'Vụ' nước tương Chin-su: Sợ theo phong trào?
Trước những vụ “scandal” thực phẩm, người dân nơm nớp lo sợ, cơ quan chức trách lao vào kiểm tra, ngăn chặn. Một thời gian sau, đâu lại hoàn đấy. Văn hóa ẩm thực cần được nhìn lại cả ở 3 khía cạnh: Thói quen ẩm thực, đạo đức người bán và trách nhiệm cơ quan quản lý!
Người nội trợ nên biết cách đòi hỏi thực phẩm "sạch" |
Qua hàng lọat các vụ “scandal” thực phẩm như bánh phở pha formol, hủ tíu pha hàn the,… mới đây là trứng gà giả và chuyện đang làm nóng các trang báo là vụ nước chấm Chin-su, chúng ta nhận ra, vấn đề an toàn thực phẩm ở nước ta đang bị bỏ ngỏ!
Phản ứng “sợ dây chuyền”
Còn nhớ năm 2000, sau khi dư luận lên tiếng vụ hàng loạt quán phở dùng phụ gia formol trộn vào bánh phở. Ngay lập tức, cả nước hoang mang, lên cơn sốt "chán" phở. Hoặc là cửa hàng phỏ nào cũng trưng biển: " Không dùng formol".
Cơ quan chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm vào cuộc với những cuộc kiểm tra ráo riết. Nhiều quán phở tưởng như phải dẹp tiệm đến nơi vì ế ẩm.
Nhưng sau một thời gian dài, đến nay, ít ai còn nhắc formol trong bánh phở. Thực khách vẫn vô tư thưởng thức món ăn đã được thừa nhận như một phần văn hóa ẩm thực Việt Nam. Và tất nhiên, chẳng ai bận tâm đến vịêc hiện nay có còn tình trạng dùng formol làm phụ gia để chế biến bánh phở hay không nữa.
Trong khi đó, sau đợt kiểm tra vệ sinh thực phẩm gần đây nhất của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đối với các cơ sở sản xuất bánh phở, kinh doanh các mặt hàng phở đã phát hiện 25 -30% các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng phụ gia formol pha chế vào bánh phở.
Thạc sĩ Đào Mỹ Thanh, Trưởng khoa Vệ sinh an tòan thực phẩm, thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM thừa nhận: “Trong thời gian qua, các cơ sở sản xuất bánh phở vẫn dùng phụ gia formol pha vào bánh phở, nhưng tình trạng này không tràn lan như trước”.
Nhắc lại vụ trứng gà giả, những diễn biến tương tự đã xảy ra. Sau khi có tin đồn về trứng gà giả xuất hiện ở Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Ngay lập tức, những người bán trứng gà chao mày vì ế ẩm, do người tiêu dùng lo sợ không mua.
Những mô phỏng của người dân về trứng gà giả như thật và lo sợ như thật. Mặc dù chưa tận mắt thấy, tay chưa sờ được quả trứng gà giả như thế nào. Tất cả chỉ qua những chỉ qua lời đồn đại mà họ nghe được.
Gần đây nhất là diễn biến vụ nước chấm Chin-su. Sau khi có thông tin Bỉ khuyến cáo người dân không nên dùng nước chấm Chin-su từ Việt Nam, do có chứa độc tố gây ung thư quá hàm lượng cho phép, chỉ vài ngày sau đó, nước chấm Chin-su ở Việt Nam dường như “bế quan”, không bán được.
Không chỉ thế, nhiều loại nước tương có nhãn hiệu khác, nhà sản xuất khác cũng bị hiệu ứng “bế quan ăn theo”, do người tiêu dùng lo sợ bị… ung thư.
Mặc dù, nhà sản xuất nước chấm Chin-su cố phân trần: “…Các sản phẩm Chin-su của Công ty Vitecfood đều được công bố chất lượng đầy đủ theo quy định của Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế. Chúng tôi tin tưởng về chất lượng sản phẩm của nước tương Chin-su bán tại Việt Nam cũng như tại Châu Âu đều đạt tiêu chuẩn đã công bố”.
Không chỉ thế, Cục An tòan thực phẩm, Bộ Y tế cũng khẳng định: Kết quả xét nghiệm các nước tương Chin-su đều đạt chuẩn cho phép!
Thế nhưng, sợ vẫn là sợ. Nên không mua là không mua. Vì vậy, Chin-su vẫn ế ẩm – kết quả của phản ứng: “sợ dây chuyền” !
Cơ quan quản lý bó tay?
Trước tình trạng an ninh, an toàn thực phẩm đang gây nhức nhối cho dư luận xã hội, thế nhưng, cơ quan chịu trách nhiệm về an tòan vệ sinh thực phẩm tỏ ra bế tắc trong việc quản lý, giám sát. Vì vậy, giải pháp ngăn chặn những vấn đề phát sinh trong an toàn thực phẩm tất nhiên sẽ xa vời. Nói trắng ra, là không thể!
Trao đổi với VietNamNet, Thạc sĩ Đào Mỹ Thanh cũng thừa nhận: “Không thể quản lý được!”
Quản lý làm sao được khi xảy ra biến cố, cơ quan chức trách lại chạy theo vụ việc. Khi xảy ra biến cố, mỗi ngày người dân đều phải ăn, phải uống; thế nhưng những phản ứng từ cơ quan quản lý lại ì ạch. Không có những giải pháp trấn an người tiêu dùng hợp lý và kịp thời khiến người tiêu dùng thì hoang mang và nhà sản xuất bị thiệt hại.
Thậm chí, ngay cả khi phát hiện một số cơ sở sản xuất bánh phở có dùng phụ gia formol, phóng viên xin danh sách để đưa các vi phạm lên mặt báo, cơ quan quản lý vẫn từ chối với lời giải thích: “Xin ý kiến cấp trên” (?)
Riêng việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đã được phân cấp xuống quận, huyện quản lý. Nhưng nhân lực tại cơ sở vẫn chưa đủ nghiệp vụ để phân tích hoặc nhận biết: Đâu là thực phẩm an toàn, hoặc không an toàn. Đâu là tin đồn và đâu là thông tin thật. Tất cả chủ yếu bằng cảm tính.
Vì vậy, Thạc sĩ Thanh cũng thừa nhận: “Cơ sở cũng không quản lý được!”.
Tất nhiên, cũng phải...thông cảm: "Cơ quan chuyên trách đang không đủ nhân lực, phương tiện và hiểu biết để theo kịp sự phát triển của nhu cầu tiêu dùng và sự nhanh nhạy của nhà sản xuất. Thực tế tiêu dùng "chạy nhanh" hơn khả năng kiểm soát của nhà quản lý về an toàn thực phẩm.
Nên tự lo trước khi chờ vào đạo đức của người sản xuất?
Trước sự bế tắc của người tiêu dùng, sự bó tay của nhà quản lý, tất cả chỉ còn biết cậy vào đạo đức của người tạo ra thực phẩm. Không chỉ với trách nhiệm của người tạo ra một nguồn thực phẩm cho người khác, mà còn là đạo giữa con người với nhau.
Bên cạnh đó, thực khách cũng cần có những thay đổi trong thói quen ăn uống hàng ngày như tự nhận biết và ý thức những thực phẩm sạch và an tòan để bảo vệ mình. Bên cạnh đó, trước những thông tin nhiều chiều về một loại thực phẩm nào đó, cần có cái nhìn tỉnh táo hơn.
Nếu người tiêu dùng luôn biết đòi hỏi hàng sạch và từ chối hàng bẩn thì nhà sản xuất sẽ biết "sợ" mà tránh dần hàng bẩn. Một khi chúng ta vẫn còn mua thịt mà "quên" hỏi dấu "kiểm" của thú y, vẫn còn ăn phở gánh đặt bên cống, vẫn không cần nhìn hạn sản xuất và xuất xứ khi ở vỏ bao bì khi mua thực phẩm đóng góp thì đạo đức của nhà sản xuất vẫn có khả năng...treo lơ lửng trên không trung.
Nói gì về vụ nước tương Chin - su: "Đừng sợ theo phong trào mà hãy luôn biết sợ thực phẩm không an toàn". Kể cả nhà sản xuất và tiêu dùng.
-
Phan Thái Công
Bạn có ý kiến gì về vấn đề này? An toàn thực phẩm được quyết định bởi người quản lý, nhà sản xuất hay người tiêu dùng?