,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
690238
"Trò ta" chán "Sử ta"?
1
Article
null
,

'Trò ta' chán 'Sử ta'?

Cập nhật lúc 16:12, Thứ Năm, 04/08/2005 (GMT+7)
,

Chính sử vẫn là chính sử nhưng sẽ không nhiều sĩ tử bị điểm 1 đến thế nếu chúng ta nghĩ rằng phải làm cho nó hấp dẫn hơn trong lớp học. Nếu dạy sử theo kiểu dạy ngoại ngữ - không chỉ là thầy nói chay với những con số, địa chỉ khô khan mà kèm theo phim và sách tham khảo thì có lẽ không đến nỗi...

Soạn: AM 505979 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Tranh minh họa của Tiền phong Online.

 

58,5% thí sinh thi tuyển sinh ĐH môn Sử năm nay có điểm 1 trở xuống - về con số này không thể nói gì hơn ngoài hai chữ: "bàng hoàng". Hai chữ mà các phương tiện truyền thông trong mấy ngày nay nhắc đi nhắc lại vẫn không hết... bàng hoàng.

Ai bảo Sử ta không hấp dẫn?

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của một dân tộc nhỏ bé mà quật cường không thể không hấp dẫn đối với hậu thế. Một dân tộc thủa xa xưa nằm ở đâu đó phía biển Nam của Trung Hoa rộng lớn mà không hề nhạt nhòa hoặc bị đồng hoá hẳn không thể khiến người sau nói là: "không có gì đáng quan tâm".

Bao thế hệ chúng ta lớn lên mang theo trong lòng niềm tự hào dân tộc - yếu tố nuôi dưỡng tinh thần yêu nước qua những huyền thoại Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Mỵ Châu - Trọng Thuỷ, Thánh Gióng. Những câu chuyện có thể làm nên giấc mơ lớn lao, đẹp đẽ của những đứa trẻ Việt tuổi lên ba khi còn nắm tay bà nội, bà ngoại.

Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại với những cột mốc sừng sững có thể khiến bao nhiêu nhà viết sử xứ khác phải ao ước: Cuộc viễn chinh sang Đông Dương của thực dân Pháp, Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng 30/4/1975... Lịch sử trăm năm của nước Việt gắn với tên tuổi Hồ Chí Minh có thể làm nên nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn.

Bởi thế mới có chuyện, trong những thư viện của các trường Đại học tại Pháp, Mỹ hiện lưu trữ nhiều tư liệu lịch sử Việt Nam để sinh viên nghiên cứu. Bởi thế, hẳn sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi thỉnh thoảng chúng ta lại gặp một người nước ngoài thuộc sử Việt Nam hơn cả người Việt, và nghề chính của họ là: nghiên cứu về Việt Nam, trong đó đa phần là nghiên cứu Lịch sử. Đã có những cuốn sách viết về nhân vật lịch sử Việt Nam thành nổi tiếng trên thế giới.

Vậy, ai dám nói học sinh không thích học Sử vì sử liệu nước ta không hấp dẫn?

Yêu nước nhưng chỉ "xem" sử Tàu?

Hàng ngày, phim dã sử của Tàu tràn lan trên các kênh truyền hình nước Việt. Tôi đồng ý với một ý kiến phản bác những người thích "kê kích" truyền hình rằng: "Thà có chuyện hấp dẫn mà xem còn hơn không có gì. Thà là lớp trẻ còn thích thú ngồi trước màn hình xem phim Tàu để tìm ra những triết lý sống bổ ích cho thời nay còn hơn là không "thèm" quan tâm chuyện... ngày xưa".

Dù không tìm ra người để đổ lỗi thì cũng xin thành thực mà nói rằng: trí tưởng tượng của các nhà viết sách ở ta không dồi dào lắm. Bằng chứng là trong chúng ta, ít có phiên bản khác nhau, chi tiết khác nhau về những câu chuyện lịch sử so với những gì mà ta được nghe qua lời kể của bà, của mẹ thời tuổi ấu thơ.

Và những yếu tố kích thích sự suy luận của sử liệu trong sách giáo khoa lớp trên so với lớp dưới cũng không có gì khác biệt. Đó là chưa kể chúng ta quá hiếm những tiểu thuyết dã sử. Xin các nhà tôn vinh chính sử đừng lên án sách dã sử. Bởi không có dã sử (sách và phim ảnh, sân khấu) thì người đời sau sẽ không mấy ai đủ tò mò, hứng thú đi tìm sự thật được ghi trong chính sử. Nhân tiện, tôi xin bày tỏ công khai lòng khâm phục tới  một số nhà làm phim dã sử Trung Quốc khi đưa tới người xem những hình ảnh sinh động, hấp dẫn có từ thủa Xuân Thu - Chiến Quốc tới Tam Quốc. Họ thường chua thêm những lời giải thích đủ để tôn trọng sự thật: "Chính sử chép rằng...". Nếu không có dã sử, hẳn lịch sử dân tộc nào cũng sẽ kém đi sự lý thú.

Tiếc thay, những cuốn dã sử đọc được của ta như "Đảo hoang" (Tô Hoài), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo)... không nhiều lắm. Sách không giáo khoa, phim giải trí còn hiếm hấp dẫn thế, trách gì các nhà làm sách giáo khoa môn Sử lười "sáng tạo"

Sách GK + Phim + Truyện =  môn Sử hấp dẫn

Các nhà soạn sách Sử giáo khoa hẳn sẽ không đành lòng đơn phương chịu trách nhiệm về việc học sinh không chịu thuộc lòng những dòng ghi trong sách và không uyên thâm sử nước nhà bởi có lẽ họ chưa từng bị ai đặt hàng: hãy soạn cho hấp dẫn. Vì là sử nên những gì trong đó đòi hỏi tính chính thức hơn cả 1+1=2 nên hiển nhiên không ai dám sáng tạo, dù sự sáng tạo đó có thể không làm xô lệch những gì đã được coi là chính thống.

Một khi không sáng tạo mà không bị ai quở trách, chê bai trực diện thì ai dại gì vô cớ "sáng tạo", tìm sự thay đổi để "ăn" búa rìu dư luận hoặc chịu những rủi ro không đáng có. Một lối mòn trong lối nghĩ, lối sống, lối hành xử cốt để "yên thân" khiến cho sách sử nước nhà càng ngày càng cũ, càng mòn...

Huyền thoại sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn của chính sử. Nhưng tại sao chúng ta lại không làm cho trí tưởng tượng của đứa trẻ lên 10 năm 2005 khác với đứa trẻ cùng tuổi năm 1995?

Sẽ bình yên cho người viết sách và người dạy khi hình ảnh Thánh Gióng trong đứa học trò lớp 1 cách đây 1, 2 thế hệ đến bây giờ vẫn y nguyên, nhưng sự "cố định" đó sẽ làm giảm đi sự thăng hoa trong trí tưởng tượng của người Việt sau mỗi chặng đường lịch sử. Nếu bỏ quên quá khứ thì chúng ta không thể nhìn thấu tương lai.

Vâng! Thì chính sử vẫn là chính sử nhưng sẽ không nhiều sĩ tử bị điểm 1 đến thế nếu chúng ta nghĩ rằng phải làm cho nó hấp dẫn hơn trong lớp học. Nếu dạy sử theo kiểu dạy ngoại ngữ - không chỉ là thầy nói chay với những con số, địa chỉ khô khan mà kèm theo phim và sách tham khảo thì có lẽ không đến nỗi...

Nhưng vấn đề là sách và phim sử của chúng ta lại không hay!

Nhiều học trò bị điểm 1 môn Sử quả là một thực trạng báo động. Nếu lớp trẻ vô cảm với lịch sử, sẽ có nguy cơ vô cảm trước vận mệnh của dân tộc...

  • Lương Thị Bích Ngọc 

Theo dòng sự kiện

VietNamNet

Những bài làm "xô lệch chính sử"

Dư luận xôn xao về kết quả chấm thi môn sử

Thử lý giải sự yếu kém môn sử của thí sinh

Học như vẹt!

Chấm thi: Đúng sai bảng lảng..tựa mây trời

Tuổi trẻ

Bàng hoàng môn sử!

Tiền phong

ĐH Sư phạm TPHCM: 29% bài thi môn Sử 0 điểm
 

Ý kiến của bạn

,
,