Tại sao các nước muốn Trung Quốc thả nổi nhân dân tệ?
Khi tỉ giá được điều chỉnh theo hướng tăng giá trị đồng Nhân dân tệ, các nước cạnh tranh xuất khẩu với Trung Quốc và các nước nhập khẩu vào Trung Quốc đều có thêm cơ hội mở rộng thị phần. Phân tích của Huỳnh Thế Du - Giảng viên môn tài chính phát triển trường Fulbringt
Qua nhiều lần trì hoãn, cuối cùng dưới sức ép của các nước khác (chủ yếu là các nước phát triển - khối G7), ngày 21/07/2005 vừa qua, sau 11 năm, Trung Quốc đã tăng giá đồng nhân dân tệ (RMB) lên 8,11 RMB ăn 1USD và bắt đầu thả nổi có kiểm soát với biên độ dao động tối đa mỗi ngày là 0,3%, thay vì cố định tỷ giá 8,28 RMB/1USD như trước đó. Mức dao động tỷ giá so với các loại ngoại tệ khác USD tối đa là 1,5%.
Ngay sau khi quyết định nêu trên được đưa ra, nó đã trở thành tin nóng nhất trong tất cả các bản tin của hầu hết các hãng thông tấn, báo chí trên thế giới, đồng thời, thị trường thế giới đã có phản ứng tức thời.
Giá giao dịch kỳ hạn một năm của đồng Nhân dân tệ so với đồng Đô la Mỹ trên thị trường Singapore ngày thứ sáu 22/05/2005 là 7,64. Ngân hàng Đầu tư Merrill Lynch dự báo tỷ giá RMB so với USD vào cuối năm là 7,5. Một số nhà phân tích bảo thủ hơn như Bank of America thì cho rằng đến cuối năm nay, con số này là 8,11, hay BNP Paribas dự báo là 7,9. Chỉ số chứng khoán của hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều có những phản ứng trước tin này.
Riêng đối với Việt Nam, tất cả các báo cũng đã đồng loạt đưa tin này, nhiều chuyên gia đã đánh giá tác động của nó đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt, trong bài trả lời phỏng vấn báo Nhân dân của Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã đưa ra những phân tích, nhận định rất rõ ràng.
Không nhằm lặp những phân tích của các chuyên gia, bài viết này chỉ bình luận cùng độc giả tại sao việc Trung Quốc thả nổi đồng tiền của mình lại được cả thế giới quan tâm.
Trung Quốc là một nền kinh tế lớn trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực ngoại thương với thặng dư xuất khẩu, đứng thứ hai thế giới (chỉ sau Nhật Bản). Hầu hết các nước đều ở một trong ba vị thế: hoặc là thị trường xuất khẩu của Trung Quốc, hoặc là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc trong việc xuất khẩu, hoặc đang xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngay tại nước ta, các nhà sản xuất đều "ngán" Trung Quốc: Từ những nông dân nuôi gà, trồng trái cây, đến các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô xe máy hay các nhà xuất khẩu da giày, dệt may ...
Một trong những yếu tố tạo ra lợi thế cho Trung Quốc là việc đồng tiền của họ đang bị định giá thấp hơn giá trị thực (theo các nhà phân tích thì thấp hơn lên đến 20%). Nghĩa là, nếu căn cứ theo thị trường thì tỷ giá đồng Nhân dân tệ và đô la Mỹ sẽ vào khoảng 6,9RMB/1USD thay vì 8,28RMB/1USD. Tỷ giá có thể tác động đến lợi thế ngoại thương như sau:
Khi tỉ giá cố định ở mức 8,28RMB/1USD, giả sử một doanh nghiệp Trung Quốc chi phí 8,28 RMB để sản xuất một món hàng và bán ra thị trường thế giới với giá 1,1USD. Sau đó doanh nghiệp này đổi chỉ cần đổi 1USD ra 8,28RMB là đủ trả chi phí sản xuất, phần còn lại là lợi nhuận ròng.
Nếu đồng nhân dân tệ lên giá và tỉ giá được điều chỉnh là 6,9RMB/USD, giá của món hàng kia vẫn là 1,1 USD trên thị trường thế giới. Tuy nhiên với tỉ giá mới thì toàn bộ thu xuất khẩu chỉ đổi được 7,59RMB, so với giá thành thì doanh nghiệp bị lỗ và không thể tiếp tục xuất khẩu. Kết quả là tuy giá thế giới không đổi, nhưng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm và các nước cạnh tranh xuất khẩu với Trung Quốc sẽ có thêm cơ hội.
Một ví dụ khác, một món hàng có giá thế giới là 1USD nhập khẩu vào Trung Quốc và bán được 9,108 RMB. Nếu tỉ giá là 8,28RMB/USD, nhà nhập khẩu thu tiền bán hàng và đổi thành 1,1USD. Nhưng nếu tỉ giá là 6,9RMB/USD, số tiền bán hàng sẽ đổi được 1,32USD. Việc thay đổi tỉ giá đã làm cho lợi nhuận của nhà nhập khẩu đã tăng hơn 3 lần. Vì vậy nhà nhập khẩu có thể giảm giá bán và tăng lượng nhập khẩu. Một số nhà sản xuất trong nước sẽ phải nhường thị phần cho hàng nước ngoài.
Như vậy, khi tỉ giá được điều chỉnh theo hướng tăng giá trị đồng Nhân dân tệ, các nước cạnh tranh xuất khẩu với Trung Quốc và các nước nhập khẩu vào Trung Quốc đều có thêm cơ hội mở rộng thị phần. Đây chính là tác động lớn nhất của việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá và cũng chính là lý do tại sao rất nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển (vừa bán hàng cho Trung Quốc lại vừa mua hàng của Trung Quốc) một mực đòi Trung Quốc phải thả nổi đồng Nhân dân tệ.
Ngoài ra, việc thả nổi đồng Nhân dân tệ cũng có một số tác động khác như thay đổi mức độ nợ nước ngoài của Trung Quốc, thay đổi dòng vốn đầu tư... Tuy nhiên, tác động lớn nhất vẫn là yếu tố nêu trên.
Đối với Việt Nam, việc thả nổi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc là tín hiệu đáng mừng. Hàng sản xuất tại Trung Quốc sẽ khó cạnh tranh hơn với hàng Việt Nam. Hàng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn. Nhìn chung những tác động tích cực sẽ nhiều hơn tác động tiêu cực. Không phải mọi thay đổi của Trung Quốc đều là "bất lợi" cho Việt Nam như lo sợ của một số người.
- Huỳnh Thế Du
Ý kiến của bạn về vấn đề này?