Giá - lương - tiền: Nghịch lý hay tâm lý?
Như một ám ảnh từ lâu, cụm từ "giá - lương - tiền" từ lần đầu tiên được giới thiệu cho đến nay vẫn luôn là nỗi lo không chỉ của những người làm công ăn lương mà còn là vấn đề quan tâm của toàn xã hội.
Giá - lương - tiền
Trước khi đi vào vấn đề, chúng ta cùng thống nhất một số khái niệm sau:
Giá chính là số tiền phải trả để có được một đơn vị hàng hoá nào đó. Từ khi xuất hiện loài người đến nay, có mặt hàng này lên giá và mặt hàng kia xuống giá, nhưng về tổng thế giá vẫn tăng theo thời gian.
Lương là số tiền mà người chủ (nhà nước, doanh nghiệp...) trả cho mỗi một người làm thuê theo định kỳ. Lương chính là số tiền người lao động dùng để trang trải cho cuộc sống của gia đình họ, giả định là họ không có nguồn thu nhập khác. (Tất nhiên giả định này có thể không đúng với một số người, nhưng rất cần thiết đối với những người đang ăn lương). Do giá luôn tăng, nên để đảm bảo mức sống không bị giảm, tiền lương cũng phải được tăng tối thiểu bằng mức giá. Mức tăng lương bình quân thông thường phải tương đương với mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cộng với mức tăng giá hàng năm.
Tiền chính là tổng số tiền mà tất cả mọi người trong xã hội có được. Nếu ta lấy tổng số tiền này chia cho tổng số hàng hoá dịch vụ của cả xã hội thì sẽ có mức giá chung của toàn xã hội. Mức giá năm nay, nếu tăng so với năm ngoái mà người ta đồng nhất với lạm phát, là do lượng tiền tăng thêm cao hơn mức tăng của hàng hoá. Do đó, nếu mỗi một cá nhân có thêm nhiều tiền là điều đáng mừng, nhưng toàn nền kinh tế có thêm nhiều tiền trong khi hàng hoá không được tạo ra thêm là điều đáng lo
Tăng giá và tăng lương ở Việt Nam
Mức giá luôn tăng và lương cũng tăng theo. Hoặc nhìn theo cách khác, lương tăng và giá cũng tăng theo. Đây là điều đã và đang xảy ra ở Việt Nam. Từ năm 1993 đến nay, mức giá đã tăng 1,79 lần, GDP tăng 2,21 lần và mức tăng dân số là 1,15 lần. Nếu tính ra, mức tăng lương phải vào khoảng 3,42 lần để có thể tương đương với mức tăng giá và tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người.
Nhưng trong thực tế, nếu tính cả lần tăng lương vào ngày 01/10 sắp tới, thì mức tăng lương từ năm 1993 đến nay mới chỉ có 2,92 lần, thấp hơn con 3,42 nêu trên đến 17%. Như vậy trên mặt bằng chung của nền kinh tế thì trong cả quá trình dài này người làm công ăn lương đã bị thiệt.
Vấn đề đặt ra ở đây là mỗi khi tăng lương thì người ăn lương lại càng cảm thấy bị thiệt nhiều hơn vì giá tăng. Cứ khi nào lương chuẩn bị tăng thì giá đã tăng trước. Điều này càng đúng vào thời điểm hiện nay, khi mà áp lực tăng giá vốn đã rất lớn. Việc tăng lương vào ngày 01/10 sắp tới không tránh khỏi những tác động tiêu cực lên giá.
Hiện tượng tăng giá này phản ánh đúng quy luật kinh tế. Khi mà tất cả mọi người đều biết rằng vào một thời điểm nhất định trong tương lai, nhiều người dân sẽ được tăng thêm 20% tiền thu nhập, cảm nhận chung của thị trường là nền kinh tế đột nhiên có thêm một lượng lớn tiền trong khi lượng hàng hoá vẫn vậy nên giá tăng là phải.
Nghịch lý và tâm lý
Nghịch lý ở đây rõ ràng là mức tăng lương thấp hơn 17% so với mức tăng thu nhập bình quân đầu người và mức lạm phát, nhưng tại sao mỗi lần tăng lương lại là một lần tạo ra áp lực lạm phát. Nguyên nhân của nghịch lý này là gì?
Có lẽ phải xét đến tác động tâm lý, phát sinh một cách đột biến, từ mỗi lần tăng lương ở Việt Nam. Từ năm 1993 đến nay (chưa kể đợt tăng lương sắp đến), lương đã được tăng 4 lần, mỗi lần tăng khoảng 20%. Mức tăng này tuy thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế và lạm phát tính từ lần tăng lương trước, nhưng lại cao gấp đôi mức tăng trưởng kinh tế cộng với lạm phát của năm trước đó.
Điều này đã tạo ra áp lực tâm lý làm gia tăng giá theo dây chuyền. Kinh nghiệm cho thấy giá tăng lên từ gánh rau ngoài chợ cho đến vàng trong tiệm, mặc dù chị bán rau chẳng biết đến lương, còn người ăn lương ít có ai dùng lương để mua vàng.
Chuyện thường tình hay đột biến?
Việc tăng giá - tăng lương là điều đương nhiên vẫn xảy ra ở tất cả các nước. Tuy nhiên, giải pháp sẽ được coi là thông minh khi làm cho việc tăng lương không tạo ra áp lực tăng giá đột biến, để cho những người làm công ăn lương không cảm thấy mỗi lần tăng lương lại là một lần bị thiệt thòi.
Như đã nêu ở trên, áp lực tăng giá xuất hiện khi mọi người nghĩ sắp đến sẽ có thêm một lượng tiền lớn đưa vào nền kinh tế. Giải pháp tốt nhất là làm sao cho mọi người đừng nghĩ như vậy, chỉ nghĩ rằng việc tăng lương là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Để làm được như vậy, thay vì tăng lương từng đợt như hiện nay, Việt Nam nên thực hiện chính sách tăng lương hàng năm. Mức lương được tăng chính bằng bằng mức tăng giá cộng với mức tăng trưởng thu nhập thực trên đầu người của năm trước đó.
Khi đó, việc tăng lương được coi là chuyện thường xuyên và đương nhiên, không trở thành sự kiện đột biến như hiện nay. Với mức tăng lương vừa phải như vậy, Nhà nước sẽ giảm được gánh nặng cân đối ngân sách ở những thời điểm tăng lương. Ngân hàng Nhà nước bớt phải lo lượng tiền cung ra nền kinh tế tăng đột biến gây ra lạm phát. Đương nhiên, người làm công ăn lương sẽ không phải chịu thiệt thòi 17% như đã nêu trên.
Để cho cụm từ “giá - lương - tiền” một ngày nào đó không còn là một nỗi ám ảnh, vấn đề là phải có một lựa chọn chính sách để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội và từ đó, đến nền kinh tế. Nền kinh tế càng ít gặp phải các cú sốc, càng có khả năng phát triển bền vững hơn.
-
Huỳnh Thế Du
Theo dòng sự kiện |
VietNamNet Từ 1/10, lương tối thiểu là 350.000 đồng/tháng Nâng lương tối thiểu lên 400.000 đồng hay 600.000/tháng? Tuổi Trẻ Thanh Niên Lương danh nghĩa - Lương thực tế Lao Động "Cần có ngay giải pháp hạn chế tăng giá" Lương không nên chạy theo giá Sài Gòn Giải Phóng Thời báo Kinh tế Việt Nam Tiền lương tăng nhưng thực tế thì không Lương tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP Lương tăng chậm mà giá tăng nhanh |
Ý kiến của bạn: