'Giảm nửa số công chức để chống tham nhũng'
(VietNamNet) - Ông Thành nói rằng, có những người bắt buộc phải tham nhũng để sống. Vì vậy, muốn chống tham nhũng một cách hiệu quả cần có một cuộc cải cách hành chính triệt để.
- Chúng ta quay lại thời bao cấp một chút. Lương tôi khi ở bộ đội là 60 đồng, nộp chế độ ăn đại táo (ăn tập thể) 18 đồng, như vậy là còn 42 đồng để lo cho gia đình. Kể cả những người mới ra trường cũng vẫn có thể sống được bằng đồng lương. Nhìn vào đó thì ai cũng có thể thấy rằng thời đó người ta rất khó giàu nhưng vẫn sống được.
Còn bây giờ ta thử đưa một mức lương tối thiểu ra và so với các nhu cầu tối thiểu còn lại thì tất cả mọi người đều hiểu rằng không ai có thể sống bình thường được. Ví dụ lương tối thiểu của một công chức là 400 ngàn/tháng nhưng đi đường phạm lỗi bị công an thổi phạt là mất 200 ngàn - mất nửa tháng lương. Như vậy là Nhà nước mặc nhiên "nói" với người bị phạt là "anh" lấy đâu ra tiền tôi không biết nhưng anh phải kiếm đủ tiền để nộp phạt. Trong điều kiện như vậy mà chúng ta nói chuyện chống tham nhũng là không thực tế.
Tham nhũng là gì, là mọi người lấy cái gì không phải là của mình. Không có nước nào không có tham nhũng nhưng ở các nước khác quan chức muốn làm giàu thì người ta tham nhũng.
Còn ở ta, nên có cái nhìn thực tế để phân biệt công chức tham nhũng thành hai loại: Loại thứ nhất tham nhũng để làm giàu (dù có tiền rồi nhưng vẫn cứ tham nhũng cho giàu thêm, lợi dụng vị trí của mình để đục khoét); loại thứ hai là tham nhũng để tồn tại. Nếu bỏ tất cả vào một "rọ" rồi gọi là tham nhũng thì vô hình trung, chúng ta đã... chống gần như cả hệ thống công chức. Mà như vậy là không thực tế, mà rồi sẽ đẩy đến hệ quả: Công cuộc chống tham nhũng chì còn là hô hào, trên giấy tờ, trong các hội nghị.
Chống việc "xã hội hoá phong bì"?
- Như vậy theo lý, những người dù có lấy 1 đồng tiền không chính đáng (đục khoét của công, nhận phong bì hối lộ...) đều có thể gọi là tham nhũng. Nhưng phần lớn công chức lại không sống bằng đồng lương trên giấy tờ; trong đó có những người có nguồn thu nhập chính từ phong bì (Có thể là do vị trí công việc của họ mà phong bì tự chạy đến hoặc là tự những công chức đó gây nhũng nhiễu để có phong bì). Vậy theo anh, làm thế nào để chống việc "xã hội hoá" phong bì này?
- Phong bì là lệ. Lệ này có do những kẽ hở của những văn bản, pháp quy. Nếu những quy định trong văn bản pháp quy không sát với thực tế thì bắt buộc người dân phải "lách" còn cơ quan quản lý thì có cớ để "hành".
Ví dụ như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm trong nội thành: Vì không sát với thực tế nên quy định này đã bị phá sản nhưng khi mới ban hành, nếu ai đó vi phạm mà bị "tóm" thì người ta sẽ đưa (nhận) và "tội" được xí xoá.
Rồi quy định đến kho bạc nộp tiền phạt vi phạm giao thông sẽ khiến những ai dù nghiêm chỉnh nhưng quá bận rộn sẽ cố năn nỉ để đưa phong bì tại chỗ nhằm giải quyết công việc cho nhanh. Kể cả việc đăng ký kết hôn, ly hôn, khai sinh, nhập hộ khẩu... đều bị "nạn" phong bì rất nặng.
Vì sao vây? Vì những quy định rất rắc rối, và đôi khi không thực tế, hoặc lòng vòng khiến người dân phải dùng phong bì để giải quyết.
Đó chỉ là công việc riêng lẻ của từng công dân, doanh nghiệp còn khổ hơn vì họ phải "chạm" đến nhiều cơ quan công quyền. Việc doanh nghiệp phải dùng tiền để bôi trơn các cấp quản lý như thế nào thì báo chí, sách vở cũng nói đến nhiều và anh biết, tôi biết, xã hội biết nhưng chỉ khi cơ quan nào đó có "chuyện", chuyện mới bị lôi ra. Còn lại thì người ta chấp nhận với việc "hành doanh nghiệp" như sống chung với lũ.
Vì sao vậy? Nhiều người nói rằng tiền bôi trơn là cách điều chỉnh thu nhập vì lương công chức thấp quá! Nếu truy đến tận cùng thì không một công chức nào sống bằng đồng lương thực sự cả. Tính ra, hai vợ chồng lương cộng lại khoảng 3 triệu đồng có thể mua xe, làm nhà, nuôi con đi học không?
Lương công chức chỉ là danh nghĩa nên việc cán bộ thuế, hải quan, công an, thanh tra... nhận tiền phong bì cũng là bình thường (Mà có khi không nhận phong bì mới là không bình thường). Đó là chưa kể đến những quy định, quản lý chồng chéo, phi lý khiến động vào doanh nghiệp nào cũng có chuyện. Vì thế nên nhiều doanh nghiệp thấy có "kiểm tra", "thanh tra" là toát mồ hôi, nghĩ đến chuyện đưa phong bì cho xong chuyện.
Một khi người đưa và người nhận đều thoả hiệp cao rồi cho là đây là một chuyện rất bình thường thì tôi cho là chúng ta phải nhìn nhận một cách thực tế hơn về hai vấn đề: văn bản, pháp quy và lương công chức.
Giảm hơn một nửa người ăn lương?
- Như vậy, theo anh là cần tăng lương cho công chức?
- Đúng như vậy! Cần phải trả lương cho người ta đủ sống trên mức trung bình, nói tóm lại là phải đúng với nhu cầu trung bình và cần phải đưa tất cả những thu nhập "ưu đãi" vào lương (điện thoại, nhà cửa, xe cộ...).
- Thưa anh, có lẽ Chính phủ nhiều nhiệm kỳ đều mong muốn làm được như vậy nhưng chiếc bánh ngân sách thì nhỏ mà đội ngũ ăn lương lại quá đông?
- Vấn đề là ở đó. Cho nên đã nhiều lần tôi nói rằng nạn lãng phí còn đáng sợ hơn tham nhũng. Để những người không đủ năng lực, đạo đức trong hệ thống là lãng phí "chỗ ngồi", lãng phí cơ hội của người khác và làm hỏng bộ máy.
Từ ngày thành lập Đảng, từ thuở giành độc lập ban đầu cho đến thời kỳ thống nhất đất nước, để có được thắng lợi, chúng ta đã có nhiều sự hi sinh. Cho đến bây giờ, chúng ta cũng cần sự hi sinh. Nếu... "hi sinh" - giảm đi 2/3 số người (hai phần ba chứ không phải là một nửa) cho họ nghỉ và hưởng nguyên lương thì chắc gì hệ thống Nhà nước này không hoạt động có hiệu quả?
Cái khó là làm sao chúng ta có một “đầu lọc” tốt để chọn ra những người thực sự làm việc có hiệu quả để giữ lại và trả lương không những để họ đủ sống mà còn tâm huyết và nguyện cống hiến hết khả năng của mình. Những người ra khỏi hệ thống công chức vẫn phải trả lương cho họ cao hơn mức đủ sống. Tôi cho đây là sự hi sinh cần thiết để chúng ta có một bộ máy hành chính mạnh và sạch.
Muốn các cơ quan hành chính chọn đúng người làm được việc và cần thiết để giữ lại thì cần có chế độ khoán việc cho người đứng đầu và cho họ quyền đối với nhân sự của cơ quan mình. Một Bộ trưởng muốn hoàn thành tốt công việc mà Chính phủ giao (được giám sát bằng hệ thống giám sát độc lập, khách quan) thì bắt buộc họ phải chọn những người dưới quyền thực tài và tận tâm.
+ Về thu nhập: Ngoài mức lương cơ bản mà Nhà nước ấn định nên có thêm những mức lương mềm cho những người thực sự tài: Những người có sáng kiến đặc biệt đem lại hiệu quả cao cho nền kinh tế; Những người mà trong mỗi cơ quan khó mà thiếu được họ. Nếu không làm được như vậy thì Nhà nước sẽ không có được đội ngũ chuyên gia xuất sắc.
+ Tạo cơ chế chủ động tài chính cho các doanh nghiệp để họ có thể trả lương cao cho các nhân viên xuất sắc. Quản lý Nhà nước chỉ “soi” hoạt động của các doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp.
+ Để cái gánh ngân sách không quá nặng trên vai mình, Nhà nước không nên “ôm” những gì mà người dân có thể làm được. Hiện nay, chỉ riêng hai ngành Giáo dục và Y tế cũng đã chiếm một phần lớn trong tổng quỹ lương. Nếu chúng ta thực hiện kế hoạch xã hội hoá y tế, giáo dục – Nhà nước chỉ bao cấp miền núi và những vùng thực sự khó khăn thì cũng đã đỡ rất nhiều mà lại tạo ra sự năng động cho xã hội.
Xin cám ơn anh!
-
Lương Thị Bích Ngọc (thực hiện)