Thuế, hải quan làm yếu sức cạnh tranh của DN
04:04' 27/09/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Thuế và Hải quan cần thay đổi tư duy từ vị trí của người "cai trị" sang người phục vụ mới có thể giúp DN nâng cao tính cạnh tranh trên thương trường. Đó là vấn đề lớn được đặt ra tại buổi thảo luận sáng 25/9, giữa gần 100 DN trẻ, DN vừa và nhỏ của TP.HCM với các cơ quan quản lý, về chủ đề "Các vấn đề cơ bản ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN trong nước”.

Hoạt động này được thực hiện bởi dự án "Nâng cao năng lực vận động chính sách" giữa Hội DN trẻ TPHCM và chương trình dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI), do United States Agency for International Development (USAID - Hoa Kỳ) tài trợ.

Trăm nỗi khổ vì chính sách thuế bất hợp lý

Soạn: AM 151602 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Giám đốc Lâm Thị Mỹ Lệ: "“DN nói thật, ngành thuế không tin, nói dối mới tin!”. Ảnh: Ng.Sa.

Là người đầu tiên phát biểu, cô Phạm Thị Mỹ Lệ, giám đốc Công ty LA chỉ ra điều tréo ngoe nhưng lâu nay vẫn tồn tại hiển nhiên, là việc mua hóa đơn đã đưa cả DN và cơ quan quản lý vào vòng luẩn quẩn: ngành thuế không chấp nhận những chi phí hợp lý (CPHL) mà DN không chứng minh được, nên DN phải đi mua hóa đơn. Rồi ngành thuế lại phải đi ngăn chặn nạn mua bán hóa đơn! Hóa đơn chứng minh CPHL là điều lâu nay DN nào cũng khốn khổ, nên cô giám đốc trẻ khái quát: “DN nói thật ngành thuế không tin, nói dối mới tin!”.

Theo khảo sát của Văn phòng luật sư Trương Trọng Nghĩa, trong quá trình thực hiện Luật thuế thu nhập DN, vấn đề CPHL được trừ để xác định thu nhập chịu thuế luôn là mối quan tâm nhiều nhất của DN. Theo thông tư 128, có 14 loại chi phí được đưa vào CPHL, nhưng trên thực tế khi DN thực hiện quyết toán thuế đã gặp không ít khó khăn vì không làm sao chứng minh được cho ngành thuế công nhận là “hợp lý”, nếu không có hóa đơn. Một trong những nguyên tắc bất di bất dịch của ngành thuế là việc khấu trừ phải căn cứ trên hóa đơn. Vì thế mà các DN kinh doanh muối luôn khổ sở để có được nắm hóa đơn cho việc mua mùn cưa và dăm bào! Ông Trương Trọng Nghĩa nhận xét, việc buộc DN chứng minh CPHL nhng món hàng không có hóa đơn, là trở ngại lớn nhất, và thiệt hại nhiều nhất, làm giảm sức cạnh tranh của DN. Ông Nghĩa đơn cử một tình cảnh, DN mua hàng có hóa đơn, nhưng sau đó đơn vị bán bỏ trốn, cơ quan thuế lại quay sang không cho DN dùng hóa đơn này để khấu trừ, thậm chí còn phạt DN mua hàng. “Như vậy là vô lý, vì việc kiểm tra thu hồi hóa đơn của các DN đã chấm dứt hoạt động là trách nhiệm của cơ quan thuế, chứ không phải của DN mua hàng” - ông Nghĩa nói.

Việc quy định chi phí cho quảng cáo tiếp thị không quá 10% tổng CPHL hiện tại đã khiến cho các DN vừa và nhỏ sản xuất ra hàng hóa rồi… ngồi chờ người đến mua, vì không thể nào khuếch trương kinh doanh được! Hầu hết các DN đều cho rằng, trong tình hình cạnh tranh gay gắt, kể cả với DN nước ngoài, thì quảng cáo tiếp thị là một phần quan trọng của chiến lược kinh doanh, và là hoạt động trọng tâm của DN mới thành lập. Những năm đầu mới thành lập, chi phí quảng cáo tiếp thị có thể chiếm đến 30% tổng chi phí của DN. Anh Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc công ty cổ phần công nghệ Nhơn Hữu phân tích: 10% CPHL của DN nhỏ thì không đáng là bao so với DN lớn. Trong khi đó, nước ngoài có những khoản chi phí quảng cáo tiếp thị khổng lồ. Nếu quy định vậy, hóa ra ta sẽ làm triệt tiêu động lực của DN nhỏ và vừa trong nước, ủng hộ cho DN nước ngoài”. Bản khảo sát của VP luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng kết luận: “Vì vậy phần lớn những chương trình quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ là của DN lớn, DN nghiệp nhỏ và vừa hoàn toàn vắng bóng”!

Hiện tại, các DN dù muốn khuyến khích đãi ngộ người lao động cũng không thể nào làm khác hơn, vì trong quy định chỉ cho phép DN chi phí trang phục, hỗ trợ lao động nữ khi sinh con đến 500.000 đồng. Nếu chi vượt số này sẽ bị khấu trừ. Đó là điểm mâu thuẫn lớn giữa Luật lao động và Luật thuế thu nhâp5 DN, vì trong khi Luật lao động hiện nay khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi cho người lao động, thì luật thuế thu nhập DN lại cản trở.

Sau phần gây khó khăn phiền hà bởi hàng chục thứ thủ tục, công đoạn cuối cùng DN cũng phải chờ đợi nốt, là thời gian được hoàn thuế GTGT. Tại buổi thảo luận, các DN cùng chung ý kiến cho rằng, việc chậm hoàn thuế đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của DN, một khi lãi ngân hàng ngày một tăng lên, nhưng tiền của DN bị Nhà nước kìm giữ. “DN nhỏ, DN tư nhân càng khó khăn hơn, vì Ngân hàng rất khắt khe trong việc cho DN tư nhân vay vốn” - nhiều người đồng tình với ý kiến của luật sư Trương Trọng Nghĩa.

Hải quan chưa thôi hành DN

Soạn: AM 151614 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: "Việc buộc DN chứng minh CPHL nhng món hàng không có hóa đơn, là trở ngại lớn nhất, và thiệt hại nhiều nhất, làm giảm sức cạnh tranh của DN". Ảnh: Đặng Vỹ.

Tình trạng hành xử tùy tiện, thiếu trách nhiệm và nạn tiêu cực trong lĩnh vực hải quan gây bức xúc cho DN. Vấn đề này tuy không phải là mới nhưng vẫn “nóng” với nhiều DN, vì họ đang phải gánh chịu những điều hết sức phi lý này. Và thay vì tập trung nguồn nhân lực, thời gian tiền bạc cho việc sản xuất kinh doanh, DN phải lo tìm cách đối phó… hải quan.

Song đây cũng là vấn đề hết sức nhạy cảm, có thể làm ảnh hưởng tới việc làm ăn của DN nên họ rất ngại nói ra những tiêu cực của ngành này, và nếu có nói thì cũng không công khai danh tánh.

Một công ty may gia công cho biết, DN ký hợp đồng gia công với một công ty Hồng Kông, nguyên phụ liệu do công ty Hồng Kông mua của công ty A trong nước cung cấp cho DN. Khi DN xuất hàng, hải quan yêu cầu chứng minh hàng hóa phải do chính công ty A sản xuất. DN trình giấy phép của công ty A nhưng cán bộ trực tiếp nhận hồ sơ vẫn không chấp nhận. Theo qui định 53 của Bộ Tài chính thì DN đã đáp ứng đúng qui định, nhưng người nhận hồ sơ đã sách nhiễu DN.

Lại có trường hợp chỉ vì một thiếu sót nhỏ trong bản soạn thảo hợp đồng, DN đã bị hải quan bắt bẻ và ngâm hồ sơ, kéo dài việc xử lý tới 4 tháng. Hoặc như, việc nộp C/O trễ hạn theo qui định là không bị phạt (DN được nợ C/O trong vòng 60 ngày), nhưng nhiều DN vẫn bị hải quan phạt vì “tội” nộp C/O trễ.

Không những chủ quan trong việc hành xử, nhiều cán bộ hải quan còn có kiểu “hành” DN “te tua” hơn. Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, người nghiên cứu các vấn đề cơ bản ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN trong nước, đã từng có DN  phá sản vì chậm trễ trong việc thông quan. DN nào muốn công việc suôn sẻ thì đành chấp nhận “đi đêm” với hải quan.

Khâu áp thuế là dễ phát sinh tiêu cực nhất, vì khi áp dụng biểu thuế hài hòa, do biểu thuế có nhiều khiếm khuyết so với thông lệ quốc tế, nên tạo điều kiện cho hải quan “làm luật”. Cùng một mặt hàng nhập khẩu, hải quan này áp dụng thuế suất 0%, hải quan cảng khác (cùng địa bàn) lại áp dụng thuế suất 5%. DN cho biết, tiền “bôi trơn” cho cán bộ áp thuế từ 100 - 500 ngàn đồng, nếu không nắm vững pháp luật và không biết “lót tay” thì khó sống.

Với sức ép như vậy, các DN vừa và nhỏ thật khó mà vừa phát triển tốt hoạt động kinh doanh lại  vừa tuân thủ đầy đủ pháp luật theo yêu cầu của hải quan!

Phải chuyển từ quản lý DN sang phục vụ DN

Ông Trần Lạc Hồng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM bày tỏ bức xúc và sốt ruột: "Nhà nước có cả một bộ máy quản lý đồ sộ, nhưng lâu nay vẫn tồn tại những điều rất phi lý làm cản trở DN".

Soạn: AM 151608 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, phải xây dựng quan điểm cơ quan thuế chuyển từ quản lý DN sang phục vụ DN. Ảnh: Ng.Sa

 

Theo các DN, nguyên nhân tạo ra những ách tắc làm cản trở sức cạnh tranh không chỉ do luật chưa phù hợp, mà còn phát sinh từ sự không chặt chẽ, rõ ràng của các quy định, tạo điều kiện cho cán bộ thuế gây khó khăn, làm thất thoát cho Nhà nước, thiệt hại cho DN. Tiến sĩ - luật sư Lê Nết còn cho rằng, những trở ngại do quy định trong luật, có nguyên nhân khi xây dựng Luật, nhà làm luật đã không tham khảo ý kiến DN. Rồi vừa xây dựng, vừa thực hiện, tức "vừa đá bóng vừa thổi còi", từ đó tạo ra việc tập trung quyền lực và hình thành lệ xin - cho. Trong khi đó, hầu như Luật rất ít đưa ra những biện pháp xử lý, chế tài cán bộ tắc trách, gây phiền nhiễu cho DN, hoặc năng lực yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ.

"Các quy định gây ra quá nhiều tổn thất cho DN, cho xã hội thì phải sớm xem xét lại, còn cán bộ tắc trách, gây phiền nhiễu thì phải có hình thức xử lý, không thể để tình trạng này kéo dài" - bà Nguyễn Thị Cành, giảng viên trường Đại học quốc gia TP.HCM đề nghị. Đề nghị này được giám đốc Phạm Thị Mỹ Lệ hưởng ứng: "Việc đánh thuế đã tận thu, làm gò bó cho DN, vậy thì cơ quan quản lý phải thực hiện đầy đủ và kịp thời các thủ tục khác để DN hoạt động. Nhà nước nên đặt ra thời hạn hoàn thuế, nếu trễ phải phạt cán bộ, cơ quan thuế". Trả lời điều này, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Cục trưởng cục phát triển DN vừa và nhỏ, cho biết, ngành thuế cũng đã có một bước cải cách nghiêm túc với việc sắp xếp lại 1.051 đầu mối từ tổng cục đến Chi cục, trong đó phần lớn là vi phạm do hành vi gây ra phiền nhiễu cho DN.

"Nếu thấy khó, chưa rõ, thì áp dụng điều nào lợi nhất cho DN" - ông Nguyễn Đình Cung - Trưởng ban Quản lý Chính sách Vĩ mô - Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, nói rằng đã có nhiều lần trao đổi như thế tại các buổi bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. "Những chỗ chưa rõ của chính sách lâu nay đã tạo ra sự tùy tiện rất lớn, mà cán bộ lúc nào cũng đúng!" - ông Cung nói.

Nhìn vấn đề ở mặt khác, luật sư - tiến sĩ Lê Nết cho rằng: “Tư duy làm luật thuế là để phát triển nguồn thu, nhưng tư duy đánh thuế lại là tận thu, điều đó làm cản trở sự phát triển của DN”. Ông cho rằng, khi xây dựng Luật, DN vừa và nhỏ cũng phải được tham khảo ý kiến. Có những ý kiến xác đáng lẽ ra phải được thu nhận, nhưng không có cơ chế bảo đảm đưa vào Luật. Theo luật sư,  tới đây cần có cơ chế phản biện để DN có điều kiện góp ý kiến xây dựng Luật.

Có mặt tại buổi thảo luận, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Cục trưởng cục phát triển DN vừa và nhỏ, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thuế của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Đình Cung, bà Phạm Chi Lan đều ghi nhận và cho rằng, việc xây dựng các bộ Luật phục vụ cho môi trường kinh doanh tới đây, phải có tiếng nói của DN. Bà Chi Lan cho biết, trong quan điểm mới nhất về nội dung cải tiến quy trình soạn thảo ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến việc tham vấn ý kiến của nhân dân. “Chúng tôi rất mong DN hưởng ứng” - bà Lan kêu gọi.

Ông Phúc đồng ý, phải có lộ trình xây dựng lại chính sách thuế, nhưng điều ông nhấn mạnh là “cơ quan quản lý phải có lòng tin vào DN, và ngược lại DN cũng nên tin tưởng vào cơ quan quản lý, thì mới có thể cùng xây dựng một cơ chế tốt”. Điều này được ông Hồng dùng hình tượng: "Đã đến lúc cơ quan quản lý và DN phải bỏ đi suy nghĩ là người trị, người bị trị, mà phải xác định là những người đang cùng ngồi chung trên một con thuyền, cùng chèo chống nền kinh tế của đất nước”. Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, phải xây dựng quan điểm cơ quan thuế chuyển từ quản lý DN sang phục vụ DN.

  • Đặng Vỹ - Nguyễn Sa

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
25/9, DN trẻ TP.HCM đối thoại với cơ quan quản lý (24/09/2004)
''Sức hút FDI'' của Việt Nam đứng thứ 50 thế giới (22/09/2004)
GDP 2004-2005 của Việt Nam sẽ tăng trên 7% (22/09/2004)
Doanh nghiệp VN: Chưa ''dám'' nghĩ tới thương mại điện tử! (20/09/2004)
Lâm Đồng: Đầu tư vốn xây hạ tầng được trừ vào thuế (15/09/2004)
19,5 tỷ đồng thưởng xuất khẩu 2003 (13/09/2004)
Thắp sáng khát vọng làm giàu của doanh nhân nữ (10/09/2004)
TP.HCM: Thêm 7.500 tỷ đồng xây dựng nhà tái định cư (06/09/2004)
Hãy trao cả những dự án lớn cho DN trẻ! (06/09/2004)
Sao Vàng đất Việt khẳng định sức mạnh thương hiệu Việt (02/09/2004)
Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm (26/08/2004)
Phú Mỹ Hưng sẽ tuân thủ ý kiến của Thủ tướng (26/08/2004)
Nhà nước chỉ giữ 100% vốn đối với 21 loại DN (25/08/2004)
Đà Nẵng: 5 giải pháp lớn phát triển kinh tế biển (21/08/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang