,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
864606
Bỏ phiếu PNTR: Chuyện bên trong nước Mỹ
1
Article
null
,

Bỏ phiếu PNTR: Chuyện bên trong nước Mỹ

Cập nhật lúc 03:55, Thứ Tư, 15/11/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Trước ngày 13/11/2006, dư luận Việt Nam và Mỹ đều vui mừng và tin tưởng dự luật về Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, việc Hạ viện Mỹ không thông qua dự luật này vào ngày thứ Hai 13/11 đã làm cho nhiều người ngạc nhiên và thất vọng. Vậy điều gì đã xảy ra?

Soạn: HA 955993 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Một quang cảnh ở Hạ nghị viện (ảnh: marloweco.com)

Ở Mỹ, việc thông qua một đạo luật phải lần lượt qua ba công đoạn: Hạ nghị viện, Thượng nghị viện, và Tổng thống phê chuẩn.

Tại Hạ nghị viện

Bốn hình thức bỏ phiếu tại Hạ viện

Suspension Calendar
Hình thức bỏ phiếu nhanh, chỉ được thực hiện vào hai ngày trong tháng: ngày thứ Hai đầu tiên của tháng và ngày thứ Hai sau đó 2 tuần. Qui chế bỏ phiếu nhanh có hai đặc điểm: thứ nhất là hạn chế thảo luận, các nghị sĩ chỉ bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý mà không thảo luận về từng điều khoản trong nội dung. Thứ hai, bỏ phiếu nhanh cần phải đạt 2/3 số phiếu để dự luật được thông qua. Chính vì vậy cuộc bỏ phiếu nhanh thường chỉ áp dụng cho những dự luật có mức độ đồng thuận cao.

Union Calendar
Đây là hình thức bỏ phiếu thông thường cho các dự luật về thuế và ngân sách (cũng như nhiều dự luật khác). Các nghjị sĩ có thời gian để thảo luận chi tiết và có thể đề nghị điều chỉnh một số điều khoản trước khi bỏ phiếu. Trong trường hợp này, dự luật chỉ cần quá bán là được thông qua.

House Calendar
Tất cả các dự luật công cộng khác đều có thể đưa vào hình thức này, và chỉ cần quá bán là được thông qua.

Private Calendar
Tất cả các dự luật liên quan đến cá nhân, ví dụ như nhập cư, ly hôn… được đưa vào hình thức này và chỉ được xét trong ngày thứ Ba đầu tiên trong tháng.

Theo quy chế của Hạ viện Mỹ, một dự luật có thể được bỏ phiếu theo một trong 4 hình thức. Vào ngày thứ Hai 13/11, các lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã tự tin chọn hình thức bỏ phiếu nhanh (tên chuyên môn là Suspension Calendar).

Điều tốt ở đây là mọi người đều tin tưởng dự luật PNTR với Việt Nam có mức độ đồng thuận cao. Điều không may là sự tự tin đã đi hơi quá. Kết quả bỏ phiếu đã không đạt được tỉ lệ 2/3 như mong đợi.

Các lãnh đạo của đảng Cộng hòa trong Hạ viện đã tuyên bố sẽ đưa dự luật ra bầu lại vào ngày thứ Tư 15/11 theo hình thức bỏ phiếu thông thường (Union Calendar). Theo cách này thì chỉ cần 218 phiều để thông qua, trong khi hiện đã có 228 phiếu thuận (Tất nhiên trừ trường hợp một số Hạ nghị sĩ đổi ý trong vòng chưa đầy 2 ngày).

Tại Thượng nghị viện

Có lẽ trở ngại lớn nhất ở Thượng viện là dự luật không được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu. Hình thức ngăn cản này thường xuyên được sử dụng. Còn nhớ hồi năm 2001, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật về nhân quyền ở Việt Nam. Bằng cách không đưa ra bỏ phiếu, Thượng viện đã để cho dự luật chìm trong lãng quên.

Khi dự luật PNTR với Việt Nam sắp được đưa ra Thượng viện trong lần này, có những phản đối như sau:

- Thượng nghị sĩ Mel Martinez không đồng ý đưa ra bỏ phiếu vì một công dân của bang Florida vẫn đang bị tù ở Việt Nam. Điều này đã được gỡ bỏ khi Chính phủ Việt Nam với chính sách nhân đạo đã giảm án tù cho Nguyễn Thương Cúc vào ngày 13/11/2006.

- Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Peru vẫn đang xếp hàng trước PNTR với Việt Nam để chờ Thượng viện thông qua. Đang có vài ý kiến đòi bỏ phiếu cả hai dự luật cùng một lúc. Một số nghị sĩ ủng hộ tự do thương mại muốn để FTA với Peru "ăn theo" PNTR với Việt Nam. Một số vị phản đối tự do thương mại lại muốn dùng lý do FTA với Peru để trì hoãn PNTR với Việt Nam.

- Một số nghị sĩ vẫn thường viện dẫn về tự do tôn giáo ở Việt Nam, tuy nhiên, lý do này đã không còn căn cứ khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/11 đã rút tên Việt Nam khỏi danh sách “cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo”.

Với Tổng thống Mỹ

Tổng thống George Bush từ lâu đã ủng hộ việc Việt Nam gia nhập WTO và quy chế PNTR đối với Việt Nam. Khi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mỹ vào tháng 5/2006, mọi người đều kỳ vọng một lời của Tổng thống là “ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO”. Kết quả, lời của Tổng thống là “Ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam sớm gia nhập WTO”.

Trong khi dự luật PNTR tiến gần đến ngày bỏ phiếu tại Quốc hội, Tổng thống Bush đã hơn một lần lên tiếng yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu thông qua cho dự luật này.

Bối cảnh đặc biệt của PNTR hiện nay

Thứ nhất, việc bỏ phiếu lần này diễn ra ở một bối cảnh chuyển giao thời khi bầu cử quốc hội đã xong nhưng những đại biểu cũ vẫn tại vị và những đại biểu mới chưa tham gia. (Thuật ngữ chính trị Mỹ gọi đây là “lame-duck session”). Đặc biệt hơn nữa là hiện tại đảng Cộng hòa vẫn còn giữ đa số tại cả hai viện nhưng sang đến tháng Giêng 2007 đa số ở cả hai viện sẽ chuyển vào tay đảng Dân chủ.

Thứ hai, Tổng thống Bush không hề giấu giếm hy vọng PNTR được thông qua, để ông có một món quà trong tay khi đến Việt Nam vào cuối tuần này. Thời gian rất ngắn, và những nghị sĩ ủng hộ ông cũng như không ủng hộ ông đều biết rõ điều đó.

Thứ ba, điều trớ trêu nhất là trong số những người không đồng ý thông qua PNTR trong kỳ này lại có những người xưa nay rất ủng hộ PNTR đối với Việt Nam. Do Chính phủ Mỹ đưa ra cơ chế giám sát và tự điều tra phá giá với hàng dệt may, những người phản đối cơ chế này hàm ý là “thà có PNTR chậm nhưng hoàn hảo còn hơn có PNTR sớm nhưng bị hạn chế”.

Câu chuyện hàng dệt may

Ngày 19/9, hai Thượng nghị sĩ Elizabeth Dole (vợ của nguyên ứng cử viên Tổng thống năm 1996, Bob Dole) và Lindsey Graham đưa ra yêu cầu “không đưa PNTR với Việt Nam ra bỏ phiếu” vì lý do phải bảo vệ ngành dệt may của Mỹ. Thực ra điều này vô lý vì hai vị này đại diện bang Bắc Carolina và Nam Carolina là hai bang mạnh về trồng bông và dệt, trong khi Việt Nam chỉ mạnh về may mặc!

Ngày 28/9 chính phủ Mỹ đưa ra cơ chế giám sát và tự động điều tra phá giá với hàng dệt may Việt Nam để giải tỏa bức xúc của hai Thượng nghị sĩ nói trên. Lập tức, ngày 29/9 hai Thượng nghị sĩ Dole và Graham tuyên bố rút lại yêu cầu của mình.

Ngày 3/11, đến lượt hai Thượng nghị sĩ Gordon Smith và Dianne Feinstein đã gửi thư cho Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại của Chính phủ Mỹ hàm ý “không đưa PNTR với Việt Nam ra bỏ phiếu” để phản đối cơ chế giám sát và tự động điều tra phá giá mà chính phủ đã đưa ra.

Thông thường Bộ Thương mại Mỹ chỉ tiến hành điều tra phá giá khi có doanh nghiệp khởi kiện. Với cơ chế tự điều tra, Bộ Thương mại có quyền điều tra mà không cần ai khởi kiện.

Cũng phải ghi nhận là trong suốt 25 năm qua, cơ chế tự điều tra phá giá (self-initiation) chỉ có ba lần được đem ra sử dụng, với mặt hàng thép, gỗ, và bán dẫn. Tuy nhiên, những người kỳ vọng vào sự “hoàn hảo” có lẽ lại đang góp phần làm chậm PNTR với Việt Nam!

Các tình huống dự kiến

Đến nay, Hạ viện hoãn thông qua dự luật PNTR với Việt Nam vào ngày 15/11 theo hình thức bỏ phiếu thông thường.

Vướng mắc lớn nhất chỉ có thể ở Thượng viện Mỹ. Nếu Thương viện Mỹ để đến tháng 12/2006 mới đưa ra bỏ phiếu, một khó khăn cho Tổng thống Bush là ông không thể tuyên bố khi đến Việt Nam: tôi đã phê chuẩn PNTR.

Và nếu đến tháng 12/2006 mà Thượng viện vẫn không thông qua, không ai biết được điều gì sẽ xảy ra vào tháng Giêng năm 2007, khi các nghị sĩ mới được bầu bắt đầu vào cuộc. Một số trong họ đã hứa hẹn bảo hộ trong quá trình tranh cử vừa qua.

Tất nhiên, những người ủng hộ thương mại tự do ở Mỹ không hề mong muốn điều đó xảy ra.

  • Bùi Văn

Ý kiến của bạn đọc:

,
,