Việt Nam gia nhập WTO: Cánh cửa nào khó mở nhất?
(VietNamNet) - "Cánh cửa" nào khó mở nhất đối với quá trình đàm phán WTO của VN? Trao đổi của nhà báo Nguyễn Anh Tuấn và GS Ari Kokko từ ĐH Kinh tế Stockholm (Thụy Điển).
Đã là tháng cuối cùng của năm 2005. Chủ đề đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam trở nên nóng hơn. "Cánh cửa" nào khó mở nhất? Để mở thêm một góc nhìn mới về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (VietNamNet) đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Ari Kokko từ Trường Đại học Kinh tế Stockholm (Thụy Điển). Giáo sư Kokko đã gắn bó với VN trong nhiều năm qua những khóa học về Thể chế Thương mại Quốc tế tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cũng như trong các công trình nghiên cứu và tư vấn cho Chính phủ.
Những khó khăn trong đàm phán gia nhập WTO
| ||
|
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:
- Thưa Giáo sư Ari Kokko, tại sao so với một số nước khác thì việc gia nhập WTO của VN lại có vẻ khó khăn hơn?GS. Ari Kokko: Theo tôi, với những nước như Campuchia thì việc đàm phán gia nhập WTO thường dễ dàng hơn. Bởi vì, Campuchia dường như hoàn toàn "vô hại".
VN dù vẫn là một nền kinh tế nhỏ, nhưng có nhiều tiềm năng cho tương lai. Vì thế, nhiều nước đang băn khoăn liệu các ngành công nghiệp của mình sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi VN trở thành thành viên WTO. Họ cảm thấy rằng "Tôi sẽ mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp VN, vì thế họ cần cạnh tranh một cách công bằng, không dựa vào trợ cấp của chính phủ".
Tôi cảm thấy thú vị khi so sánh VN với những quốc gia khác. Ngày càng có nhiều người bước vào tầng lớp trung lưu, và nhiều người nghèo đang nhận thấy sức mua của họ đang tăng lên. Các nước nhận thấy những cơ hội này. Họ muốn bán các sản phẩm và dịch vụ của mình vào thị trường VN.
Đây là một trong những lý do làm cho tiến trình đàm phán của VN trở nên khó khăn. Dĩ nhiên, tôi nghĩ rằng, còn có một số nguyên nhân khác nữa.
- Quá trình gia nhập WTO của VN có chịu ảnh hưởng nào, trực tiếp hay gián tiếp, từ việc Trung Quốc (TQ) gia nhập WTO?
Ông có thể cho biết tại sao VN nên gia nhập WTO? Tư cách thành viên của tổ chức này sẽ đem lại lợi ích gì cho nền kinh tế VN? GS. Ari Kokko: Người ta có thể đưa ra nhiều lý do, nhưng theo tôi có 3 lý do chính. Lý do trước tiên, đơn giản nhất nhưng có thể quan trọng nhất trong dài hạn, đó là tiếp cận thị trường. Cốt lõi của WTO là những quy chế thương mại, trong đó có một điều chủ chốt: thành viên WTO được đảm bảo quyền tiếp cận thị trường của các thành viên khác. Dù chưa phải thành viên WTO, VN vẫn đang tham gia vào các thị trường quốc tế. Nhưng không chắc tình thế này sẽ kéo dài mãi. Trước đây, nhiều nước dễ dàng cho VN tiếp cận thị trường, vì VN là một nền kinh tế khá nhỏ. Khi Hoa Kỳ đàm phán Hiệp định thương mại (BTA) với VN, có thế họ nghĩ "Để họ vào cũng chẳng sao". Khi đó, hàng VN chỉ là không đáng kể trên thị trường Mỹ, không công ty Mỹ nào cảm thấy áp lực từ phía VN. Đây cũng là điều tương tự với nhiều nước khác. Nhưng hãy xem những gì đã xảy ra sau đó. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đã đạt hơn 20 tỉ USD, bằng một nửa GDP. Việt Nam bắt đầu trở thành một "tay chơi" lớn và tạo thách thức mới cho các thành viên khác. Nếu không vào WTO, Việt Nam chịu một rủi ro lớn là phải đứng ngoài hoặc bị đẩy ra khỏi một số thị trường. Khi một công ty hay một quốc gia đầu tư vào lĩnh vực nào đó, lợi nhuận có thể không đến ngay, mà có thể phải sau 5-7 năm. Nhà đầu tư cần hình dung được tương lai của thị trường. Bảo đảm quyền tiếp cận thị trường là yếu tố rất quan trọng để dự đoán thị trường. Như vậy, lý do thứ hai của gia nhập WTO là bảo đảm tính có thể dự đoán. Đây là yếu tố rất quan trọng hỗ trợ cho những quyết sách dài hạn. Đối với vấn đề này, giữa khu vực tư nhân và nhà nước có sự khác biệt. Kinh tế nhà nước ít nhạy cảm hơn với tính có thể dự báo. Quyết định của các lãnh đạo không ảnh hưởng đến tiền của chính họ. Đồng thời, đôi khi họ có thể tác động lên luật lệ. Họ có thể không tác động đến việc tiếp cận thị trường nước ngoài, nhưng có thể tác động tới những quy tắc về thương mại và nhập khẩu vào VN. Họ nghĩ, "Nếu hai năm tới có chuyện gì xảy ra, ta sẽ thỉnh cầu lên Thủ tướng để xin được bảo hộ". Các công ty tư nhân không có đặc quyền đó. WTO sẽ giúp họ xác định viễn cảnh dài hạn về chính sách thương mại của Việt Nam. Một hệ quả nữa của gia nhập WTO là sự đơn giản hoá các quy tắc thương mại. Không còn sự đoán mò, không còn sự chồng chéo giữa các quy định. Điểm cuối cùng, một vấn đề được bàn luận nhiều tại các nước thành viên WTO. Đó là sự bảo hộ. Ở VN cũng như nhiều nước khác, bảo hộ có thể có lợi cho một số công ty. Bù lại, người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn so với mức đáng ra họ phải trả. Tư cách thành viên WTO, trong dài hạn, sẽ cân bằng giá thế giới và giá ở VN. Tóm lại, tư cách thành viên WTO sẽ đem lại sự tiếp cận thị trường. Điều này có lợi cho các nhà xuất khẩu và cho tất cả những ai đang đầu tư sản xuất dài hạn. Các nhà nhập khẩu cũng có lợi, khi có thể dự đoán các qui chế thương mại. Nói thêm về tầm quan trọng của xuất khẩu. Có thể liên hệ đến hình ảnh con nhộng. Muốn cất cánh thì phải thoát khỏi cái vỏ bọc. VN hiện vẫn còn là một nền kinh tế nhỏ. Mặc dù với dân số trên 80 triệu người, sức mua của nền kinh tế VN chỉ tương đương với thành phố Stockholm của Thụy Điển. Dân số thành phố này chỉ vỏn vẹn 1,5 triệu, nhưng tổng sức mua khoảng 45 tỷ USD. Ngày nay rất ít công ty Thụy Điển hay Stockholm còn nghĩ tới việc sản xuất hàng hóa chỉ để bán nội địa. Thị trường quá nhỏ bé. Các doanh nghiệp VN cũng vậy, ngay tại thời điểm khởi nghiệp, họ phải nghĩ tới viễn cảnh thị trường quốc tế. |
Phải kể đến thực tế là TQ đã gia nhập WTO từ vài năm trước với nhiều hứa hẹn cải cách. TQ đã cam kết mở cửa thị trường. Nhưng TQ đã không mở cửa thị trường ngay.
Nhiều nước cho là TQ đã hứa mà không giữ lời. Họ cảm thấy, sau khi TQ gia nhập WTO, tiến trình cải cách chậm hơn so với mong chờ của họ.
Tôi nghĩ, với những kinh nghiệm này, các thành viên WTO không sẵn lòng nghe VN lập luận "Được rồi, cứ để tôi vào, rồi chúng tôi sẽ thay đổi trong vài năm tới".
Theo tôi, Mỹ đặc biệt nhạy cảm với lập luận này, vì họ không hoàn toàn thỏa mãn với việc VN thực hiện những cam kết trong BTA, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Họ cũng muốn làm rõ hiện trạng của các doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy, sự gia nhập "dễ dàng" của TQ không còn là thực tế đối với VN. Một phần nào đó, chúng ta có thể trách TQ, nhưng cũng phải trách mình, nhất là trong mối quan hệ với Mỹ.
Chiến lược đàm phán
- Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổng thống Bush đã hứa ủng hộ mạnh mẽ việc VN gia nhập WTO. Nhưng tại sao chúng ta không thấy lời hứa này được thực hiện trong thực tế?
Cuộc đàm phán đang tiến triển không tốt lắm. Hoa Kỳ dường như cứng rắn hơn sự mong đợi của VN. Nhưng theo tôi, VN cũng nên xem lại chiến lược đàm phán của mình.
Tôi không biết về chi tiết đàm phán, nhưng đã nói chuyện với những người tham gia. Dường như VN đang theo đuổi phương thức đàm phán “kết thúc từng lĩnh vực”. Tôi chưa thấy một chiến lược nào của VN trong việc định hình thỏa thuận cuối cùng.
Tôi không nghĩ rằng đoàn đàm phán của VN đã có một lộ trình chủ động. Ở đây có hai vấn đề.
Vấn đề thứ nhất là đàm phán như thế nào? Nếu chỉ nghe người Mỹ nói về một vài lĩnh vực cụ thể, chúng ta sẽ không có lộ trình đi tới thoả thuận cuối cùng. Cuộc đàm phán vì vậy bị kéo dài.
Đối với mỗi lĩnh vực, thay vì ký kết thì đoàn đàm phán VN phải quay về nhà để báo cáo Thủ tướng và Quốc hội.
Điều này giống như tôi bước vào một cửa hàng ở Hà Nội vào lúc 11h sáng, với tư cách là khách hàng đầu tiên, và bắt đầu mặc cả. Sau khi thoả thuận, tôi nói "Tôi cần về xin ý kiến vợ mình xem có nên mua món hàng với giá này không".
Cửa hàng sẽ nghĩ sao? Vị khách đầu tiên mặc cả quyết liệt để rồi chẳng mua gì. Đó là điều rất tệ hại.
Khi chúng ta trở lại bàn đàm phán, đoàn VN sẽ khăng khăng rằng "Ở phiên trước, chúng ta đã thoả thuận mức giá 9 USD, nay bắt đầu đàm phán tiếp." Nhưng có thể Hoa Kỳ không còn thỏa mãn với mức giá 9USD nữa. Họ sẽ nói cuộc đàm phán trước đã không thành công và cần phải khởi động lại.
Vấn đề thứ hai, tôi nghĩ khó đạt được nhượng bộ qua cách tiếp cận "từng ngành một". Tôi không tin đoàn đàm phán Hoa Kỳ có một lộ trình rõ ràng để kết thúc đàm phán, nhưng họ có những chỉ đạo cụ thể về một thoả thuận có thể chấp nhận được.
Có hai loại ý kiến chỉ đạo. Thứ nhất, họ có một lộ trình nhằm đạt thoả thuận có lợi cho cộng đồng kinh doanh Mỹ. Đó là một mục tiêu mang tính tổng thể, không ai định ra cụ thể phải như thế nào. Thứ hai, họ có thể có những chỉ đạo riêng cho từng lĩnh vực cụ thể phải cố gắng đạt được.
Nếu đàm phán “từng lĩnh vực”, thì khó lòng thuyết phục người Mỹ nhượng bộ. Họ không biết chính xác sẽ được bù đắp gì trong những bước đàm phán tiếp theo. Vì thế, họ sẽ mất hàng năm để cân nhắc, và đàm phán bế tắc.
Theo tôi, VN cần thực hiện hai quyết định. Thứ nhất là đàm phán toàn diện. Cần thiết kế một bản chào trọn gói, bao gồm tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở đó, mỗi bên sẽ tập trung nhất cho lĩnh vực ưu tiên của mình, đồng thời nhân nhượng những lĩnh vực khác.
Thứ hai, VN phải quyết định: kết quả như thế nào là chấp nhận được. Phía Mỹ sẽ không chấp nhận ngay bản chào của VN là "Mọi thứ thật tuyệt vời". Họ sẽ xem xét các chi tiết, sẽ gây áp lực để đòi bằng được điều họ muốn trong một số lĩnh vực.
- Vậy nếu ngài là Thủ tướng VN, ngài sẽ làm gì?
Tôi sẽ tiến hành hai bước nói trên. Tôi sẽ thay đổi chiến lược từ cách tiếp cận "từng lĩnh vực" sang cách tiếp cận "trọn gói".
Sau đó tôi sẽ cùng đoàn đàm phán và các chuyên gia quyết định: mục tiêu cuối cùng là gì. Đây là điều quan trọng mà không ai được tiết lộ cho phía Mỹ. Đây cũng là điểm quyết định trong bản chào trọn gói.
Sự kết hợp hai bước trên, tuy sẽ thúc đẩy tiến trình, nhưng không đảm bảo cho đàm phán thành công. Bởi vì, có thể những gì mà VN chuẩn bị nhượng bộ lại không phù hợp với những lợi ích của Mỹ.
Vấn đề là VN cần phải có sự đồng thuận. Cần phải chấp nhận "Không thể bảo hộ tất cả các doanh nghiệp. Một số sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh khó khăn do phải cạnh tranh nhiều hơn".
Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta nên có một quyền lực trung ương mạnh hơn. Các cá nhân và các ngành ở VN không được phép cản trở con đường gia nhập WTO. Điều đó cực kỳ quan trọng.
- Vậy cần nhìn nhận mối quan hệ về lợi ích Mỹ - Việt trong đàm phán WTO như thế nào?
Tôi nghĩ, Mỹ không quan tâm lắm tới lợi ích của VN. Họ chỉ quan tâm tới những lợi ích mà VN sẽ đem lại cho Mỹ và các thành viên khác.
Lợi ích Mỹ sẽ đem lại cho VN chính là vị thế thành viên WTO, trong đó có quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường vĩnh viễn (PNTR).
Hiện nay, Quốc hội Hoa Kỳ vẫn định kỳ xét lại những quy chế tiếp cận thị trường dành cho VN. Nhưng sau khi VN gia nhập WTO, Mỹ buộc phải đối xử với VN bình đẳng như các thành viên khác.
Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong tiến trình gia nhập WTO
- Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của các nhân tố ngoài quốc doanh, bao gồm cả những lợi ích doanh nghiệp trong tiến trình đàm phán? Liệu VN có thể sử dụng những lợi ích đó để tạo ra ưu thế của mình nhằm đạt được thoả thuận với Mỹ?
Hiện nay, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ở VN vẫn còn khá yếu. Tôi không nghĩ rằng họ có sự hỗ trợ đầy đủ của chính phủ. Vì thế, tôi hơi bi quan về khả năng họ có thể tác động mạnh mẽ đến chính phủ.
Tuy nhiên, ta có thể huy động sự ủng hộ của khu vực kinh tế tư nhân Mỹ. VN nên tham vấn giới kinh doanh Mỹ về bản chào của mình, đặc biệt là bản chào trọn gói cũng như tiến trình xúc tiến đàm phán. Nếu như giới kinh doanh Hoa Kỳ nói "Vâng, bản chào đó khá tốt, chúng tôi ủng hộ" thì tuyên bố đó sẽ có tác động mạnh.
Lấy ví dụ về thịt heo của Mỹ. Đây là một trong những ngành quan trọng, được chính phủ ưu đãi và có ảnh hưởng khá lớn. Nếu VN cho họ tiếp cận thị trường VN, họ sẽ nói "Chúng ta ủng hộ VN gia nhập WTO". Họ sẽ hành động ngược lại nếu VN muốn đánh thuế cao hay ngăn chặn thịt heo của Mỹ vào thị trường VN.
Ở châu Âu, chúng tôi có kinh nghiệm tranh chấp thương mại với Mỹ. Khi áp thuế lên từng sản phẩm của họ, thứ đầu tiên mà chúng tôi thường nghĩ tới là nước cam Florida. Tại sao? Thống đốc bang Florida là em Tổng thống. Nếu nước cam Florida không bán sang Châu Âu được, các nhà sản xuất sẽ phàn nàn với thống đốc "Ông nên thông báo với người anh của mình..."
Nên áp dụng trò chơi này. Bởi vì đó chính là cách người Mỹ cố gắng tác động lên quyết định ở nước khác.
Chọn lựa tư vấn
- Nhiều người cho rằng Việt Nam chưa tiến hành vận động hành lang một cách hiệu quả. Giáo sư có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Tôi đồng ý vấn đề này. Thu hút sự ủng hộ từ phía Mỹ không đơn giản. Điều quan trọng là Việt Nam phải thuê được cố vấn giỏi người Mỹ, biết "luật chơi" Mỹ. Họ sẽ giúp VN tìm cách tác động tới cộng đồng kinh doanh Mỹ.
Cần hết sức thận trọng với một số đề nghị. Một vài nhóm lợi ích của Mỹ có thể nói "Tôi có thể thuê luật sư giúp". Đó không phải là một ý hay. Luật sư chỉ trung thành với ai trả tiền cho họ. Để họ trung thành với lợi ích của VN thì VN phải là người trả tiền. Nếu so sánh với những lợi ích nhận được thì sẽ thấy số tiền rất nhỏ bé.
- Vậy thì làm sao chúng tôi có thể tìm được những cố vấn thực sự giỏi như vậy về giúp cho VN?
Cần tìm hiểu xem họ đòi bao nhiêu tiền. Đó là thị trường. Ở đâu mà thị trường hoạt động thì ở đó bạn sẽ nhận được những gì xứng đáng với số tiền bỏ ra. Tôi không biết nhiều về các nhà vận động hành lang Hoa Kỳ. Nhưng VN có thể thông qua những người bạn Mỹ ở đây để tìm những cố vấn cho mình.
-
VietNamNet Nhận định
Ý kiến của bạn: