,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
663914
"Sự kiện Khánh Hòa": Bản lĩnh của sự trung thực
1
Article
null
,

'Sự kiện Khánh Hòa': Bản lĩnh của sự trung thực

Cập nhật lúc 16:41, Thứ Ba, 14/06/2005 (GMT+7)
,

Thấy gì từ chuyện hi hữu: Tỷ lệ tốt nghiệp của Khánh Hòa chỉ đạt 60% vì... tổ chức thi nghiêm túc?

Soạn: AM 442821 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Sự kiện kết quả thi tốt nghiệp thấp và dự định xin tổ chức thi lại của Sở GD-ĐT Khánh Hòa đang gây ra những luồng dư luận khác nhau. Kẻ chê, vì "hám thành tích" muốn phổ cập THCS nên Sở muốn làm lại lần 2. Người khen vì ông Giám đốc dũng cảm dám tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, nhất là chủ trương này đã được phổ biến từ đầu năm học.

Nhắc lại câu chuyện Khánh Hòa không phải là nhắc lại một đề nghị đã qua, mà câu chuyện vẫn còn nóng hổi. Khi sự thiếu minh bạch, thiếu trung thực đã gây phản ứng trong một kỳ thi chọn HS giỏi đi thi Quốc tế; khi trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục cũng phải "thú nhận" bất lực với nạn gian dối trong trường học; khi những tư  tưởng "phóng khoáng hơn" lại cho rằng "chép bài cũng là một nghệ thuật", việc học tập là gian khổ, nếu không khổ được thì phải... "gian".

Khoan hãy bàn chuyện có nên tổ chức thi đợt 2 hay không vì đó còn là câu chuyện dài, liên quan tới những thủ tục và chính sách của một quyết định bỏ thi chóng vánh. Con số 60% tốt nghiệp THCS của tỉnh Khánh Hòa kỳ năm nay có thể gợi ra nhiều vấn đề suy nghĩ của ngành giáo dục.

Điều đáng lưu tâm, đó là con số của sự trung thực - bài học vỡ lòng của môn đạo đức trong nhà trường. Tiếc thay, bao nhiêu năm qua, bài học này lại bị lấp liếm đi bởi cái tật nghiện thành tích "ảo" với những "con số đẹp": 99,2%, rồi 98,2%,v.v...

Nhiều phụ huynh, học sinh buồn, sốc, thất vọng... với kết quả thi của con em mình. Nhưng xã hội đã nhận rõ được chất lượng thật của một sản phẩm giáo dục. Và dù thấp, những người trong ngành giáo dục Khánh Hòa đón nhận sự thật và thanh thản với sự trung thực đó. Chuyện hi hữu của Khánh Hòa sẽ tập cho thói quen phải quên đi những tỷ lệ tốt nghiệp "ảo" và gắng làm quen với những tỷ lệ khiêm tốn nhưng thực chất.

Nhưng liệu sự dũng cảm này có được bảo toàn, ở trong một môi trường và lề thói vẫn có những thói quen đánh giá năng lực con người dựa trên những con số thành tích cao vống? Bởi, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu (cũ) từng nói thẳng trong một cuộc họp (về thi cử) rằng: Nếu để tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh "chỉ" 60 - 70% là "lãnh đủ" với tỉnh uỷ, chính quyền... Phải chăng, thói quen và những lề thói của sự giả dối lại là lực cản khiến nhiều khi, người ta lại không đủ bản lĩnh để đi đến cùng sự trung thực?

  • Hạ Anh
     

GS Hoàng Tụy: Làm sao giáo dục sự trung thực cho học sinh?

Phải mừng với việc xảy ra với Sở GD-ĐT Khánh Hòa, vì sự kiện ấy đã phơi bày những điểm yếu cơ bản của giáo dục Việt Nam, chúng ta có dịp nhìn lại thực chất mà không thể chủ quan nữa. Sự dũng cảm của Khánh Hòa rất đáng đề cao, nhưng rất tiếc sẽ bị "cô lập" trong thực trạng xã hội hiện tại. Bản thân xã hội đang đầy mâu thuẫn trong giáo dục, các kỳ thi đầy "phao" cũng bị lên án, nhưng khi Khánh Hòa tổ chức kỳ thi nghiêm túc dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp quá thấp cũng bị "than phiền".

Ai cũng biết, giáo dục phải đào tạo ra những người trung thực và sáng tạo, hai đức tính thật sự cần thiết để thành công trong quá trình hội nhập. Nhưng làm sao học sinh có thể trung thực và sáng tạo, khi trong trường học các em học sinh phải đối phó, bị áp đặt phải học thuộc, phải nói những điều chưa chắc các em đã tin. Điều này dù chỉ xảy ra với môn văn (như nhiều người vẫn nói) nhưng sẽ ăn sâu vào tư duy, vào suy nghĩ của các em. Thầy cô chạy theo thành tích nên sẵn sàng "không trung thực" và không cần sáng tạo, nhất là trong các kỳ kiểm tra và thi. Sẽ có một dàn ý cho sẵn, các em chỉ cần học thuộc (dù các em không thấy đúng).  Về nhà và ra xã hội, các em sẽ càng hoang mang hơn khi thấy sự "không trung thực" xảy ra khắp nơi.

Nhà trường và xã hội chịu ảnh hưởng qua lại, nên với thực trạng xã hội như hiện nay thì thật khó cho nhà trường dạy các em trung thực.

  • Khánh Linh - Ngọc Nhung (thực hiện)

 

,
,