,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
735137
Từ luật đầu tư nói về trách nhiệm chính trị
1
Article
null
,

Từ luật đầu tư nói về trách nhiệm chính trị

Cập nhật lúc 18:14, Thứ Ba, 22/11/2005 (GMT+7)
,

Muốn cho đất nước ta thoát khỏi sự lãng phí, đầu tư lệch, định hướng phát triển sai, thì phải áp đặt được chế độ trách nhiệm chính trị. Đó là một trong những đòi hỏi của một nền quản trị quốc gia hiện đại, là biện pháp hết sức hữu hiệu để tăng cường quản lý.

Quốc hội đang thực hiện trách nhiệm chính trị của mình.

Dự Luật Đầu tư hiện đang là "tâm điểm chú ý" của dư luận với kỳ họp Quốc hội lần này. Rất nhiều đề nghị, đóng góp ý kiến đã được gửi đến cho Ban soạn thảo, và cho Quốc hội. Ủy ban Thường vụ QH cũng đã tiếp thu và sửa đổi những điểm liên quan đến ưu đãi đầu tư, bảo lãnh chính phủ, giải quyết tranh chấp... Tinh thần đó rất đáng được hoan nghênh.

Tranh cãi về dự thảo Luật Đầu tư và cơ chế "một cửa"

Nhưng có một điểm ít được các ĐB để ý đến. Đó là thủ tục đăng ký và thẩm tra đầu tư: Những con số 15 tỷ, 300 tỷ đang được quan tâm nhiều hơn, còn chủ trương của Bộ KH - ĐT đưa tất cả về một cửa, nhà đầu tư chỉ cần đến đăng ký ở các cơ quan nhà nước quản lý đầu tư (thuộc Bộ KH - ĐT), còn việc liên hệ và phối hợp với tất cả các cơ quan thuộc bộ ngành khác sẽ do các cơ quan này đảm nhiệm thì lại ít được để ý đến.

Với điều khoản này, hình như QH chưa có thời gian để xem xét, phân tích những hậu quả mà việc thực thi quy định này của luật sẽ gây ra, bởi "Logic hình thức đã che mờ thực chất của vấn đề".

Cơ chế một cửa đòi hỏi rất nhiều kỹ năng chuyên môn mà chỉ riêng Bộ KH - ĐT không thể có được. Đăng ký là một kỹ năng mang tính kỹ thuật, còn thẩm định đòi hỏi những kỹ năng chuyên sâu, hoàn toàn khác nhau với mỗi dự án. Dù nội dung thẩm tra chỉ bao gồm điều kiện đầu tư mà nhà đầu tư phải đáp ứng (nếu có), sự phù hợp với quy hoạch, nhu cầu sử dụng đất và tiến độ thực hiện dự án. Nhưng riêng nội dung về "điều kiện đầu tư" thì mỗi dự án mỗi khác về giải pháp công nghệ, kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường... chỉ một Bộ sẽ không thể đủ năng lực thẩm tra, mà sẽ cần phối hợp với rất nhiều bộ ngành khác.

Một cửa không thể giải quyết vấn đề của hai - ba cửa

Từ đây sẽ nảy sinh sự bất cập. Nếu nói về động lực thì Bộ nào cũng muốn có quyền, bây giờ dồn tất cả quyền cho một Bộ, các Bộ kia sẽ tấm tức, cho dù chẳng nói ra lời. Điều này không chóng thì chày sẽ dẫn đến việc thời gian để thẩm định bị kéo dài. Lý do là vì hồ sơ bị chuyển lòng vòng đến những nơi mà Bộ KH-ĐT khó có thể áp đặt chế độ trách nhiệm, còn động lực để thúc đẩy công việc thì cũng bị triệt tiêu. Các hồ sơ trong trường hợp tốt nhất đều bị ngâm đến thời hạn tối đa cho phép.

Thoạt nghe thì có sự tiến bộ, vì từ "2, 3 cửa" thành một cửa, nhưng một cửa không giải quyết được vấn đề của 2, 3 cửa. Nghĩa là, anh được vào một cửa nhưng cửa đó dẫn đi đâu thì không rõ, thậm chí không biết có dẫn đi đâu không? Trước đây, nhà đầu tư có động lực, tự đến các cửa để thúc đẩy quá trình, còn bây giờ thì anh đưa qua một cửa rồi chờ, trong khi người ngồi sau cánh cửa ấy không có động lực, còn những người không được ngồi ở sau cửa thì tấm tức. Đó là logic của sự đổ vỡ và thất bại.

Trách nhiệm chính trị của Bộ trưởng và "ông " Quốc hội

Cuộc sống không thể vận hành chỉ dựa trên đạo lý. Luật phải đi theo quy luật khách quan của hành vi, khi động lực thúc đẩy, chứ không thể theo mô hình chỉ đúng với logic hình thức.

Nhiều người lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ "biểu quyết bằng chân" ra đi, vì Thái Lan, Trung Quốc... có thể tạo điều kiện tốt hơn cho đầu tư. Nhưng, những người hoạch định chính sách lập pháp thì bảo "dứt khoát không", luật này "thoáng" lắm rồi.

Trách nhiệm chính trị là trách nhiệm được áp đặt cho việc ban hành chính sách và... đường lối. Chế độ trách nhiệm này sẽ hạn chế nhiều "vấn đề" của xã hội:

- Việc tư lợi, những quyết định do thân quen, việc chạy dự án, vì nếu lợi ích xã hội không đạt tới thì "người cho" phải chịu trách nhiệm.

- Tham nhũng, (không thể nhận hối lộ để quyết sai vì mục tiêu không đạt được thì sẽ phải chịu trách nhiệm).

- Sự phân bổ các nguồn lực không hợp lý (không thể "muốn cho đâu thì cho" vì phải chịu trách nhiệm).

Với chính sách lập pháp thì người chịu "trách nhiệm" là người đề xuất chính sách, mà trước hết là Bộ trưởng. Nếu chính sách tốt thì Bộ trưởng phải được khen thưởng, còn nếu chính sách làm trì trệ nền kinh tế thì Bộ trưởng phải... chịu trách nhiệm. Đây là chế độ trách nhiệm chính trị, vì không thể áp đặt trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này.

"Trách nhiệm chính trị" là từ dùng tương đối chuẩn xác cho "accountability", còn cách ta đang dịch tạm là "trách nhiệm giải trình" thì diễn tả chưa hết ý. Một ví dụ đơn giản của accountability là khi anh bỏ tiền ra chơi số đề, nếu trúng thì anh được, còn không trúng thì anh mất tiền toi. Anh phải chịu trách nhiệm được mất với việc chơi số đề của anh. Chứ không phải, anh lấy tiền của người khác để chơi số đề, bị thua thì anh giải trình là "vì tôi nghĩ con số đó tốt nên tôi chơi" và không bị mất mát gì cả. Lấy tiền của dân ra đầu tư trong nhiều trường hợp cũng sẽ rất giống với cách chơi số đề nói trên.

Lấy trường hợp đầu tư xây dựng hệ thống nhà máy đường chẳng hạn. Chúng ta sẽ thấy một nghịch lý rất lớn là: Một người ăn cắp trong quá trình xây dựng nhà máy mía đường thì có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý (và việc này có thể áp đặt được), nhưng người ban hành quyết định xây dựng ngành mía đường, một quyết định sai và gây hậu quả nghiêm trọng gấp ngàn lần thì lại không thể áp đặt một chế độ trách nhiệm nào cả.

Việc dành 500 triệu USD tiền vay nợ của Chính phủ cho VINASHIN (Công ty Vận tải viễn dương) cũng cần được xem xét để áp đặt chế độ trách nhiệm nói trên.

Chế tài của trách nhiệm chính trị là sự bất tín nhiệm, sự bất tín nhiệm của người đại diện cho dân (QH và Hội đồng nhân dân phải bỏ phiếu tín nhiệm được), mà cao nhất là sự bất tín nhiệm của dân, thể hiện qua: trưng cầu dân ý, hoặc bầu cử.

Ở các nước, có 2 cách để chịu trách nhiệm: Bộ trưởng đấu tranh cho chính sách đó, cam kết trước QH, trước đồng bào, còn nếu thất bại thì Bộ trưởng phải từ chức. Còn nếu QH không nhất trí mà Bộ trưởng vẫn thuyết phục ĐB QH thông qua, thì QH sẽ thông qua nhưng nếu sau này phát sinh vấn đề thì Bộ trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm trước QH. Tất nhiên khi đó QH cũng sẽ mất uy tín trước cử tri.

Thậm chí, có những luật, quy định của các nước chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định, như Luật chống khủng bố của Anh chỉ có hiệu lực trong 10 năm chẳng hạn. QH có thể cho thời hạn để "thử" với một luật nào đó, nếu sau thời gian đó thấy không hiệu quả thì phải sửa. Còn ở ta thì sai chỉ có sửa, và sửa thì phải chờ sáng kiến của Bộ trưởng, hoặc của các cơ quan của QH trong quá trình giám sát thi hành pháp luật.

Muốn cho đất nước ta thoát khỏi sự lãng phí, đầu tư lệch, định hướng phát triển sai, thì phải áp đặt được chế độ trách nhiệm chính trị. Đó là một trong những đòi hỏi của một nền quản trị quốc gia hiện đại, là biện pháp hết sức hữu hiệu để tăng cường quản lý.

  • Duy Thanh

Theo dòng sự kiện

VietNamNet

QH sẽ phát phiếu lấy ý kiến của ĐB là doanh nghiệp

Dự Luật đầu tư: ''Nhất cử nhất động'' đều phải... đăng ký!

"Sửa luật đầu tư cho đúng: Chỉ mất 5 phút!"

Trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm chính trị

Hai mặt của quyền miễn trừ

Chất vấn đại biểu - Nhân dân đòi làm tốt hơn!

Tuổi Trẻ

Quyền lực và trách nhiệm

Bỏ phiếu tín nhiệm cũng là một cách chế tài “lời hứa”

Doanh nghiệp chỉ cần qua "cửa" của Bộ Kế hoạch-đầu tư

Đại biểu của dân, trách nhiệm càng lớn

Quốc hội và công khai

Sáu chữ dành cho bộ trưởng: “Trách nhiệm, sâu sát, kiên quyết”

Tiền Phong

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: Trách nhiệm là không đổ cho ai được!

Không phải cứ xin lỗi là xong

"Miễn nhiệm"

Phải đổi mới dù Nhà nước nhận phần khó hơn

Ý kiến của bạn:

,
,