,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
848746
Nếu cải cách hành chính nghiêm như chống bão
1
Article
null
,

Nếu cải cách hành chính nghiêm như chống bão

Cập nhật lúc 06:02, Thứ Năm, 05/10/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - “Nếu cải cách hành chính của ta cũng thực hiện nghiêm và thông suốt được như phòng chống cơn bão này thì rất tốt!” - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng so sánh trong buổi đánh giá tình hình bão số 6.

Soạn: HA 910559 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trao đổi với
Chủ tịch tỉnh TT-Huế về tình hình sơ tán dân chiều 30/9. Ảnh: HC

Phó Thủ tướng nhận định: Mệnh lệnh từ trung ương đến các ngành và các địa phương đã được cấp cơ sở triển khai thực hiện rất tốt, tự giác cao trên tinh thần vì nhân dân phục vụ. Trước sức tàn phá chưa từng có của cơn bão số 6, các địa phương miền Trung đã giảm thiểu được thiệt hại ở mức thấp nhất nhờ có quyết tâm phòng chống bão cao, biện pháp quyết liệt, tổ chức thực hiện nghiêm và thông suốt.

Sự so sánh này không khỏi khiến chúng ta đặt hai vấn đề cạnh nhau, để nhìn lại sự ì ạch trong cải cách hành chính, và cũng từ đó mà hy vọng công cuộc cải cách hành chính sẽ mau lẹ hơn.

Chống bão số 6: Thành công nhờ mệnh lệnh mạnh?

Ngay trước bão, Thủ tướng ra liền 2 công điện khẩn yêu cầu rất cụ thể: Chủ tịch UBND các tỉnh miền Trung phải chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đối phó với cơn bão số 6 theo các nội dung công điện khẩn chỉ đạo của Thủ tướng CP, Ban Chỉ đạo PCLB TW. Đặc biệt, phải tập trung huy động mọi lực lượng, phương tiện để sơ tán, di dời dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. 

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, các địa phương, bằng mọi biện pháp thông tin với số tàu thuyền hiện chưa liên lạc được để hướng dẫn việc tránh, trú bão an toàn, đồng thời để thực hiện việc cứu hộ, cứu nạ n khi cần thiết. Tổng số dân phải di dời tại các tỉnh ảnh hưởng của bão số 6 là 36.773 hộ với 152.504 người. Toàn bộ số dân này phải được di dời xong trước 17h chiều 30/9.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, trong chỉ 1 ngày đã tiến hành sơ tán một bộ phận dân cư lớn chưa từng có trong các cuộc phòng chống bão lụt với hơn 30 vạn người, trong đó hơn 20 vạn người ở các vùng xung yếu nơi cơn bão có thể đi qua. Kể cả khi bão vào, việc sơ tán thêm dân ngoài kế hoạch dự kiến vẫn tiếp tục được triển khai căn cứ theo mức ảnh hưởng của cơn bão và tình hình ngập lụt.

 

Cũng trong thời gian ngắn ngủi trên, kêu gọi vào bờ hoặc hướng dẫn tìm nơi trú ẩn cho toàn bộ hơn 40.000 tàu thuyền với trên 10 vạn ngư dân đang hoạt động trên biển. Trong đó, trên 100 tàu với khoảng 1.000 ngư dân đã vào tránh bão tại các nước và vùng lãnh thổ lân cận…

 

Một khối lượng công việc khổng lồ liên quan tới hàng trăm nghìn người được thực hiện trong 1 ngày. Trước bão, dường như cả nước rộn ràng, sôi sục và cả nín thở dõi theo cuộc sơ tán khổng lồ. Cũng có cả băn khoăn vì thời gian gần đây có bao nhiêu việc chúng ta làm không theo được kế hoạch, liệu lần này có thành công?

 

Thật bất ngờ khi bão cách đất liền cả trăm km thì toàn bộ người dân vùng xung yếu đã được chuyển về chỗ an toàn. Một độc giả viết thư về tòa soạn nhận xét: Trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo sát sao và trực tiếp của Chính phủ, toàn bộ bộ máy chính trị, chính quyền, quân đội, công an… được huy động để sơ tán nhân dân một cách thành công. Có lẽ trên thế giới chưa có cuộc sơ tán dân chạy bão nào thành công như vậy. Hình ảnh bộ chỉ huy tiền phương đặt tại Đà Nẵng với sự chỉ huy quyết liệt, cưỡng chế những người chủ quan đã làm yên lòng nhân dân cả nước.

