,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
850678
Hai chuyện đau lòng với nhiều câu hỏi ngỏ
1
Article
null
,

Hai chuyện đau lòng với nhiều câu hỏi ngỏ

Cập nhật lúc 09:01, Thứ Tư, 11/10/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Khi những nỗi đau về mất mát sau cơn bão Xangsene còn chưa kịp lắng xuống lại xảy ra hai chuyện đau lòng khác, đó và vụ chìm đò ở Nghệ An với 19 học sinh thiệt mạng và chuyện 600 người dân ở Quảng Bình bị bỏ đói chỉ vì sự bất cập của công tác quản lý và những thủ tục hành chính, cứu trợ.

Có phải  bất khả kháng?

Bến Chôm Lôm, nơi xuất phát của con đò đã bị chìm. Ảnh: Ngọc Bình

Nếu như thảm họa bão Xangsene là sự kiện bất khả kháng, ngoài sự kiểm soát của con người thì chuyện đắm đò ở Chôm Lôm là việc không quá mới mẻ. Chúng ta đã có thể làm tốt hơn để ngăn chặn những thảm họa như vậy.

Thứ nhất, chuyện đắm đò chở học sinh không phải mới diễn ra lần đầu tiên. Còn nhớ cách đây hơn 3 năm, chiều 19/05/2003, một thảm nạn đắm đò tương tự từng xảy ra ở Nông Sơn (Quảng Nam) làm 18 học sinh thiệt mạng. Tại thời điểm đó, báo chí đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo việc đảm bảo an toàn tính mạng cho các em học sinh, không chỉ ở Nông Sơn mà còn với nhiều địa phương vùng sâu vùng xa khác.

Ngay ở Bến đò Chôm Lôm (vực xoáy) nối sang bản Chôm Lôm, có 160 hộ dân, với gần 100 học sinh hàng ngày sang sông đi học, chuyện an toàn cho học sinh cũng đã từng được đánh động. Những người dân ở bản cho biết, từ năm 1960 đến trước sự kiện này, đã có 33 người dân chết đuối. Không kể vụ tai nạn thương tâm này, trong năm năm trở lại đây, đã có hai vụ lật đò, làm 5 học sinh thiệt mạng. Cũng chính vì lý do đó, trong các cuộc họp, người dân bản đã từng nhiều lần đề nghị chính quyền cho làm cầu cứng, hoặc nếu chưa có điều kiện thì làm cầu treo để việc đi lại thuận tiện, an toàn hơn. Nhưng tất cả vẫn chưa được giải quyết.

Mặt khác, Chôm Lôm không phải là bến đò duy nhất trên sông Cả mà chỉ là một trong 3 bến đò của xã Lãng Khê và là 1 trong 114 bến đò trên toàn khu vực (chủ yếu thuộc hai huyện Con Cuông và Đô Lương). Chuyện an toàn giao thông (đường bộ và đường thuỷ) không phải là chuyện mới của ngày hôm nay mà đã trở thành một vấn nạn được cảnh báo từ nhiều năm. Nếu như trên các tuyến đường bộ, chúng ta thấy rất nhiềucảnh sát giao thông sẵn sàng thăm hỏi các phương tiện thì trên các tuyến đường thủy, cảnh sát giao thông đâu hết rồi?

Một trong những quy định không thể bỏ qua với phương tiện chở khách qua sông, là phải có phao cứu sinh. Tuy nhiên với 114 bến đò ngang ở khu vực, ông Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An trong trả lời với báo chí cho biết "cũng có đò có phao nhưng cũng có đò không". Tai nạn ở Chôm Lôm và thiệt hại thảm khốc cũng không nằm ngòai những quy tắc thông thường đã được tổng kết, trong đó có việc chở quá tải và an tòan đường thủy. Vậy cảnh sát giao thông đường thủy đã đi đâu hết và trách nhiệm của họ đến đâu?

Điều thứ ba là, nếu như sau sự kiện Nông Sơn, với sự vận động của các cơ quan truyền thông, hàng vạn đồng bào trong cả nước đã chia sẻ, quyên góp ủng hộ bà con Nông Sơn xây một chiếc cầu mới chấm dứt cảnh đò ngang với những hiểm nguy rình rập, sự việc nhanh chóng rơi vào quên lãng. Khi đi thị sát ở Chôm Lôm, trước thảm họa đau lòng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thế Trung phát biểu “Nhất quyết phải đầu tư xây dựng cầu cho bản Chôm Lôm”.

Điều này đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh với một bản vùng sâu, nhưng, tại sao sự quan tâm này không diễn ra sớm hơn, thậm chí chỉ cần sau sự kiện Nông Sơn?

Chính quyền ở đâu?

Trả lời câu hỏi này không khó bởi, khi sự cố xảy ra, đích thân ông Phó chủ tịch UBND tỉnh đã lập tức có mặt, chỉ đạo việc tìm kiếm thi thể nạn nhân. Ông này cũng cho biết sẽ thuê những thợ lặn tốt nhất để vớt thi thể... Ông Bí thư Tỉnh ủy cũng đã kịp thời có mặt để động viên gia đình nạn nhân. Ông Doãn Anh Thơ, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cũng đã xuất hiện và thông báo, huyện đã quyết định hỗ trợ mỗi gia đình có người gặp nạn 2,5 triệu đồng và 20 kg gạo. Chính quyền vẫn đang huy động lực lượng và người dân tiếp tục tìm kiếm hai bên bờ sông. Công an huyện Con Cuông đã tạm giữ hai bố con ông Lô Quốc Phong để điều tra sự việc....

Đó là những gì mà người dân biết về sự có mặt của chính quyền trước sự kiện kinh hoàng trên. Còn trước đó thì sao? Việc xây một cây cầu nếu quả thật là quá khó với ngân sách địa phương thì vẫn còn cách khác, đó là kêu gọi sự hỗ trợ của các nguồn lực khác trong xã hội, theo như cách mà Nông Sơn đã làm. Thậm chí có thể kêu gọi sự viện trợ của các tổ chức phi chính phủ?

Nếu như chưa thể làm được những việc đó, nếu như các bậc phụ huynh ở Chôm Lôm còn nghèo, còn lạc hậu chưa biết lo cho con em mình, dù chỉ là một chiếc can nhựa hay một chiếc áo phao để qua sông trong mùa mưa lũ, nhưng chẳng lẽ các thầy cô giáo cũng không biết đến điều này sao? Lại còn Đảng ủy, UBND huyện, xã? Chẳng lẽ họ cũng chưa hề biết đến sự kiện Nông Sơn mới diễn ra cách đây có 3 năm, không hề biết rằng hàng ngày con em nhân dân phải cần mẫn vượt qua con sông dữ mới đến được trường?

Nếu như sự kiện Chôm Lôm khiến dư luận đau lòng từ sự bất cập của công tác quản lý thì sự kiện 600 đồng bào bị bỏ đói ở Minh Hoá- Quảng Bình thể hiện sự bất cập của những thủ tục hành chính và công tác xóa đói giảm nghèo.

Mẹ con chị Cao Liên đang nấu nòng nọc để ăn. Ảnh: Lao động

Ba thôn rẻo cao thuộc xã Thượng Hóa vốn đã quá nghèo, người dân sống chủ yếu bằng việc vào rừng tìm củ mài, thu hái lâm sản kiếm tiền. Sau bão là lũ, nước ngập sâu, chặn hết những con đường dân sinh vào bản. Dân bị vây kín bởi nước lũ, hết kế sinh nhai, không được tiếp tế nên bị bỏ đói, đối mặt với thiếu ăn và bệnh tật.

Điều thứ tư đáng lưu tâm đó là, chương trình "Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa"  theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/07/1998 (gọi tắt là chương trình 135) diễn ra đã nhiều năm. Vậy, xã Thượng Hóa đã được đầu tư những gì từ chương trình đó? Hiệu quả của việc đầu tư đến đâu?

Điều thứ năm là, khi những người dân bị bỏ đói, kế hoạch cứu trợ đã có, nhưng sau nhiều ngày vẫn nằm trên giấy. Lãnh đạo xã ở cách ba thôn nói trên chưa tới 4 cây số, cũng chưa có ai vào với bà con để nắm tình hình. "Dân đang đói, dân đang khốn khổ trong lũ, nhưng một bộ phận lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã rời địa bàn đi công tác, những cấp phó ở nhà thì chỉ biết nắm tình hình, báo cáo, làm tờ trình mà vẫn không giải quyết được việc gì".

Phải chăng, người dân bị bỏ đói chỉ vì thủ tục hành chính hay từ sự vô cảm của cán bộ các cấp?

Để nỗi đau không lặp lại?

Khi đưa tin về thảm họa ở Chôm Lôm, VietNamNet đã nhận được hàng trăm bức thư chia sẻ của độc giả cả trong và ngoài nước gửi về. Xin được trích một số ý kiến đáng suy ngẫm. Một bạn đọc viết: “Tôi đã quá ngây thơ khi tin rằng sau vụ chìm đò ở Nông Sơn năm nào, sẽ không còn nỗi đau tương tự! Bởi giản đơn rằng nỗi đau Nông Sơn còn đó, bài học Nông Sơn đỏ tươi màu máu học trò còn đó, không một ai được phép làm ngơ trước bao hiểm họa đang đợi chờ, rình rập các em nhỏ!”

Một bạn đọc khác viết: "Nghe tin cảnh chìm đò, thấy xót xa vô cùng. Nếu đã thấy cảnh các em HS nghèo đi học ở các vùng quê, vì cần cái chữ mà phải cùng nhau chết thảm khi tuổi thơ chưa qua hết, bỏ lại bút mực sách vở với nét chữ ngã nghiêng chắc không ai có thể cầm được nước mắt. Chẳng lẽ vì nghèo, vì thiếu sự quan tâm và trách nhiệm của người lớn mà các em không được sống! Vì sao tai nạn vô cùng thương tâm như thế, nơi này nơi khác vẫn cứ diễn ra. Một việc cỏn con là quản lý, kiểm tra các bến đò chủ đò tuân thủ nguyên tắc an toàn (có phao cứu hộ) cũng không làm được".

Để những sự việc đau lòng như trên xẩy ra là một nỗi đau không chỉ riêng bà con ở Chôm Lôm mà còn là một tiếng chuông cảnh báo sự kém hiệu quả của chính quyền trước những vấn đề dân sinh thiết thực. Để chính quyền của chúng ta là “của dân, do dân, vì dân” thì vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Điều quan trọng không chỉ là giải quyết hậu quả mà là làm tất cả những gì có thể để hạn chế một cách thấp nhất những tai họa đang rình rập với người dân.

  • Hải Lan

Ý kiến của bạn:

,
,