,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
711778
Bão - vỡ đê - ứng phó? Chúng ta đã chủ động!
1
Article
null
,

Bão - vỡ đê - ứng phó? Chúng ta đã chủ động!

Cập nhật lúc 17:58, Thứ Ba, 27/09/2005 (GMT+7)
,

Hôm nay, bão cấp 12 ập tới và điều chúng ta không chờ đợi nhưng cũng không bất ngờ đã xảy ra: đê chắn sóng đã vỡ ở các điểm xung yếu ở Nam Định, Thanh Hoá... Lý do? Vì hệ thống đê điều Việt Nam chỉ chịu được bão cấp 9. Đó là điều bình thường hay khó chấp nhận? Tìm giải pháp ứng phó dài hạn với bão, lũ như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ty Niên, Nguyên Cục trưởng Cục Đê Điều (1997-2001) và nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thuỷ lợi Nguyễn Ân Niên. Điều đặc biệt, họ là hai anh em ruột.

Soạn: AM 564168 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Nguyễn Ty Niên, Nguyên Cục trưởng Cục Đê Điều 1997- 2001:

Ông nói: Vừa rồi New Orleans, nước Mỹ còn bị vỡ đê. Hà Lan năm 1996 cũng vỡ đê. Trung Quốc hay châu Âu cũng có vỡ đê. Thiên tai là chuyện khó lường, nên nếu có vỡ đê cũng là chuyện sức trời với sức người chưa tương xứng. Sức đê của ta hiện nay chỉ đảm bảo chống đỡ với những cơn bão từ cấp 9 trở xuống, với điều kiện không có triều cường. Còn nếu có triều cường thì nước lên cao gần mặt đê, sóng đánh sẽ rất khủng khiếp. Trong hàng chục năm mới xuất hiện 1 cơn bão lớn như thế này thì ta đành phải chịu phần nào tổn thất, còn với những cơn bão... nhẹ hơn thì mình giữ được yên ổn.

Trong điều kiện hiện nay, phải khẳng định là chúng ta đã ứng phó rất tốt với cơn bão số 7, đã ở thế chủ động, nhất là khâu di dời dân.

Kinh phí của chúng ta chỉ chịu được đến thế!

- Ở Việt Nam, năm nào cũng có bão lớn, những cơn bão mạnh có lúc đến cấp 11, cấp 12. Nhưng đê của chúng ta chỉ chịu được cấp 9. Tại sao vậy?

- Ai cũng muốn ở nhà rộng, nhưng lại chỉ mua được căn hộ chung cư chật hẹp, vì không có tiền. Tôi đã sang Mỹ, khảo sát đê của họ, cụ thể như hệ thống đê của sông Mississipi (tầm quan trọng cũng như đê sông Hồng). Hàng năm đến mùa lụt, họ cũng phải huy động lực lượng phòng hộ dân sự và quân đội. Khi hỏi sao nước Mỹ giàu vậy mà không xây hệ thống đê thật kiên cố, họ cũng bảo không làm nổi, không thể đồng thời đắp hàng trăm triệu km đất, đụng đến đất đai của dân, đụng đến kinh phí của ngân sách liên bang. Một sông lớn như Mississipi, chảy qua hàng chục liên bang thì không thể đắp cuốn chiếu, mà phải đắp đồng thời. "Sức mạnh" nước Mỹ còn không làm được. Châu Âu cũng vậy. Vượt quá tần suất thiên tai, bão lụt thì sức chống đỡ của con người cũng không chịu nổi. 

Ở ta, đê biển có nhiều vấn đề, nhiều đoạn phức tạp, nhưng kinh phí quá lớn nên Nhà nước không thể làm hết được. Như đê Hải Hậu, cũng như dọc tuyến đê biển từ Bắc vào Trung, có 2 vấn đề lớn: sóng lớn, biển thoái (hàng năm, dòng hải lưu lấn sâu vào nên biển luôn bị lở, không có chân). Muốn đầu tư thì phải có công trình giữ kéo dài, tạo nên bãi bồi, sức đầu tư sẽ rất lớn. Hay như hệ thống sông của đồng bằng sông Cửu Long rất sâu (đến 20, 25m so với mực nước biển) thì hệ thống kè sông còn phức tạp và tốn kém hơn nhiều.

Kinh phí cho đê điều 1 năm khoảng trên dưới 200 tỷ, nhưng để làm 1 km đê ở những vùng như Hải Hậu cho tương đối vững chắc, có thể chống bão từ cấp 9, 10 trở lên thì ít nhất cũng phải mất 50-70 tỷ, có khi cả 100 tỷ đồng. Dồn hết tiền cả năm để xây mới cũng chỉ được 2 hay 3 km thôi. 

Cục Đê điều trước đây đã thử nghiệm thành công công trình khoa học của TS. Phan Đức Tác: làm kè bê-tông bằng cách kết những tấm mềm đàn hồi, di động theo sóng, ở dưới có vải lọc để giữ đất, làm những mỏ hàn - dải ống dọc theo bờ từ 50-100m cho bồi cát lại giữ chân đê. 

Những nơi làm được như thế thì chẳng lo đê hỏng, kỹ thuật thì ta đã có nhưng kinh phí cao như thế thì nền kinh tế của ta không thể gánh chịu được. 

Phải nói rõ như thế để thấy kinh phí, sức của ta mới chỉ đến thế.

Vẫn chỉ có thể ứng phó thôi!

- Cứ sau mỗi cơn bão, ta lại phải bỏ tiền ra để chữa, vá, đắp, bồi... cho hệ thống đê. Số tiền bỏ ra cho nhiều đoạn, nhiều lần như thế, nên chăng mỗi năm ta đầu tư xây mới cho những đoạn đê có nguy cơ cao, hoặc những đoạn đã quá yếu?

- Với số tiền đầu tư như thế, có dồn hết để xây dựng đê mới thì cũng phải vài năm mới xong một đoạn đê vài km. Như đê biển Hải Hậu dài hơn 20km, mỗi năm có làm 2, 3 km thì cũng phải 7-10 năm mới xong. Sự vững chắc như thế liệu sẽ hiệu quả đến đâu? Trong khi với kinh phí nhỏ nhoi đó, ta có thể kéo ra để nâng cấp, sửa chữa được rất nhiều đoạn đê trên toàn quốc, và chấp nhận "phiêu lưu" - khó giữ - nếu chẳng may có những cơn bão quá lớn xảy ra ở một vùng nào đó. 

Ai cũng nghĩ "phải làm kiên cố" nhưng đây là cả tuyến, cả hệ thống đê, chứ không phải một nóc nhà. Có làm cứng 1 đoạn mà những đoạn kia yếu lại không có tiền sửa chữa thì hoàn toàn vô nghĩa, chỗ cứng giữ được nhưng chỗ yếu vẫn bục ra.

- Vậy ta đã có những nghiên cứu để biết trên những tuyến đê dài như thế, đoạn nào mức độ nguy hiểm nhiều hơn để tập trung đầu tư? 

- Như đê Hải Hậu, gần như cả tuyến đều có cường độ nguy hiểm cao, vì nằm trên vùng biển thoái, đã lở ra đến 500m, có nhiều dấu vết nhà thờ cũ đã nằm ngoài biển. Muốn đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn thì phải chờ khi nền kinh tế của ta phát triển, GDP lên khoảng 2000-3000$ thì có thể nghĩ nhiều hơn đến sự kiên cố, bền vững. Còn bây giờ, làm được thế này đã là sức cố gắng cao của Nhà nước.

- Theo như cách ông nói thì trong vài chục năm tới, ta vẫn phải hồi hộp với từng cơn bão? 

- Đúng thế, ta vẫn phải đối phó. Nhưng ta vẫn cố gắng làm kiên cố những nơi có thể, còn những chỗ cầm cự được thì hàng năm vẫn bỏ kinh phí để sửa chữa, bồi đắp. Bão lớn như bão số 7 lần này cả chục năm mới diễn ra, và với sức bão thế này thì sức chịu của đê biển là rất khó.

Huy động tại chỗ là tối ưu!

- Vậy theo ông, cách xử lý với hệ thống đê như bây giờ là tối ưu?

- Đó là sự cố gắng cao nhất trong khả năng, điều kiện kinh tế của chúng ta.

Ở ta, phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, giải pháp kỹ thuật tại chỗ, hậu cần tại chỗ) huy động sức dân, đã được chứng minh là rất thành công. Bộ trưởng Lê Huy Ngọ khi báo cáo phương châm này ở hội nghị thiên tai ở Kober đã được thế giới hoan nghênh.

Công cuộc chống thiên tai, không thể chỉ xem là của các công trình kỹ thuật, mà phải có tác động của  các nhà lãnh đạo từ cấp cao nhất đến cộng đồng người dân.

- Ngoài hệ thống đê điều, công tác phòng chống bão của ta còn gì cần phải thay đổi?

- Mấy năm nay, ta đã có những cố gắng lớn, với sự tham gia của rất nhiều lực lượng như Ủy ban cứu nạn quốc gia, Ban Phòng chống lụt bão trung ương và các cấp, Hội chữ thập đỏ, rồi cả bộ đội - công an nữa. Với cơn bão số 7 thì đích thân Thủ tướng và các Phó Thủ tướng tham gia chỉ đạo công tác sơ tán dân để đảm bảo an toàn.

Công tác dự báo cũng đã tốt hơn, chi tiết hơn, cập nhật rất thường xuyên.

- Ông có nghĩ, nếu nhiều lần ta dự báo rất cẩn thận, chi tiết nhưng bão đến không mạnh thì người dân sẽ chủ quan không?

- Nhiều người cùng suy nghĩ chuyện này. Nhưng phải thấy khi chuẩn bị kỹ, nếu bão đến mà ta không thể chống đỡ được thì ta cũng đã cố gắng hết sức, còn nếu bão không đến thì đó là phúc lớn. Cũng như nhà lúc nào cũng phải khóa cửa, không có nghĩa là nếu ta mở cửa thì sẽ bị mất đồ ngay. Điều quan trọng là công tác tuyên truyền để cộng đồng hiểu rõ và luôn có ý thức thường trực, vì mỗi lần bão lớn thì thiệt hại là không thể tính hết.

Lẽ ra phải giữ rừng chắn sóng bằng mọi cách

- Là người nhiều năm ở trong ngành thuỷ lợi và nông nghiệp, ông có khuyến cáo gì nổi bật từ cơn bão này?

- Hiện tượng phá rừng hay lấn chiếm đất làm nhà ngoài bãi sông Hồng là rất tai hại. Như vùng ven biển, trước đây dự án PAM đã trồng trên 1000 ha rừng chắn sóng ven biển, từ Hải Phòng đến Ninh Bình. Nhưng, tất cả hầu như đều đã bị xâm hại. Như ở Hải Phòng coi như mất trắng. Nếu rừng chắn sóng không bị phá hoại, đê biển sẽ an toàn hơn rất nhiều, vì rừng có thể giảm được đến 40- 50% lực sóng. Như thế, đầu tư kỹ thuật sẽ ít hơn mà hiệu quả vẫn cao.

Lẽ ra, những nơi đã trồng được thì phải bằng mọi cách giữ. Rất tiếc, đó là sự lựa chọn của cộng đồng, và chúng ta phải hứng chịu hậu quả. Việc phá rừng để nuôi tôm ở các nơi đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng chính quyền các nơi và người dân - nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre - vẫn chưa thật sự có ý thức về việc bảo vệ chúng. 

Từ trận bão số 7 này, phải gióng lên hồi chuông về sự sống còn trong việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển. Phải lấy lợi ích quốc gia trên hết, từ đó chính quyền các cấp cũng như cộng đồng có ý thức bảo vệ. Nếu có rừng ngập mặn, ngân sách nhà nước có thể dành để xây những đoạn đê nguy hiểm được kiên cố hơn, hiệu quả hơn nhiều. 

Ông Nguyễn Ân Niên: Về lâu dài chúng ta cần phải nghĩ đến chuyện làm đê vững vàng!

Thời điểm 1985, 1986 đã có đề tài khoa học báo cáo cấp Nhà nước nghiên cứu về nước dâng do bão của GS TS Khoa học Phạm Văn Ninh. Đề tài đã cảnh báo ở mực nước có thể cao 3,5 đến 4,5m và một bản đồ về nước dâng. Đến nay chúng ta thấy dự báo rất đúng và hợp lý. Trong các văn bản của Nhà nước nói về bão lũ, thiết kế đê điều cũng đều chú ý đến hiện tượng nước dâng, và đề tài này GS TS Khoa học Phạm Văn Ninh là người châm ngòi đầu tiên, sau này có rất nhiều đề tài khác cấp nhà nước ở Viện Khí tượng Thủy văn cũng tính toán về nước dâng. Ví dụ như đề tài nghiên cứu về Nước dâng do biển gây ra của Nguyễn Hữu Nhân, đề tài có liên quan đến việc bảo vệ khu biển Vũng Tàu. Hiện tại, khoa học nghiên cứu ngày càng chính xác hơn, phủ đều được hết lãnh thổ Việt Nam.

Năm 1932, một cơn bão cấp 10, 11 xảy ra thì địa hình xung quanh vẫn còn khác vì lúc ấy còn có dãy rừng phòng hộ ven biển. Bây giờ kinh tế ven biển phát triển nên diện tích rừng bị thu hẹp, nhiều nơi mất trắng. Vì thế nên sự uy hiếp của sóng biển và nước dâng rất cao. Sau cơn bão số 5 năm 1997 ở phía Nam, quan cảnh nước dâng đã được đánh giá rất rõ, vẽ được những bản đồ tính toán nước dâng và số lượng công trình khoa học nghiên cứu đê điều hiện nay Nhà nước đầu tư tương đối lớn, cả đê sông lẫn đê biển.

Về lâu dài chúng ta cần phải nghĩ đến chuyện làm đê vững vàng như Hà Lan, dù sao nước ta là nước có biển Đông, luôn luôn hứng chịu những cơn bão rất mạnh từ biển vào, cộng với sự thay đổi khí hậu toàn cầu như thế này thì bão xuất hiện ngày càng nghiều với cường độ ngày càng lớn mạnh hơn. Đồng thời chúng ta cần chú ý đến dải rừng phòng hộ ven biển.

Vì chúng ta phải chung sống với thiên tai, bão lũ, ngoài đê bao, rừng phòng hộ thì cần làm tuyến đê thứ 2 ở vòng trong để bảo vệ khi có những cơn bão cưc lớn đổ bộ vào, nước vượt qua đê thứ nhất sóng đã yếu nhiều, vào tuyến đê thứ hai thì yếu rõ nên chúng ta có thể bảo vệ được tài sản cũng như con người. Điển hình như Gò Công Đông Tiền Giang đã có tuyến đê thứ hai.

  •  Khánh Linh - Công Khanh - Thu Thuỷ (thực hiện)

 

Ý kiến của bạn:

,
,