221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
863216
Tự chủ ĐH: 6 tầm ngắn hạn, 4 tầm xa
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Tự chủ ĐH: 6 tầm ngắn hạn, 4 tầm xa
,

(VietNamNet) - Cần sớm triển khai 6 công việc trong tầm ngắn hạn và 4 công việc tầm xa để tăng dần quyền tự chủ cho các trường, xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản. 

Truyền thống giáo dục ĐH 

GDĐH của nước ta có một lịch sử chừng dăm chục năm, các chuẩn mực giá trị GDĐH đang hình thành; kinh nghiệm phát triển, quản lý chương trình đào tạo khá hạn chế, nghiên cứu và đào tạo tách rời nhau, chịu tác động cả tích cực và tiêu cực từ kinh tế thị trường, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục ĐH còn bất cập.  

Quản lý hành chính (administration) và quản lý chuyên môn học thuật (academic professional) còn lẫn lộn. Ai có quyền lực lãnh đạo quản lý (tức các chức sắc trong trường như Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, Chủ nhiệm khoa), nói chung dễ được hưởng quyền lực về học thuật và đằng sau đó là quyền lợi kinh tế như Chủ nhiệm đề tài, dự án lên đền hàng tỷ đồng, Chủ tịch các Hội đồng nghiên cứu, và ở các vị trí quản lý lãnh đạo cao trong nhà trường thì “tự động” có thêm ưu ái để được hưởng quyền lợi học thuật cao hơn, nhiều cơ hội để nhận được chức danh GS, hay PGS. 

Điều đó cho thấy các giá trị học thuật trong trường đại học có thể bị để lại phía sau so với các “giá trị” hành chính.

Bên cạnh đó, chất lượng GS và PGS của ta xem ra còn nhiều vấn đề về năng lực nghiên cứu, ngoại ngữ, kỹ năng máy tính thể hiện qua số các công trình công bố hoặc số lần tham gia hội thảo khoa học trên thế giới. 

Bạn chỉ cần “lướt” qua trang Google để làm một so sánh số lần xuất hiện tên một giáo sư nổi tiếng của một quốc gia phát triển nào đó và tên một GS của ta, bạn sẽ thấy “vấn đề” của chúng ta.  

Tự chủ về học thuật đồng nghĩa với việc tự do học thuật (academic freedom) và là hơi thở của một trường ĐH.  

Các giảng viên có thể tự do làm các nghiên cứu, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, tự do phản biện xã hội, có quyền công bố những công trình nghiên cứu, và đặc biệt nội dung bài giảng cho sinh viên cao học thường có chứa đựng những thông tin, kết quả nghiên cứu của chính bản thân hoặc của những người cộng tác...Nhưng điều này ở ta xem ra còn khá xa lạ.  

Nguồn lực giáo dục ĐH? 

Tự chủ ĐH cần phải có sự đảm bảo bằng nguồn lực vật chất. Kinh phí, nguồn lực thiếu thốn dẫn đến nhiều trường phải cắt giảm các khoản chi tăng khoản thu bằng nhiều cách như liên kết đào tạo tại chức, tăng tỷ lệ sinh viên trên 1 giảng viên (có ngành lên đến 50 SV/1giảng viên), tăng số giờ dạy khiến giảng viên không còn thời gian để học tập và nghiên cứu, riết mãi cũng quen thành ra lười học. 

Do nguồn lực thiếu thốn nên hiện tượng cạnh tranh nguồn lực bằng nhiều cách diễn ra kể cả buông lỏng chất lượng, chạy theo “thị hiếu” của người học (khách hàng), mà “thị hiếu” của người học cần mảnh bằng nhiều hơn nên lại mâu thuẫn với các chuẩn mực giá trị học thuật. 

Cơ chế “khoán” nào? 

Một số người cho rằng phải “khoán 10” cho GDĐH với hàm ý xây dựng một cơ chế mới quản lý GDĐH. 

Tuy nhiên, cơ chế “khoán 10”, môi trường khoán, kinh nghiệm làm ruộng hàng ngàn năm của người nông và sản phẩm của nó không giống như “khoán” đối với GDĐH.  

Vì sản phẩm của GDĐT không phải là vật vô tri vô giác, một khi hỏng thì không thể sửa chữa (not rework) mà cũng không thế vất đi được, di hại của nó kéo dài đến hàng 3, 4 thập kỷ - nên trách nhiệm xã hội của trường ĐH đối với người học vô cùng lớn, không thể “khoán” cho các trường được.  

Một công ty muốn sản xuất biệt dược hoặc đồ ăn uống bằng chính quyền tự chủ của mình cũng cần phải đăng ký với chính phủ. 

Một “đồng xu luôn có hai mặt”, mọi sự tự do đều có giới hạn và trường ĐH cần thấu hiểu quyền tự chủ luôn đi đôi với chịu trách nhiệm đặt dưới sự kiểm soát của một Hội đồng trường thực sự (workable) không phải tồn tại trên danh nghĩa và trường ĐH luôn sẵn sàng giải trình tới cơ quan quản lý nhà nước về các điều kiện đảm bảo chất lượng GDĐH khi được yêu cầu.  

Thực tiễn GDĐH của các nước trên thế giới cho thấy, chẳng có ĐH nào có quyền tự chủ tuyệt đối, đặt mình ra ngoài luật pháp và mức độ tự chủ của từng trường cũng rất khác nhau. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng, chúng ta phải xử lý hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, nhà trường và thị trường 

Ở đâu và bao giờ yếu tố thị trường lấn áp thì ở đó, khi đó chuẩn mực giá trị học thuật sẽ bị ảnh hưởng và quyền bình đẳng có nguy cơ bị xâm hại. Khi nào nhà nước can thiệp quá mức thì sức sáng tạo của nhà trường sẽ mất đi, sự ỷ lại sẽ tăng lên. 

Bước đi  

Vậy làm thế nào để tăng quyền tự chủ của GDĐH nước nhà? Bộ GD-ĐT khẳng định trách nhiệm của Bộ là thúc đẩy quá trình tự chủ của các trường ĐH và coi việc sớm trao quyền tự chủ cho các trường là một trong những nhiệm vụ mang tính đột phá, giải phóng nguồn lực cho phát triển GDĐH. Bộ GDĐT cần sớm triển khai những công việc sau để tăng dần quyền tự chủ cho các trường, xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản. 

Trong tầm ngắn hạn: 

1.Chuẩn bị chương trình bồi cán bộ quản lý các trường ĐH để nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ này. 

2.Ban hành Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và tiến hành kiểm định 20 trường ĐH và sẽ mở rộng ra toàn hệ thống. 

3.Chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thành lập Hội đồng trường theo Luật giáo dục 2005; hướng dẫn thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công. 

4.Tổ chức, chỉ đạo xây dựng các chương trình khung GDĐH (với thành viên Hội đồng xây dựng chương trình khung là các chuyên gia hàng đầu về từng lĩnh vực đào tạo và các nhà quản trị doanh nghiệp lớn...) để làm cơ sở cho các trường phát triển chương trình đào tạo của trường mình. 

5.Cải cách cơ chế tài chính GDĐH mà trọng tâm là chính sách học phí và tín dụng cho sinh viên, tạo điều kiện cho giảng viên làm việc và làm chủ đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo. 

6.Công bố sớm chính sách huy động đội ngũ chuyên gia nghiên cứu ở các Viện nghiên cứu tham gia giảng dạy và nghiên cứu, tăng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của trường ĐH bằng nguồn ngân sách hoặc bằng nguồn của trường. 

Trong một tầm xa hơn:  

1. Chính phủ sớm có ý kiến với Quốc hội có chương trình xây dựng Luật giáo dục ĐH tạo hành lang pháp lý cho GDĐH. 

2. Hình thành một thị trường GDĐH lành mạnh trên cơ sở khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các trường đại học ngoài công lập. 

3.  Đánh giá kinh nghiệm về tự chủ của hai Đại học quốc gia để rút ra những bài học. 

4. Cần hình thành văn hóa chất lượng, tôn trọng các chuẩn mực giá trị học thuật trong đội ngũ giảng viên và đặc biệt là SV. 

So sánh mức độ tự chủ giáo dục ĐH của một số quốc gia. Nguồn: University Autonomy in Twenty Countries

Thay vì kiểm soát (control) trực tiếp, can thiệp sâu vào các hoạt động của trường, nhà nước chuyển sang vai trò gián tiếp tạo định hướng và điều kiện thuận lợi cho GDĐH phát triển.  

Đối với các trường ĐH với lịch sử hàng trăm năm phát triển, trong một môi trường pháp lý chặt chẽ, thị trường lao động khá hoàn thiện, tự chủ giáo dục ĐH nhìn chung được xác định gồm những lĩnh vực chính như: nhiệm vụ, tài chính, nhân sự, tuyển sinh, chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học, thực hiện nghiên cứu, công bố công trình, tự đánh giá, liên kết với các ngành kinh tế, cấp học bổng cho sinh viên v.v... 

Một nghiên cứu về tự chủ của trường ĐH (biểu đồ trên) cho thấy, mức độ tự chủ của trường ĐH phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế- xã hội, chính trị, văn hóa và truyền thống quản lý đại học. 

  1. Canada có mức can thiệp của Chính phủ  thấp nhất
  2. Indonexia có mức can thiệp của Chính phủ lớn nhất
  3. Singapore có tỷ lệ can thiệp của Chính phủ ở mức gần với các quốc gia phương Tây hơn.
  4. Riêng Pháp có mức can thiệp rất lớn do truyền thống quản lý GDĐH của quốc gia này.

(nguồn: University Autonomy in Twenty Countries. 1998, các tác giả:  Don Anderson và Richard Johnson, Đại học Quốc gia Australia)

  • TS Hoàng Ngọc Vinh (Hà Nội)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,