,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
682338
Chuyện chạy trường, lớp & "thương hiệu" giáo dục!
1
Article
null
,

Chuyện chạy trường, lớp & 'thương hiệu' giáo dục!

Cập nhật lúc 15:42, Thứ Sáu, 15/07/2005 (GMT+7)
,

Làm thế nào để chúng ta vẫn tạo ra được những điểm sáng, điểm nhấn về giáo dục nhưng lại không bị những "điểm đen" làm hoen mờ? VietNamNet nhận định xin giới thiệu ý kiến của hai hiệu trưởng dân lập: GS Văn Như Cương (hiệu trưởng của trường dân lập nổi tiếng nhất Hà Nội) và thầy Nguyễn Tùng Lâm (hiệu trưởng của trường với đầu vào rất thấp, nhưng có mô hình đào tạo phù hợp và sáng tạo).

Soạn: AM 485058 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Phụ huynh học sinh trường Marie Curie TP.HCM xếp hàng mua hồ sơ nhập học

Sắp đến ngày tựu trường, báo chí lại "nóng" lên với chuyện chạy trường, chạy lớp. Mà nóng lên cũng phải bởi các phụ huynh không thể "dửng dừng dưng" với chuyện con mình có thể học ở những trường "thường thường bậc trung" khi mà họ không thiếu tiền (có khi không thiếu quyền?!) và con mình không đến nỗi "kém".

Cũng sẽ không có gì là xấu khi chúng ta cố gắng tìm cho con mình trường tốt, thầy tốt. Một khi các trường thương hiệu tốt không đủ chỗ cho tất cả những ai muốn vào thì cái  xấu sẽ nảy sinh ở chỗ: sẽ có những tiêu cực trong việc "tìm" này.

Sẽ càng xấu hơn khi chủ trương tốt của ngành giáo dục cả nước và các địa phương là muốn tạo ra những "trường chuyên, lớp chọn", hoặc trường điểm... để tạo cơ hội sàng lọc và phát triển những học sinh "gà nòi" sẽ lại là mảnh đất tốt nhất cho tiêu cực nảy sinh.

Làm thế nào để chúng ta vẫn tạo ra được những điểm sáng, điểm nhấn về giáo dục nhưng lại không bị những "điểm đen" làm hoen mờ? Một khi trọng tâm của hệ thống giáo dục chúng ta vẫn là công lập thì việc xây dựng thương hiệu cho các trường như thế nào là hợp lý nhất?

GS Văn Như Cương, hiệu trưởng trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội): Với "đầu vào" tốt, chúng tôi mà không đào tạo được các em giỏi mới là "đáng chém".

Cách "bỏ" trường điểm là một dấu hiệu tốt, tạo công bằng cho mặt bằng giáo dục của xã hội, tạo cơ hội "như nhau" cho các trường phấn đấu. Khi chia đều đầu tư cho các trường, vấn đề quan trọng sẽ là "thương hiệu" của từng trường để thu hút học sinh, dù các trường công lập sẽ bị đôi chút "thiệt thòi" vì phải nhận học sinh đúng tuyến.

Muốn có thương hiệu tốt, chắc chắn đầu ra phải tốt (tỷ lệ đậu đại học cao, có nhiều học sinh giỏi). Với Lương Thế Vinh, kinh nghiệm của chúng tôi là:

- Đội ngũ giáo viên thật sự tâm huyết. Ưu thế của trường dân lập là mời các giáo viên giỏi, và sẽ "dừng" ký hợp đồng với những giáo viên không đủ tiêu chuẩn, không được học sinh chấp nhận. Chúng tôi có chế độ ưu đãi tốt (không chỉ là chuyện trả tiền cao mà còn phải đánh giá đúng năng lực) để thu hút những giáo viên giỏi, nhiều tâm huyết.

- Quản lý học sinh rất lễ phép, nền nếp, không có những "thói hư tật xấu". Môi trường giáo dục rất được chú trọng, thầy và trò đều hết lòng vì "sự nghiệp" chung.

- Về chương trình, chúng tôi rất linh hoạt, chỉ "khoán" trong một khoảng thời gian thôi. Chẳng hạn, bài "Bên kia sông Đuống" Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định 1 tiết, nhưng ở trường tôi có giáo viên dạy đến 3 tiết. Chúng tôi còn mời Nhà thơ Hoàng Cầm về nói chuyện cả buổi sáng, tạo được sự say mê cho học sinh.

- Mỗi lớp học chỉ có tối đa 30 người, theo chuẩn quốc tế.

- Sắp tới, chúng tôi sẽ có trường sở khang trang, khi đó thương hiệu sẽ càng được khẳng định.

Cũng phải nói thật, thương hiệu tốt của chúng tôi có được như hiện nay cũng do rất coi trọng đầu vào, tuyển chọn được những học sinh khá giỏi, ham học. Với "đầu vào" như thế, chúng tôi mà không đào tạo được các em giỏi mới là "đáng chém".

Tôi nghĩ, chúng tôi phải đánh giá đúng, đề cao những trường dân lập có đầu vào rất thấp, chỉ toàn những học sinh "vét đĩa" không đâu nhận, nhưng họ thật sự cố gắng, xây dựng kỷ cương, đào tạo được các em ra trường với tỷ lệ 50% đậu đại học, đó là "kỳ tích".  Nếu không có những trường như thế, các em học sinh biết đi đâu ngoài ra đời, ra đường? Nhưng các trường đó về thương hiệu vẫn không phải là tốt.

Thương hiệu của giáo dục phải có sự "đánh giá" khác đôi chút. Sự "xã hội hóa" giáo dục là cần thiết, nhưng nhà nước phải là người cầm chịch, trường quốc lập vẫn phải chiếm ưu thế, nhà nước cũng phải định hướng cho các trường dân lập với sự phân loại, có mục tiêu rõ ràng.

Có trường sẽ chăm lo đến "dân trí" để "nâng đỡ" những em không đủ điều kiện vào trường công lập, tránh cho các em bị "thất học". Bởi "một chữ" vẫn là kiến thức, đó là sự giải quyết thật sự quan trọng.

Với các trường có đủ khả năng cạnh tranh với công lập để cùng nâng chất lượng giáo dục lên, nhà nước cũng nên tạo điều kiện. Với các trường công lập, hãy tạo cho họ những "khoảng trống" để mỗi trường có thể tự tạo "thương hiệu".

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội: Nếu cứ "mài" tiếng của trường một cách hình thức, thương hiệu sẽ mất dần.

Xây dựng thương hiệu trong giáo dục hay kinh doanh đều có điểm chung là phải cam kết với xã hội sản phẩm cần đạt 100% chất lượng. Nhưng, nhà quản lý giáo dục khác người kinh doanh ở chỗ, sản phẩm hàng hoá nếu không đúng tiêu chuẩn, sẽ bị loại trước khi đến tay người tiêu dùng. Bởi vậy, trong sản xuất hiện nay, người ta không chỉ kiểm định chất lượng cuối cùng mà rất quan tâm đến toàn bộ quy trình "sản xuất".

Các trường chuyên, trường điểm lập ra để luyện "gà nòi" trên các đấu trường quốc gia và quốc tế. Ai đi học trường chuyên đều biết, ở đó, các em học tập phiến diện như thế nào. Vào lớp chọn văn là chỉ chăm chăm học mấy môn xã hội để đi thi quốc gia thôi. Còn lại, học sinh "tự bơi" hết.

Nhiều người đã lên tiếng về việc một số trường vốn có bề dày truyền thống chất lượng đang ngày càng thương mại hoá. Tuyển sinh đầu vào lộn xộn, bất công, không lấy chất lượng giáo dục làm tiêu chí hàng đầu. Chính họ cũng sẽ tự làm mất thương hiệu của mình dần.

Vậy nên, xây dựng thương hiệu trong giáo dục, phải dựa vào 5 tiêu chí sau:

- Xác định mục tiêu giáo dục đào tạo cho từng trường.

- Xây dựng hệ thống quản lý trong nhà trường, hiệu quả, thiết  thực, chặt chẽ.

- Chọn lọc, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tâm huyết, chất lượng đồng đều.

- Xây dựng cơ sở vật chất tốt, đảm bảo điều kiện học tập, thí nghiệm.

- Quản lý học sinh tốt, phối hợp nhà trường và gia đình chặt chẽ.

  • Khánh Linh - Ngọc Nhung (thực hiện)

Theo dòng sự kiện

VietNamNet

Mùa “chạy trường”: Bắt đầu nóng

Chạy vào trường điểm: Đến hẹn lại... đua

Tuổi trẻ

TP.HCM: ồn ã... trường chuyên

TP.HCM: tuyển sinh vào các trường, lớp chuyên

Trường chuyên lớp chọn, về mặt tâm lý, xã hội

Tiền phong

Dịch vụ giáo dục chất lượng cao: Tại sao không?

Hà Nội: Cuộc đua "nước rút" vào trường điểm

Người lao động

Có nên “chạy” vào trường chuyên, trường trọng điểm ?
Thanh Niên

Trường điểm - cuộc đoạn tuyệt khó khăn

Tôi không cho con học trường "điểm

 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này?

,
,