,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
774616
Tăng giá điện - bước lùi của tư duy (?)
1
Article
null
,

Tăng giá điện - bước lùi của tư duy (?)

Cập nhật lúc 13:57, Thứ Tư, 15/03/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Trong lúc hầu hết các ngành, các DN đang cố gắng giảm giá sản phẩm, vậy tại sao ngành điện lại muốn tăng giá sản phẩm của mình? Giá điện không chỉ là lợi ích của riêng ngành điện mà còn là lợi ích của tổng thể nền kinh tế.

Dự án thủy điện Đại Ninh trên hệ thống sông Đồng Nai có tổng công suất 300MW với tổng mức đầu tư khoảng 440 triệu USD (trong đó vay ODA 85% của Chính phủ Nhật Bản) dự kiến phát điện vào cuối năm 2007. Ảnh:TTO

Hôm nay (15/3/2006), Bộ Công nghiệp chính thức tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về đề án tăng giá điện thông qua hình thức thăm dò trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Bộ. Theo đó, bốn phương án bán lẻ năm 2006 chỉ là bước đầu trong lộ trình điều chỉnh giá điện giai đoạn 2006-2010 đang được xem xét. Trong khi giá điện của VN hiện vẫn đang xếp vào loại cao nhất, nhì khu vực Đông Nam Á thì đợt tăng giá sắp tới đây sẽ kéo theo những tác động xã hội nào?

Giá điện tăng, do cung không đủ cầu?

Mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO đã và đang là một nhu cầu với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc phải nỗ lực cải thiện điều kiện kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp (DN) nói riêng. Mà một trong những yếu tố quan trọng trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh của các DN là giá cả sản phẩm.

Yếu tố giá sản phẩm được cấu thành bởi nhiều bộ phận khác nhau, từ nguyên liệu đầu vào, chi phí quản lý, chi phí nhiên liệu - năng lượng... Vừa mới đây, các DN và cả người dân vừa mới chịu một tác động không nhỏ của việc tăng giá xăng dầu. Bây giờ đến lượt có thể phải chịu một tác động không kém phần quan trọng khác là tăng giá điện. Trong lúc hầu hết các ngành, các DN đang cố gắng giảm giá sản phẩm, vậy tại sao ngành điện lại đang muốn tăng giá sản phẩm của mình?

Phát biểu trên truyền thông (Chương trình Thời sự - VTV1 tối 13 tháng 3 năm 2006), một quan chức Vụ Năng lượng và Dầu khí của Bộ Công nghiệp lý giải rằng, tăng giá điện là nhằm hạn chế việc sử dụng điện do nước ta còn đang thiếu nguồn năng lượng này.

Lời giải thích này thật khó chấp nhận! Bởi, chiểu theo quan điểm này, cứ hễ cái gì cung không đáp ứng đủ cầu thì phải tăng giá? Về mặt cung ứng thị trường, quan hệ cung cầu thì điều này hoàn toàn đúng. Thế nhưng, về mặt lợi ích toàn diện thì đây lại là một bước lùi của tư duy. Vì sao vậy?

Kết quả trong ngày đầu chính thức lấy ý kiến thăm dò về bốn phương án tăng giá điện trên trang web của Bộ Công nghiệp (www.moi.gov.vn), cho thấy phương án “không tăng giá điện cho hộ sản xuất, điện sinh hoạt nông thôn, 100kWh đầu tiên điện sinh hoạt bậc thang” (phương án 1) đang được nhiều người ủng hộ nhất.

Tính đến 10h sáng nay, trong số 699 ý kiến tham gia, có 442 ý kiến đã chọn phương án này (chiếm 63,23% tổng số người bình chọn).

Thứ nhất, việc tiêu thụ điện theo đòi hỏi của phát triển sản xuất (và cả nhu cầu sinh hoạt) là không tránh khỏi. Sản xuất càng phát triển, chi phí đầu vào bao gồm chi phí cho điện càng tăng. Nếu áp dụng việc tăng giá điện để hạn chế sử dụng (do hiện nay cung chưa đủ cầu) làm cho chi phí cả các DN tăng kéo theo giá thành sản phẩm cũng tăng lên. Lợi nhuận mà các DN thu được sẽ giảm đi mà nguồn thu thuế của nhà nước do đó cũng sẽ giảm xuống.

Thứ hai, cũng theo lời giải thích nói trên, nếu chúng ta công bố rằng, hiện nay chúng ta đang thiếu điện, thì hệ quả kéo theo là nguồn vốn FDI thu hút vào VN sẽ giảm xuống. Vậy thì, khi chúng ta tăng giá điện phải giải thích như thế nào cho hợp lý? Chẳng lẽ các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang kinh doanh tại VN không biết rằng chúng ta đang áp dụng biện pháp tăng giá để hạn chế tiêu thụ điện?

Bên cạnh đó, còn có một dự định khác là phải cắt điện luân phiên để hạn chế sự thiếu hụt nguồn cung. Vậy, giải thích điều này thế nào? Việc tăng giá điện liệu có thể thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài không, khi điện là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng trong nền sản xuất hiện đại?

Thứ ba, theo tôi được biết, lương của những người trong lĩnh vực kinh doanh điện năng hiện nay được xếp vào diện thu nhập cao so với mặt bằng chung của cả nước, mặc dù tỷ lệ hao hụt điện năng của nước ta vẫn còn cao. Bên cạnh đó, giá điện của nước ta xếp vào loại cao nhất, nhì khu vực Đông Nam Á.

Dư luận cho là, trả lương nhân viên cao như hiện nay, chắc chắn ngành điện lực chưa thể bị lỗ. Với tỷ lệ hao hụt điện năng như hiện nay, chắc chắn còn có thể giảm xuống được. Vậy nên, với mức giá cao như hiện nay, liệu ngành điện có thể cạnh tranh được khi mở cửa thị trường điện năng như các DN buộc phải cạnh tranh khác?

Vì thế, thiết nghĩ rằng, việc tăng giá điện là không nên, nếu không muốn giảm giá. Giá điện không chỉ là lợi ích của riêng ngành điện (cái riêng), mà nó còn là lợi ích của tổng thể nền kinh tế (cái chung, cái toàn bộ).

Đi ngược quy luật...

Trong một thị trường độc quyền, các nhà cung cấp thường chủ động giảm cung để đẩy giá lên nhằm đạt lợi nhuận tối đa, trong khi tổng lợi ích xã hội giảm xuống. Điều ngược lại ở ngành điện của ta là nhà cung cấp độc quyền lại chủ động đẩy giá lên để giảm tiêu dùng!

Độc quyền nhà nước, khi gắn kinh doanh với một mặt hàng thiết yếu của xã hội thì phải xét giá có hợp lý hay không để bảo đảm tối đa hóa tổng lợi ích xã hội. Thật khó để biết giá điện hiện có hợp lý chưa? Khái niệm hợp lý phải xét từ phía cung và phía cầu, so sánh với mặt bằng chung của thế giới.

Về mặt cung, ngành điện có thể báo cáo kết quả kinh doanh lãi hay lỗ, nhưng bước tiếp theo cần phải có sự so sánh với các công ty điện ở các nước khác. Ví dụ, một người trong ngành điện có thể nói “giá điện ở VN không cao hơn so với ở Singapore”. Nhưng nếu ai đó đặt tất cả các khoản chi phí thành hai cột cạnh nhau để so sánh thì sẽ thấy: Lương công nhân của Singapore chắc chắc cao hơn ta hàng chục lần. Chi phí vốn và đất đai của họ cũng không được bao cấp (hay ưu đãi) như ở ta. Vậy chi phí của ta cao hơn ở khoản mục nào?

Về mặt cầu, người tiêu dùng sẽ đòi hỏi xem xét thu nhập và chất lượng. Nếu thu nhập của dân VN thấp hơn các nước so sánh, thì giá bằng nhau cũng đã là bất hợp lý. Về chất lượng: nếu như điện của Singapore nói 220V thì đúng 220V, còn của ta thì cũng bán hàng 220V nhưng sản phẩm thực thì trồi sụt, lúc 190V nhưng lúc lại 180V. Nếu mất điện đột xuất thì công ty điện lực Singapore bồi thường gì, và ở ta thì đã bồi thường gì?

Chất lượng khác nhau mà giá như nhau, đó cũng đã là bất hợp lý.

(Mời bạn bấm vào đây để tham khảo ý kiến độc giả).

  • Trần Đức Bắc

Theo dòng sự kiện

VietNamNet

Lấy ý kiến về tăng giá điện

Thiếu điện: "Không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ"

 Làm sao đủ điện? Nhập khẩu!

Tuổi trẻ

Giá điện sẽ tăng lên 852 đồng/kWh?
Dự kiến phương án tăng giá điện

Tiền phong

Tăng giá điện theo ba bước, bốn phương án

Tăng giá điện: Chọn phương án cho người nghèo

Ý kiến dân về giá điện chỉ để tham khảo

Nâng giá điện bằng cách tăng thuế VAT?

Ý kiến của bạn về vấn đề này:


 

,
,