Kết quả thể hiện rất rõ: Philippines cũng phải gánh chịu bão Xangsane và họ đã bị thiệt hại hơn 200 mạng người, trong khi đó, sau khi bão tan chúng ta thống kê chỉ có 11 người chết (sau đó có tăng lên do lũ và đến chiều 4/10 là 69 người). Dù thiệt hại về người và tài sản là rất lớn nhưng "nếu chúng ta không có chiến dịch vừa rồi, mỗi nhà sập sẽ chết 1-2 người, mỗi con tàu không về kịp bến sẽ chết 10 người thì số người chết của cơn bão vừa rồi sẽ lớn hàng nghìn người. Lúc đó thật không tưởng tượng nổi tang tóc sẽ thế nào", độc giả Lê Văn Khiêm viết. 

Cải cách hành chính: Đã muốn phải được?

Quay lại chuyện cải cách hành chính. Đây là đề tài tốn nhiều giấy mực báo chí vì sự ì ạch của nó. Các chuyên gia vừa báo cáo Thủ tướng: Mặc dù kết quả là đáng ghi nhận, nhưng xét trên tổng thể hiệu quả cải cách hành chính còn thấp, những tác động của cải cách hành chính vào đời sống xã hội, nhất là đối với nhân dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Nền hành chính nước ta còn tụt hậu so với các nền hành chính hiện đại trên thế giới và khu vực.

Ở Hà Nội, trung tâm của cả nước thì sao? Phó Chủ tịch MTTQ Hà Nội Nguyễn Tiến Thắng thẳng thắn nói: ''Lãnh đạo Hà Nội tỏ rõ quyết tâm cải cách hành chính nhưng cấp dưới lề mề, vậy trách nhiệm của ai?''. Theo ông, với cung cách làm việc như vậy thì Hà Nội khó về đích trước cả nước 5 năm (vào năm 2015) về công nghiệp hoá.

Còn ở TP.HCM, nơi được coi là thành phố năng động nhất của cả nước cũng bị sự ì ạch trong hành chính kéo lại. Ông Nguyễn Trung Thông, Phó Ban chuyên trách Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM nói: "Hiện tại, vẫn có một số trường hợp hồ sơ của địa phương gửi lên Bộ - ngành, hoặc một số cơ quan Trung ương khác bị giải quyết chậm trễ, để chờ đợi kéo dài. Hiện tượng trên chủ yếu thuộc các lĩnh vực: đầu tư các dự án lớn, đất đai...".

Sự sốt ruột đã làm rất nhiều người nhớ sự kiện ngày 8/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg về biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp (DN). Chỉ thị nhấn mạnh:

Trước ngày 1/11/2006, tại tất cả các điểm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, những nơi làm việc với người dân, DN của cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện niêm yết công khai:

a) Toàn bộ quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết công việc của người dân và DN; họ tên, chức vụ của những cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc;

b) Quyền, nghĩa vụ của công dân, tổ chức, DN có liên quan đến nội dung thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, tổ chức đó;

c) Quyền và trách nhiệm khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức đối với những hành vi vi phạm, gây phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc; họ tên, chức vụ của người có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết những khiếu nại, tố cáo này.

Tất cả cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm tiếp, làm việc trực tiếp với người dân và DN tại trụ sở phải đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức, ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác.

Độc giả Thanh Thảo viết: "Khi Thủ tướng Chính phủ đứng ra nhận trách nhiệm "thuyền trưởng", phân công phó thủ tướng thường trực làm "thuyền phó" chỉ đạo ngay tại tâm bão, và phân công công việc cùng trách nhiệm rõ ràng, rốt ráo, không nhân nhượng cho những "thuyền viên" là những quan chức đầu những tỉnh bị bão, kể cả lệnh "trảm" ngay những quan chức nào vô trách nhiệm, chính những chỉ đạo thẳng thừng như thế đã đưa cả guồng máy chống bão vào cuộc".

Việc Thủ tướng ra chỉ thị về cải cách hành chính thậm chí còn mạnh hơn công điện về phòng chống bão số 6, chứ không chỉ dừng lại ở chữ "nếu" như so sánh của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. Vậy không có lý gì chúng ta không hy vọng công cuộc cải cách hành chính sẽ mau lẹ như sơ tán dân chống bão để chúng ta có được nền hành chính minh bạch, công khai, đơn giản... như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

  • Phạm Tuấn

Ý kiến của bạn?

,
,