Điện kế điện tử- bàn về cách người ta 'xẻ thịt' mình
(VietNamNet) - "Cho đến khi các phương tiện truyền thông điều tra sâu về những thua thiệt mà DN trong nước và người dân phải chịu qua vụ điện kế điện tử ở TP.HCM thì người ta càng thấm thía về bài học..." trách nhiệm tập thể".
Bài viết dưới đây đi sâu phân tích những nguyên nhân sâu xa của câu chuyện buồn này". Không phải DNNN nào cũng gặp câu chuyện "xẻ thịt mình" đáng buồn như tác giả đề cập nhưng chúng tôi vẫn đăng tải bài viết này để rộng đường dư luận.
Chúng ta đã từng trải qua một thời kỳ mà tuyệt đại đa số các hoạt động kinh tế đều thuộc các doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tập thể, từ xưởng đậu phụ, cửa hàng phở, đến các công ty đường sắt hay điện lực.
Chúng ta đã có những bài học không chỉ trên lý thuyết sách vở mà chính bằng những hiện thực lớn lao, mỗi người đều đã phải chịu đựng và cùng nhận thức ra. Chính vì thế quá trình chuyển đổi kinh tế là quyết định của chính chúng ta và được cả xã hội ủng hộ.
Trong thời kỳ đó, tuy rằng các doanh nghiệp không có động cơ mạnh mẽ để bảo vệ lợi nhuận của mình, nhưng cũng không có động cơ mạnh mẽ để chiếm đoạt lợi nhuận của doanh nghiệp khác. Thực ra, ở cao điểm của thời kỳ đó, hầu hết các doanh nghiệp không có khái niệm về lợi nhuận. Mục tiêu của các doanh nghiệp rất mơ hồ với một tập hợp các tiêu chí: tạo công ăn việc làm, phục vụ lợi ích xã hội, ổn định kinh tế, bảo đảm an nình tự chủ v.v… trong đó tạo lợi nhuận chỉ là một trong các tiêu chí. Thường người ta dễ dàng dùng một tiêu chí này để biện minh cho sự thất bại của một tiêu chí khác.
Môi trường mới
Đến khi ở Việt Nam khu vực kinh tế tư nhân bắt đầu được hình thành, tình thế thay đổi hẳn. Khu vực kinh tế tư nhân có mục tiêu hết sức rõ ràng là tối đa hóa lợi nhuận cho người chủ đầu tư. Và mục tiêu này được giám sát một cách hết sức chặt chẽ: người bỏ tiền ra ra đầu tư sẽ trực tiếp điều hành công ty, hoặc thuê giám đốc điều hành nhưng nếu anh có sai sót, anh sẽ bị sa thải ngay lập tức.
Đối trọng ở phía bên kia là một lực lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được trao nguồn tài sản xã hội khổng lồ và những đặc quyền khổng lồ, nhưng mục tiêu không thay đổi nhiều. Tất nhiên nhiều doanh nghiệp tư nhân rất nhanh chóng nhận ra nguồn lợi nhuận từ việc xẻ thịt doanh nghiệp nhà nước. Không cần phải giỏi lắm người ta cũng có thể nhận xung quanh nhiều DNNN đã hình thành một hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh rất giỏi trong việc thu lợi nhuận từ sự thua lỗ của các “ông lớn”.
Các DNNN có phải là yếu kém?
Tại sao những doanh nghiệp được trao nguồn lực và đặc quyền lớn như vậy mà vẫn thua lỗ? Một doanh nghiệp có lợi nhuận nhờ trợ giá hay độc quyền nhưng không đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế thì vẫn không thể coi là lành mạnh.
Một hiện tượng ở Nga là nhiều DNNN rất “ốm yếu” nhưng sau khi tư nhân hóa lập tức trở thành các tập đoàn mạnh có khả năng cạnh tranh trên phạm vi quốc tế? Trước khi tư nhân hóa, các DNNN này bị các vệ tinh tư nhân xúm vào xẻ thịt. Sau khi tư nhân hóa, họ không còn cho phép người khác xẻ thịt mình, thậm chí còn hợp nhất các vệ tinh này vào công ty mẹ để trở thành tập đoàn lớn.
Các nhà quản lý DNNN có phải là yếu kém?
Nếu nhìn vào lực lượng cán bộ quản lý nhà nước và DNNN, khó có thể nói họ có trình độ yếu kém. Lực lượng này bao gồm những người dày dạn kinh nghiệm nhất trong quản lý, hàng năm được bổ sung từ những sinh viên giỏi nhất trong số được đào tạo. Những doanh nhân thành công nhất trong khu vực tư nhân cũng thường là những người trưởng thành từ lực lượng này.
Khó có thể chấp nhận một giám đốc DNNN dễ dàng nói “chúng tôi bị lừa”, khi trong tay có cả một lực lượng hùng hậu cán bộ chuyên gia được đào tạo chính qui, có được sự hỗ trợ bởi hàng loạt các hệ thống thông tin, giám định, và thanh tra.
Vấn đề là một số cán bộ quản lý đủ tinh khôn để nhận thấy rằng, thay vì để người khác kiếm lợi bằng việc xẻ thịt DNNN, tại sao chính mình lại không làm việc này? Đến một trình độ cao hơn, nếu cảm thấy không an toàn trong việc dùng các vệ tinh trong nước để xẻ thịt DNNN, họ có thể dùng các vệ tinh ở ngoài quốc gia để xẻ thịt DNNN.
Đã có luật chơi mới hay chưa?
Đôi khi chúng ta cũng thấy một số DNNN thành công nhờ cán bộ lãnh đạo có “tâm” và có “tầm”. Dù những câu chuyện này có thực, nhưng sự thành công của một hệ thống lớn lao không thể chỉ dựa vào một số cá nhân tâm huyết, mà phải dựa vào một luật chơi.
Chúng ta đã chấp nhận một cuộc chơi mới, nhưng chưa có luật chơi mới. Thứ nhất, có vô số các doanh nghiệp thua lỗ, nhưng ít thấy giám đốc nào bị sa thải. Vô số các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, nhưng có rất ít nghiên cứu so sánh với các doanh nghiệp tương đương ở nước ngoài để phát hiện ra nguyên nhân kém hiệu quả.
Thứ hai, trong khi có một lực lượng săn tìm lợi nhuận từ việc bòn rút DNNN, nhưng chúng ta không có một cơ chế tổ chức để đối trọng lại xu hướng này. Một giám đốc DNNN không thể là đối trọng, khi chính vợ hay con ông ta lại đang ở phía lực lượng bên kia? Cơ quan kiểm toán nhà nước không thể đủ quyền lực và nguồn lực để bao trùm cả một lượng DNNN to lớn, và bản thân mỗi cán bộ trong cơ quan kiểm toán cũng không có một động cơ mạnh mẽ để làm việc này.
Bao giờ mới nói “không thể chấp nhận”
Khu vực nhà nước và khu vực tư nhân sẽ còn cùng tồn tại song song trong tương lai. Đó là điều chắc chắn chúng ta phải chấp nhận.
Nhưng nếu một giám đốc DNNN lại có quyền lợi ở phía đối tác kinh doanh? Đây là sự mâu thuẫn về quyền lợi (conflict of interest) mà trong mọi hệ thống đều không thể chấp nhận và đều ngăn cấm.
Để một DNNN bị xẻ thịt bởi các vệ tinh là điều không thể chấp nhận. Ở các nước, chính khu vực tư nhân lại được sử dụng để đối trọng lại xu hướng này, đó chính là các công ty kiểm toán tư nhân được nhà nước trả tiền và họ có động cơ thu lợi nhuận từ việc ngăn chặn bòn rút.
Một vụ bê bối lớn xảy ra trong một tập thể lớn nhất định phải có nhiều người biết nhưng chẳng ai lên tiếng. Hiện tượng vô hiệu hoá tậo thể như vậy là không thể chấp nhận.
Đã khá lâu chúng ta nhìn thấy vấn đề, nhưng chúng ta vẫn chấp nhận. Chúng ta chỉ thực sự có giải pháp khi chúng ta nói được câu “không thể chấp nhận”.
-
Bùi Văn