Kì vọng mới vào giáo dục!
(VietNamNet) - Một đất nước hạnh phúc khi có truyền thống hiếu học làm bệ đỡ cho khát vọng ngày mai cất cánh. Nguồn vốn vô tận ấy phải được nâng niu, trân trọng, được khơi nguồn để lớn mãi lên.
Cũng vì thế nên, những bức xúc, bất cập của nền giáo dục trở thành bức xúc của mỗi người, mỗi nhà, là chuyện hệ trọng của một đất nước có tới hơn hai mươi triệu người tới lớp. Có lúc, trăn trở của những người tâm huyết với giáo dục tưởng như đã rơi vào im lặng. Có lúc, sự vô cảm dường như đã thắng thế trong môi trường không ít quan chức ngành giáo dục còn say sưa với dự án, tất bật với những chuyến đi du lịch, “học hỏi” nước ngoài, mà chưa quan tâm nhiều đến nỗi xót xa của những phụ huynh thấy con em mình cặp sách còng lưng, ngày tất bật mấy buổi “vào lò”! Những lời hứa lặp đi, lặp lại, những lời lẽ thoái thác đổ trách nhiệm cho địa phương, cho cơ sở… Nỗi buồn của nền giáo dục nước nhà khi dân trí bị mai một, học đường lắm lúc cũng xôn xao chuyện bán mua, “bằng thật, học giả” khó lường… trĩu nặng.
Thế nhưng, kì vọng về một đất nước trọng trí thức, yêu quý nhân tài vẫn cháy lên trong không ít người tâm huyết với giáo dục.
Những người thầy miệt mài trong lớp học tình thương dưới chân cầu Chương Dương cho trẻ em cơ nhỡ. Những cô giáo sải bước chân lên vùng cao heo hút, cả năm không dám một lần về thăm nhà, vì đường quá xa đã đành, hơn thế lại sợ về rồi, không dứt ra được nữa… Đặc biệt trân trọng là những người thầy lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực, gian lận trong thi cử, “đội đá vá trời”, quyết chống lại căn bệnh thành tích đã thành mãn tính. Họ dám đối mặt với áp lực từ nhiều phía, dám chấp nhận những thử thách của xã hội, chỉ với tâm niệm một nền giáo dục đàng hoàng phải bắt đầu từ chữ “nghiêm” trong khoa cử. Chữ “nghiêm” để chọn người tài. Chữ “nghiêm” để luyện rèn người đức độ. Chữ “nghiêm” để nghề thầy thực sự được tôn vinh, để nền học vấn nước nhà thực sự có nền, có gốc…
Ngọn lửa nhỏ đã cháy bừng lên nhờ sự lên tiếng của công luận, sự sẻ chia từ những người thầy tự trọng, những nhà hoạt động xã hội năng nổ và cả những người dân bình thường. Những lá thư tâm huyết gửi về vị tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục với mong mỏi chấn hưng giáo dục, tin tưởng người đứng mũi chịu sào có tâm, có đức sẽ tạo nên đổi thay tích cực... Đã rất lâu mới thấy những bức thư như thế, những bức thư đồng nghĩa với sự tin tưởng, đồng nghĩa với sự kì vọng vào tương lai.
Bắt đầu một mùa thi ĐH với bao phấp phỏng. Nhưng đã có những tín hiệu tốt lành như cơn gió mát làm dịu đi cái nóng mùa hè. Hy vọng đó không phải là ảo ảnh trên sa mạc, khi những người bộ hành quá mong nguồn nước mát mà tưởng tượng ra những dòng sông. Niềm say sưa học hành là hạnh phúc cho dân tộc, và giáo dục phải đem đến niềm vui, hạnh phúc cho mỗi gia đình từ những đổi thay đúng nghĩa!
-
Đỗ Chí Nghĩa
Ý kiến của bạn: