Tài sản ảo cần luật thật?
(VietNamNet) - Trong lúc “tranh tối, tranh sáng”, các game thủ nên thông báo rõ về nhân thân (thông tin cá nhân) với nhà cung cấp dịch vụ để có cơ sở chứng minh quyền sở hữu tài sản ảo của mình. Và không khác ngoài đời, người chơi cũng phải tự bảo vệ tài sản khi phát sinh giao dịch.
"Khi có tranh chấp xảy ra với sở hữu tài sản ảo, khó có thể "áp" Luật thương mại điện tử, Luật về CNTT hay luật Dân sự để giải quyết". Ảnh: Gamethu.net |
Việc tài sản ảo có được bảo hộ hay không vẫn là một vấn đề mới và còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tại một cuộc họp báo mới đây, một vị lãnh đạo Bộ Thương mại cho biết, Bộ thương mại đã bước đầu công nhận tài sản ảo trong game online là thuộc quyền tài sản, có thể định giá được bằng tiền, chuyển nhượng, trao đổi, mua bán...
Tuy đây là động thái tích cực nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra đối với các cơ quan quản lý như việc công nhận này có trái với luật hay không (vì thực tế đối chiếu với quy định trong Bộ Luật dân sự thì không có điều khoản nào bảo hộ loại tài sản này)? Đây là công nhận về mặt lý thuyết còn trên thực tế, khi các giao dịch tài sản ảo xảy ra tranh chấp thì dựa vào quy định nào để giải quyết? Có nên xây dựng riêng một khung khổ pháp lý cho những giao dịch loại này?
Thương trường ảo mà thật
Đã có một môi trường giao dịch ảo trên mạng chuyên mua bán những thứ đồ ảo trong game như đao kiếm, giáp rồng, ngọc bội... không thể sờ mó, sử dụng được ngoài đời thực và hoạt động rất sôi động, ngay tại VN.
Việc mua - bán tài sản ảo xuất hiện như đời thực, cũng rao giá, mặc cả, rồi "tiền trao, cháo múc". Hàng hoá thì ảo nhưng là "tiền tươi thóc thật". Càng nhiều người chơi mới thì tài sản càng có giá. Thậm chí, đã xuất hiện ngày càng nhiều những game thủ chuyên nghiệp, "cày" tài sản ảo để kiếm kế sinh nhai. Một nhà cung cấp game đã nhẩm tính: Tỷ giá tiền ảo và tiền thật là 1 triệu đồng vàng ăn 12-15.000 VNĐ. Mỗi ngày trị giá giao dịch đạt khoảng 120-150 triệu đồng (độ 4 tỷ đồng/tháng).
Do vậy, từ chỗ im lặng, đến nay một số nhà cung cấp dịch vụ đã công nhận giá trị tài sản ảo, mặc dù việc công nhận này đòi hỏi họ phải tốn công hơn về mặt kỹ thuật.
Tuân thủ đúng luật chơi
Thống kê của Hiệp hội công nghiệp game Hàn Quốc: Thị trường trao đổi đồ vật ảo trong game đạt 688 triệu USD trong năm 2004, dự kiến năm nay con số này lên đến 983 triệu USD và đạt mức 1,47 tỷ USD trong năm 2006. Có những món đồ được các game thủ trao đổi với giá tiền kỷ lục 10.000 USD. Nguồn: Theo VNExpress.net |
Gọi là tài sản ảo nhưng lại có giá trị thật (ở đây là tiền thật) nên cũng nảy sinh nhu cầu giao dịch như các hàng hóa khác ngoài cuộc sống. Bởi thứ gì đó có giá trị bằng tiền thật mà lại không được pháp luật bảo hộ quyền tài sản thì rất dễ dẫn đến những tranh chấp phức tạp. Có thiệt hại xảy ra nhưng lại không có đối tượng điều chỉnh. Theo ông Phạm Anh Tuấn, trưởng phòng Bản quyền và CNTT (Văn phòng Luật sư Phạm và liên danh) thì để điều chỉnh những tranh chấp này cần phải làm rõ khái niệm thế nào là tài sản ảo?
Theo một quan chức trong Bộ Thương mại thì, tài sản ảo được công nhận không chỉ là những đồ vật, tiền bạc trong game online mà còn là tên miền, địa chỉ email.v.v... Nhưng các đối tượng như tên miền, địa chỉ email... thì lâu nay đã có khung pháp lý điều chỉnh riêng. Còn tài sản ảo trong game trước hết phải được điều chỉnh bởi thỏa thuận giữa nhà cung cấp game với các game thủ.
Tạm thời, khi chưa có Luật thì người chơi nên tuân thủ nghiêm luật chơi của chính game đó bởi khác với tài sản thật, các tài sản ảo trong các game online nằm trong khuôn khổ của trò chơi. Ngoài ra, cũng cần thấy rằng việc ăn trộm, cướp hay giết một “người ảo” khác để chiếm đoạt một tài sản ảo thường được coi là hợp lệ và được chấp nhận theo luật chơi trong đa số các game online, trong khi đối với các tài sản trong thế giới thực, thì đây lại là những hành vi mà pháp luật các nước đều ngăn cấm.
Theo LS Tuấn, khi có tranh chấp xảy ra, khó có thể "áp" Luật thương mại điện tử, Luật về CNTT hay luật Dân sự để giải quyết.
Việc công nhận hay không loại tài sản này phải do luật gốc điều chỉnh (cụ thể ở đây là Luật Dân sự - có nội dung điều chỉnh về tài sản). Các luật khác (ví dự như Luật Thương mại điện tử) chỉ là điều chỉnh về mặt hình thức mà thôi.
LS Tuấn nhận định: Thế giới Game cũng là sự chuyển hóa đời sống thực vào đó. Những giao dịch tuy không diễn ra thực nhưng cũng chuyển tải thông điệp con người. Mặc dù thỏa mãn các tiêu chí về quyền tài sản hệt như tài sản thật nhưng rõ ràng để kiểm soát được chặt chẽ các giao dịch thì trước tiên nhà cung cấp phải hoàn thiện công nghệ rồi sau đó mới nói đến chuyện điều chỉnh bằng Luật. Hơn hết, dù bằng cách nào đi nữa và được bán ở đâu, thì tài sản ấy vẫn chỉ có giá trị trong một game nhất định. Do vậy, chất lượng kỹ thuật, biện pháp an toàn của nhà cung cấp là điều quan trọng nhất.
Phân biệt giữa luật ảo và luật thật
Hòn đảo "ảo" đầy kỳ hoa dị thảo này trong "Project Entropia" có giá đến hơn 400 triệu đồng. Ảnh: TTO |
LS Phạm Anh Tuấn cũng nhận xét, thực tế "nền kinh tế ảo" đang diễn ra rất sôi động và có tiềm năng phát triển, không còn sớm nữa khi nghĩ về vấn đề quản lý nó. Đã đến lúc các nhà quản lý nên có cái nhìn tổng thể và đặt nó trong các mối quan hệ pháp luật khác nhau như luật hình sự, luật phá sản...Chỉ khi điều này đạt được thì mới giải quyết thấu đáo vấn đề.
Bởi vì, theo luật chơi, các game thủ có thể hóa thân vào những nhân vật ảo trên mạng để đi tranh giành, cướp tài sản (điều mà pháp luật không cho phép) để đem ra giao dịch. Chính vì vậy, cần phải phân biệt hành vi xử sự trong phạm vi các quy tắc chơi và hành vi xử sự ngoài xã hội để đưa ra nguyên tắc xem như thế nào là xâm phạm, như thế nào là có thể chấp nhận được (liên quan đến luật hình sự).
Còn các giao dịch có yếu tố nước ngoài (có sự tham gia của người nước ngoài), các hành vi ăn cắp qua mạng mang tính quốc tế đang xảy ra phổ biến thì cần phải xem xét theo luật tư pháp quốc tế. Ngay cả ở các nước phát triển, họ cũng chỉ tham chiếu những quy phạm trong thực tế để giải quyết khi phát sinh.
Hiện nay, mới chỉ có Đài Loan, Hàn Quốc đi đầu trong việc ban hành các văn bản pháp luật về tài sản ảo, họ chính thức thừa nhận tài sản ảo là tài sản, ăn cắp tài sản ảo cũng bị xử lý hình sự như đối với các tài sản khác. Thế nhưng, tại các nước phát triển như Mỹ, Canada, Pháp… tuy không cấm mua bán nhưng cũng không có các quy định riêng về lĩnh vực này.
Ở nước ta, các tranh chấp ngấm ngầm cũng đang xảy ra. Rất cần thiết phải có quy định điều chỉnh nhưng không có nghĩa là chúng ta phải vội vàng khi chưa xem xét nó một cách toàn diện.
Trong lúc “tranh tối, tranh sáng” này, các game thủ nên thông báo rõ về nhân thân (thông tin cá nhân) với nhà cung cấp dịch vụ để có cơ sở chứng minh quyền sở hữu của mình. Và không khác ngoài đời, người chơi cũng phải tự bảo vệ tài sản của mình khi phát sinh giao dịch hay không.
Được biết, trong tháng 3 này, Bộ Văn hóa - Thông tin dự kiến sẽ đưa ra Thông tư liên bộ về quản lý game online. Vấn đề sở hữu và bảo hộ đối với tài sản ảo sẽ được đề cập đến như thế nào trong Thông tư này hay nhà quản lý sẽ "tạm bỏ qua" khi đây vẫn là một vấn đề "khó"?...
-
Duy Nguyên - Song Nguyên
Ý kiến của bạn: