Tiếng vọng của thông điệp hoà hợp dân tộc
Trong chuyến viếng thăm nước Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải, bằng sự chứng kiến trực tiếp của đặc phái viên VietNamNet ở Mỹ và qua hàng trăm thư bạn đọc gửi về toà soạn, chúng tôi nghe từ cộng đồng người Việt tại Mỹ nhiều tiếng nói đồng thuận và, đây đó, tiếng nói dị biệt. Tất cả là những tiếng vọng của một bức thông điệp.
Bức thông điệp hoà hợp dân tộc
Thủ tướng Phan Văn Khải tới thăm gia đình Việt kiều Nguyễn Văn Bích tại Seattle. |
Từ nhiều năm nay, có lẽ chưa có chuyến đi nào của một nhà lãnh đạo VN ra nước ngoài lại cuốn hút sự chú ý đặc biệt và dậy lên một đợt sóng trào dư luận mạnh mẽ như chuyến viếng thăm nước Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải đang diễn ra. Ngay trong nước VN, dĩ nhiên, và cả trên thế giới.
Với cộng đồng người Việt ở ngay trong lòng nước Mỹ cũng vậy: nhiều tiếng nói đồng thuận và, đây đó, có tiếng nói dị biệt. Chúng ta cùng lắng nghe và phân tích, suy ngẫm để tìm ra những lời kết hữu ích.
Sứ mệnh lớn lao nhất đặt lên vai đoàn chính phủ VN khi qua Mỹ, rõ ràng, là thắt chặt nhịp cầu Việt Mỹ sau 10 năm nâng lên quan hệ chính thức. Nhưng ai cũng hiểu rằng việc mang thông điệp hoà hợp dân tộc đến với cộng đồng người Việt đông đảo ở Mỹ cũng là sứ mệnh thiêng liêng mà đồng bào trong nước gửi gắm cho người đứng đầu chính phủ của mình.
Tiếng nói đồng thuận
Báo chí quốc tế cũng phải dùng đến cụm từ "ngoài sự mong đợi" để chỉ thành công của một chuyến đi. Chỉ trong chặng đầu của chuyến công du, sứ mệnh lớn lao đã hoàn thành mà ý nghĩa của nó vượt qua những ngôn từ và các văn bản cam kết, như Thượng nghị sĩ John McCain đánh giá: "Sự hiện diện của ngài Thủ tướng tại Washington ngày hôm nay và các vị quan khách Mỹ chứng tỏ: những nước từng ở hai chiến tuyến có thể trở thành đối tác và bạn bè".
Chúng tôi ủng hộ chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải Đài BBC đã đưa lên bài phỏng vấn bà Phùng Tuệ Châu, trưởng ban biên tập của đài phát thanh Tiengquehuongradio.com (Nam California). Người từng tham gia chống cộng này đã tuyên bố: "Chúng tôi ủng hộ chuyến đi của TT Phan văn Khải vì chúng tôi nghĩ đó là vì quyền lợi của dân tộc Việt Nam". |
Hai quốc gia vốn là kẻ thù của nhau đang xích lại gần nhau, quên đi quá khứ đau buồn. Cớ sao người cùng giống nòi Việt lại không làm được như vậy? Mãi 30 năm sau khi kết thúc cuộc chiến và thống nhất đất nước, đại bộ phận trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt ở Mỹ, mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Nhiều tâm tư và tình cảm đối với đất nước của đồng bào đang ở Mỹ, qua thư điện tử, đã bày tỏ cùng VietNamNet.
Nhiều ý đóng góp, hiến kế với đoàn để chuyến đi này đạt kết quả cao hơn, lại có vị (xin không nêu rõ tên và địa chỉ) còn tha thiết: mong được xem nhiều hình ảnh của đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam, muốn nghe ông Khải (Thủ tướng) nói nhiều hơn và muốn xin một tấm ảnh chiếc máy bay chở đoàn qua Mỹ v.v...
Chúng tôi biết nhiều cơ quan báo đài khác cũng nhận được rất nhiều thư từ với nội dung gần như vậy.
Những âm thanh dị biệt
Bên cạnh đó, những âm thanh dị biệt; hay là tiếng nói không đồng tình với sứ mệnh của đoàn đại biểu VN đã vang lên đâu đó là có thật. Trong số thư từ bạn đọc, chúng tôi cũng tìm thấy một số không nhiều ý kiến phản đối, có tâm trạng nặng nề, thiếu bình tĩnh đến hằn học và có cả những ngôn từ tục tĩu mà người có văn hoá thường tránh.
Vì vậy, cũng không lạ khi nhìn thấy hình ảnh đoàn biểu tình vài ba trăm người với cờ 3 sọc và bích chương phản đối đoàn đại biểu VN ở gần Nhà trắng (Mỹ), hoặc khi họ xô đẩy, chứi bới, đánh đập, ném đá đoàn nhà báo từ Việt Nam sang. Chúng tôi biết chắc rằng trong đoàn có những nhà báo từng tu nghiệp ở Mỹ. Có đại diện của những cơ quan truyền thông có nhiều đóng góp cho một đất nước VN phát triển và văn minh, cho sự hoà hợp dân tộc, cho sự tăng cường mối quan hệ hai nước Việt Mỹ v.v...
Cách hành xử của đám biểu tình nói trên được giải thích bởi chính những người Mỹ gốc Việt đang có những vị trí xã hội ở Mỹ.
Thể hiện sự không đồng tình, Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong (Mỹ) bức xúc: Đối với người Việt định cư ở Mỹ, về tình cảm, quốc tổ của họ là các vua Hùng ở VN. Họ cần phải có nghĩa vụ làm đẹp cho cả hai phía, có nghĩa phải đóng góp cho tình hữu nghị Việt Mỹ. Người Mỹ quên được hận thù, tại sao ta không thể quên.
Bang giao Việt Mỹ: Bước ngoặt lịch sử khó tưởng tượng Ông Phạm Đức Trung Kiên, giám đốc quỹ giáo dục VN của chính phủ Mỹ VEF, cho rằng: Theo tôi, những người phản đối như vậy chỉ là thiểu số. Thiểu số đó so với phần đông đã nỗ lực hàn gắn những đổ vỡ của quá khứ để hai nước xích lại gần nhau hơn nữa. |
Giáo sư Nguyễn Thanh Nhàn (Đại học NewYork) tỏ thái độ: Có điều mâu thuẫn, rằng nhân dân và chính phủ Mỹ thì muốn nhanh chóng vượt qua hậu quả của chiến tranh lạnh, trong khi một số người ồn náo nhất trong cộng đồng người Việt lại muốn kéo họ trở về quá khứ.
Về hành động quá khích của một nhóm người, một nhà trí thức từng học và làm việc ở Mỹ nhiều năm phân tích: Việc một số người biểu tình cầm cờ 3 sọc thể hiện mơ ước quay về quá khứ của họ? Điều này chính họ cũng không tin là có thể có sự đảo ngược ấy thì mục đích chủ yếu chỉ vì lợi ích kinh tế. Sau việc gây sức ép và áp lực về lá phiếu không thành, khi biết Tổng thống Mỹ đã chọn 80 triệu dân VN để đối thoại, họ (nhóm nhỏ biểu tình) đã thể hiện sự phẫn nộ cuối cùng.
Như vậy chứng tỏ những người góp tiền ủng hộ và nghe theo thông tin của họ đã bị "hớ".
Để cho tiếng vọng vang xa
Có thể nhận thấy rằng, tiếng nói dị biệt, sự hành xử quá khích, dù không thể tránh khỏi và là điều bình thường ở một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cũng chỉ là những âm thanh của một bè phụ trong dàn hợp xướng lớn. Tiếng vọng đồng tình từ cộng đồng người Việt, trong đó có đồng bào ở Mỹ, đối với bức thông điệp hoà hợp dân tộc từ của chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải mới là những giai điệu chủ đạo và hùng tráng.
Dù vậy, người dân Việt Nam, không chỉ đang định cư ở nước ngoài, mà cả trong nước đều mong đợi và đang tiếp tục phấn đấu cho tiếng vọng của bức thông điệp thiêng liêng đó có sức lan toả xa, rất xa và vang mãi theo thời gian.
Thủ tướng chính phủ VN, ngay tại nước Mỹ, đã chính thức phát đi tiếng nói hoan nghênh những đóng góp của cộng đồng người Việt trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Mỹ và công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Thủ tướng đã thông báo cho Tổng thống Mỹ về chính sách đại đoàn kết dân tộc và biện pháp mới của chính phủ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho bà con hướng về quê hương chung tay xây dựng và phát triển đất nước, thoả mãn nhu cầu tình cảm và lợi ích chính đáng của mình.
Đằng sau tiếng nói đó có biết bao việc phải làm. Và việc làm mới thực chất là quan trọng nhất. VietNamNet đã nhận được nhiều ý kiến đề xuất của bạn đọc khắp nơi, trong nước và ngoài nước, người dân bình thường và những nhà hoạt động chính trị xã hội nổi tiếng một thời. Về những chủ trương, chính sách cụ thể để xoá đi những rào cản vô hình và hữu hình do mặc cảm và thành kiến quá khứ. Mở rộng cánh tay để mọi người Việt Nam cùng tham gia xây dựng đất nước. Về những biện pháp đổi mới hữu hiệu bảo đảm tự do và dân chủ cho mọi người dân, sự thông thoáng và minh bạch ở mọi cấp lãnh đạo, ngăn chặn và đẩy lùi mọi tệ nạn tham nhũng quan liêu đang xói mòn nền kinh tế và xói mòn niềm tin trong lòng người.
Hơn lúc nào hết, giờ đây, trong âm vang của chuyến thăm lịch sử nước Mỹ của đoàn TT Phan Văn Khải, mọi người như thấy hy vọng hơn, tin tưởng hơn ở phía trước. Và có lẽ càng nhìn thấy rõ hơn một chân lý giản dị: hoà hợp dân tộc không chỉ là đạo lý, nghĩa đồng bào giữa những người cùng chung nguồn cội, mà còn là một trong những động lực tạo nên thành công trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển mạnh mẽ đất nước Việt Nam.
-
GSTrần Thanh Minh
Chân dung Việt kiều yêu nước
VietNamNet:
Giấc mơ cuối đời của nhà tài chính lãng du
Lễ tôn vinh gương mặt Việt kiều tiêu biểu
Tiền phong:
Hiệu phó trường đại học Mỹ và tấm lòng với giáo dục Việt Nam
Theo dòng sự kiện
VietNamNet:
"Khởi động cho một sự đột phá"
Những dư âm cay đắng đã thực sự khép lại
Tuổi trẻ:
Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời của VN
Thông điệp của hợp tác và phát triển
Thanh Niên:
Việt kiều ủng hộ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng
Lao động:
Tiền phong:
Cần có “một cửa, tại chỗ” cho kiều bào