Tổ chức đấu thầu ở sàn giao dịch?
Đó là đề xuất của ông Trần Ngọc Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng Hà Nội, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, Tổng thư ký Tổng hội xây dựng trong cuộc trao đổi với VietNamNet Nhận định về "những điều vừa ý và chưa vừa ý" xung quanh Luật đấu thầu.
| ||
|
Sáng nay, QH tiếp tục thảo luận về Luật đấu thầu. Có lẽ xem rằng việc siết chặt lại quy chế đấu thầu sẽ là một trong phương cách quan trọng góp phần vào chống tham nhũng nên dự thảo luật này được sự quan tâm đặc biệt của nhiều ĐBQH và cử tri. Vì thế, việc ông Trần Ngọc Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Hà Nội, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng QH thuộc làu làu từng điều trong dự thảo luật để nêu từng điều một mà mình "chưa vừa ý" và việc có nhiều nhà báo tìm đến ông để hỏi cũng không có gì đặc biệt.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông ngay trong buổi thảo luận đầu tiên của QH về dự thảo luật này.
"...Nhưng sự tiếp thu cũng có mức độ"
- Cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật này là Bộ xây dựng?
- Không, có lẽ vì thời gian qua, chúng ta có cụm từ "dự án kế hoạch đầu tư" nên luật này được giao luôn cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo.
Tôi cũng cho rằng sự chuẩn bị lần này như thế là kỹ lưỡng. Tuy nhiên nội dung Luật còn nhiều vấn đề gây tranh cãi, đó cũng là những điều hiện giờ tôi phân vân.
- Được biết, hồi tháng 9 vừa rồi, ông đã đại diện cho Tổng hội xây dựng để văn bản gửi đến Uỷ ban thường vụ QH với đề nghị sửa đổi, lưu ý, bổ sung về Luật đấu thầu. Dự thảo đưa ra trình QH lần này đã có sự chỉnh sửa nào theo những góp ý đó?
- Qua đóng góp ý kiến, ban soạn thảo đã tiếp thu và bổ sung thêm một số phạm vi điều chỉnh trong lĩnh vực có sử dụng vốn của nhà nước. Nhưng tất nhiên, sự tham gia và tiếp thu cũng có mức độ và giới hạn nhất định...
"Giá thầu thấp nhất chưa chắc là giá thầu hợp lý nhất"
- Còn sự điều chỉnh nào từ phía các nhà soạn thảo mà ông vừa lòng nhất
- Trong điều 29, phần "Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu" Dự thảo Luật lần này đã xếp tiêu chuẩn "chất lượng kỹ thuật" lên đầu tiên. Với gói thầu kỹ thuật cao, trước kia chỉ tính 70% thang điểm tổng hợp, nay tăng lên 80%, đó là tín hiệu vui.
Nhưng chưa đủ. Nếu viết rằng: "Các hồ sơ mời thầu đã vượt qua về mặt kỹ thuật thì căn cứ vào chi phí trên cùng một mặt bằng. Nhà thầu có chi phí trên cùng một mặt bằng thấp nhất được xếp thứ nhất" là chưa ổn. Cùng "mặt bằng" kỹ thuật được quy định ở đây có thể hiểu là một "anh" 80 điểm và anh 99 điểm đứng chung một hàng.
Nếu cùng lúc có 2 "anh" vượt qua 80% điểm kỹ thuật, đủ để qua vòng 1, nhưng anh A có chất lượng quản lý tốt, thiết bị tiên tiến, công nhân kỹ thuật cao, áp dụng công nghệ cao, đánh giá tổng thể đạt tới 99 điểm (vẫn là trên 80% thang điểm tổng hợp) song giá mời thầu là 80 tỷ; còn "anh" B đạt 81% điểm kỹ thuật kia chào hàng giá 79,8 tỷ. Vậy là chỉ chênh lệch 200 triệu thôi nhưng "anh" chất lượng quản lý tốt kia vẫn có nguy cơ bị "bật" ra vì chào giá cao hơn.
Từ đây sẽ dẫn đến những sơ hở lớn về chất lượng. Theo tôi, những tham số trên chỉ là điều kiện để vào vòng 2 thôi. Vào được đến vòng 2 rồi thì nên có thêm những yêu cầu khác không chỉ là tài chính mà còn bao gồm cả kỹ thuật và những điều kiện quản lý.
Chúng ta hiện nay quá đặt nặng yêu cầu về tài chính, nên đôi khi chỉ chênh nhau 0,1%; 0,2%... chênh vài chục triệu thôi mà có nguy cơ đánh mất một công trình chất lượng cao.
Vừa rồi, trong 1 cuộc hội thảo quốc tế về cầu đường, chủ tịch hiệp hội Nhà thầu Quốc tế về cầu đường đã phát biểu, "giá thầu thấp nhất chưa chắc là giá thầu hợp lý nhất". Một công trình xứng đáng chất lượng 50 năm nhưng vì giá thầu thấp hơn nên chỉ sử dụng được trong 40 năm, như vậy là lãng phí lớn.
Rõ ràng, điểm kỹ thuật và chất lượng phải được đặt song song. Nếu chỉ quy định như trong dự thảo, chúng tôi cho rằng vẫn còn sơ hở.
Có tiền và đảm bảo GPMB mới được phát hành hồ sơ mời thầu
- Trong thực tế, thường xảy ra chuyện các nhà thầu để dây dưa công trình vì thiếu vốn, vì chậm giải phóng mặt bằng. Theo ông Dự thảo luật nên bổ sung thêm ý gì nữa trong quy định về hồ sơ mời thầu để tránh được những hạn chế này đối với các gói thầu xây lắp?
- Về tài chính, phải chứng minh năng lực, bảo lãnh dự thầu, về tiến độ nhanh hay chậm (xưa nay, mấy ai bị phạt vì điểm này bởi có nhiều lý do "đổ tại").
Còn đối với điều kiện phát hành hồ sơ mời thầu, trong điều 25 chỉ ghi là "có kế hoạch được duyệt" và người ta nghiễm nhiên xem thế là đầy đủ. Nhưng kế hoạch được duyệt không có nghĩa là đã có vốn đầy đủ. Có nhiều địa phương, cơ quan thấy được duyệt kế hoạch xây dựng là phát hồ hành hồ sơ mời thầu dù chưa nhìn thấy vốn ở đâu Bởi thế mới có chuyện công trình dây dưa vì thiếu vốn, nợ đọng, nợ dây bên nọ sang bên kia.
Tôi kiến nghị bổ sung thêm, bởi vì kế hoạch thì chỉ nằm ở trên giấy, nên cần phải có điều kiện bắt buộc đảm bảo về tài chính.
Hơn nữa, trong dự thảo luật chỉ ghi là "có nguồn vốn" nhưng vấn đề đặt ra là nguồn vốn đó có thật hay không? Điều này cần phải được chứng minh bằng số tiền gửi trong Ngân hàng. Nếu không chứng mình được nguồn vốn sẽ lại xảy ra nhiều câu chuyện buồn về nợ xây dựng và công trình bỏ dở. Đừng để xảy ra chuyện như ở Hà Giang nhiều lần nữa.
Vì thế, phải bổ sung vào điều 25 là "Đảm bảo tài chính khi lập hồ sơ mời thầu".
Thứ 2, riêng đối với xây lắp phải đảm bảo điều kiện giải phóng mặt bằng. Nhiều nhà thầu đã trúng thầu rồi nhưng không thể bắt tay vào thi công vì vướng mặt bằng. Ngay giữa HN, dự án Vành đai ba, Ngã Tư Sở, Đại Cồ Việt... là những bài học sinh động.
Như vậy, 2 điều quan trọng này chưa hề được nói đến trong Dự thảo Luật.
Khâu hồ sơ phải kỹ, phải cụ thể để tránh làm ẩu
- Thưa ông, có ĐBQH của ta nói rằng quy định về hồ sơ dự thầu, mời thầu của mình như vậy là rườm rà, gây mất thời gian. Theo ông, việc đơn giản hoá hồ sơ có ảnh hưởng đến chất lượng công trình không
- Tôi lại có ý kiến ngược lại, là quy định về hồ sơ của mình còn quá sơ sài.
Không biết sau này, Chính phủ ban hành các Nghị định có rõ ràng hay không nhưng khi sang Úc, tôi được xem hồ sơ đấu thầu nhà Quốc hội Canbêra nổi tiếng trị giá 1 tỷ đô la thì thấy họ làm rất chi tiết. Chẳng hạn, tư vấn giám sát là kiến trúc sư người Pháp, ông đã từng giám sát những công trình danh tiếng ở Pháp, Bungari... Tên tuổi và tiểu sử của ông được ghi đầy đủ và chi tiết trong hồ sơ. Nhà thầu không thể thay đổi nhân sự quan trọng nếu không có sự đồng ý của chủ đầu tư. Quản lý chặt chẽ như vậy nên không thể có chuyện gian lận.
Còn ở VN, hồ sơ mời thầu thiếu chuyên nghiệp và rất không chi tiết, đặc biệt trong xây lắp.
Hồ sơ của chúng ta không hề đặt ra yêu cầu chi tiết về chất lượng vật liệu theo những tiêu chuẩn nào. Và điều quan trọng là yếu tố con người không được quan tâm. Công nhân thế nào, trình độ làm sao? Tư vấn giám sát là ai?
Trong Dự thảo Luật lần này, khoản 2 trang 23 đã né bằng cách ghi: "Mẫu hồ sơ mời thầu do Chính phủ quy định, bao gồm các nội dung sau đây...".
Nhưng theo tôi, nội dung như vậy là chưa đủ. Nghĩa là không chỉ có hồ sơ kỹ thuật và những hướng dẫn kỹ thuật kèm theo mà phải có thêm một yêu cầu về trình độ tổ chức, trình độ quản lý kỹ thuật của đối tượng tham gia đấu thầu.
Ngoài ra, còn một nội dung tôi chưa nhìn thấy đó là mẫu hồ sơ trong hợp đồng thầu. Theo chuẩn quốc tế, hợp đồng thầu của họ rất chi tiết, rất cụ thể nên ít xảy ra các trường hợp tiêu cực. Cách đây 25 năm, tôi đã từng ký 1 hợp đồng với công ty điện tử Hanel. 2000 chữ ký, mỏi cả tay. Vật liệu được ghi chi tiết trong phụ lục đính kèm, quy định những điều cụ thể như của nhà máy nào, ở đâu.
Hợp đồng dày, chi tiết, không như các hợp đồng của mình, mỏng dính.
Chống đấu thầu khép kín, không dễ "gỡ"
Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, Mai Quốc Bình |
- Ở VN vẫn có tình trạng lẫn lộn giữa quản lý hành chính và chức năng kinh doanh. Theo ông, phạm vi điều chỉnh của Luật lần này liệu có giảm được tình trạng đấu thầu khép kín không?
- Hiện nay, rất nhiều người quan tâm đến chuyện chống khép kín trong quản lý cũng như trong đấu thầu. Đây là vấn đề không đơn giản. Bộ kế hoạch và Đầu tư đang chuẩn bị một Nghị định riêng, quy định rõ như thế nào là khép kín.
Nhưng ở ta, vẫn đang còn nhiều vấn đề đang tồn tại, chẳng hạn chưa làm rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh trong cùng một doanh nghiệp.
Lần này Luật đấu thầu đã có ý nhỏ về chống khép kín và có lộ trình thực hiện chống đấu thầu khép kín triệt để sau ba năm khi mà chúng ta đã cổ phần hóa toàn bộ và tách được chức năng hành chính ra khỏi đơn vị kinh doanh. Hiện nay đang là thời kỳ quá độ.
Trong khi chờ đợi, chúng tôi đang nghiên cứu soạn thảo một nghị định về chống khép kín trong đấu thầu.
Thế thì lẽ ra phải làm ngược lại chứ? Khi mà chúng ta chưa tách hoàn toàn được ra như vậy thì trong Dự thảo Luật, chúng ta phải quy định rõ, nếu chủ đầu tư là bộ A thì các doanh nghiệp của bộ A không được tham gia đấu thầu?
- Điều 11 của Dự thảo Luật đã có quy định về khắc phục đấu thầu khép kín rồi. Nhưng khi thực hiện chi tiết thì Bộ kế hoạch & Đầu tư đang phải xem xét kỹ để làm tiếp. Các quy định này phải được thực hiện chậm nhất 3 năm từ ngày Luật có hiệu lực, nghĩa là trong 3 năm phải tách bạch các chức năng ra. Quy định lần này đưa vào tuy chưa đầy đủ nhưng đã là một tiến bộ lớn. Còn để đi vào chi tiết phải có quy định cụ thể hơn.
Hiện, vấn đề này đang tranh luận, ngay cả với khái niệm "thế nào là khép kín". Chẳng hạn, Tổng công ty Điện lực làm 1 đường dây. Tổng công ty Điện lực chính là "ông "thiết kế, còn nhận thi công đường dây cũng do Tổng công ty Điện lực làm luôn. Nhưng cấm làm sao được? Mà họ có năng lực thật sự. Làm sao các đơn vị khác như bên giao thông, bên xây dựng có thể quen dựng cột điện cao thế ở vùng rừng núi hiểm trở hơn "anh" điện lực được?
Tại sao cấm? Một "anh" thiết lập dự án đầu tư mà lại cấm tham gia đấu thầu thiết kế? Vô lý. Bởi vì họ nắm rất chắc kỹ thuật.
Ra sàn giao dịch đấu thầu
Phải chăng chúng ta nên thêm vào luật một quy định nữa, là đấu thầu về quản lý nguồn vốn, đấu thầu bên A. Ví dụ, Chính phủ có một gói tiền 500 tỷ để xây lắp đường dây chẳng hạn sẽ thông báo rằng A không hẳn sẽ là là Bộ công nghiệp mà cho tổ chức đấu thầu. Ai có năng lực và phương án quản lý tốt nguồn vốn sẽ là A, để A không phải là một "ông bố" nào đó duyệt thầu cho các "ông con"?
- Thực tế không thể như vậy. Bởi hiện nay, chúng ta đang lẫn lộn nhiều thứ. Ví dụ như ở Singapore, khi làm công trình, họ bắt đầu thuê từ bên A. Bên A cũng làm thuê như bên B. Chỉ người bỏ vốn ra làm chủ. Khi bổ nhiệm ai đó là chủ quản lý nguồn vốn, tôi có thể trả lương rất cao nhưng đồng thời trách nhiệm cũng rất cao.
Ở VN, ban quản lý dự án là "ông chủ hờ". Vốn nhà nước - vốn dân làm chủ - giao lại cho ông ấy thôi.
Tôi còn có thêm đề nghị khác nữa là, chính phủ nên đưa ra sàn giao dịch đấu thầu. Đây là một ý tưởng được đánh giá là mới nhưng đang cần phải cân nhắc. Bởi vì các bên A ở đây không chuyên nghiệp. Là ông Hiệu trưởng, Giám đốc bệnh viện, Giám đốc nhà máy rượu... họ chỉ quản lý tiền thôi, còn đưa ra sàn giao dịch phải là những nhà thầu chuyên nghiệp. Anh ta sẽ làm tất cả mọi quy trình từ lập hồ sơ mời thầu đến chọn đúng nhà thầu. Như thế sẽ hạn chế được rất nhiều tiêu cực, tránh tình trạng ai cũng xâu xé để nhận một công trình trước khi về hưu để có cơ hội kiếm thêm chút đỉnh.
Đề nghị thứ 2: Ở các nước như Inđônêxia, Philipin, Malaysia... một trong những điều luật họ đã làm để chống gian lận trong đấu thầu là thành lập một Ban quản lý vốn nhà nước trong đấu thầu. Gọi là tiền kiểm và hậu kiểm. Mọi quy trình đấu thầu đều được kiểm tra, giám sát hết. Tất nhiên với những công trình nhỏ thì chỉ cần hậu kiểm. Đây là một hình thức kiểm toán trong đấu thầu.
- Về năng lực và công cụ, ông có cảm thấy, với xây lắp, hệ thống giám sát của mình đã không đi kịp với sự phát triển của kỹ thuật và nhu cầu xã hội không?
- Tư vấn, nhà thầu và ngay cả giám sát đều không theo kịp sự phát triển. Nhưng đặc biệt ở VN, yếu kém nhất là Ban quản lý dự án và Tư vấn giám sát. Tư vấn giám sát tại các nước làm việc độc lập và chuyên nghiệp. Còn ở VN là do bộ phận thiết kế kiêm nhiệm thêm. Và ở VN, lương tư vấn giám sát vẫn còn quá thấp, không đủ để người ta tồn tại. Vậy nên, một trong những điều kiện tiên quyết là phải trả lương cao để người ta yên tâm làm việc mới tránh được tham nhũng.
Chế tài quy định hình phạt đối với phía vi phạm Luật theo ông như vậy đã đủ mạnh chưa?
- Tôi cho rằng vẫn còn nhẹ. Nhất là chế tài ghi ở điều 72: "Ngoài việc xử lý theo pháp luật... tên nhà thầu còn bị đăng tải trên tờ thông tin về đấu thầu và trang web về đấu thầu của Nhà nước". Đó là chưa kể đến những phát sinh từ thực tế, Chính phủ quy định chế tài nhưng chưa đủ nghiêm và chưa đủ sức răn đe. Hệ thống giám sát, hành pháp, tư pháp khi xử lý tình huống thường "tống" tất cả về bên hành chính. Rất nguy hiểm. Chúng ta đã xử lý được bao nhiêu tình huống ngoài những trường hợp quá lộ liễu như câu chuyện ở Tổng công ty Dầu khí mới đây.
Nếu Luật đấu thầu lần này cơ bản giải quyết được những vấn đề tồn đọng liên quan đến đấu thầu từ trước đến nay thì ông có hi vọng sau khi thông qua rồi, những thất thoát, lãng phí do đấu thầu gây nên liệu có được hạn chế không?
- Chúng ta làm luật là để bịt kẽ hở, ngăn ngừa những sai phạm có thể xảy ra. Nhiều người cho rằng nếu lần này chúng ta có đủ chế tài để bịt các kẽ hở thì sẽ hạn chế được rất nhiều tiêu cực. Nhưng, dù luật có chặt đến đâu chăng nữa, chúng ta cũng không thể mong đợi có được sự biến đổi ngay lập tức, nhất là trong điều kiện vẫn còn rất nhiều văn bản, nghị định chưa phù hợp kèm theo, và vẫn còn những điều ngoài luật mà chúng ta vừa đặt ra.
Quy chế đấu thầu và Nghị định chính phủ, về cơ bản đã là cơ sở pháp lý cho việc tổ chức đấu thầu không có tiêu cực và thất thoát nhưng chuyện xấu ấy vẫn xảy ra. Đừng nên đổ lỗi cho quy chế bởi các vụ việc tiêu cực phần lớn do vi phạm quy chế.
Vấn đề quan trọng nhất, theo tôi vẫn là con người.
-
Lương Bích Ngọc - Ngọc Nhung (thực hiện)
Theo dòng sự kiện
VietNamNet
Sẽ đưa vào danh sách "đen" trên web vi phạm đấu thầu
Luật "hở" - nhà thầu vẫn có thể "diễn kịch"
Chấm dứt khép kín đấu thầu: ''Được anh nào áp dụng luôn!"
Tuổi trẻ
Minh bạch hóa hoạt động đấu thầu
Tiền phong
Cần bỏ hình thức đấu thầu hạn chế
Thanh Niên
Để đấu thầu không còn là những “màn kịch”
Ý kiến của bạn về vấn đề này: