,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
879270
Giáo dục: "Ốc đảo" giữa thị trường?
1
Article
null
,

Giáo dục: 'Ốc đảo' giữa thị trường?

Cập nhật lúc 08:57, Thứ Bảy, 23/12/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Cuộc giao lưu trực tuyến vừa qua của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có sức hút đặc biệt. Ngoài 300 câu hỏi gửi tới báo điện tử của Đảng, con số kỷ lục hơn một ngàn câu hỏi gửi qua VietNamNet đã thể hiện sự quan tâm rất đáng biểu dương của cả người hỏi và người trả lời. Tuy nhiên, có một điểm lạ đáng lưu ý.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong buổi giao lưu. Ảnh: Lan Hương

Nếu đọc kỹ tất cả các câu hỏi thì sẽ thấy một điều rất rõ: đây chỉ là cuộc đối thoại giữa những người “trong ngành”, những người tiếp thu tri thức và cung cấp kiến thức. Hoàn toàn vắng tiếng nói của doanh nghiệp, là khu vực chính đang và sẽ sử dụng sản phẩm của ngành giáo dục?

Tại sao các doanh nghiệp không tham gia đối thoại với lãnh đạo của ngành giáo dục? Họ không liên quan gì? Họ là người ngoại đạo? Họ mặc cảm thấp kém hơn về trình độ? Hay họ không tin là ngành giáo dục sẽ quan tâm ý kiến của họ?

Nhà trường và doanh nghiệp chẳng nhìn nhau

Có một điều chắc chắn: hiện nay giới doanh nghiệp không thỏa mãn với chất lượng đầu ra của ngành giáo dục.

Công cuộc chống tiêu cực trong giáo dục do Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng đang được xã hội hết sức ủng hộ. Hãy giả định là công cuộc này sẽ thành công. Thày dạy trung thực và trò học trung thực, để tất cả các học sinh ra trường được trang bị kiến thức. Nhưng liệu những kiến thức đó có đúng là thứ doanh nghiệp cần? 

Tại TP. HCM có một công ty chuyên viết phần mềm đồ họa cho các trò chơi. Khi trao đổi về chất lượng nguồn nhân lực của công ty, cả ba vị lãnh đạo của công ty đều chung một nhận định: học sinh Việt Nam rất thông minh sáng tạo, nhưng chương trình giáo dục đại học đã làm hỏng mất khả năng sáng tạo. Công ty phải mất công khôi phục lại khả năng đó.

Hồi giữa năm nay tại Đồng Nai  có một buổi hội thảo tại trường Đại học Lạc Hồng, với Thứ trưởng Bộ Giáo dục Bành Tiến Long tham dự. Từ bàn chủ tọa, bà Tổng Giám đốc Tổng công ty Thực phẩm Đồng Nai đặc biệt than phiền các trường không đào tạo những kiến thức mà doanh nghiệp cần, và cũng không bao giờ hỏi các doanh nghiệp cần gì. Nhưng bà cũng nhận được câu hỏi: vậy doanh nghiệp đã có “đơn đặt hàng kiến thức” cho đại học? Câu trả lời là chưa!

Về phần học sinh, TS Vũ Quang Việt từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã nhận xét: Học sinh Việt Nam đi học là nhằm lên Đại học kiếm bằng cấp thay vì học nghề để đáp ứng với yêu cầu của nền kinh tế. Do đó mà ở cấp trung học, số học sinh các trường chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 14% tổng số học sinh trung học. Tại các nước phát triển cao OECD, tỷ lệ học sinh ở các trường chuyên nghiệp lên tới 45%.

Rõ ràng việc nhà trường và doanh nghiệp không “nhìn mặt nhau” là một nguy cơ lớn, không chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc của cả thầy lẫn trò, mà còn lãng phí cả những thế hệ “bị” trang bị những kiến thức không ai cần đến. Để hai bên đến với nhau, cần phải có những “bà mai”.

Các trường học nước ngoài vẫn công khai những con số: tỉ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm ngay khi tốt nghiệp, tỉ lệ làm việc ở các lĩnh vực khác nhau, thu nhập bình quân khi tốt nghiệp, thu nhập bình quân sau 3 năm ra trường… Các trường ở Việt Nam không chỉ không công bố, mà còn không có khái niệm về thống kê sản phẩm của mình đang ở đâu, và so sánh với sản phẩm của các trường khác như thế nào.

Đó là nhà trường với văn hóa doanh nghiệp: phải có trách nhiệm theo dõi sản phẩm của mình sau khi “xuất xưởng”, để có thể marketing cho thương hiệu của mình, để biết mình đang ở đâu trong các đối thủ cạnh tranh, và để có cơ hội cải thiện những loạt sản phẩm kế tiếp. Văn hóa đó là “bà mai” thứ nhất.

Bao cấp giáo dục theo cơ chế thị trường

Trong kinh tế có một khái niệm rất căn bản là “ngoại tác tích cực”. Khi một sản phẩm hay dịch vụ mang lại lợi ích không chỉ cho người trực tiếp hưởng thụ mà cho cả xã hội, thì xã hội phải tham gia tài trợ. Giáo dục là một ví dụ điển hình: một hệ thống giáo dục tốt hơn sẽ đào tạo ra những con người nhân cách cao hơn, trình độ tốt hơn, và cả xã hội sẽ tốt hơn. Chính vì vậy mà tất cả các quốc gia, từ giàu nhất đến nghèo nhất, đều tài trợ ngân sách cho giáo dục.

Nhưng vấn đề là ngân sách cho giáo dục được sử dụng như thế nào. Cách phổ biến chúng ta đang làm là dựa trên nguyên lý công bằng: ngân sách phân bổ theo số lượng học sinh, và nơi nào càng yếu kém càng có cơ hội được tài trợ nhiều hơn. Điều đó đúng, nhưng có lẽ chưa đủ.

Cơ chế này cũng góp phần làm cho nhà trường không nhìn đến doanh nghiệp. Ngân sách do nhà nước cấp, chương trình do nhà nước qui định. Hầu như chẳng có yếu tố gì liên quan đến doanh nghiệp.

Cơ chế thị trường bổ sung thêm một nguyên tắc nữa: khuyến khích. Nguyên tắc này có phần ngược lại với nguyên tắc công bằng. Thay vì dùng tiền để tài trợ cho chỗ yếu, thì lại dùng tiền để tưởng thưởng cho chỗ giỏi.

Nhiều nước dành phần lớn ngân sách giáo dục cho học bổng và dự án nghiên cứu. (Tất nhiên phần kia của ngân sách được chi theo tiêu chí ưu tiên người nghèo và vùng nghèo). Các trường công và trường tư sẽ cạnh tranh một cách công bằng để dành lấy những dự án nghiên cứu, cũng như để dành lấy những học sinh có học bổng nhà nước. Ai không cạnh tranh được thì phải thu hẹp dần.

Việc áp dụng nguyên tắc thị trường như vậy sẽ không chỉ làm cho hệ thống giáo dục hiệu quả hơn, mà còn làm cho doanh nghiệp thấy gần gũi hơn với nhà trường khi thấy nhà trường với mình có chung một nguyên tắc. Đó là “bà mai” thứ hai.

Việc tưởng thưởng có thể đi xa hơn nữa khi áp dụng cơ chế “đối ứng”: Nếu một nhà trường nhận được một dự án nghiên cứu hay một học bổng của doanh nghiệp, nhà nước sẽ thưởng thêm ngân sách tương ứng với số tiền mà doanh nghiệp tài trợ. Các trường sẽ phải chủ động tìm đến doanh nghiệp để tìm các đơn đặt hàng, nếu không muốn chờ đến khi mình trở thành người đứng ngoài cuộc chơi. Cơ chế đó là “bà mai” thứ ba.

Ốc đảo trên thị trường

Mấy năm trước, khi bắt đầu bàn về trường tư thục, một vị giáo sư rất đáng kính đã tỏ thái độ giận dữ: “Không thể nói chuyện thị trường giáo dục. Nhà trường không phải là cái chợ!” Câu trả lời là: từ lâu sản phẩm của giáo dục đã được thị trường sử dụng theo cơ chế thị trường. Ngay khi bước chân ra khỏi mỗi nhà trường, lập tức là thị trường. Vậy giáo dục có mãi tự coi mình là một ốc đảo?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thú nhận mình mới quay trở lại ngành giáo dục sau 9 năm “ở ngoài”. Nhưng nhìn theo một góc độ khác, điều đó là một lợi thế. Khoảng thời gian lăn lộn trên một địa bàn kinh tế thị trường năng động sẽ giúp ông có đủ ý tưởng và uy tín để lôi kéo doanh nghiệp vào cuộc với ngành giáo dục. Bản thân ông là “bà mai” thứ tư.

Rất có thể Bộ trưởng sẽ có một buổi giao lưu “dành riêng” cho giới doanh nghiệp, để nghe những công ty may mặc nói gì về sản phẩm của giáo dục phổ thông, các công ty công nghệ cao hay thương mại quốc tế nói gì về sản phẩm của giáo dục đại học. Sẽ có thêm những tiêu chí nữa để đánh giá thành quả của ngành giáo dục, không chỉ đơn thuần là những thống kê về tỉ lệ học sinh, hay số lượng tiến sĩ và giáo sư.

Biết đâu, Bộ trưởng sẽ tìm kiếm một Thứ trưởng xuất thân từ doanh nghiệp. Đó là người hiểu rõ nhất: không ai có thể thành công nếu bị tách rời khỏi đối tượng sử dụng sản phẩm của mình. Nhân vật đó sẽ là “bà mai” thứ năm.

Hy vọng những “bà mai” nói trên sẽ nối kết được nhà trường với doanh nghiệp, nối kết hệ thống giáo dục với nền kinh tế. Điều đó quan trọng và cấp thiết không kém gì công cuộc chống tiêu cực trong giáo dục hiện nay.

  • Bùi Văn

 

 

 

,
,