Người nghèo khó tiếp cận thị trường đất đai
05:11' 05/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - ''Đến năm 2005, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ hoàn tất. Người nghèo được hưởng lợi đầu tiên vì họ có thể dùng sổ đỏ để cầm cố, thế chấp làm vốn đầu tư''. 

Soạn: AM 187798 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Nhà ở ngày càng xa tầm tay của người nghèo.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ đã cho biết như vậy trong Hội thảo: ''Tác động của sự vận hành thị trường đất đai tới người nghèo'' sáng nay (4/11). Hội thảo này được tổ chức trong bối cảnh Nghị định Hướng dẫn thi hành Luật Đất đai vừa được ban hành tuần trước. 

Người nghèo: ''Thuê nhà đã khó''

Cản trở lớn nhất để những người nghèo tiếp cận thị trường đất đai vẫn là giá đất. Điều bất hợp lý là giá đất đang ngày càng ''một trời một vực'' với đồng lương của người lao động bình thường, người nghèo trong xã hội. Ngay cả giá thuê nhà cũng đang trở thành một khó khăn lớn. Hiện, một nơi ở ''tạm được''  cũng có giá thuê đến 500.000 đồng/tháng, thu nhập của người bình thường khó đáp ứng chưa nói đến tiền mua nhà. Mặt khác, chính sách nhà ở vẫn còn nhiều bất cập. Nhà chung cư mọc ra khắp nơi, nhưng quá trình bán không minh bạch. Không phải cứ ai có nhu cầu, đến cơ quan quản lý ghi tên là được mà phải qua tới vài môi giới mới tiếp cận được nhà.  

Ở nông thôn, khó khăn lớn nhất lại là vấn đề thủ tục đất đai. Điều tra ở 2 tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên cho thấy, thời gian để người dân lấy được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên đến nhiều tháng, và phải trải qua tới 27 bước, theo đúng một vòng tròn qua các cấp, phòng ban chính quyền. Còn các điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương ở hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam cũng cho thấy, người dân phải trải qua 11 bước mới tiếp cận được với sổ đỏ. Đó là chưa kể đến các khoản lệ phí bất thành văn mà những người nghèo vẫn âm thầm phải chịu. 

Nhận định về những bất cập trên thị trường bất động sản Việt Nam, Thứ trưởng Đặng Hùng Võ nói: ''Bất cập lớn nhất là tiền tích trữ, tiền tiết kiệm của người dân hiện nay hầu hết đổ vào thị trường bất động sản chứ không phải là thị trường chứng khoán như các nước phát triển khác. Tiền gửi của dân vào ngân hàng ít, vào thị trường chứng khoán lại càng không. Hầu như, tiết kiệm trong dân dồn vào mua thửa đất này, thửa đất khác. Chính điều đấy làm ''méo'' thị trường bất động sản Việt Nam.

Chính sách đất đai hướng về người nghèo

Ngoài việc hoàn tất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2005, Thứ trưởng Võ cũng khẳng định, ''xử lý đất đai cũng có những quy định rõ ràng hơn''. Với đất trồng cây lâu năm, nếu sau 20 năm mà Nhà nước không thu hồi thì đương nhiên người sử dụng có quyền sử dụng tiếp mà không cần phải làm bất cứ đơn từ nào và các địa phương không được tự tiện thu hồi. ''Chính sách đất đai đang hướng tới đáp ứng nhà ở cho người nghèo ở mức tối thiểu và đất sản xuất kinh doanh cho hộ gia đình ở mức nhất định'', ông Võ khẳng định. 

Ông Võ cũng cho biết: ''Để hạn chế những tiêu cực trong thi hành Luật Đất đai, chúng tôi đang tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành Luật. Trước đây, các cấp địa phương không phải bỏ quên mà là đã không làm. Thanh tra chỉ làm khi cấp trên giao việc, hay có sự việc rùm beng do báo chí đưa. Chúng tôi sẽ đưa công tác này trở thành việc làm thường xuyên. Ngoài ra, với hệ thống đường dây nóng được thiết lập từ cấp bộ xuống các địa phương, không chỉ khiếu nại tố cáo, người dân hoàn toàn được quyền kêu ca về các thủ tục hành chính''.

Tại Hội thảo, ông Bradford Philips, Giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) Việt Nam đưa ra lời khuyên: ''Thách thức với các bạn giờ đây không chỉ là thiết lập một thị trường đất đai có hiệu quả mà còn cả việc đảm bảo người nghèo có thể tham gia vào thị trường này. Minh bạch hơn trong hoạt động và chi phí tham gia thị trường thấp hơn sẽ giúp người nghèo tối đa hóa lợi nhuận từ tài sản đất đai''.  

  • Phương Thanh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Nhà đầu tư vẫn "ngán'' thủ tục đất đai
Lập đoàn kiểm tra liên ngành về xây dựng, đất đai
CÁC TIN KHÁC:
Oxfam: Vào WTO, Việt Nam đang bị các nước giàu "ép" (03/11/2004)
Cấp bách dịch vụ trước thềm WTO (26/10/2004)
Đẩy nhanh thông quan hành lý xuất nhập cảnh (26/10/2004)
Chính sách chưa tạo động lực "thúc" DN nhà nước (21/10/2004)
25% lãnh đạo DN Việt Nam là nữ (19/10/2004)
Năng lực cạnh tranh tụt 15 hạng, VN khó thu hút FDI? (18/10/2004)
Lần đầu tiên VN tham gia đua thuyền buồm quốc tế (15/10/2004)
Doanh nghiệp hãy đứng trên đôi chân của mình (14/10/2004)
Ngày doanh nhân, nhìn về sự kiện Phú Mỹ Hưng (14/10/2004)
2 tỷ đồng cho người nghèo nhân Ngày doanh nhân (14/10/2004)
Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh sẽ phân bổ quota (07/10/2004)
ATF hôm nay, cộng đồng kinh tế ASEAN ngày mai? (06/10/2004)
TP.HCM: Kinh tế dân doanh tăng trưởng vượt khu vực FDI (06/10/2004)
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: ''Thà đau một lần...'' (30/09/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang