Nói lời xin lỗi
Tổng Công ty Điện lực Việt Nam thông báo hôm nay ( 23/7/2005) sẽ tổ chức họp báo để xin lỗi về vụ “điện kế điện tử”. Việc xin lỗi này là theo chỉ thị của Bộ Công nghiệp. Nhân sự kiện này, một lần nữa, chúng ta cũng lại "học" lại hai chữ: XIN LỖI.
Xin lỗi - chuyện đơn giản?
Nếu ai đó thử lên trang web tìm kiếm thông tin www.google.com và đánh vào đó từ “xin lỗi”, cỗ máy tìm kiếm này chỉ mất có 0,04 giây để tìm thấy khoảng 87.600 trang có liên quan đến từ này. Nếu tìm theo tiếng Anh (apologize) thì sẽ thấy khoảng 7.470.000 trang.
Vậy thôi cũng đủ thấy mức độ phổ biến của từ “xin lỗi” trong văn hóa Việt cũng như văn hóa nhân loại. Phổ biến không kém gì từ “chúc mừng” (www.google.com sẽ cho kết quả khoảng 90.500 trang có nội dung liên quan đến chúc mừng), mặc dù thường thì người ta có nhiều cơ hội để chúc nhau hơn là xin lỗi nhau.
Ấy thế mà cá nhân xin lỗi nhau nhiều khi cũng chẳng đơn giản. Trong tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, khi hai thầy cảnh sát “Min đơ” và “Min toa” đang bước đi trong hành lang văn phòng và đụng phải người khác, thay vì xin lỗi thì hai thầy rút sổ phạt và nói “chúng tôi đi bên phải, các ngài đi bên trái, vậy xin các ngài nộp phạt!” .
Việc xin lỗi của tổ chức lại càng phức tạp hơn, vì đó là một lời công nhận trách nhiệm mà có thể được sử dụng để làm bằng chứng cho những đòi hỏi bồi thường thiệt hại. Hơn thế, việc xin lỗi của tổ chức cần phải được dựa trên cơ sở ai đang đại diện cho ai để xin lỗi ai. Trước đây chúng ta hầu như không thấy việc một cơ quan hay tổ chức nào đứng ra xin lỗi. Nhưng từ năm ngoái đến nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện hàng loạt trường hợp xin lỗi công khai. Nhân đây cũng nên bàn về một số “mô hình xin lỗi”.
Biểu quyết để xin lỗi
Ngay sau khi đội bóng đá Việt Nam thất bại tại Tiger Cup 2004, có ý kiến đề nghị Liên đoàn bóng đá Việt Nam xin lỗi người hâm mộ. Ông Trưởng Ban tuyên truyền trả lời Liên đoàn đã nhận lỗi, nhưng còn lời xin lỗi thì còn phải chờ biểu quyết của Ban Chấp hành Liên đoàn để lời nói “thận trọng và có trách nhiệm.” Cuối cùng thì lời xin lỗi cũng được đưa ra bởi Chủ tịch Liên đoàn, trên cơ sở cá nhân ông cũng như sự ủy quyền của toàn bộ Ban Chấp hành.
Chỉ thị phải xin lỗi
Chỉ thị để xin lỗi Tuổi trẻ Điện kế điện tử, Bộ CN chỉ đạo: Lao động EVN sẽ họp báo xin lỗi khách hàng Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban TDTT chỉ đạo: LĐBĐVN phải xin lỗi HLV Calisto
Buộc phải xin lỗi là điều không có trong hệ thống hành chính hay tư pháp. Thậm chí ở nhiều nước thì việc bắt buộc người khác phải nói lên một điều gì còn bị coi là bất hợp pháp. Thế nhưng ở tỉnh Lâm Đồng có lần Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phải chỉ thị Sở Công an xin lỗi dân.
Thanh Niên
Trong vụ điện kế điện tử ở TP. HCM, Công ty Điện lực Thành phố đã chờ đến khi Tổng Công ty Điện lực phải chỉ thị xin lỗi người dân. Thế rồi chính Tổng Công ty lại chờ đến ngày 18/7/2005 khi Bộ Công nghiệp chỉ thị phải xin lỗi thì mới tuyên bố họp báo xin lỗi vào ngày 23/7/2005.
Dùng xin lỗi để đổ lỗi
Ông Giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM đã viết cho Hội đồng Nhân dân TP. HCM là “tôi thay mặt 7.000 cán bộ công nhân viên Công ty Điện lực Thành phố xin lỗi người dân”. Trước hết, lời xin lỗi này không có giá trị về tư cách, vì ông Giám đốc chỉ có quyền đại diện cho một pháp nhân là Công ty Điện lực, chứ ông không được 7.000 thể nhân bầu ra để đại diện cho họ trước xã hội.
Thứ hai, lời xin lỗi này chính là cách đổ lỗi cho người khác vì đã nói rằng lỗi này là của tập thể 7.000 người. Còn cá nhân tôi, nếu có lỗi, thì chỉ có 1/7.000 lỗi. Vậy ai là người trong số 7.000 đó đã ký hợp đồng mua điện kế? Ai là người trong số 7.000 đó đã góp vốn vào công ty sản xuất hàng giả? Bao nhiêu người trong số 7.000 đó là những công nhân đang hàng ngày lao động vất vả để có được đồng lương nghèo nàn nhưng chân chính? Liệu những công nhân này có thể chấp nhận việc lập lờ đánh lận như vậy?
Xin lỗi ai?
Trong vụ điện kế điện tử ở TP. HCM, liệu có phải là những lời xin lỗi này dành cho hơn 1 triệu người thuộc 260.000 hộ đã bị gắn điện kế dỏm? Hãy giả định là cuối cùng thì mọi sai lệch về hóa đơn điện đều được bồi hoàn thỏa đáng, thế còn bao nhiêu công sức và thời gian người dân đã bỏ ra để lo lắng, để chạy lên chạy xuống khiếu nại, liệu những phí tổn này có được bồi thường?
Hãy giả định là cuối cùng thì những điện kế này sẽ được xếp chung loại với những phụ tùng xe máy giả hiệu, để rồi đem ra cho xe ủi nghiền nát trước công chúng như đã làm với phụ tùng xe máy. Phí tổn có thể lên đến hàng chục triệu đô la. Tổng công ty Điện lực Việt Nam, theo định nghĩa là thuộc sở hữu toàn dân, vậy thì cuối cùng 81 triệu dân Việt Nam lại vẫn phải chia nhau gánh chịu khoản phí tổn này.
Còn có những phí tổn khác, chắc chắn là to lớn hơn nhiều, nhưng lại khó có thể đo được. Sự mất mát niềm tin của nhân dân vào hệ thống quản lý, ai sẽ là người phải gánh chịu? Xét đến đây thì thấy vấn đề xin lỗi ai cũng chẳng phải là đơn giản.
Lời xin lỗi đầy đủ?
Một lời xin lỗi với đầy đủ ý nghĩa của nó luôn bao hàm một ý là “tôi sẽ không để chuyện này xảy ra nữa”. Ví dụ như một cá nhân xin lỗi về việc gây mất vệ sinh cho hàng xóm, ông ta có khả năng bảo đảm tự mình sẽ không làm như vậy nữa. Thế còn lời xin lỗi của Tổng Công ty Điện lực liệu có bao hàm lời hứa như vậy? Hay người ta sẽ phải chờ những lần xin lỗi tương tự trong tương lai. Thật tiếc là chính Tổng Công ty không có đủ khả năng để đưa ra một lời hứa như vậy. Chỉ một vụ việc này cũng thể hiện hệ thống quản lý của Tổng Công ty vừa mang tính độc quyền, vừa mang tính quản lý lỏng lẻo, vừa coi thường kỷ cương lại vừa thỏa hiệp không đấu tranh. Với một cơ chế như vậy, không một ai có thể bảo đảm những vụ việc khác còn to hơn đang hoặc sẽ xảy ra.
Vậy ai có thể đưa ra một lời xin lỗi đầy đủ? Chắc lại phải nhắc đến ông “cơ chế”. Nhưng cơ chế là do chính chúng ta tạo ra và chính chúng ta phải điều chỉnh nó. Thế giới này tuy chưa hoàn hảo, nhưng mỗi thành viên phải có trách nhiệm để cho nó ngày càng tốt hơn.
-
Bùi Văn
Bạn nghĩ sao về những "mô hình xin lỗi" này?