'Thấy trước khó khăn để tìm bước đi thích hợp'
(VietNamNet) - Nhận định của một số chuyên gia kinh tế và đại diện DN trước kết quả của phiên đàm phán Việt - Mỹ tối 13/5.
"Mục tiêu của chúng tôi là công nghệ cao, quản trị rủi ro tốt và một nguồn nhân lực giỏi". Ảnh: vietcombank.com.vn |
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB): "Phải nâng tầm quản trị doanh nghiệp"
Bài toán trước mắt mà doanh nghiệp (DN) nào cũng phải nhìn thấy là tăng tốc cho đổi mới; nhanh chóng tiếp cận với thông lệ quốc tế để đủ điều kiện hội nhập và cạnh tranh.
Thứ nhất, công nghệ ngân hàng cần hoàn thiện hơn để đa dạng hóa dịch vụ và cung cấp những sản phẩm tiên tiến đáp ứng nhu cầu của DN và người dân. WTO cho chúng tôi thấy, các cơ hội làm ăn thời nay tất cả đều đòi hỏi sự nhanh nhạy, chính xác và an toàn. Ngành ngân hàng phải cập nhật hơn nữa các dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thanh toán, tín dụng v.v.... hiện dịch vụ ngân hàng vẫn còn hạn chế
Chiến lược thứ hai là phải nâng tầm quản trị DN từ mô hình tổ chức, từ cung cách quản lý nguồn nhân lực, đạo đức kinh doanh cho đến chiến lược marketting.
Chúng ta cần phải thấy trước những khó khăn để cân nhắc, thận trọng tìm bước đi thích hợp. Theo chủ quan của tôi, ngành ngân hàng cần cân nhắc các vấn đề chính sách tiền tệ nhằm giữ ổn định cho an ninh tiền tệ quốc gia, trong lúc vẫn đảm bảo được chủ quyền cho đồng tiền trong nước và vẫn giữ cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Có công nghệ cao, quản trị rủi ro tốt và một nguồn nhân lực giỏi, làm được như thế chúng tôi sẽ tự tin hơn khi cánh cửa WTO mở ra.
Ông Lê Đông Triều, Phó Tổng giám đốc Công ty dệt may Gia Định, Phó chủ tịch hiệp hội dệt may TP.HCM: "Chúng tôi đang chuẩn bị tinh thần để chiến đấu"
Vậy là kết thúc một việc mà cả DN lẫn nhà nước đều chờ đợi. Nó là sự khẳng định vị thế ngành nghề, vị thế thị trường của VN.
Cơ hội cho dệt may không thiếu. Tất nhiên, không phải khi chúng ta vào WTO là đã giải quyết ngay được vấn đề về quota. Như TQ, họ vẫn bị áp đặt hạn ngạch. Đó là bài học nhãn tiền để chúng ta rút kinh nghiệm.
Đòi hỏi bắt buộc là DN phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Phải biết tự lượng sức mình và so sánh với những người bạn trong ngôi nhà WTO xem mình đang đứng ở đâu? DN phải xúc tiến việc cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, tùy điều kiện mà điều chỉnh cho hợp lý. Và tất cả đều trên tư thế sẵn sàng để chiến đấu. Lơ mơ là lập tức chết ngay. Chỉ DN nào chuẩn bị tốt mới đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh. Còn chưa tốt, ắt sẽ coi vào WTO thời điểm này là bất lợi.
Hiện, chúng ta vẫn nhập tới 70 - 80% nguyên phụ liệu. Như vậy, trong tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu đã có tới 4/5 là nguyên phụ liệu ta nhập về. Vậy thì chúng ta cũng vẫn chỉ là gia công mà thôi.
Mục tiêu của DN là đem lại lợi ích tối đa cho người tiêu dùng. Mới đầu năm nay, sau ASEM rồi AFTA, giá cả các mặt hàng điện tử trong nước đã giảm đến 15 - 20%, ai nấy đều rất hồ hởi. Bây giờ, vào tiếp lộ trình WTO, người dân còn được hưởng lợi nhiều hơn nữa.
Ông
Bùi Xuân Huyên, Giám đốc Xí nghiệp tư doanh Xuân Kiên: "Chạy nhanh quá, chúng ta có thể sẽ bị vấp ngã?"Chúng tôi phải tranh thủ mở rộng thị trường ngay trước khi cánh cửa WTO mở ra và cạnh tranh quyết liệt.
Trước con đường đi vào WTO, một số lãnh đạo bộ CN nói vui, khoảng 50 DN ô tô trong nước sẽ "chết" gần hết. May lắm còn lại vài ba doanh nghiệp trụ vững. DN nào chỉ đơn thuần lắp ráp thương mại, không đầu tư quy củ sản xuất phụ tùng thì rất dễ chết yểu.
Các liên doanh sẽ phải thay đổi chiến lược. Nếu đang có ý định sản xuất phụ tùng tại VN thì rất có thể họ sẽ dừng lại. Chẳng hạn, Nhật Bản đã đầu tư rất lớn vào Thái Lan. Có thể, tới đây, họ sẽ đưa xe từ Thái Lan về bán ở VN.
Vậy nên, các doanh nghiệp ô tô, khi nghe cam kết VN phải vào WTO năm 2005, là chúng tôi phải chạy. Đáng lẽ được thong dong thì chúng tôi phải vắt chân lên cổ mà chạy. Chạy thì tốt, nhưng quá sức cũng dễ bị vấp ngã giữa đường.
DN của tôi không chỉ kinh doanh mà còn sản xuất phụ tùng. Tôi có cách để chạy. Chỉ khổ cho những DN đầu tư manh mún. Bởi nếu chúng tôi chưa đủ sức cạnh tranh, không lắp ráp được ô tô nữa thì chúng tôi sẽ chỉ sản xuất phụ tùng ô tô vậy.
"Mỗi doanh nghiệp đều tự phải có bước đi cho riêng mình". Ảnh: VNN |
Ông
Nguyễn Thanh Bình, chuyên gia tài chính Ngân hàng: "Minh bạch, điều doanh nghiệp trông đợi"Điều tôi kỳ vọng nhất khi cánh cửa WTO mở ra, đó là các luật lệ trong nước sẽ hướng tới một thông lệ quốc tế minh bạch. Đó là tín hiệu vui cho doanh nghiệp chúng ta.
Còn dĩ nhiên, trước cánh cửa WTO, mỗi doanh nghiệp đều tự phải có bước đi cho riêng mình. Vào WTO là tiến trình được hoạch định từ trước và hầu hết các doanh nghiệp ngân hàng đều đã có định hướng để thay đổi chứ không đợi đến lúc thỏa thuận được ký kết mới đối phó. Doanh nghiệp chúng tôi cũng đã chuẩn bị chiến lược đầu tư phát triển công nghệ cũng như hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm trong hoạt động quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế: Điều tốt và điều cần lưu ý...
Đây là cơ hội tốt để DN dệt may VN mở rộng thị trường không những là Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ mà còn nhiều thị trường khác. Vì thế các DN nên định hướng chiến lược kinh doanh của mình theo xu hướng toàn cầu hóa sản phẩm và toàn cầu hóa thị trường.
Rồi sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến VN và đây là điều rất tốt vì giải quyết được việc làm cho người dân, kim ngạch xuất khẩu tăng góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm lạm phát. Tuy nhiên cũng cần lưu ý một số vấn đề. Thứ nhất, sự khan hiếm lao động có kỹ năng và đội ngũ quản lý giỏi sẽ dẫn đến sự dịch chuyển lao động. Giá nhân công sẽ tăng cao hơn mức bình thường sẽ làm giảm lợi thế của sản phẩm trong nước vốn dựa trên lợi thế giá nhân công rẻ trong khu vực. DN trong nước và DN FDI sẽ có sự cạnh tranh gay gắt về tuyển dụng lao động và quản lý.
Cuối cùng là câu chuyện về Quyết định 55 của nhà nước về huy động nguồn vốn 4 tỉ USD hỗ trợ dệt may (thông tin đăng tải trên một tờ báo). Đây là vấn đề mà các ngành quản lý nhà nước (chẳng hạn việc cấp chứng nhận xuất xứ - CO) cần lưu ý vì trong các điều khoản Hiệp định Thương mại thường có điều khoản “safeguards” (an toàn) nếu bên nhập khẩu lo ngại rằng bên xuất khẩu có thể gây hại cho ngành công nghiệp của họ, họ có quyền đơn phương yêu cầu ngừng nhập khẩu. Những vấn đề nhạy cảm thường là sự trợ cấp chính phủ (thiếu yếu tố cạnh tranh của nền kinh tế thị trường), phá giá (cố tình giảm giá để nhằm chiếm lĩnh thị trường), gian lận thương mại (sản xuất ở quốc gia khác, gắn nhãn mác VN để lấy giấy phép xuất xứ của VN nhằm được hưởng ưu đãi thuế quan).v.v...
-
Lê Nhung (thực hiện)
Ý kiến của bạn: