Cần gọi sự vật đúng tên
(VietNamNet)-“Nói không với tiêu cực trong thi cử và với bệnh thành tích trong giáo dục” đang là cuộc vận động của thầy và trò trong hệ thống giáo dục-đào tạo. Như thế cũng có nghĩa là đòi hỏi toàn xã hội “nói không” với những tật bệnh đó, vì giáo dục và đào tạo nằm ngay trong từng tế bào xã hội, không một gia đình nào trên đất nước ta lại không có mối liên hệ với lĩnh vực rộng lớn này. Nhưng,cái gọi là “bệnh thành tích”, thực chất là gì?
Từ Điển Tiếng Việt NXBKHXH 1988 định nghĩa “thành tích” là “kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được”. Ở mục từ “bệnh”, có nói đến 3 cách hiểu, ở cách thứ 3 là : “thói xấu hoặc khuyết điểm về tư tưởng, làm cho có những hành động đáng chê trách hoặc gây hại”, và dẫn ra 3 ví dụ : “bệnh nói chữ”, “bệnh tả khuynh”, “bệnh địa vị”. Có thể gần hai thập kỷ trước đây, cái gọi là “bệnh thành tích” chưa phổ biến như bây giờ , nên người làm từ điển chưa đưa vào sách của họ.
Vậy mà, ngay từ năm 1947, trong “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ đã chỉ ra căn bệnh “thành công ít thì suýt ra nhiều, còn khuyết điểm thì dấu đi” chính là bệnh “giả dối”. Vậy, “trọng bệnh” hiện nay mà ngành GD-ĐT quyết liệt lên án và “nói không” với nó, nên và cần gọi đúng tên là “bệnh giả dối”. Cùng tên là “bệnh dối trá”. Và, để dễ hiểu cho đến tận các cháu ở vườn trẻ, lớp mẫu giáo cũng có thể “nói không” với nó, thì đơn giản gọi là “bệnh nói dối”.
Có khá nhiều trường hợp, người lớn đã tập quen cho con trẻ nói dối. Trẻ tự nói dối với chính mình và nói dối với bạn, với cô giáo, do không hiếm những hành vi giả dối, hoặc dối trá của người lớn đã đập vào mắt các cháu mà kể ra đây thì không tiện, nhưng các bậc phụ huynh đều có thể chỉ ra. Rồi trẻ vào cấp 1, lên cấp 2 vào PTTH, lên Đại học, nếu liệt kê ra đây những hành vi dối trá mà trẻ trải nghiệm, tuổi vị thành niên chứng kiến e bất cập! Nếu dám nhìn thẳng sự thật và nói đúng sự thật, sẽ không khỏi giật mình!
Té ra để “nói không” với chúng, lại đòi hỏi phải có bản lĩnh gọi sự vật đúng tên. Ở đây là gọi đúng tên một tật bệnh xã hội đang làm ô nhiễm nặng nề đời sống tinh thần của xã hội. Khi mà con người “phải tự nói dối với nhau mà sống” như một cán bộ từng giữ trọng trách trong Ủy ban kiểm tra của Đảng đã phải bất lực và buồn bã thốt lên, thì đây là một trọng bệnh thuộc về loại “nan y” rồi. Có gọi đúng bệnh, người thầy thuốc giỏi mới kê đơn bốc thuốc đúng.
Chữa căn bệnh dối trá lại dùng thuốc hạ cơn sốt chạy theo thành tích là nhầm thuốc. Nếu vì chạy theo thành tích mà dẫn đến dối trá, thì giai đoạn đầu chỉ là cảm cúm còn giai đoạn sau bệnh đã biến chứng trở thành nan y rồi. Không thể chữa bệnh nan y bằng thuốc cảm! Gian dối trong thi cử, mua bằng bán điểm, vung tiền ra mua học vị, học hàm để dễ kiếm lấy cái ghế ở chốn quan trường,một công đoạn trong đường giây mua bán quyền lực, sao có thể gọi là “bệnh thành tích” được!
Đã có biết bao nhiêu tấm gương tày liếp vượt xa, quá xa chuyện nói dối của học trò. Thì đó, ông Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc, người dám không nói dối với mình, với cuộc đời đã đi tiên phong trong “khoán”, dám giật tung cái mũ “kim cô” khủng khiếp vì “mất lập trường”, vì “quan điểm tư sản”, vì... vì… còn bao nhiêu cái vì khác nữa, mà nay nhìn lại, mới thấy “vô cùng ngạc nhiên sao mà mình có thể quay lưng lại với biết bao sự thật hằng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với những cái giá đắt phải trả” (Phạm Văn Đồng). May mà ông chỉ phải về vườn sau khi chịu đựng những phê phán mổ xẻ quyết liệt, nhất là sau ba bài lý luận búa bổ đăng trên Tạp chí lý luận của Đảng. Nói là may, vì ông bí thư tỉnh ủy ấy chỉ phải về vườn.
Điều này thì cũng không có gì lạ,“mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”! (Ph.Angghen) Cái tập quán khủng khiếp này đã làm thui chột biết bao nhiêu đầu óc dám nghĩ, dám sáng tạo. Khi mà người ta “phải tự nói dối với nhau mà sống”, thì bầu không khí ấy đã đầu độc nhiều thế hệ, nguy hiểm vô cùng. Phải mạnh dạn nói thẳng ra, đặng có đủ dũng khí và quyết tâm rũ bỏ nó. Mà hoàn toàn có thể rũ bỏ được nếu chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật. Cần lưu ý rằng, ở đời, nhiều khi nói một nửa sự thật còn tệ hơn dối. Gọi những hành động trên là chống lại “bệnh thành tích” e không đúng với tầm mức của chúng.
Vậy là lôgic của câu chuyện đã vượt quá xa câu chuyện mà Bộ GD-ĐT đang kêu gọi. Nhưng một giải pháp sẽ là khập khiễng và khó đạt được kết quả như mong muốn nếu không đặt nó vào trong tổng thể, có sự phối hợp đồng bộ của cái tổng thể. Không quá cầu toàn, nhưng nếu chỉ riêng thày trò “nói không” mà xã hội vẫn đang còn quá nhiều “nói có”, kể từ sự nói có ấy ở cả những nơi mà xét về logic hình thức là tuyệt đối không thể có được nhưng vẫn có, thì e rằng chuyện “nói không” kia sẽ bội phần cam go. Vì đó có thể là chuyện “dễ dò rốn bể khôn lường đáy sông”! Giáo dục và đào tạo là một hệ thống có mạng lưới rộng khắp. Song, hệ thống giáo dục-đào tạo ấy lại nằm trong một hệ thống lớn hơn. Chỉ hệ thống nhỏ”nói không” còn hệ thống lớn vẫn còn có chỗ “nói có ” thì chẳng lẽ thầy trò đóng cửa bảo nhau. Cần phải có giải pháp đồng bộ.
Bởi thế, cần gọi đúng tên sự vật để không rơi vào sai lầm của sự đánh tráo khái niệm, dẫn đến những hệ lụy thuộc loại “phúc thống phục nhân sâm” !
-
Tương Lai
Ý kiến của bạn: