Đền thờ các vị vua Hùng lớn nhất Việt Nam
Khu di tích đền Hùng (thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) có tổng diện tích tự nhiên trên 1.000ha, thuộc phần đất trong địa giới hành chính của 7 xã: Hy Cương, Chu Hóa, Thanh Đình, Tiên Kiên, Phù Ninh, Kim Đức, Vân Phú.
Ban thờ chính tại Đền Thượng |
Nằm trong vùng đất thấp phía Tây Bắc thành phố Việt Trì Khu di tích đền Hùng chia làm 3 phần: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Cổng đền Hùng đuợc xây vào năm Khải Định thứ 2 (1917), theo kiểu vòm cuốn cao 8,5cm, 2 tầng, 8 mái, lợp dạng ngói ống. Bốn góc tầng mái trang trí rồng đắp nổi 2 con nghê, nửa cột trụ là cổng đắp nổi phù điêu 2 võ sĩ.
Đền Hạ được xây dựng vào thế kỷ XVII-XVIII. Tương truyền đây là nơi mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng. Kiến trúc đền theo kiểu chữ Nhị gồm 2 tòa tiền bái và hậu cung, mỗi tòa 3 gian cách một khoảng lộ thiên 1,5m. Kiến trúc đơn sơ, kèo cầu suốt, 7 gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước, 2 bên đắp phù điêu một bên voi một bên ngựa. Tiền bái nhỏ thấp, lòng nhà rộng 4,7, dài 8,2m, mái trước cao 1,7m, mái sau cao 2,4m.
Tòa hậu cung gồm 3 gian, được xây bít đốc, tường hậu, quá giang gối tường, trên là kèo, cầu cài nóc. Tường hậu giáp bệ thờ đắp hình nổi (long chầu nguyệt). Phía trước hậu cung có 3 cửa, 3 gian và 3 đầu đốc có 4 bệ thờ. Trên bệ thờ đặt long ngai, bài vị, chính giữa đồ thờ được bày kiểu thất sự, hai bên bày ngũ sự, đầu đốc bày tam sự.
Nhà bia được xây dựng vào năm 1917, kiến trúc lục giác có 6 mái. Trên đỉnh có đắp hình nậm rượu, trong nhà bia có đặt tấm bia ghi việc tu sửa lên núi Hùng, đền Trung. Tương truyền đây là nơi vua Hùng cùng các lạc hầu, lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và bàn việc nước.
Đền Trung được xây dựng kiểu chữ Nhất. Đền có 3 gian quay về hướng Nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Đền Trung thờ giống như đền Hạ, trong treo 3 bức hoành phi có nội dung “Hùng Vương tổ miếu”, “Hùng Vương linh tích” và “Triệu tổ Nam Bang”.
Đền Thượng làm theo kiểu chữ Vương, kiến trúc đơn giản, kèo cầu không có chạm trổ, nền được xây dựng qua 4 cấp khác nhau gồm nhà chuông trống, đại bái, tiền chế và hậu cung. Bên phải đền Thượng là nhà quan cư - nơi sắp lễ và chỉnh đốn trang phục trước khi làm lễ dâng hương.
Lăng Hùng Vương nằm ở phía Đông đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn chân đạp thủy. Lăng hình vuông cột liền tường, có đao công 8 góc, tầng dưới 4 góc đắp con rồng tư thế bò. Tầng trên đắp rồng uốn ngược.
Ngoài ra, khu di tích đền Hùng còn có đền Giếng, đền Tổ mẫu Âu Cơ, nhà lưu niệm, Hồ Chủ tịch, bảo tàng đền Hùng, chùa Thiên Quang thiền tự…
Vietbooks