,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
784968
Quản lý vốn vay cho đại công trình?
1
Article
null
,

Quản lý vốn vay cho đại công trình?

Cập nhật lúc 12:34, Thứ Sáu, 14/04/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) -"Vốn vay ODA hiện nay được dùng cho xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống các công trình hạ tầng như giao thông, điện lực, thuỷ lợi v.v.... Đó là hướng đi đúng, nhưng cần được thường xuyên giám sát để không bị chệch đường ray". Ý kiến của GS Nguyễn Quang Thái - Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.

"Vay - trả nợ nước ngoài là vấn đề đại sự quốc gia. Tôi hoan nghênh và tán thành quan điểm của tác giả Phương Mai đề cập tới câu chuyện vay - trả nợ của quốc gia và Chính phủ - một vấn đề rất quan trọng nhưng nhiều năm nay đã bị coi là “bí mật”, không đem ra thảo luận công khai!".  Tác giả  đã phân tích rất hợp lý, rằng, không thể sử dụng vốn ODA (và theo tôi cả vốn ngân sách nói chung) để xây dựng những “đại công trình kém hiệu quả” và đúng là "đã đến lúc phải làm một cuộc tổng kiểm toán về vấn đề xây dựng các công trình lớn mà hiệu quả thấp". Tuy nhiên, tôi cũng xin được góp tiếng nói, bày tỏ quan điểm của mình.

Nợ - dù là nợ của Chính phủ phải trả hay nợ của cả quốc gia (bao gồm cả nợ Chính phủ hay nợ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vay mà không có bảo lãnh của Chính Phủ) đều đòi hỏi sự đóng góp cả trực tiếp lẫn gián tiếp của người dân để hoàn trả trong tương lai. Do đó, các món nợ này (hiện khoảng 20 tỷ đôla Mỹ và sẽ còn tăng lên ) rất cần được quản lý chặt chẽ, được sử dụng sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Ở đây chủ yếu xin nói về vốn vay ODA và vốn nước ngoài khác mà Chính phủ cần thanh toán cả gốc lẫn lãi. Còn vốn mà các doanh nghiệp vay cũng rất quan trọng nhưng hình như luôn được sử dụng hiệu quả hơn. Bởi, nó được dùng trong điều kiện “đồng tiền liền khúc ruột”, gắn với sự sống còn của doanh nghiệp “có chủ rõ ràng”.

Theo kinh nghiệm các nước, bản chất của vốn ODA là vay có thời hạn dài (thường từ 30-40 năm), thời gian ân hạn lớn (khoảng 10 năm không trả vốn vay), lãi suất thấp (vay của các nhà tài trợ chính phần lớn chỉ có lãi suất và phí từ 1-3%/năm là cùng, thấp hơn nhiều so với vay thương mại, vay nhập hàng trả chậm, v.v...).

Vốn vay ODA hiện nay được chúng ta dùng cho xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống các công trình hạ tầng như giao thông, điện lực, thuỷ lợi, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế, v.v.... Theo tôi, đó là hướng đi đúng, nhưng cần được thường xuyên giám sát để không bị chệch đường ray. Chẳng hạn, những năm trước, nhiều vốn ODA đã được dùng xây dựng các nhà máy điện. Tuy nhiên, lúc này để khắc phục nguy cơ thiếu hụt nguồn điện thì nên mở rộng các nguồn đầu tư tư nhân như các hình thức BOT, BT, nhà máy điện độc lập được cổ phần hoá và bán điện cho lưới điện quốc gia.

Lúc này, vốn ODA còn nên được dùng để cho vay lại, giành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tạo ra nhiều việc làm. Chính các doanh nghiệp này trong 5 năm qua đã tạo việc làm cho phân nửa số lao động tăng thêm của nền kinh tế.

Theo tôi tuyệt nhiên không nên dùng và cũng không thể dùng vốn ODA cho các mục tiêu kinh doanh. Vì các doanh nghiệp phải dùng cơ chế khác, với thời hạn ngắn hơn, lãi suất cao hơn.

Chính vì lẽ đó, tôi không có tài liệu nào minh chứng cho nhận định của tác giả là “Ở cả Tây Âu và các nước Đông Á, tiền viện trợ đã được sử dụng để vực dậy những ngành sản xuất có khả năng xuất khẩu”, bởi theo tôi, nguồn vốn ODA không thể trực tiếp sử dụng cho các công trình có ý nghĩa kinh doanh.

Kinh nghiệm của nước Nhật cho thấy, dù có mức tiết kiệm cao, nhưng sau chiến tranh thế giới II, nước này đã phải vay tiền của Ngân hàng thế giới để xây các công trình đường xe hoả chạy cao tốc mà mãi đến những năm 1990 mới trả hết nợ.

Tôi cũng muốn nói về các khoản vay “vốn gián tiếp” như Chính phủ vừa thực hiện để vay 750 triệu đôla với lãi suất lên tới 7,1%/năm. Với lãi cao như vậy thì có một doanh nghiệp kinh doanh “nghiêm chỉnh” nào dám trả lãi mỗi năm 50 triệu đôla, tức là đến khoảng 800 tỷ đồng (chưa kể sau đó còn phải trả cả gốc vay)? Cuối cùng, nghe nói Chính phủ đã chuyển lại cho Tổng Công ty tàu thuỷ vay. Nhưng với sự cố “nhỏ” (để nước biển tràn vào cả vạn tấn) ngay sau hạ thuỷ con tầu 53.000 tấn thì lòng tin của người dân đã bị giảm sút, khi không biết tỷ suất lợi nhuận của “tập đoàn kinh tế này” lớn đến đâu (nếu theo các thống kê những năm 2002-2004 thì tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của các ngành cơ khí vận tải bình quân chỉ là dưới 10%)?

Có lẽ cũng cần kiểm tra lại vấn đề khả năng trả nợ của tập đoàn này, bởi lẽ, tập đoàn điện, than cũng định dùng “mô hình” tạo vốn có nhiều rủi ro giống như vậy.

Tôi cũng muốn nói rõ hơn một vài điểm để bổ sung cho lập luận của tác giả, giúp chúng ta có thêm căn cứ khoa học để đặt niềm tin vào tương lai của dân tộc. Bởi, nhiều so sánh tác giả đã đưa ra rất “xúc động” song vẫn còn chưa thật sự xác đáng.

Theo tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người năm 2005 của nước ta đã là 638đôla/người, chứ không còn là 450 đôla, hoặc kiều hối hiện đã lên tới 4 tỷ đôla. Với quy mô GDP hiện nay là tương đương 53 tỷ đôla và dự báo với mức tăng trưởng 7.5 - 8%/năm và diễn biến tỷ giá như hiện nay thì GDP năm 2010 khoảng gần 100 tỷ đôla, bình quân đầu người đạt trên 1.000 đôla.

Vào thời điểm đó, với mức huy động ngân sách khoảng 20%GDP thì ngân sách có thể chi tới số tiền tương đương 20 tỷ đôla. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên dưới 15%/năm thì quy mô xuất khẩu 2010 cũng sẽ vượt 60 tỷ đôla.

Như vậy, vào năm 2010, số nợ phải trả có thể lên tới 3 tỷ đôla/năm, trong đó, nợ ODA khoảng 2 tỷ đôla (cả gốc và lãi), thì nợ quốc gia cũng mới chiếm 3%GDP, 5% giá trị xuất khẩu và nợ của Chính phủ chiếm 10% ngân sách. Theo kinh nghiệm quốc tế, vẫn nằm trong giới hạn “an toàn”.

Tất nhiên, những "dự báo” này, như trên đã nói, đều dựa vào một giả định là chúng ta phải sử dụng nguồn vốn bên ngoài, vốn ODA sao cho hiệu quả để đạt tới sự tăng tốc theo hướng bền vững. Đặc biệt, không cho phép lặp lại những “điển hình đen” như PMU 18 và cả việc chi tiêu hiệu quả đồng vốn rất thấp hiện nay. Tỷ suất vốn ICOR đã lên tới trên dưới 6-7 trong một số năm, tức là để tăng 1 đồng GDP phải cần tới 6-7 đồng đầu tư, còn với khu vực kinh tế nhà nước lại phải dùng tới gần 10 đồng, trong khi 10 năm trước con số này chỉ là dưới 4 đồng.

Chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực và khả năng để huy động sức mạnh của toàn dân tộc, tận dụng thời cơ mới đang mở ra trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế, tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý nền kinh tế, cải cách hành chính.

Với tiền đề trên chúng ta đủ khả năng khắc phục nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển.

  • GS Nguyễn Quang Thái

Ý kiến bạn đọc

Ho ten: Văn Trung, TP. HCM
Email: vantrung@yahoo.com
Cảm ơn tác giả Phương Mai và Vietnamnet đã chuyển tải đến độc giả những thông tin bổ ích. Thật ra, đối với chúng tôi, những sinh viên kinh tế ra trường cách đây 7 năm, thì những thông tin trên (trả nợ ODA, tham nhũng,…) không phải là thông tin mới. Tuy nhiên, chúng tôi thật mừng là những thông tin này đã bắt đầu đến được đến với tất cả mọi người dân VN thông qua báo chí. Tôi ước mong sao những thông tin trên được đưa vào trong các bài học chính khoá cho những học sinh phổ thông VN chúng ta (học sinh lớp 10 là nên biết rồi) để các em biết được rằng nước mình nghèo ra sao. Hơn nữa, các em học sinh hiện nay có quyền được biết các em phải trả nợ cho ai trong tương lai (các em chính là lực lượng lao động chủ yếu trong 5 -10 năm tới), và chúng ta có nhiệm vụ phải làm điều này.

Tôi tin rằng đề xuất của tôi không chỉ là ước mong. Chúng ta hãy cung cấp trung thực những thông tin về thực trạng đất nước cho các em, để các em biết được mình sẽ phải đối mặt với cái gì sau khi ra trường. Các em có biết rằng tiền thuế thu nhập cá nhân (nếu đi làm thuê và may mắn có lương cao), tiền bảo hiểm xã hội của các em (kết dư mỗi năm bao nhiêu tỉ mà, ngoài ra dân Việt Nam không được biết thu chi ngân sách quốc gia ra sao, nên rất có thể tiền bảo hiểm xã hội đến một lúc nào đó sẽ được bù chéo qua để trả nợ ODA),…. sẽ được dùng để trả nợ nước ngoài ???

Nguy cơ VN trở thành Argentina thứ hai không phải là thấp đâu. Đặc biệt là khi mà hiện nay việc thành lập các tập đoàn tài chính – ngân hàng trên cơ sở các ngân hàng quốc doanh (bản chất là doanh nghiệp nhà nước) đang trở thành mốt và được chính phủ cổ súy. Bong bóng đất vẫn đang treo lơ lửng trên đầu, chỉ chực chờ ngày nổ (không quá 5 năm nữa, bong bóng đất sẽ nổ). Rồi hiện nay đang cổ suý cho đầu tư gián tiếp nước ngoài vào VN.

Nhớ lại sự kiện Thái Lan 1997, khi ấy Thái Lan (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân) vay tài chính nước ngoài mà sản xuất không hiệu quả (dù rằng tỷ lệ tăng trưởng GDP cũng ở mức đáng nể).Thời gian ân hạn của các ngân hàng nước ngoài đã hết; thế là sụp đổ. Trường hợp Thái Lan khác VN chúng ta ở chỗ: tư nhân Thái Lan nợ, con số khá minh bạch. Doanh nghiệp nhà nước VN nợ, con số nợ không minh bạch. Hơn nữa, các ngân hàng quốc doanh VN chúng ta đã bao lần “khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất” cho các doanh nghiệp quốc doanh lỗ rồi, với con số bao nhiêu. Rồi đến bây giờ các ngân hàng quốc doanh này lại dự định trở thành các tập đoàn tài chính nữa bằng cách bán cổ phần ra nước ngoài.

Thực chất của vấn đề là chuyển nợ từ người này thành nợ của người khác. Quý vị có nghĩ rằng một ngày đẹp trời nào đó, khi mà BIDV có 49% cổ phiếu thuộc nước ngoài thì lãi suất cho vay đối với các khoản vay quốc doanh VN sẽ tăng lên, không cho “khoanh nợ, dãn nợ” tiếp hay không ? Khi đó, ngân sách quốc gia sẽ phải chi ra để trả nợ. Hay là khi đó, VN chúng ta quyết định “xù nợ” để trở thành Bắc Triều Tiên như hiện nay. Hay là con cháu chúng ta phải “gồng mình” trả nợ.

Tôi nhớ như in những lần đi học chính trị ngoại khoá (có điểm danh, nếu vắng sẽ bị trừ điểm vào các môn xã hội và có thể bị cấm thi,…) về “diễn biến hòa bình”, về “mặt trái của kinh tế thị trường” khi còn học ĐH. Nghe sao nó sáo rỗng. Thầy ở trên nói những chuyện không thật, còn ở dưới đây chúng tôi bàn về chính trị, về những con số mà các thầy dạy về tài chính cung cấp cho chúng tôi. Đó là những con số về nợ nước ngoài, là vốn vay ODA, là khoảng thời gian ân hạn, là tỷ lệ thất thoát trong ngành xây dựng.

Bây giờ, tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn: vui vì mình đã không tham gia vào “đại lộ tham nhũng”, vui vì mình đã nhận định đúng tương lai, nhưng buồn cực độ vì những nhận xét của mình khi xưa giờ đã thành hiện thực, buồn cực độ cho tương lai đất nước chúng ta. Tôi biết rằng lời lẽ của tôi hơi giận dữ và có đoạn hơi khó hiểu. Mong rằng quý báo đài cảm thông và nếu được, xin viết lại rõ hơn.

Do không thấy các vấn đề lớn như “vỡ nợ quốc gia”, “tập đoàn tài chính” hữu danh vô thực và đầy nguy cơ như VN ta hiện nay được đăng tải trên các báo, tôi mạo muội viết lên (không có số liệu) để nhờ quý báo đài có những bài phân tích sâu sắc (số liệu, dẫn chứng) về các vấn đề trên đăng tải đến độc giả. Một lần nữa, cảm ơn tác giả và Vietnamnet.

Ý kiến của bạn:


 

,
,