Chính sách chưa tạo động lực "thúc" DN nhà nước
11:29' 21/10/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Các DNNN của Việt Nam vẫn có khả năng tạo ra mức tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng cơ chế hiện nay lại không tạo ra động lực để họ phát huy hết sức mạnh.

Soạn: AM 176257 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Các DNNN sẽ làm ăn hiệu quả hơn nếu thường xuyên được kiểm toán minh bạch.

Đó là một trong những kết luận của các chuyên gia trong cuộc họp đánh giá kết quả kiểm toán 42 DN thuộc 9 tổng công ty nhà nước hôm qua (20/10) tại Hà Nội do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức. Những DNNN được kiểm toán thuộc các  lĩnh vực: thủy sản, hàng hải, dệt may, cao su, mía đường, thép, giấy, xi măng, lương thực.

Trong 32 DN được đánh giá về khả năng tồn tại thương mại có 22 DN ''có thể tồn tại'', 4 DN ''tồn tại được nhưng ở mức cận biên'', 5 DN ''không thể tồn tại được'' và 1 DN ở ''mức độ không rõ ràng''. Về khả năng tài chính, chỉ có 8 DN mạnh, 11 DN ở mức trung bình, 2 DN trung bình yếu, 10 DN yếu và 1 DN âm... Bà Lê Thị Băng Tâm, Thứ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận: các báo cáo đã đánh giá rất đúng vị thế của DNNN trong hoạt động kinh doanh, cơ hội và những thách thức của họ.

Cơ chế phân phối lợi nhuận khó tạo động lực

Theo bà Lê Anh Tú - Cố vấn kỹ thuật của dự án, thì nổi bật trong các báo cáo là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình của các DNNN được kiểm toán đạt 7,6%, thấp hơn nhiều so với mức 12% của các DN tham gia thị trường chứng khoán ở Trung Quốc và mức 24% của các DN Ấn Độ. Các chuyên gia tư vấn quốc tế nhận định: các DNNN có tiềm năng tạo ra mức tỷ suất lợi nhuận cao hơn, nhưng bị cản trở vì những lý do thể chế khác nhau. Với cơ chế phân phối lợi nhuận sau thuế của DN như hiện nay (50% trích vào Quỹ Đầu tư phát triển sản xuất; 10% trích vào Quỹ Dự phòng và Quỹ cho các hoạt động nghiên cứu đào tạo; 5% trích vào Quỹ tạo việc làm mới và 5% trích vào Quỹ khen thưởng phúc lợi) thì khó có thể tạo ra động lực cho cán bộ quản lý phát huy được hết năng lực của mình.


Ông Hoàng Nguyên Học - Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính cho biết: Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành, các nhà thầu quốc tế, các tổng công ty và DN lựa chọn kiểm toán 47 DNNN. Đến nay đã hoàn thành kiểm toán 42 DNNN thuộc 9 tổng công ty và đang kiểm toán 5 DNNN. Dự kiến đến 31/12 năm nay sẽ hoàn thành kiểm toán các DN này. Việc kiểm toán tại các công ty này do các công ty kiểm toán quốc tế (KPMG - Australia, KPMG - Thái Lan, KPMG - Việt Nam, PWC - Việt Nam, Ernst&Young - Australia, Ernst&Young - Việt Nam, COWI - Đan Mạch) thực hiện có sự tham gia của các công ty kiểm toán VN (AASC, A&C...). Chương trình kiểm toán này đã đạt được nhiều kết quả lớn giúp DN xác định được vai trò vị thế, khả năng cạnh tranh cũng như những định hướng phát triển trong tương lai.

Báo cáo kiểm toán giúp Chính phủ có căn cứ xây dựng cơ chế chính sách đổi mới để phát triển DN.  

Đơn cử như Công ty xi măng Hoàng Thạch được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất trong số 4 công ty xi măng tham gia kiểm toán vì có mức chi phí sản xuất thấp (nguyên liệu dồi dào, công nghệ sản xuất hiện đại...). Nhưng chỉ số EBITDA (lợi nhuận trước khi tính lãi suất, thuế, khấu hao và trả nợ) trên doanh thu chỉ đạt 26%, thấp hơn so với những công ty xi măng hoạt động tương đối kém hiệu quả khác (vì khoảng 60% sản phẩm của Hoàng Thạch được bán cho các DN thành viên khác trong cùng tổng công ty với mức giá thấp hơn giá thị trường tới 20%).

Ưu tiên hàng đầu không phải là lợi nhuận

Vấn đề được thường xuyên nhắc đến trong các báo cáo kiểm toán là mục đích ưu tiên hàng đầu của các DNNN không phải lợi nhuận. Nhiều giám đốc DN có xu hướng tránh đương đầu với rủi ro. Theo nhận định của các chuyên gia kiểm toán quốc tế: đội ngũ giám đốc các DNNN thể hiện sự quan tâm chính của họ đến khối lượng, doanh số bán hàng thu được và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Công ty Tư vấn E&Y xem xét doanh số bán hàng tháng của Công ty Dệt Nha Trang và phát hiện càng gần đến thời điểm cuối năm 2000, doanh số bán sản phẩm sợi và sản phẩm may mặc giảm đáng kể. Nguyên nhân là do Công ty này đã hoàn thành mục tiêu doanh số bán hàng của năm và Ban Giám đốc quyết định giảm lượng hàng tiêu thụ trong 2 tháng cuối năm để chuyển sang đầu năm 2001. Với cách làm này doanh thu sẽ được tính cho năm 2001 mặc dù các đơn đặt hàng và các hợp đồng bán hàng đã được ký kết trước thời điểm cuối năm 2000.


Theo các chuyên gia kiểm toán quốc tế, để tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của các DNNN, Chính phủ nên chuyển giao vai trò điều tiết ngành của tổng công ty sang cho bộ quản lý ngành. Như vậy sẽ  tránh được xung đột do vai trò điều tiết của tổng công ty có thể mâu thuẫn với lợi ích kinh tế các DNNN thành viên. Chính phủ cần phải yêu cầu các DNNN tập trung vào các mục tiêu thương mại vì điều này sẽ giúp họ tạo ra nhiều lợi nhuận hơn và giúp cho Nhà nước tái phân bổ những khoản lợi nhuận lớn một cách minh bạch đáp ứng các ưu tiên phúc lợi xã hội.

Ngoài ra, nên trao cho lãnh đạo tổng công ty và các DNNN toàn quyền quyết định và trách nhiệm giải trình đầy đủ. Lãnh đạo DN phải có đủ thẩm quyền quyết định chi xây dựng cơ bản, bố trí cán bộ, định giá sản phẩm, tiếp thị; cho phép DNNN phát hành cổ phiếu mới như một hình thức huy động thêm vốn; sửa đổi các quy định về lao động bao gồm cả các quy định hạn chế mức lương của cán bộ trong DNNN.

Theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống lương thưởng hiện nay không khuyến khích các nhân viên làm tốt việc vì sự khác biệt về mức lương giữa một nhân viên tốt và nhân viên không tốt là không đáng kể. Thang lương quy định chỉ nên xác định các mức lương tối thiểu. Các DNNN cũng phải có quyền sa thải những nhân viên có năng lực kém, giảm bớt lượng lao động dư thừa và đưa ra các mức lương phù hợp để khuyến khích người lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải sửa đổi Thông tư về tiêu chí phân loại DNNN. Mặc dù được ban hành nhằm mục đích thúc đẩy hoạt động của DN nhưng trên thực tế những quy định này không khuyến khích nỗ lực và tinh thần kinh doanh của các DN...

(Nguồn: Dự thảo báo cáo chính sách cuối cùng về kiểm toán chẩn đoán các DNNN)

 

  • H.P-L.N

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
25% lãnh đạo DN Việt Nam là nữ (19/10/2004)
Năng lực cạnh tranh tụt 15 hạng, VN khó thu hút FDI? (18/10/2004)
Lần đầu tiên VN tham gia đua thuyền buồm quốc tế (15/10/2004)
Doanh nghiệp hãy đứng trên đôi chân của mình (14/10/2004)
Ngày doanh nhân, nhìn về sự kiện Phú Mỹ Hưng (14/10/2004)
2 tỷ đồng cho người nghèo nhân Ngày doanh nhân (14/10/2004)
Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh sẽ phân bổ quota (07/10/2004)
ATF hôm nay, cộng đồng kinh tế ASEAN ngày mai? (06/10/2004)
TP.HCM: Kinh tế dân doanh tăng trưởng vượt khu vực FDI (06/10/2004)
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: ''Thà đau một lần...'' (30/09/2004)
Một con người tận tụy với Việt Nam (29/09/2004)
Phú Mỹ Hưng: Biến cố không làm thay đổi KH đầu tư (27/09/2004)
"DN tìm đất như Đường Tăng đi lấy Kinh!" (27/09/2004)
Thuế, hải quan làm yếu sức cạnh tranh của DN (27/09/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang