Để hâm nóng thị trường gia cầm sạch
(VietNamNet) - Thời điểm này, khi người dân đã bắt đầu quay trở lại với thịt gà, thì phải làm cho mọi người hiểu đúng rằng: chỉ không nên ăn thịt gia cầm ở những vùng dịch. Vùng không có dịch thì nên ứng xử với người nuôi gia cầm và những con gia cầm một cách bình thường. Trò chuyện với TS Lê Vũ Anh - Hiệu trưởng Đại học Y tế công cộng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát tham dự bữa tiệc thịt gà cùng đoàn công tác của Bộ NN&PTNT và các quan chức tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Thái Thiện |
Ông Bộ trưởng và bữa tiệc thịt gà
Ngày 8/12 vừa qua, các phương tiện truyền thông của Việt Nam đồng loạt phát đi hình ảnh Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN&PTNT hào hứng tham dự bữa tiệc thịt gà cùng với các quan chức tỉnh Đồng Nai sau khi đi thăm 2 trại nuôi gia cầm lớn của tỉnh này.
Hai ngày sau, tại cuộc hội thảo bàn về giải pháp bảo vệ đàn gia cầm và tiêu thụ sản phẩm ứ đọng diễn ra ở HN, người ta lại thấy Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn đang tham dự bữa tiệc thịt gà cùng hàng trăm đại biểu ngay khi kết thúc hội thảo.
Còn nhớ, vào những ngày cuối của dịch cúm gia cầm năm ngoái, trong lúc nông dân Thái đang hoang mang trước thông tin dịch cúm đã bị đẩy lùi, người dân có thể ăn thịt gà trở lại thì hình ảnh Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và 35 bộ trưởng xuất hiện trước ống kính truyền hình trong một bữa tiệc thịt gà đã làm yên lòng hàng triệu người dân.
Rõ ràng, những bữa tiệc thịt gà có mặt các quan chức trong ngành nông nghiệp tham gia được truyền đi khắp đất nước đã mang theo thông điệp: Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với những con gà sạch. Và, đã đến lúc, cần hâm nóng lại thị trường gia cầm, giúp người nông dân tìm lối ra cho những con gà không hề bị cúm. Chúng tôi đã đặt câu hỏi với TS Lê Vũ Anh - Hiệu trưởng Đại học Y tế công cộng.
Khuyến khích người dân "dám" ăn thịt gà
Gần đây, người dân đã háo hức đi mua thịt gà để ăn trở lại. Nhưng trong thời gian qua chúng ta đã khuyến khích mạnh mẽ việc tiêu hủy gia cầm bị bệnh dẫn đến tình trạng gia cầm không lây cúm cũng chẳng ai dám ăn. Vậy chúng ta cần hâ m nóng lại thị trường gà sạch bằng cách nào?
TS Lê Vũ Anh - Hiệu trưởng Đại học Y tế công cộng: "Nếu VietNamNet tổ chức một bữa tiệc thịt gà thì tôi sẵn sàng tham gia và mời luôn cả các quan chức trong Bộ Y tế đến ăn nữa". |
- Thời gian qua, một câu hỏi lớn được đặt ra là, tại sao lại phải tiêu diệt gia cầm trong khi chưa có bằng chứng chính xác về dịch bệnh. Một số lượng gà sạch khổng lồ đã bị lãng phí chỉ vì người dân đã "cảnh giác" quá mức. Và thịt gà thì vắng bóng hẳn trên bàn ăn của mỗi nhà.
Để bảo vệ gia cầm sạch không cứ phải tiêu diệt đồng loạt. Nền kinh tế của VN chưa đủ mạnh để cho phép mình diệt hết nhằm phòng trừ hậu họa. Tốt hơn hết là ở những nơi gia cầm bị chết được xác định chắc chắn là do nhiễm H5N1 thì bắt buộc phải cách ly và tiêu hủy trong vòng bán kính 3km như đang làm để tránh lây lan. Còn những nơi gia cầm chết vì nhiều lý do khác, chẳng hạn như bị bỏ đói... thì vẫn có thể ăn được. Phải tạo điều kiện để người chăn nuôi bán được gia cầm. Mà muốn bán được gia cầm thì cần phải có người ăn.
Nếu các phương tiện truyền thông đưa tin không rõ ràng thì người ta sẽ không dám ăn thịt gia cầm và kết quả là người nuôi gia cầm thiệt hại. Báo chí phải thông báo rõ ràng để người dân biết mà tránh cho đúng.
Nhưng ngay trong việc khoanh vùng dịch cũng cần thận trọng. Các sinh viên cao học của trường ĐHYTCC hiện đang đi nghiên cứu ở 5 tỉnh thành khác nhau cho biết: Một số gia đình chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn, trong thời điểm hiện nay không thể tiêu thụ được và cũng không đủ khả năng chăm sóc nên đã thả rông ra đồng. Hàng trăm nghìn gia cầm đã chết do không được chăm sóc. Vậy là, dù chưa được xét nghiệm nhưng vì đang trong mùa dịch nên chính quyền đã liệt vào dạng chết do H5N1 và tuyên bố, đây là vùng có dịch.
Phương tiện truyền thông phải làm thế nào đấy để người ta hiểu rằng, chỉ không nên ăn thịt gia cầm ở những vùng dịch, còn những vùng không có dịch thì nên ứng xử với những người nuôi gia cầm và những con gia cầm một cách bình thường.
Nhưng trong bối cảnh bệnh dịch vẫn đang hoành hành như hiện nay, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho người giết mổ?
- Nên có những lò giết mổ sạch với quy mô công nghiệp để hạn chế những người chế biến tiếp xúc trực tiếp với gia cầm. Bởi con đường lây của H5N1 cũng chưa được xác định rõ ràng, người thì nói là qua đường mắt, người lại cho rằng qua đường hô hấp. Nhưng chính trường hợp 1 em bé Thái Lan mới đây bị chết do nghi nhiễm thì lại không hề tiếp xúc gì với gia cầm.
Để gà bệnh không "lộn sòng" cùng gà sạch
Khuyến khích người dân ăn thịt gà sạch trong bối cảnh dịch cúm gia cầm vẫn đang tồn tại có phải là quá mạo hiểm? Chúng ta cần phải có biện pháp nào để đề phòng trường hợp người nông dân "vờ" làm gà sạch bán ra thị trường để cứu vãn tình trạng thiệt hại trong thời gian qua? Làm gì để các cơ sở giết mổ không "lộn sòng" gà bệnh với gà sạch khi thị trường đã nóng trở lại?
- Trong những tình huống khẩn cấp, người nông dân rất cần được hỗ trợ, đền bù thỏa đáng. Bởi khi người dân còn chưa nhận được tiền ngay thì người ta lại thả rông gia cầm ra ngoài đồng hoặc đem giấu đi đợi khi nào thu hồi lệnh cấm thì họ lại đưa về.
Có những nơi gia cầm không được nuôi dưỡng, bị chết đói thì bị "biến" thành gia cầm cúm, vùng không có dịch cũng biến thành vùng có dịch, lại tiêu hủy toàn bộ, lại thiệt hại và chẳng bao giờ còn gà sạch để ăn. Tóm lại là có nhiều mặt tương tác đến nhau: có mặt lợi, mặt hại. Vậy nên một chính sách rõ ràng, minh bạch là rất quan trọng.
Bởi cũng giống như cứu hoả, nếu làm nửa vời thì cuối cùng kết quả là sẽ bị thiêu rụi hết.
Năm ngoái, để bảo vệ hình ảnh của quốc gia xuất khẩu gia cầm lớn nhất châu Á cũng như khuyến khích người dân mạnh dạn dùng thịt gà sạch, các công ty gia cầm của Thái Lan đảm bảo bồi thường 44.000 USD cho bất kỳ người nào bị chết do ăn thịt gia cầm của Thái.
Bên cạnh đó, cũng cần phải giáo dục ý thức cho người dân bằng cách thông tin chính xác để họ hiểu đúng. Nếu người dân hiểu sai thì họ cũng không thể có ý thức đúng được. Như thế, nguy cơ xuất hiện "gà không sạch sẽ rất dễ xảy ra".
Đã đến lúc điều chỉnh thông điệp
Với con số 66 trường hợp mắc tại 25 tỉnh/thành phố, trong đó có 22 trường hợp tử vong tính từ đầu năm 2005, liệu có thể khẳng định cúm gia cầm ở VN đã trở thành một thảm họa như cảnh báo của chúng ta vào đầu mùa dịch?
- Mới đây tại một cuộc hội thảo ở Đài Loan, khi có nhiều người quan tâm đến vấn đề cúm gia cầm ở VN, tôi đã nói rằng thảm hoạ là một cái gì đấy mang tính toàn diện. Thảm họa không phải chỉ biểu hiện ở con số một vài người chết mà ở chỗ đã làm đảo lộn cả một nền kinh tế, tác động mạnh đến xã hội. Thảm họa có thể do thiên nhiên gây ra, như sóng thần tại vùng biển Ấn Độ Dương năm ngoái, động đất ở Pakistan vừa qua.
Cúm gà cũng là thảm hoạ, nhưng là do con người gây ra. Hình như thời gian qua, mọi thứ đã hơi bị làm quá mạnh. Nhưng cũng không thể nói là truyền thông đi không đúng hướng. Bởi theo báo cáo thống kê mới đây của Bộ Y tế thì VN là nước có tình trạng nhiễm cúm gia cầm cao nhất trên người, tỷ lệ tử vong cũng được xác định là cao nhất trên thế giới.
Nhưng để khẳng định đó có phải là đại dịch hay không thì chưa thể nói được. Dịch được định nghĩa là số mắc nhiễm vượt trội so với số trung bình hàng năm. Mà trước đó, chúng ta chưa có số liệu để so sánh, chỉ là số 0. Năm 2003 thì cũng chỉ vài trường hợp bị thôi.
Tuy nhiên, khi chúng ta đưa ra những thông điệp mạnh như vậy đã dẫn đến thiệt hại nhất định về kinh tế - xã hội, ô nhiễm môi trường. Một tờ báo có nói, hàng tháng mình mất khoảng 1140 tỷ đồng do đàn gia cầm bị tiêu huỷ. Nếu vẫn tình trạng như thế thì mình sẽ mất rất nhiều.
Cái "quá" đó cũng có mặt tốt, tức là làm cho mọi người cảnh giác hơn. Còn bây giờ, tốt nhất là phải làm cho mọi người hiểu đúng. Giả định như năm nay, chúng ta nói rằng sẽ có đại dịch mà chuyện ấy lại không xảy ra thì sang năm liệu người dân có tin nữa không? Có còn cảnh giác nữa không?
-
Thu Thủy - Ngọc Nhung
Vận động viên thể hình Lý Đức: HCĐ không liên quan đến cúm gà! |
Trong giai đoạn chuẩn bị cho thi đấu ở SEA Games 23, mỗi ngày tôi vẫn dùng 15-20 quả trứng gà và 1,2-1,5 kg thịt ức gà. Dĩ nhiên, khi có lệnh cấm bán thịt gà thì tôi không ăn nữa và chuyển sang dùng thịt bò. Tôi chỉ đạt huy chương Đồng là do sự thể hiện cơ bắp của mình trên sân đấu chưa xuất sắc chứ không phải vì tránh ăn thịt và trứng gà trong mùa dịch. Vì vậy mà chúng ta cần phải hiểu đúng. Ở những vùng không có dịch, vẫn có thể ăn thịt gà bình thường, chứ đừng vì lo sợ quá mà dẫn đến việc "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót". Thịt và trứng gà cung cấp cho cơ thể người rất nhiều đạm. Nếu VietNamNet tổ chức một bữa tiệc thịt gà thì tôi sẽ tham gia nhiệt tình.
|
Theo dòng sự kiện
VietNamNet
Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT dự tiệc thịt gà
Ngành chăn nuôi Việt Nam đứng bên bờ vực?
Hà Nội: Rủ nhau đi mua gà sạch
Tuổi trẻ
Tiền phong
Tiêu thụ gia cầm sạch: Phố dè dặt, quê vô tư
Bộ trưởng Cao Đức Phát dự tiệc thịt gà
Thanh Niên
Người dân bắt đầu quay lại với thịt gà
Hà Nội: Đã có gà sạch ở siêu thị
Trứng, thịt gia cầm sạch: Đắt hàng!
Ý kiến của bạn: