(VietNamNet) - Một trong những yêu cầu bắt buộc khi gia nhập WTO là phải mở cửa thị trường dịch vụ. Hiện nay hàng loạt ngành dịch vụ cần được các thành phần kinh tế phát triển gấp, nếu không sẽ bị DN nước ngoài chiếm lĩnh ngay sau khi mở cửa.
|
Ngân hàng - dịch vụ phát triển khá mạnh trong thời gian vừa qua. |
Con đường duy nhất để phát triển dịch vụ Việt Nam chỉ gói gọn trong 2 chữ ''mở cửa''. Đây là ý kiến được tất cả các chuyên gia trong và ngoài nước thống nhất trong buổi toạ đàm ''Dịch vụ Việt Nam: thách thức và tiếp cận mới'' sáng 26/10.
Dịch vụ - trăn trở trong đàm phán gia nhập WTO
Ngày 9/10 vừa qua, Việt Nam và EU đã chính thức ký Hiệp định song phương về việc VN gia nhập WTO, trong đó, VN mở cửa các lĩnh vực dịch vụ: giao thông, tài chính, chuyển phát nhanh, xây dựng, phân phối, môi trường, các dịch vụ chuyên môn, viễn thông, du lịch và các dịch vụ kinh doanh khác cho EU. Trong bản chào mới nhất về việc gia nhập WTO, ngoài 8 ngành dịch vụ đã cam kết trong BTA (Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ), Việt Nam cũng đã cam kết mở rộng thêm 3 ngành dịch vụ là vận tải, môi trường và văn hoá. Dịch vụ cũng chính là lĩnh vực ''nóng'' trong đàm phán gia nhập WTO với Mỹ hiện nay.
Việc mở cửa khu vực dịch vụ này cho phép thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp từ các nước phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản. Tuy nhiên, phải tính tới tình huống DN VN có thể bị mất thị trường, phải liên doanh với DN nước ngoài và phụ thuộc vào họ để sống. Hàng loạt dịch vụ hiện nay hầu như chưa tồn tại như một dịch vụ thương mại, từ dịch vụ nghiên cứu thị trường đến tiếp thị, dịch vụ kế toán qua mạng... Những ngành này cần được nhanh chóng tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển gấp, nếu không sẽ bị các DN nước ngoài chiếm lĩnh ngay sau khi mở cửa.
Các thị trường gạo, cà phê, hạt tiêu, may mặc, da giày... đều không phải là vô hạn. Việt Nam hiện nay đang tập trung vào hai công đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất là lắp ráp và gia công chế biến, trong khi các dịch vụ khác như nghiên cứu khoa học, thiết kế kiểu dáng hay tiếp thị, nghiên cứu thị trường đều rất kém phát triển.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, Cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: ''Gia nhập WTO sẽ mở ra thị trường rộng lớn, nhưng cạnh tranh gay gắt, trong đó Trung Quốc sẽ là một đối thủ mạnh trên hầu hết các loại hình dịch vụ. Nếu không có sự chuẩn bị rất năng động, có hệ thống, đồng bộ cho từng loại hình dịch vụ, sức ép cạnh tranh sẽ ập đến và thời gian đầu của thời kỳ mở cửa sẽ rất khó khăn''.
Nỗi lo phát triển ''lùi''
WTO đã phân loại 12 ngành dịch vụ chính: - Dịch vụ kinh doanh. - Dịch vụ liên lạc. - Dịch vụ xây dựng và thi công. - Dịch vụ phân phối. - Dịch vụ giáo dục. - Dịch vụ môi trường. - Dịch vụ tài chính. - Các dịch vụ liên quan đến sức khoẻ và các dịch vụ xã hội. - Các dịch vụ giải trí và thể thao. - Các dịch vụ vận tải. - Các dịch vụ khác. |
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, Việt Nam đặt ra mục tiêu phát triển ngành dịch vụ với tốc độ tăng 7-8%/năm và đưa tỷ trọng dịch vụ trong GDP đạt 42-43% vào năm 2010, lao động trong lĩnh vực này sẽ chiếm 26-27%.
Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là tỷ trọng dịch vụ trong GDP của nền kinh tế không cao và liên tục sút giảm từ năm 1995. Năm 2003, dịch vụ chiếm 38% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các nước có thu nhập thấp (50%) và thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới (68%). Việt Nam luôn ở trong tình trạng nhập siêu về dịch vụ. Tỷ trọng FDI vào các ngành dịch vụ cũng có xu hướng giảm dần. Nếu giai đoạn 1988-1996 là 48,8% vốn FDI đăng ký thì 1997-2000 tụt xuống còn 33,9%. Từ năm 2001 đến nay, FDI trong lĩnh vực dịch vụ đang phục hồi cả về giá trị và tỷ trọng so với năm 2000 nhưng cũng chỉ chiếm 20,5% tổng vốn đăng ký, thấp hơn nhiều so với trước đó.
Các DN cung ứng dịch vụ ở Việt Nam đến nay chưa phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mạnh trên thị trường nội địa, trừ ngành bảo hiểm đã được mở cửa. Những DN độc quyền không phải lo đến cạnh tranh, hệ quả là giá nhiều loại dịch vụ ở Việt Nam thuộc loại cao ngất trong khi chất lượng thấp dưới mức trung bình.
Mở rộng cửa - xu hướng tất yếu
''Phải mở cửa cho tư nhân tham gia, cùng với mở cửa từng bước cho ĐTNN thì mới có thể tăng đầu tư, giảm độc quyền của các DN nhà nước. Nếu đầu tư phát triển lên sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các ngành khác. Lợi ích là chung cho cả nền kinh tế còn cái ''đau'' thì từng DN yếu kém phải chịu trách nhiệm'' - TS Lê Đăng Doanh đã cho biết như vậy trong trao đổi bên lề với VietNamNet.
Theo UNCTAD, tỷ trọng dịch vụ trong xuất, nhập khẩu hiện chiếm khoảng 70% giá trị xuất nhập khẩu toàn cầu. Điều này có nghĩa là muốn thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước phát triển, Việt Nam phải mở cửa khu vực dịch vụ và thu hút đầu tư, liên doanh trên các lĩnh vực dịch vụ. Ông Doanh cho rằng: ''Thu hút công nghiệp dệt, may, xi măng, sắt thép... từ Mỹ, Anh là không đúng chỗ vì họ không còn phát triển các lĩnh vực đó nữa mà phải thu hút đầu tư về ngân hàng, chứng khoán, các dịch vụ về giáo dục đào tạo, phần mềm, công nghệ thông tin, tư vấn...''.
Còn ông Trần Hào Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì đưa ra lập luận, theo Báo cáo đầu tư thế giới năm 2004, dòng vốn FDI trên thế giới đang có xu hướng tập trung vào lĩnh vực dịch vụ. Là một nước tiếp nhận đầu tư, Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này. Việc mở cửa thị trường dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo điều kiện để đa dạng hoá và nâng cao chất lượng phát triển của các ngành dịch vụ, qua đó, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo thêm giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam. Ngược lại, sự tăng trưởng và phát triển của các ngành dịch vụ cũng tạo điều kiện để Việt Nam tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh thu hút FDI vào các ngành kinh tế khác.
Góp ý tại buổi toạ đàm, GS. Mahani Zainan Abidin, Chủ tịch Hội đồng hành động kinh tế quốc dân, Văn phòng Thủ tướng Malaysia cho biết: ''Thực tế ở Malaysia cho thấy, những ngành dịch vụ đã được tự do hoá có mức độ rủi ro ít hơn như giáo dục chẳng hạn. Sau khi mở rộng, chúng tôi đã trở thành nước xuất khẩu dịch vụ này và hiện Malaysia có những cơ sở giáo dục tư nhân mở ở một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ''. Malaysia phải mất 40 năm để chuyển dần sang khu vực dịch vụ và hiện nay dịch vụ đã đóng góp 57% vào gia tăng GDP của nước này.
|