Tăng học phí: Câu chuyện của 'đường lối giáo dục' mới
Nâng học phí trên một quy mô rộng, thậm chí đến mức học phí đủ bù cho chi phí giáo dục đào tạo, thực chất là việc chuyển hệ thống trường công sang trường tư. Cần có nghiên cứu cân nhắc vì liên quan đến cả vận mệnh của nền giáo dục quốc gia.
Trong ngày tựu trường. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Hôm qua, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ đề án học phí mới. Đề án được xây dựng theo tinh thần: ngoài học phí, các trường không được phép thu thêm khoản phí nào khác. Tinh thần của chính sáh này là "tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo vào học phí. Đồng thời, Nhà nước tiếp tục có chính sách ưu tiên, hỗ trợ để cho con em các gia đình thuộc diện chính sách, gia đình nghèo và học sinh xuất sắc có điều kiện học tập tốt hơn".
Chế độ học phí mới ở tất cả các cấp bậc học và đào tạo (trừ tiểu học) sẽ tăng so với hiện hành.
Đã khởi động từ năm 2003, nhưng cứ mỗi lần chuẩn bị thực thi, chủ trương tăng học phí của ngành giáo dục lại vấp phải sự phản đối của dư luận với băn khoăn: Tăng như vậy có vượt quá khả năng chấp nhận của người dân hay không?
Cuối năm 2004 khi thực hiện chuyên đề "Học phí, tăng hay không", theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các trường đều chung quan điểm: cần phải tăng để bổ sung nguồn thu còn thiếu hụt trong nhiệm vụ bảo đảm chất lượng đào tạo hiện nay. Và đó cũng là cách để nâng chất lượng giáo dục.
Chất lượng giáo dục Việt Nam đang ở mức nào cho đến nay vẫn là tranh cãi không ngừng. Nhưng có một đòi hỏi gay gắt từ thực tiễn là không thể bằng lòng và đứng yên với những gì đang có, nhất là khi tiến trình gia nhập WTO đang tới gần và xu hướng hội nhập phát triển mạnh mẽ. Có tiền không hẳn cải thiện được chất lượng giáo dục. Nhưng không có tiền, khó mà xoay xở để chất lượng giáo dục bứt phá.
Thủ tướng Phan Văn Khải, tại kỳ họp Quốc hội khóa XI đã đề nghị không nên bao cấp tràn lan trong giáo dục nữa, đồng thời chủ trương: đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các loại hình giáo dục.
Tạo cơ chế cạnh tranh để phát triển, thì cơ sở đào tạo phải được quyền tự chủ. Hai yếu tố quan trọng cần được tự chủ đó là nhân sự và tài chính. Như vậy thì, một chính sách học phí cho phép tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo vào học phí là cần thiết góp phần cải thiện chất lượng giáo dục hiện nay.
Điều đáng nói đây là, song song với chủ trương tăng học phí - một hình thức huy động sự đóng góp của sức dân, thì "bàn tay" Nhà nước sẽ phải vươn mạnh hơn nữa đảm đương tính công bình dân chủ của quốc sách giáo dục : Bình đẳng trong cơ may, ai cũng có thể đi học, đạt trình độ nếu có khả năng.
Xét một cách tổng thể, vấn đề tăng học phí nói chung, đặc biệt là nâng học phí trên một quy mô rộng, thậm chí đến mức học phí đủ bù cho chi phí giáo dục đào tạo, thực chất là việc chuyển hệ thống trường công sang trường tư.
GS Lê Văn Giạng, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là một vấn đề rất lớn về quan điểm đường lối giáo dục. Nếu cần và đúng thì phải thay đổi, nhưng cần có nghiên cứu cân nhắc vì nó quan hệ đến cả vận mệnh của nền giáo dục quốc gia.
Và, xét ở góc độ này, câu chuyện tăng học phí không chỉ đơn thuần để đảm bảo "thu đủ bù chi" của mỗi cơ sở đào tạo mà liên quan tới vấn đề đã trở thành tâm điểm tranh cãi suốt năm qua: giáo dục có phải là hàng hóa và có phải, có phải ở Việt Nam đã xuất hiện thị trường giáo dục nhưng vẫn bị "né tránh"?
Các nước trên thế giới cũng coi giáo dục xương sống của phát triển, cũng có quốc sách cho thứ dịch vụ đặc biệt này. Nếu xem giáo dục là một dịch vụ, một thứ dịch vụ đặc biệt bao trùm liên quan đến toàn xã hội thì vấn đề đặt ra là phải có luật lệ hẳn hoi minh bạch để có phương tiện can thiệp kịp thời, tránh những chệch hướng có thể xảy ra.
Chuyên gia kinh tế Bùi Văn |
Tất cả các nước, hệ thống giáo dục được trợ cấp từ chính phủ và các tổ chức xã hội (các quỹ thiện nguyện). ĐH Harvard nằm trong số những trường có học phí cao nhất thế giới, nhưng học phí chỉ đóng góp 30% thu ngân sách của trường. Ở VN, chưa có các tổ chức thiện nguyện với số vốn hàng tỉ đô la để tài trợ cho giáo dục ĐH như ở các nước giàu, thì việc tài trợ của chính phủ là tất yếu.
Các nước đang phát triển càng phải tài trợ cho giáo dục, vì nhu cầu có học tập cao hơn để bắt kịp các nước tốp trên, trong khi khả năng trả tiền của người dân lại thấp hơn. Có hai cách tiếp cận trong tài trợ: hoặc chi tiền cho nhà trường, như cách chúng ta vẫn làm từ trước đến nay. Hoặc tài trợ trực tiếp cho học sinh và sinh viên, căn cứ theo hoàn cảnh gia đình và kết quả học tập. Như vậy, để khuyến khích học sinh nghèo phải học chăm hơn để giành được học bổng. Các làm thứ hai được nhiều nơi áp dụng cho giáo dục ĐH. Khi đó, SV có nhiều quyền hơn trong việc chọn nơi học và mức độ đầu tư cho việc học. Có thể chấp nhận một số trường có thể thu học phí rất cao, nếu vẫn có người học (Ví dụ như các chương trình cao học liên kết với nước ngoài thu đến 10.000 đô la một năm, hay trường RMIT thu 6.000 đô la một năm). Tuy nhiên, cần phải có các trường học phí thấp, hoặc có các chương trình học bổng cho học sinh nghèo. Đây là câu trả lời cho hai vấn đề hết sức thiết yếu: tính công bằng của xã hội, và bảo đảm xã hội không vì lý do tài chính mà bỏ qua tài năng. |
-
Hạ Anh
Theo dòng sự kiện:
Thanh Niên:
Học phí đại học và chất lượng đào tạo
Tăng học phí đại học, nên hay không?
Tuổi trẻ
Tăng học phí bán công: phụ huynh lắc đầu, nhà trường than vãn!
Tiền phong
Hôm nay, trình đề án học phí mới
Lao động
Ý kiến của bạn: