,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
847948
Cần "cập nhật" tư duy mới về nhà công vụ
1
Article
null
,

Cần 'cập nhật' tư duy mới về nhà công vụ

Cập nhật lúc 11:45, Thứ Ba, 03/10/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Việc mua bán ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa không chỉ thiếu minh bạch trong chủ trương mà ngay cả chữ nghĩa cũng bị hiểu sai, bị đánh tráo khái niệm. Lỗi là ở cách nghĩ và ứng xử của chúng ta chưa kịp thích nghi với một cơ chế thị trường mà mọi sự vật đều phải gọi đúng tên của nó.

Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Ảnh; TPO

Trong mấy ngày qua, việc mua bán ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa cho ông Hoàng Văn Nghiên đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí. Chuyện tưởng như không có gì đáng nói sao lại lắm ý kiến đến thế. Có hay không hiện tượng tham nhũng? Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau xung quanh hiện tượng này?

Để giải quyết những vấn đề trên, chúng ta hãy tìm lại đúng tên của từng sự việc.

Công vụ - tư vụ

Công vụ - việc công (từ điển tiếng Việt- NXB Văn hóa Thông tin 1998). Nhà công vụ thuộc sở hữu của Nhà nước, dùng để phục vụ việc công. Theo đó nhà công vụ chỉ giải quyết cho những người làm việc công chưa có nhà ở riêng hoặc có nhà riêng ở địa phương nào đó nhưng về Trung ương công tác mà không thể mang nhà đi theo thì được Nhà nước cho thuê nhằm giúp cho cán bộ yên tâm giải quyết công việc chung. Đó là những khái niệm cơ bản mà không mấy khó khăn để hiểu.

Cũng như hàng trăm ngàn cán bộ cao cấp khác, khi được ngồi vào một cương vị mới sẽ được đổi nhà, dù là dưới hình thức cho thuê. Trong nguồn quỹ nhà hàng trăm ngàn mét vuông do Ban tài chính quản trị (TW Đảng) hoặc thuộc Sở Địa chính nhà đất Hà Nội quản lý thường là nhà ở những vị trí đẹp. Khi không còn giữ cương vị công nữa, đương nhiên là không có quyền ở (thuê) nhà công vụ. Chính vì lý do này, nhiều vị "Khai quốc công thần" khi nghỉ hưu cũng trả lại "nhà công vụ" để lui về chốn đời thường như: Đại tướng Văn Tiến Dũng - nguyên Bộ trưởng Quốc phòng đã trả lại nhà (hai mặt phố: Bắc Sơn và Hoàng Diệu). Ông Vũ Oanh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, đã trả nhà mặt phố Ngọc Hà, lui về ngõ nhỏ phố Đội Cấn. Phu nhân nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng cũng đã trả lại biệt thự sau khi chồng bà qua đời...

Tuy nhiên những trường hợp như trên không phải là phổ biến. Do tâm lý của người VN: không nỡ để các vị “khai quốc công thần” có cảm giác hụt hẫng khi mãn nhiệm nên mặc dù đã rời ghế cũ nhưng nhà ở không nhất thiết phải rời.

Không chỉ ông Nghiên mà hàng trăm cán bộ khác cũng vậy, sau khi bàn giao trách nhiệm hầu hết vẫn ở nguyên vị trí cũ, rồi sau đó hợp thức hóa bằng cách “mua lại”. Rõ ràng, nhà được thuê là nhà công vụ, nhằm phục vụ việc công, nhưng họ vẫn ở khi không còn làm việc công nữa (tư vụ). Vậy là không có một cơ chế rõ ràng để phân ra, đâu là công, đâu là tư. Trong trường hợp này, khái niệm công vụ và tư vụ đã bị đánh tráo. Đây là nguyên nhân thứ nhất.

Bán và ban

Bán (cũng theo từ điển tiếng Việt đã dẫn) là hành vi mang hàng hóa đổi lấy tiền. Theo từ điển kinh tế Chính trị, động từ “bán” vẫn được hiểu một cách đúng đắn là trao đổi ngang giá, đồng thuận theo quan hệ cung cầu của thị trừơng. “Trăm người bán vạn người mua”. Hành vi mua bán thường được trao đổi công khai (ở chợ hoặc sàn đấu giá) có nhiều người tham gia. Ai trả giá cao hơn, người đó sẽ giành quyền mua về mình. Giá cả được hình thành theo quan hệ cung cầu, thông qua mặc cả, thông qua đấu giá và các hình thức giao dịch khác.

Với trường hợp ngôi biệt thự ông Nghiên đang thuê, hành vi được gọi là “bán” theo Nghị định 61 nhưng với mức giá từ.... thế kỷ trước. Theo đó, biệt thự này có mặt tiền rộng khoảng 16 m, nhưng chỉ được đánh giá là biệt thự hạng 2, với giá bán 1.290.000 đồng/m2 (giá nhà- không tính giá đất), tương đương với khoảng 1 tỷ VN đồng. Trong khi đó, giới kinh doanh bất động sản đánh giá, với giá thị trường hiện tại, ngôi biệt thự này không dưới 25 tỷ đồng. Rõ ràng trong việc chuyển quyền sở hữu cho ông Nghiên, động từ “bán” ở đây đã bị đánh tráo.

Còn “ban” là động thái cấp cho người dưới. Ban thưởng, ban cho bổng lộc... Ban thường là cho không, cấp không. Nếu quả thực, Nhà nước có thiện chí đãi ngộ cho các quan chức (ban chứ không phải bán) điều hiển nhiên có thể làm được là dùng 24 tỷ đồng (tiền chênh lệch) để phân bổ vào quỹ lương trong 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch của ông Nghiên. Như vậy, mỗi năm, trong quỹ lương của ông Nghiên sẽ có thêm 2,4 tỷ đồng, tương đương với 200 triệu đồng/tháng. Nếu làm thế, không chỉ vẻ vang cho trọng trách chức chủ tịch UBND thành phố mà còn tránh được định kiến là làm quan ở VN quá nghèo, lương 4 triệuđ/tháng chỉ tương đương với thu nhập của một người giúp việc ở Đài Loan.

Cũng có thể “ban” theo cách khác là cấp hẳn, không thu tiền theo đúng nghĩa của từ này. Tuy nhiên để việc “ban” được rõ ràng, minh bạch và tránh lạm dụng, cần phải quy định rõ. “Ban” cho ai, ai được “ban”, “ban” thế nào, cấp nào, chức nào được “ban” bao nhiêu? Từ thời phong kiến, những tướng lĩnh hay tùy tùng theo vua mở mang bờ cõi, giữ vững biên cương, gây dựng cơ đồ, sau khi yên ổn, đều được nhà vua ban thưởng điền trang, thái ấp và cả chức sắc tùy theo mức độ cống hiến. Chuyện ban thưởng không còn là việc lạ với nước ta.

Tuy nhiên, trong một nỗ lực thoát ly khỏi những di chứng của xã hội phong kiến, chúng ta không thừa nhận chuyện “ban”. Quan chức phải là công bộc của dân, là người hy sinh lợi ích cá nhân vì nhân dân... Từ quan niệm đó mà những lợi ích của nhà nước dành cho họ được sử dụng dưới dạng “bán”, một khái niệm có vẻ tư bản hơn, hiện đại hơn. Rằng, họ cũng phải bỏ tiền ra mua chứ có được hưởng không đâu, rằng nhà mà họ ở cũng là nhà của dân, họ phải thuê đấy chứ.v.v... Sự "nhá nhem" khái niệm này là nguyên nhân thứ hai dẫn đến rắc rối.

Của dân nhưng do quan định đoạt

Ngôi biệt thự mà các vị lãnh đạo muốn mua còn nhà nước có chủ trương bán thì việc mua và bán là hoàn toàn hợp lý hợp tình.

Tuy nhiên nhà của công (nhân dân) mà lại được định giá bằng ý chí của quan (thông qua một nghị định cũ rích) thực chất là ý chí của một số quan chức, khiến giá cả không phản ánh đúng bản chất của giá trị. Sự nhá nhem giữa “bán” và “ban” đã làm cho giá cả rẻ như cho không khiến người được mua thu lợi mà vẫn sạch sẽ còn người bán (nhân dân) thì thua thiệt. Gọi đúng tên của sự vật là “sự thất thoát cho tài sản chung”. Tài sản chung ở đây là tài sản cuả dân, không phải của cơ quan nào, cơ quan nhà nước hữu trách chỉ là cơ quan đại diện đứng ra quản lý tài sản cho dân mà thôi.

Tuy nhiên, tài sản của dân lại do một nhóm người định đoạt cũng là một sự đánh tráo khái niệm. Trong trường hợp này, quả thực, nếu nhà nước không có nhu cầu sử dụng, cần bán, phải thực hiện việc đấu giá, cho nhân dân giám sát, nhân dân định đoạt chứ không phải bằng một thông báo do Ban tài chính quản trị Thành ủy hay Sở Tài Nguyên môi trường. Đây là nguyên nhân thứ ba của rắc rối.

Muốn chống tham nhũng trước hết phải công khai, minh bạch. Đây là một nguyên lý đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong buổi làm việc với Ban cải cách hành chính của Chính phủ. Việc mua bán ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa không chỉ thiếu minh bạch trong chủ trương mà ngay cả chữ nghĩa cũng bị hiểu sai, thậm chí bị đánh tráo khái niệm.

Trong trường hợp này, lỗi không phải do ông Hoàng Văn Nghiên hay một quan chức cụ thể nào mà chỉ là cách nghĩ và cách ứng xử của chúng ta chưa kịp thích nghi với một cơ chế thị trường mà mọi sự vật đều phải gọi đúng tên của nó.

  • Hải Lan

Ý kiến của bạn:

,
,