Thuế thu nhập cá nhân: không trừ người có thu nhập thấp
(VietNamNet) - "Nhật Bản mất 55 năm mới có thể hoàn thiện chính sách thuế thu nhập cá nhân, thành công trong việc khuyến khích người nộp thuế chủ động kê khai. Còn VN phải mất ít nhất 20 năm để hoàn thiện chính sách thuế này, trích lời ông Kenichiro Otake - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Nhật Bản. Có lẽ ban đầu chúng ta nên đi những bước đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, và tiến từ từ thay cho việc đưa ra một luật phức tạp, khó hiểu tuy có vẻ hiện đại”. Bình luận của TS Nguyễn Quang A.
>> Miễn thuế lãi tiền gửi: thiên vị người giàu?
Thuế thu nhập cá nhân: Nên tách bạch thu, chi
TS Nguyễn Quang A |
Nhà nước còn lâu mới tiêu vong. Để tồn tại và hoạt động, nhà nước cần chi tiêu. Nó phải chi cho: duy trì quân đội để bảo vệ đất nước; duy trì công an để bảo vệ trật tự trị an; duy trì bộ máy nhà nước để cung cấp các dịch vụ khác cho công chúng, rồi giáo dục, y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, chi trả gốc và lãi vay.v.v... Nói cách khác, nhà nước cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho đời sống, mà chúng ta vẫn coi là nghiễm nhiên và chỉ khi thiếu chúng thì mới thấy hết tầm quan trọng (như khi có cướp bóc, rối loạn, bất ổn xã hội, v.v.).
Tiền cho các khoản chi đó được lấy ra từ đâu? Những khoản thu chính của nhà nước có thể phân thành các loại sau: các khoản thuế và có tính chất thuế; thu từ bán tài sản nhà nước (bán nhà công, cổ phần hóa DN nhà nước, và nhiều nhất hiện nay là bán tài nguyên thiên nhiên); vay trong và ngoài nước.
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, trữ lượng than là 3,5 tỉ tấn, trữ lượng kinh tế chỉ cỡ 1,2 tỉ tấn và mức khai thác bền vững ở Quảng Ninh chỉ nên ở mức 15 triệu tấn/năm. Năm 2005 đã khai thác 34,9 triệu tấn than nguyên khai, 30,2 triệu tấn than thương phẩm (tháng 10 năm nay đã vượt đích 32,5 triệu tấn than thương phẩm!). |
Tài nguyên bán mãi rồi cũng hết. Chúng ta đang bán dầu thô (tạo gần 30% tổng thu ngân sách) và các khoáng sản, chủ yếu là than. Nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ti Dầu khí VN đã phải “cảnh báo để Chính phủ chú trọng phát triển kinh tế bằng gia tăng các nguồn lực sản xuất kinh doanh khác, chứ không chỉ trông vào dầu khí”. Không rõ thu cho ngân sách từ than là bao nhiêu nhưng chắc hẳn không nhiều và sẽ cạn kiệt nhanh chóng, không thể dựa vào chúng một cách lâu dài.
Vay thì thế hệ sau phải trả. Nợ nước ngoài của ta hiện nay cỡ 18 tỉ USD, cộng với nợ trong nước thì khoản nợ cũng không phải nhỏ và nhiều món đã bắt đầu phải trả gốc. Xét cho cùng chúng ta phải trả tất cả, dù hiện tại bằng tiền thuế, hay tiền bán tài sản công, hay chúng ta và con cháu chúng ta phải trả trong tương lai. Không có cách khác. Không ai bố thí cho chúng ta.
Nói như thế để thấy về lâu dài nguồn thu chính của ngân sách là từ các khoản thuế của nhân dân và các doanh nghiệp (DN). Thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế quan trọng. Có thể nói Nhà nước là người cung cấp dịch vụ, người dân, các DN là những người hưởng dịch vụ, và thuế là cách họ “trả tiền” cho các dịch vụ đó, trình bày như thế để thấy nghĩa vụ đóng thuế có cái lí của nó.
Trong tranh luận về thuế không nên lẫn lộn, hay làm phức tạp vấn đề bằng cách không tách biệt việc thu và việc chi ngân sách (nhất là vấn đề tái phân phối). Chi ngân sách sao cho tiết kiệm, có hiệu quả, đỡ thất thoát là việc rất quan trọng, song khi bàn đến thu mà muốn kéo cả các vấn đề chi, và nhất là vấn đề tái phân phối thu nhập vào thì sẽ rất khó bàn, sẽ là lẫn lộn vấn đề và chỉ làm rối chứ không giúp làm sáng tỏ vấn đề. Thí dụ đặt vấn đề “thuế thu nhập phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội” là cách đặt vấn đề gộp có thể gây lẫn lộn như vậy. Theo tôi phải bàn chúng một cách riêng biệt. Ở đây chỉ xin bàn riêng về phần thu.
Tiêu chuẩn đánh giá
Lấy tiêu chuẩn nào để đánh giá dự thảo thuế thu nhập cá nhân? Tôi chỉ xin nêu 4 tiêu chuẩn mà hầu như ai cũng nói đến nhưng không đề cập một cách tường minh và tôi liệt kê theo thứ tự quan trọng của chúng: tính khả thi; tính hiệu quả; tính nhất quán; tính công bằng.
Đầu tiên, một luật thuế không khả thi thì gây tác hại hơn là mang đến lợi ích. Luật càng đơn giản, rõ ràng, càng ít ngoại lệ thì càng dễ áp dụng, dễ thực thi, dễ giám sát, tức là càng khả thi. Tính khả thi còn phụ thuộc vào trình độ của cơ quan thuế, vào hiểu biết của người dân. Cơ quan thuế chỉ có thể nắm “những người có tóc”, phải làm sao càng ngày càng nhiều người “có tóc” hay phải “có tóc” càng tốt. Luật này không thể thu “đóng góp thuế thu nhập cá nhân” của kẻ tham nhũng nếu chúng dùng toàn tiền mặt. Phải trị chúng bằng các công cụ khác (hạn chế dùng tiền mặt, đánh thuế tài sản, nhất là bất động sản, dùng các luật khác nhất là luật chống tham nhũng v.v.).
Thứ hai, trong các phương án khả thi đó tìm ra phương án hiệu quả hơn. Hiệu quả ở đây được đo bằng tốn bao nhiêu chi phí xã hội để thực thi luật thuế ấy. Chi phí thu thuế (kể cả chi phí đào tạo lại nhân viên thuế vụ), chi phí kiểm tra, chi phí của từng người đóng thuế (khai báo, yêu cầu hoàn thuế, v.v.), và các chi phí khác (sửa đổi hệ thống phần mềm quản lí ở mọi cấp, ở mọi DN và tổ chức, v.v.). Một luật thuế đơn giản, nhất quán, không miễn trừ cho bất cứ ai, rõ ràng, dễ hiểu đối với mọi người sẽ giảm thiểu các chi phí nói ở đây, tức là có hiệu quả.
Thứ ba, tính nhất quán là tính trước sau như một, không mâu thuẫn, hạn chế tối đa các trường hợp ngoại lệ, miễn trừ (lí do cho các ngoại lệ và miễn trừ là đáng ngờ và đáng bàn cãi).
Cuối cùng, tuy bản thân cuộc sống là “không công bằng” và không nên đặt “ý muốn về sự công bằng lí tưởng, rất tốt đẹp” làm cơ sở cho tính thuế, nhưng phải nỗ lực sao cho có thể tiến tới sự công bằng hơn. Nên xuất phát từ thực tế và nỗ lực sao cho tình trạng về công bằng được cải thiện hơn trước đó, chứ đừng xuất phát từ ý muốn chủ quan, duy ý chí. Tiêu chí này cũng sẽ được nhắc tới sau đây, khi xem xét dự thảo và phân tích ý kiến.
Lộ trình thực hiện
Dự thảo được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến là một trong nhiều phương án khả thi, tuy còn phức tạp. Còn có quá nhiều ngoại lệ (có 13, mà thực ra là 22 khoản thu nhập không phải chịu thuế. Tại sao lại tước mất cái quyền nộp thuế của các cụ lão thành theo 1.b của Điều 5 chẳng hạn?), phân ra nhiều loại, nhiều bậc (tuy so với các nước phát triển thì có lẽ vẫn chưa phức tạp bằng).
Theo tôi có lẽ nên quy định tất cả mọi thu nhập đều phải nộp thuế không trừ loại nào cả (rất công bằng hay bất công?), và không có mức khởi điểm 4 hay 5 triệu để mà bàn cãi. Có 1 đồng thu nhập thì 1 đồng đó là thu nhập chịu thuế bất kể thu nhập loại gì.
Cho 5 năm đầu nên chỉ có một thuế suất duy nhất (thí dụ 5% hay 10%; với trường hợp cá nhân kinh doanh tự khai cũng có một thuế suất cố định tương tự), không đánh lũy tiến (người có thu nhập ít đóng ít, người có thu nhập nhiều đóng nhiều, công bằng hơn trường hợp không đóng, hay công bằng hơn trường hợp luật thuế phức tạp, có nhiều bậc, đánh lũy tiến, nhìn có vẻ công bằng nhưng do phức tạp nên có nhiều kẽ hở kích thích nhiều người lách). Giảm trừ gia cảnh nên đơn giản hơn để khuyến khích người ta khai. Giảm trừ gia cảnh đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng là một khuyến khích để người dân khai. Khai như vậy làm tăng ý thức công dân và họ có khai thì thì cơ quan thuế mới có số liệu chi tiết!
" Nên quy định tất cả mọi thu nhập đều phải nộp thuế không trừ loại nào cả (rất công bằng hay bất công?), và không có mức khởi điểm 4 hay 5 triệu để mà bàn cãi. Có 1 đồng thu nhập thì 1 đồng đó là thu nhập chịu thuế bất kể thu nhập loại gì". |
Sau 5 năm, khi hiểu biết của nhân dân và của nhân viên thuế vụ đã cao hơn, khi đã tích tụ và tinh chỉnh được các số liệu thu nhập đáng tin cậy thì mới bắt đầu cải tiến, hiệu chỉnh thuế (đánh lũy tiến, nhiều loại thuế suất, v.v.). Cách đánh thuế đơn giản, hiệu quả và nhất quán này làm cho việc lách khó hơn, ít kẽ hở hơn, không tạo cơ hội cho người có quyền “lí giải” theo ý mình để “hành” dân, giảm thiểu nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực. Nó cũng công bằng hơn so với tình trạng công bằng hiện tại (tuy không đáp ứng tính “tái phân phối” triệt để, song có lẽ không thực tế và đáng bàn cãi mà một số người chủ trương).
Thu nhập thấp cũng phải đóng thuế
Tất nhiên kiến nghị trên chỉ ở mức ý tưởng. Nếu muốn phát triển tiếp cần phải thảo chi tiết hơn, có phần riêng cho cá nhân kinh doanh tự khai với thuế suất có thể khác, và đó là công việc của các chuyên gia. Song nó vấp ngay phải mấy vấn đề đang tranh cãi nóng bỏng.
Thứ nhất, nhiều đại biểu QH cũng cho rằng đánh thuế trên lãi tiết kiệm là phi lí và gây tâm lí không hay, là khó khả thi. Tôi có thể cam đoan là về điểm này dự thảo luật rất khả thi. Vì cơ quan thuế nắm các tổ chức tín dụng, những người khá “nhiều tóc”, tạm thu ngay khi thu nhập phát sinh. Người gửi tiền sẽ phải tổng hợp toàn bộ số thuế của mình đã đóng trong kì thuế nhằm mục đích hoàn thuế nếu tổng thu nhập dưới mức chịu thuế như dự thảo và/hoặc để được hưởng chiết trừ gia cảnh (trong kiến nghị của tôi, chỉ để chiết trừ gia cảnh, như thế cũng đủ khuyến khích để người đóng thuế cung cấp thông tin cho cơ quan thuế). Và việc người gửi tiền dùng mẹo “chia nhỏ tiền gửi tại các ngân hàng khác nhau”, như một số đại biểu QH e ngại, là việc làm vô ích (có lẽ đại biểu nêu ý kiến như thế chưa đọc thật kĩ dự luật và giải trình).
Cách đánh thuế trên lãi tiết kiệm như của dự thảo luật không ảnh hưởng gì đến người gửi tiết kiệm và cũng không gây khó cho ngân hàng. Vấn đề là đừng tạo ra tâm lí hoang mang, người gửi tiền biết tính toán lắm. Thế mới thấy việc làm cho rõ, nâng cao nhận thức là quan trọng đến mức nào. Về tính khả thi của các khoản thu thuế nêu ở Điều 21 của Dự thảo luật cũng có thể có ý kiến tương tự, trừ mục f. về thu nhập từ chuyển nhượng, chuyển đổi bất động sản.
" Việc biến tất cả những người có thu nhập thành người nộp thuế góp phần tạo ảnh hưởng giáo dục về thuế sâu rộng sẽ là việc làm rất cần thiết cho những bước cải cách thuế tiếp theo." |
Vấn đề thứ hai là đối với những người hưu trí, những người có thu nhập thấp. Để làm cho tình trạng của họ không xấu đi về mặt tài chính, nhà nước nên nâng mức thu nhập của họ lên đủ bằng mức thuế họ phải nộp khi luật bắt đầu có hiệu lực. Việc này tưởng chừng như vô nghĩa, nhà nước bỏ ra một số tiền, rồi lại thu về đúng số tiền ấy (trừ đi các chi phí làm việc này, như vậy nhà nước bị lỗ). Có đáng làm không?
Theo tôi rất đáng làm vì hai lí do cơ bản: thứ nhất, không gây khó khăn cho người hưu trí, người có thu nhập thấp, góp phần ổn định xã hội. Việc biến tất cả những người có thu nhập thành người nộp thuế góp phần tạo ảnh hưởng giáo dục về thuế sâu rộng sẽ là việc làm rất cần thiết cho những bước cải cách thuế tiếp theo. Tất cả mọi người sẽ biết, nên biết mình nộp thuế từ thu nhập của mình. Cái được về tâm lí, về địa vị người chủ, người nộp thuế nuôi nhà nước, là rất lớn. Chi phí để làm việc này cần phải tính chi tiết, nhưng theo tôi là khá nhỏ.
Theo ý kiến nêu ra trong hội thảo ngày 30-10-2006 của ông Kenichiro Otake - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Nhật Bản, thì Nhật Bản đã mất 55 năm mới có thể hoàn thiện chính sách thuế thu nhập cá nhân, đạt được thành công trong việc khuyến khích người nộp thuế chủ động kê khai thuế. Còn Việt Nam phải mất ít nhất 20 năm để hoàn thiện chính sách thuế thu nhập cá nhân. Nếu chúng ta làm được như nhận xét của ông Kenichiro Otake thì quả là đáng mừng. Có lẽ ban đầu nên đi những bước đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, và tiến từ từ thay cho việc đưa ra một luật phức tạp, khó hiểu tuy có vẻ “hiện đại”. Làm “hiện đại” chưa chắc đã hay, rất dễ thành “hại điện”.
-
Nguyễn Quang A
Ý kiến của bạn: