở Việt Nam thì không thể đứng lại chờ luật. Vụ trưởng Vụ Thương mại Điện tử, Bộ Thương mại Nguyễn Thanh Hưng bày tỏ phân tích: ''Theo tôi, Quốc hội nên song song xem xét và ứng dụng cả hai dự án này. Trong thời gian chờ Luật Giao dịch điện tử, Pháp lệnh TMĐT có thể đi vào đời sống và phục vụ tốt hoạt động này. Nếu Luật Giao dịch điện tử ra đời, phạm vi của nó sẽ bao trùm cả lĩnh vực thương mại, khi đó Pháp lệnh TMĐT sẽ được thu hút vào trong Luật Giao dịch điện tử và mang tính kế tiếp từ Pháp lệnh lên Luật, từ ứng dụng trong thương mại đến các lĩnh vực khác trong xã hội''.
Ông Hưng cũng lý giải: ''Đây là vấn đề rất mới và rất khó với tất cả chúng ta, từ những nhà làm luật pháp đến các doanh nghiệp. Không ai có thể nói chính xác thời điểm nào luật sẽ ra đời. Nếu sau 2005, tôi cho là quá muộn, có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và các giao dịch điện tử thương mại cũng như phi thương mại nói riêng''.
Ông Hưng còn cho biết: ''Đáng buồn là hiện nay, chưa có văn bản chính thức nào quy định dừng việc xây dựng Pháp lệnh TMĐT, nhưng cũng chưa có văn bản nào đề cập cứ tiếp tục triển khai nó. Quốc hội phải có quyết định sớm để hoạt động TMĐT sớm có chỗ dựa trong đời sống''.
Về vấn đề này, TS Mai Anh, giám đốc Trung tâm Tin học - Bộ Khoa học-Công nghệ, tổ trưởng Tổ biên tập Luật Giao dịch điện tử nói: ''Trong Nghị quyết của Quốc hội khi bổ sung Luật Giao dịch điện tử vào chương trình làm luật có nêu: Thu hút Pháp lệnh TMĐT vào Luật Giao dịch điện tử. Thu hút thế nào thì hai bên đang bàn''. Dù sao, TS Mai Anh cũng nhận xét: Lộ trình xây dựng Luật này là siêu ngắn, ''làm một năm, duyệt một năm'' vì đây là đòi hỏi quá bức xúc của xã hội.
|