Một đề xuất với độc giả VietNamNet!
(VietNamNet) - Sinh nhật Bác, tôi mạo muội đưa ra một đề nghị với VietNamNet và các độc giả kính mến của báo: Chúng ta hãy cùng thảo luận về nội hàm của "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong giai đoạn này.
Ảnh 1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà riêng chúc Tết Giáo sư Đặng Văn Chung (người đeo kính trắng) và gia đình xuân Nhâm Dần-1962. Ảnh 2: Bác là người luôn gần gũi đối với mọi tầng lớp nhân dân. Ảnh 3: Bác Hồ thăm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc (1958). |
Một người từng giữ chức trách lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã có lần tâm sự: Khi Bác Hồ còn, nhiều lúc tình hình khó khăn, chưa nghĩ được cách vượt qua, lại đề nghị Bác viết cho một bài. Đọc bài Bác viết, thấy mọi cái sáng tỏ, giản dị như dĩ nhiên phải làm thế. Khi Bác mất, có những khi tình hình gay cấn, Bác không còn ở bên, cảm giác thiếu vắng không thể nào tránh khỏi.
Về phần mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại luôn nói: Khó thì hỏi nhân dân, nghe nhân dân, dựa vào nhân dân, làm theo sáng kiến của nhân dân. Nếu thống kê những cụm từ sử dụng nhiều nhất trong các bài viết và nói của Hồ Chí Minh, tôi nghĩ cụm từ có chữ “dân” (“dựa vào dân”, "gần gũi nhân dân”, "đối với dân”,"kính trọng nhân dân” "đày tớ cho dân”..vv..vv) sẽ là những cụm từ gặp nhiều nhất. Đó không chỉ là quan điểm của nhà chính trị, đó còn là niềm tin sâu sắc, chân thành.
Mối tương quan giữa một đảng cách mạng và nhân dân có hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất: Là đội tiền phong, Đảng cách mạng đó phải bằng mọi cách thức tỉnh quần chúng, đưa quan điểm và học thuyết của mình vào quần chúng, lôi kéo quần chúng vào công cuộc cách mạng, không được theo đuôi quần chúng, không được hạ thấp mình xuống ngang trình độ của quần chúng. Mặt khác, khi đông đảo nhân dân đã tham gia vào cuộc cách mạng, thì đảng tiền phong lại không được chủ quan, cho rằng mình luôn luôn nhìn rõ hơn quần chúng, chỉ một chiều hướng quần chúng vào cách đi do mình đề ra.
Ngược lại, phải luôn luôn lắng nghe, luôn luôn đúc rút từ sự sáng tạo của quần chúng cách mạng những điều quý giá nhất, tổng hợp lên thành chiến lược, sách lược của mình,rồi đưa ngược lại vào phong trào. Bởi vì, như Lê-nin đã viết: "Lịch sử nói chung và đặc biệt là lịch sử các cuộc cách mạng, bao giờ cũng có nội dung phong phú hơn, muôn màu, muôn vẻ hơn, sinh động hơn, "tài tình hơn" điều mà những đảng ưu tú nhất, những đội tiên phong giác ngộ nhất của những giai cấp tiên tiến nhất có thể tưởng tượng được. Và như thế cũng dễ hiểu, vì những đội tiên phong ưu tú nhất thì biểu hiện ý thức, ý chí, nhiệt tình và trí tưởng tượng của hàng vạn người, còn cách mạng - trong những lúc mà tất cả những tài trí con người được đặc biệt phát huy và đặc biệt khẩn trương - lại là sự nghiệp của ý thức, ý chí, nhiệt tình và trí tưởng tượng của hàng chục triệu người được cuộc đấu tranh khích lệ".
Đảng ta bây giờ có tới trên 3 triệu đảng viên. Theo công thức trên của Lê-nin, thì bộ phận lãnh đạo của Đảng dẫu có được chọn lọc tốt nhất, thì ý thức, ý chí, nhiệt tình và trí tưởng tượng của ba triệu đảng viên vẫn lớn hơn,"tài tình" hơn rất nhiều. Do vậy dân chủ trong nội bộ Đảng là cách để Đảng thực sự mạnh mẽ. Tiếp nữa, dù 3 triệu người là con số rất lớn, nhưng nhiều chục triệu nhân dân là số người nhiều lần lớn hơn, và ý thức, ý chí, nhiệt tình và trí tưởng tượng của họ lớn hơn của ba triệu đảng viên. Do đó phải thực hiện dân chủ trong toàn xã hội để Đảng thu hút, hấp thụ được trí lực cách mạng của toàn dân tộc. Có như vậy Đảng mới tiếp tục là Đảng tiền phong. Ngược lại thì Đảng có nguy cơ lạc hậu so với chính nhân dân của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về những điều trên một cách vô cùng giản dị: Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân.
Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân.
Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân.
Với trăm ngàn cách diễn đạt khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đi nói lại nội dung trên cho mọi người - từ lãnh đạo cao cấp đến đảng viên thường. Nhưng dường như Bác vẫn chưa yên tâm, chưa thấy nói vậy là đủ. Bác đưa ra công thức: Xa dân + Khinh dân + Sợ dân + Không tin dân + Không hiểu dân + Không thương yêu dân = Hỏng việc (xem bài Cần tẩy sạch tệ quan liêu mệnh lệnh - năm 1961).
Thực tế cho thấy rằng, khi nào trong công việc lãnh đạo có phạm phải dù ít, dù nhiều, dù chỉ một trong những tật của vế đầu trong công thức trên, thì dẫn tới dẫu chưa đến nỗi "hỏng việc", nhưng cũng có hậu quả không tốt với tình hình đất nước.
Thực tế cũng cho thấy rằng từng có những lúc, đảng viên, quần chúng cơ sở đã nghĩ, làm những việc đúng với nhu cầu thực tế cuộc sống,nhưng bộ phận lãnh đạo phải một thời gian dài sau mới nhận thức được sự đúng đắn của các việc làm ấy,mới điều chỉnh quan điểm, đường lối của mình. Câu chuyện "khoán chui", câu chuyện "đảng viên làm ông chủ kinh tế tư nhân" là ví dụ.
Hai năm trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài báo "Chìa khoá vạn năng", sau khi dẫn ra nhiều ví dụ cụ thể, đã khẳng định: "thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn".
Điều Bác dặn nói trên là chân lý. Nhưng khác với chìa khoá vạn năng vật lý, chìa khoá vạn năng trong chính trị không phải lúc nào cũng giống nhau. Nó là nguyên lý, nhưng nội hàm cụ thể của nó mỗi giai đoạn cụ thể lại khác. Và chúng ta phải tự xác định những cái mới trong nội hàm của nguyên lý. Cách đây 20 năm, vào thời khắc cam go, có tính mất còn, Đảng ta đã có bước cụ thể hoá rất quan trọng "thực hành dân chủ" là: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Bây giờ đó vẫn là nguyên tắc hàng đầu. Nhưng nội hàm của nó có những đổi khác mà chúng ta phải nhận diện để thực hiện có hiệu quả hơn.
Một vài suy nghĩ ban đầu xin dẫn ra như ví dụ.
Dân biết: Trước kia, khi các hoạt động quản lý, công quyền, kinh tế có quy mô chưa lớn, trải ra theo chiều ngang, gắn với địa bàn, thì đúng là mọi cái dân đều nhìn thấy cả. Kể cả bây giờ, tại các địa phương mật độ hoạt động kinh tế - xã hội không lớn, thì nhìn chung, dân nắm bắt phần lớn các biểu hiện bình thường hoặc bất thường tại địa bàn sinh sống. Nhưng ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế - xã hội lớn, phức tạp, hiện đại, nơi các sợi dây liên hệ đan chéo, ở bề sâu, thì mọi chuyện rất khác.Ví dụ dễ thấy là các hợp đồng kinh tế lớn, phức tạp, quan hệ với các đối tác trong và nhất là ngoài nước, theo nguyên tắc phải có sự bảo mật nào đó, chỉ một bộ phận lãnh đạo hẹp mới biết được cặn kẽ. Đảng viên không ở vị trí lãnh đạo khó biết, chưa nói đến nhân viên, càng không thể nói đông đảo nhân dân biết mà giám sát.Từ lâu các bảng "Tài chính công khai" có ở các cơ quan đã hầu như trở thành hình thức, không có ý nghĩa gì nhiều. Chủ tịch Quốc hội cũng có lần phát biểu, đại ý: Công trình của nhà nước, dân nhìn thấy thôi chứ làm sao biết rõ mà giám sát được!
Người dân có thể hàng ngày đi qua PMU 18 và không thể biết trong đó có gì diễn ra. Có chăng chỉ nhìn thấy có nhiều xe cộ trong sân hơn các cơ quan khác. Cũng như thế, nếu nói về con người, có thể đối tác ở Tokyo hay Tây Âu biết rõ ông Thứ trưởng có cách "làm ăn" thế nào. Nhưng với người dân trong cùng ngõ phố, thì ông Thứ trưởng là người mềm mỏng, mực thước, chỉn chu và khiêm nhường. Vì thực tế biểu hiện ra là vậy.
Trong hoàn cảnh mới đó, phải chăng bên cạnh nội hàm cũ, khái niệm Dân biết đã cần có những nội hàm mới, và từ đó là các thiết chế đảm bảo mới?
Dân bàn: Trong thời gian trước đây, khái niệm này phổ biến với hình thức các sinh hoạt tại cơ sở, đơn vị cơ sở. Hiện nay, đất nước có những phương tiện thông tin liên kết rất lớn, như truyền thông, tin học. Sự cọ sát, cộng hưởng của các ý kiến đem lại sắc thái mới. Không phải ngẫu nhiên trước Đại hội X vừa qua, nhiều người dân "thích" góp ý vào văn kiện qua kênh báo chí, hơn là kênh gửi thư. Hiện nay chúng ta nói không chỉ đến chuyện góp ý, mà nói đến cơ chế phản biện xã hội qua các kênh giao tiếp rộng rãi hơn. Sự xuất hiện và tự khẳng định mình của các nhóm lợi ích trong xã hội cũng sẽ đem đến cho khái niệm Dân bàn các sắc thái mà trước đây không có.
Dân làm: Tất nhiên vẫn có những nội dung giống như trước của khái niệm này. Nhưng cũng có những yếu tố mới, khi sự phân công lao động xã hội hiện khác hẳn trước. Tính chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá cao hơn, bản thân khái niệm Dân cũng khác trước nhiều trong nền kinh tế - xã hội đa thành phần.
Và vấn đề được bàn thảo nhiều, nhưng chưa hẳn đã ngã ngũ cả về lý thuyết và thực tế là vấn đề dân doanh được làm gì và không được làm gì. Quốc doanh sẽ phải nắm giữ những khu vực nào. Có chắc là "dân" không thể làm các khu vực ấy không? Những hành lang mới nào cần được xác định cho hoạt động kinh tế ngoài quốc doanh. Cần làm gì nữa để đi đến sự công bằng hoàn toàn trong đối xử với đơn vị kinh tế quốc doanh và dân doanh?
Dân kiểm tra: Với quy mô xã hội như bây giờ, kiểm tra giám sát trực tiếp của dân chỉ giới hạn chủ yếu ở các địa bàn, khu vực cụ thể, tương đối hẹp. Các vấn đề, các hoạt động tầm vóc và chiều sâu khác dân kiểm tra là kiểm tra gián tiếp qua các thiết chế như các cơ quan dân cử, các đoàn thể, tổ chức xã hội đại diện cho dân. Nhưng nếu các tổ chức ấy cũng bị hành chính hoá - mà bây giờ đó là một hiện thực khá phổ biến - thì các tổ chức ấy lại gắn kết với cơ cấu cần được giám sát, trở thành bộ phận của cơ cấu đó. Trong bối cảnh này, bàn về thiết chế cụ thể của xã hội dân sự không còn là sớm. Mô hình cán bộ và tổ chức "Kiêm nhiệm" quá tràn lan cũng làm yếu đi khả năng giám sát gián tiếp. Cũng như vậy, cần nghĩ thêm về cơ chế phân công trách nhiệm của các nhánh quyền lực nhà nước khác nhau (Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp).
v.v.. và v..v
Xin phép nhắc lại: đây chỉ là vài suy nghĩ lẻ tẻ đưa ra ngõ hầu chỉ để nói lên suy nghĩ rằng chắc chắn thời gian mới thì một chủ trương đúng vẫn phải được xác định lại, bổ sung thêm các nội dung mới. Từ đó mới đưa được ra các thiết chế thực hiện đầy đủ, phù hợp hơn. Chúng ta cần làm điều này, bởi chúng ta không muốn các nguyên tắc tốt đẹp chỉ là các ý nguyện, các chủ trương, còn khi đi vào thực hiện lại khó trong xác định cụ thể biện pháp khả thi.
Với việc sẽ gia nhập WTO, khó nói là chúng ta gặp nhiều thuận lợi hay gặp nhiều khó khăn khốc liệt hơn trong hoạt động kinh tế xã hội. So sánh bằng hình ảnh con tàu ra biển chỉ là tương đối và giản lược. Hoạt động kinh tế - xã hội vẫn diễn ra bởi các đơn vị, pháp nhân cụ thể. Vì thế đúng hơn là nhiều con tàu Việt lớn nhỏ ra khơi. Đó sẽ là một đoàn tàu, với sự năng động của mỗi con tàu, nhưng lại cũng với sự liên kết chặt chẽ để là một đoàn tàu, khôn ngoan và thống nhất trong lộ trình, cách ứng phó; Hay đó là cuộc ra biển của những tàu lớn nhưng có khi lại xập xệ, cùng các tàu nhỏ tranh cướp đường đi của nhau, kèm theo đám thuyền thúng mạnh ai nấy chèo? Tất cả tuỳ thuộc vào khả năng xử lý được đúng mối tương tác giữa trí tuệ lãnh đạo và trí tuệ nhân dân. Xét cho cùng, là khả năng cụ thể hoá đúng đắn được nguyên tắc "phát huy dân chủ" theo nghĩa như Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu và thực hành.
Chính vì lẽ đó, hôm nay, sinh nhật Bác 19/5, tôi mạo muội đưa ra một đề nghị với VietNamNet và các độc giả kính mến của VietNamNet: Chúng ta hãy cùng thảo luận về Nội hàm của "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong giai đoạn này. Tôi tin rằng mỗi người một cái nhìn, một suy nghĩ, một ý kiến, góp lại có thể còn hiệu quả hơn công việc của một cơ quan, một viện nghiên cứu nào đó. Bởi tôi tin vào công thức của Lê-nin, tinh thần tư tưởng của Hồ Chí Minh mà tôi đã dẫn ra ở đầu bài viết.
-
Trần Chí Hiển
19/5/2006
Ý kiến của bạn: