,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
797980
Thuế thu nhập: Người nghèo đang phải đóng thuế nhiều hơn
1
Article
null
,

Thuế thu nhập: Người nghèo đang phải đóng thuế nhiều hơn

Cập nhật lúc 12:50, Thứ Sáu, 19/05/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Thuế thu nhập cá nhân ở VN hiện nay đang có tính lũy thoái. Những người có thu nhập thấp hơn phải chịu thuế nhiều hơn còn những người có thu nhập cao hơn (do trốn thuế) chỉ chịu thuế thấp hơn.

3 triệu đồng, thuế thu nhập đang đánh vào những người dân thu nhập thấp.

Mấy hôm nay, hầu như ai cũng hồ hởi khi vòng đàm phán gia nhập WTO với Hoa Kỳ vừa kết thúc. Một cơ hội mới đang mở ra.

Tuy nhiên, khi nhìn vào chiếc bánh ngân sách với gần 50% nguồn thu từ dầu thô và thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính, người giữ tay hòm chìa khóa của quốc gia càng lo lắng hơn. Nguồn dầu sẽ cạn kiệt, thuế nhập khẩu từ trung bình khoảng 17% phải giảm xuống ít nhất 3 lần làm cho hai nguồn thu ngân sách chính sẽ mất đi là nguy cơ khó tránh khỏi.

Có lẽ lường trước điều này nên Bộ Tài chính đã đề xuất một lộ trình cải cách thuế khá sâu rộng nhằm tìm kiếm các nguồn thu thay thế ổn định hơn. Cải cách thuế thu nhập cá nhân là một trong những ưu tiên nằm trong lộ trình này. Sau một thời gian nghiên cứu, soạn thảo, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất với mức thu nhập chịu thuế tối thiểu là 3 triệu đồng thay vì 5 triệu đồng như hiện tại.

Ngưỡng thu nhập chịu thuế như vậy có hợp lý hay không là chuyện đang gây ra nhiều tranh cãi. Để tìm hiểu vấn đề, chúng ta cùng xem điều gì đang xảy ra trong thực tế.

Thuế thu được quá thấp

Với số liệu mà người viết bài này có được, hiện nay, với mức thu nhập chịu thuế tối thiểu là 5 triệu đồng một tháng cho người VN, 8 triệu đồng một tháng cho người nước ngoài thì cả nước có hơn 200 nghìn người đang nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong đó có khoảng 45 nghìn người nước ngoài.

Tổng số thuế hàng năm thu được chỉ vào khoảng 3% số thu ngân sách cả nước. Trong khi con số bình quân ở các nước đang phát triển có GDP bình quân người thấp hơn 745 đô la là 16,6% và các nước phát triển là 44,6%.

Như vậy, so với mặt bằng chung, thuế thu nhập cá nhân VN đang thu được là quá thấp, hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng.

Ai đang nộp thuế?

Tuy không có số liệu cụ thể, nhưng nếu tính một cách giản đơn, cứ một người nước ngoài nộp thuế thu nhập cá nhân thì ở tổ chức mà người đó làm việc (tạm gọi là các tổ chức có yếu tố nước ngoài) sẽ có thêm một vài người VN phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, tính chung, khu vực có yếu tố nước ngoài chiếm khoảng 3/4 số người nộp thuế và tổng số thuế mà khu vực này nộp có thể chiếm đến 90% tổng số thuế thu nhập cá nhân thu được, vì riêng người nước ngoài đã nộp đến 2/3 tổng số thuế.

Số còn lại là những người làm ở khu vực trong nước, thuần túy chỉ chiếm 1/410% số thuế.

Đến đây, ai cũng có thể nhận ra sự phi lý. Cả khu vực kinh tế trong nước có khoảng 50 nghìn người có thu nhập trên 5 triệu? Gấp năm gấp mười lần còn chưa tin nổi.

Quá nhiều người đang trốn thuế

Theo số liệu thống kê, hiện tại, cả nước có trên 200 nghìn doanh nghiệp nội địa. Giả định rằng, chỉ cần tất cả các giám đốc doanh nghiệp đều đóng thuế thu nhập cá nhân thì số người đóng thuế sẽ cao hơn hiện tại thêm nhiều lần.

Thực ra, tính toán một cách khiêm tốn thì bình quân mỗi doanh nghiệp cũng có từ 5-10 người có thu nhập trên 5 triệu đồng. Thậm chí, những ông chủ các doanh nghiệp này có mức thu nhập hàng chục tỷ đồng một năm không phải là hiếm.

Ngoài ra, còn một số rất lớn hiện đang trốn thuế thu nhập cá nhân, mà nếu tính toán một cách sòng phẳng, sẽ thấy rằng con số lên đến hàng triệu.

Công bằng ở đâu?

Khi xét về tính công bằng của một sắc thuế, người ta thường xét công bằng theo chiều ngang và công bằng theo chiều dọc.

Công bằng chiều ngang là những đối tượng như nhau phải được đối xử như nhau. Công bằng chiều dọc là những đối tượng khác nhau phải được đối xử khác nhau. Mà cụ thể, những người có thu nhập cao hơn phải chịu tỷ lệ nộp thuế nhiều hơn. Hai điều này hình như chưa được bảo đảm trong sắc thuế thu nhập cá nhân hiện nay.

Thuế thu nhập cá nhân ở Hoa Kỳ được xem là tương đối công bằng vì chỉ có khoảng 1% số người giàu nhất đóng đến 30% tổng số thuế thu nhập cá nhân, 30% người có thu nhập cao nhất đóng trên 80% thuế thu nhập cá nhân. Người giàu hơn đóng thuế nhiều hơn đã đảm bảo tính lũy tiến của thuế.

Ở VN, nếu loại trừ khu vực có yếu tố nước ngoài, những người phải đóng thuế “chẳng đặng đừng” thì có thể nói rằng, thuế thu nhập cá nhân hiện tại là một con số không tròn trĩnh.

Thực ra, thuế thu nhập cá nhân hiện tại chỉ thu được từ những người hưởng lương, những người có thu nhập ở mức vừa phải. Những con “cá to” hầu như còn chưa bị "sờ" đến.

Trừ một ngưỡng nhất định, thì hầu như, thuế thu nhập cá nhân ở VN hiện nay đang có tính lũy thoái. Những người có thu nhập thấp hơn phải chịu thuế nhiều hơn còn những người có thu nhập cao hơn (do trốn thuế) chỉ chịu suất thuế thấp hơn.

Hiện tại là như vậy. Nếu hạ mức sàn đóng thuế thì những người làm công ăn lương sẽ không thể thoát khỏi lưới thuế. Còn những con “cá to” sẽ như thế nào vẫn là một dấu chấm hỏi rất lớn.

Một cải cách thuế mà có thể làm trầm trọng thêm sự bất công đi ngược lại với mục tiêu xây dựng xã hội công bằng dân chủ văn minh liệu có nên làm? Cách tốt nhất là Bộ Tài chính nên học hỏi kinh nghiệm của những nước khác để thu thuế từ những “con cá to” đang trốn thuế.

Xin đừng bắt những người nghèo hơn phải chịu thêm gánh nặng thuế khóa.

  • Thảo Nguyên 


Ý kiến của bạn:

,
,