Phạm Đan Quế lập kỷ lục với truyện Kiều
Ngay từ ngày thơ ấu, những câu thơ trong Truyện Kiều đã đi vào tiềm thức của Phạm Đăng Quế. Sau này, khi đi học, ông lại gặp lại Truyện Kiều trong chương trình học, rồi may mắn được các giáo sư như Đoàn Phú Tứ, Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Hòe… truyền cho cách cảm thụ Kiều sâu sắc và tinh tế hơn.
Tốt nghiệp đại học và trở thành giáo viên dạy toán năm 1957, nhưng niềm say mê Truyện Kiều trong ông vẫn nguyên vẹn. Ông học thuộc toàn bộ Truyện Kiều, ngâm nga Truyện Kiều ngày này sang ngày khác mà không biết chán. Với ông Truyện Kiều có một sức hấp dẫn kỳ lạ, càng đọc càng hay, hôm nay đọc thấy thế này, nhưng ngày mai đọc lại thấy một sức hấp dẫn khác. Chỉ riêng 6 câu mở đầu Truyện Kiều tưởng như không ai là không thuộc, nhưng có mấy ai ngộ ra như ông, trong 6 câu đó có tới 4 triết thuyết: Tài mệnh tương đố của các nhà Nho; triết thuyết Phật giáo: Đời là bể khổ; thuyết Hồng nhan bạc mệnh và thuyết Thiên mệnh của Nho giáo.
Những tư tưởng này lại được Đại thi hào Nguyễn Du mở rộng và kết lại ở 12 câu cuối. Bốn triết thuyết nêu ra nơi phần mở đầu Truyện Kiều được khắc họa đậm nét, sâu sắc hơn trong lòng người đọc: “Ngẫm hay muôn sự tại TRỜI, TRỜI kia đã bắt làm người có thân, Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao, mới được phần thanh cao”, lặp lại thuyết Thiên mệnh ở hai câu mở đầu: “Lạ gì bỉ sắc tư phong, trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
Nếu hai câu “Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”, giúp người đọc hiểu tác giả đưa vào thuyết Tài mệnh tương đố, được phô diễn cụ thể hơn trong 4 câu sau: “Có đâu thiên vị người nào, Chữ TÀI, chữ MỆNH dồi dào cả hai, Có tài mà cậy chi tài, Chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Nếu ở đầu truyện Nguyễn Du nói đến triết thuyết đời là bể khổ của nhà Phật “trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng” và cuối truyện là bốn câu khuyên phải làm gì để thoát khỏi bể trầm luân ấy. Chính là tư tuởng TU TÂM của Phật giáo: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Thiện căn bởi tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Phạm Đan Quế càng nhận ra sự sâu sắc trong từng câu từng chữ trong lời tựa cho Truyện Kiều của Mộng Liên Đường chủ nhân: “…Như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy… Nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”. Từ đây, ông bắt đầu tìm tòi nghiên cứu về Truyện Kiều, càng tiếp cận, ông càng thấy Truyện Kiều hay, độc đáo, mở ra nhiều khía cạnh khác nhau. Từng câu, từng chữ trong Truyện Kiều đều đa nghĩa, chính vì vậy mới có hiện tượng “văn hoá Kiều”, hiện tượng “bói Kiều”, “lẩy Kiều”, “tập Kiều”…
Trên 30 năm tìm tòi nghiên cứu, sưu tầm về Truyện Kiều và cũng chính Truyện Kiều đã truyền trong con người, trong trái tim ông một niềm say mê Kiều rất lớn. Ông sưu tầm lưu giữ những cuốn sách chuyên luận, bài báo… viết về Truyện Kiều. Sau một quá trình nghiên cứu dài mãi đến năm 1991 ông cho xuất bản 2 cuốn sách viết về Truyện Kiều là: Truyện Kiều đối chiếu và Bình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều.
Năm 1994 ông tiếp tục cho xuất bản thêm 2 quyển nữa đó là: Truyện Kiều và các nhà nho thế kỷ XIX, Tập Kiều - một thú chơi tao nhã. Năm 2000 ông cho ra đời ba quyển: Truyện Kiều và Kim Vân Kiều Truyện, Từ lẩy Kiều, đố Kiều đến các giai thoại về Truyện Kiều, Tìm hiểu điển tích Truyện Kiều.
Từ năm 2002 đến năm 2004, ông tiếp tục cho xuất bản thêm những quyển sách về Truyện Kiều như: Về những thủ pháp nghệ thuật trong văn chương Truyện Kiều, Truyện Kiều đọc ngược, Lục bát hậu Truyện Kiều, Đố Kiều - Một nét đẹp văn hóa, Bói Kiều - như một nét văn hóa, Truyện Kiều trên báo chương thế kỷ XX…
Với những tác phẩm của mình Phạm Đan Quế trở thành tác giả nghiên cứu và viết nhiều sách nhất về một tác phẩm (15 quyển sách về Truyện Kiều). Đặc biệt, trong lúc nghiên cứu về Truyện Kiều ông đã phát hiện ra ở Truyện Kiều có năm kỷ lục thế giới và bảy kỷ lục của Việt Nam. Trong đó năm kỷ lục thế giới mà ông đề nghị xem xét là: Thi phẩm duy nhất trên thế giới có hiện tượng gọi là “tập Kiều” - liên kết những câu Kiều ở những chỗ khác nhau để thành hàng trăm bài thơ của nhiều nhà thơ, nhiều tác giả qua hàng trăm năm; Quyển truyện thơ có nhiều tác phẩm viết phần tiếp theo nhất trên thế giới: 7 truyện hậu Truyện Kiều đều được viết bằng hàng ngàn câu thơ lục bát; Truyện thơ có nhiều bản dịch nhất ra cùng một ngoại ngữ: 10 bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp; Quyển sách duy nhất trên thế giới mà người ta có thể đọc ngược từ cuối trỡ lên đầu để câu chuyện diễn ra theo chiều ngược lại của thời gian thành quyển Truyện Kiều đọc ngược; Truyện Kiều cũng là quyển sách duy nhất trên thế giới tạo ra cả một loạt những hình thức hoạt động văn hóa - văn hóa Kiều.
Với ý chí say mê và bỏ hết tâm huyết vào Truyện Kiều, đến năm 2005 - kỷ niệm 240 năm sinh, 185 năm mất của đại thi hào Nguyễn Du - ông Phạm Đan Quế sẽ cho xuất bản hai cuốn sách nữa về Truyện Kiều. Đó là Thế giới nhân vật Truyện Kiều và Truyện Kiều và những kỷ lục. Như vậy, số sách ông viết về Truyện Kiều là 15 cuốn trong thời gian đúng 15 năm.
Năm 1991, trong lời giới thiệu cho quyển sách đầu tiên của ông, giáo sư Phan Ngọc đã viết: “Ông Phạm Đan Quế là một giáo viên toán, nhưng cũng như tôi lại là một “Kim Vân Kiều nhân” (!). Vâng, một lời nhận xét dành cho một người có tấm lòng tha thiết với Truyện Kiều, đã tìm ra trong tác phẩm này những điều lý thú trên nhiều phương diện và đặc biệt đã phát hiện và minh chứng cho hàng chục kỷ lục của Truyện Kiều, những điểm thật độc đáo tưởng chừng như không một tác phẩm văn học nào có được.
Với ông, Truyện Kiều vẫn mãi mãi là niềm say mê nguyên vẹn bởi chính từ tầm vóc lớn lao của tác phẩm bất hủ này. Ông Phạm Đan Quế đúng là một “Kiều nhân” - người say mê Truyện Kiều!