,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
614712
Việt Nam có nên xây nhà máy điện hạt nhân?
1
Article
null
,

Việt Nam có nên xây nhà máy điện hạt nhân?

Cập nhật lúc 17:03, Thứ Năm, 14/04/2005 (GMT+7)
,

Suốt mấy tháng nay, ít có ngày nào trên mặt báo không viết về nạn khô hạn xảy ra khắp nơi ở nước ta, đặc biệt ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Hạn hán là khắc tinh của ngành điện. Vì hạn hán làm tăng nhu cầu sử dụng điện để làm mát cho con người, để bơm nước tưới cho cây cỏ... Và cũng chính hạn hán làm khô cạn ao hồ, kể cả những hồ dự trữ nước cho thuỷ điện, dẫn đến tình trạng thiếu điện càng trầm trọng hơn.

"Nỗi lo về điện vì thế đã bắt đầu xuất hiện...", báo Tuổi trẻ (TP. Hồ Chí Minh) đã xoáy vào tâm trạng có thực đó dưới tiêu đề "Điện sẽ còn căng thẳng?" ra ngày hôm nay (thứ Năm, 14/4/2005). Căng thẳng bây giờ? Hiển nhiên. 15-20 năm nữa có còn căng thẳng? Và điện hạt nhân sẽ đóng vai trò như thế nào? VietNamNet Nhận định yêu cầu một chuyên gia nhiều năm hoạt động trong ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam, TS. Trần Thanh Minh làm sáng tỏ câu hỏi này.

Một nhà máy điện hạt nhân.

Việt Nam có nên xây nhà máy điện hạt nhân?

Đúng là nhiều năm rồi, nước ta mới chịu một mùa khô hạn khắc nghiệt như năm nay. Hạn hán quả là một thử thách lớn đối với các nhà máy thuỷ điện và đặt ra những bài toán lớn cho ngành điện lực Việt Nam. Tôi vừa chứng kiến cảnh khô hạn ấy trong chuyến đi từ Thành phố Đà Lạt về sân bay Cam Ranh để đáp chuyến bay về Hà Nội.

Từ lưng chừng đèo Ngoạn Mục, tôi đã nhìn thấy mặt hồ Đa Nhim sau nhiều tháng thiếu mưa, mực nước thấp ở mức đáng lo ngại. Các tuốc-bin của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim vẫn gắng gượng vừa phát điện, vừa cấp nước cho khu vực hạ lưu thuộc tỉnh Ninh Thuận đang cơn khát bỏng của cây cỏ, gia súc và cả con người. Cảnh tượng ấy như một lời nhắc nhở: Thuỷ điện cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về mặt điện năng trước đe dọa của thiên nhiên.

Trong lúc đó, ở phía trên nhà máy này, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sau 20 năm khôi phục với công suất 500 KW, nơi tôi có khoảng 10 năm gắn bó, vẫn đều đặn hoạt động như nhịp đập con tim của ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Và phía dưới, dải cát dài vùng Ninh Hải bên bờ biển Đông trong xanh và lặng yên, nơi tôi có dịp tham gia cùng đoàn chuyên gia Nhật khảo sát trước đây, đang được xem là những địa điểm tiềm năng nhất cho Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên của nước ta. Lò phản ứng ấy, các vị trí lựa chọn này như lời vẫy gọi hướng về một nguồn điện năng tiếp nối của tương lai nước ta.

Trong thực tế, chiến lược phát triển nền điện năng của nước ta trong 10, 20 và 30 năm tới đã và đang thu hút bao nhiêu nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia. Trong đó, điện hạt nhân trở thành một mắt xích quan trọng và nhiều câu hỏi hóc búa được đặt ra để thảo luận và được nhiều người quan tâm.

Trước hết, nhu cầu điện năng nước ta như thế nào trong vòng 20 năm tới? Theo số liệu của tổ công tác chỉ đạo nghiên cứu phát triển nhà máy điện hạt nhân ở VN, với mục tiêu năm 2020 phải đạt tiêu chí là một nước công nghiệp hoá và với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7-8%/năm thì điện năng phải tăng với tốc độ khoảng 12-14%/năm. Điều này có nghĩa điện năng tổng cộng vào năm 2020 sẽ vượt con số 200 tỷ KWh (kilô-oát giờ). Theo tính toán của các chuyên gia năng lượng, trong trường hợp huy động hết khả năng nội địa của ta thì cũng chỉ đạt đến con số 165 tỷ kWh; trong đó thuỷ điện - 58 tỷ, nhiệt điện khí đốt - 78 tỷ, nhiệt điện than - 37 tỷ, năng lượng mới - 2 tỷ. Vậy còn thiếu khoảng 35 tỷ lấy từ đâu? Có khả năng nhập khẩu điện trực tiếp (từ Lào chẳng hạn) hoặc nhập khẩu than (từ Úc chẳng hạn). Về góc độ an ninh năng lượng quốc gia, cách đó chưa hẳn đã tối ưu.

Các nước trong vùng châu Á đã chọn lựa giải pháp năng lượng hạt nhân. Nhật Bản đang vận hành 54 tổ máy hạt nhân và đang xây thêm 3 tổ máy nữa. Hàn Quốc đang vận hành 16 tổ máy và đang xây thêm 2 tổ máy. Ấn Độ đang vận hành 8 tổ máy. Trung Quốc đang vận hành 6 tổ máy và đang xây dựng thêm nhiều tổ máy mới.

Nếu Việt Nam đi theo con đường chung này, một dự án tiền khả thi hiện nay đề xuất: Vào những năm 2017-2020, nước ta có thể có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với công suất 2000 MW (mêga-oát).

Lộ trình từ đây đến đó còn qua nhiều thang bậc: sau dự án tiền khả thi, sẽ là dự án khả thi. Nếu được Chính phủ chấp nhận, các dự án này chắc phải thông qua nhiều cấp lãnh đạo, trong đó có Quốc hội.

Dĩ nhiên, ở hầu hết các nước, và chắc ở Việt Nam ta cũng vậy, trước một vấn đề hệ trọng như điện hạt nhân, luôn có hai luồng ý kiến "NO" và "YES". Các ý kiến phản đối chủ yếu xoay quanh vấn đề an toàn của lò phản ứng. Vấn đề này luôn gắn với trình độ "văn hoá an toàn" của đội ngũ vận hành. Những người ủng hộ điện nguyên tử lập luận rằng, Việt Nam có những 15-20 năm nữa đủ để đào tạo và tập hợp một lớp người đáp ứng được yêu cầu cao của nền công nghiệp hạt nhân, và cũng lúc đó thế giới sẽ có được loại lò thế hệ 4 đạt đến mức an toàn gần như lý tưởng.

Đối với đông đảo dân chúng, nhất là những người dân thường đang trong cơn "khát nước" và "khát điện", những vấn đề trao đổi ở trên chắc hãy còn xa vời. Lúc này đây, đối với họ, niềm mong ước là những cơn mưa và hãy đừng cắt điện! Nhưng rồi đây, họ cũng như mọi người dân Việt Nam, khi đã qua cơn "khát nước", chắc một vài năm nữa thôi, sẽ trở về với điều quan tâm chung, sẽ có dịp tham gia trao đổi, hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp vấn đề trọng đại quốc gia: VN có nên xây nhà máy điện hạt nhân không?

  • Trần Thanh Minh

Sự kiện qua các báo

Tuổi trẻ: Điện sẽ còn căng thẳng?

Tiền phong: Ba giải pháp chống thiếu điện trong 2 năm tới

Tiền phong: EVN: Sản lượng điện mua ngoài tăng 81%

Lao động: Khắc phục nguy cơ thiếu điện tại miền Bắc

Lao động: Phước Dinh (Ninh Thuận): Nơi sẽ đặt nhà máy điện nguyên tử đầu tiên

Bạn có ý kiến gì? Theo bạn, Việt Nam có nên xây nhà máy điện hạt nhân không?

 


 

,
,